Giáo dục, đào tạo là vấn đề liên quan đến mọi người và mọi nhà nên được cả xã hội quan tâm. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được 18 chất vấn bằng văn bản của các vị đại biểu Quốc hội; Bộ trưởng đã gửi ý kiến trả lời bằng văn bản. Trong gần 2 tiếng trực tiếp trao đổi tại Hội trường, đã có 14 lượt ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo 8 vấn đề Bộ trưởng đã hứa thực hiện tại Kỳ họp Quốc hội khóa trước.

Những nội dung Bộ trưởng trực tiếp đối thoại tập trung vào một số nhóm vấn đề sau:

Về chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng thừa nhận, vẫn còn nhiều bất cập, do tình trạng mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng mới, không đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, dẫn đến chất lượng kém. Bộ trưởng ghi nhận ý kiến của các đại biểu và cho biết, đối với giáo dục đại học, Bộ sẽ triển khai 10 giải pháp để khắc phục những tồn tại, yếu kém. Trong đó, chú trọng các vấn đề: ban hành tiêu chí thành lập trường đại học mới, chặt chẽ hơn; đẩy nhanh việc đào tạo giáo viên, trong đó có Chương trình đào tạo 2 vạn tiến sĩ...; thực hiện “3 công khai, 4 kiểm tra”; bồi dưỡng cán bộ quản lý; đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo đặt hàng của doanh nghiệp…; phấn đấu nâng dần tỷ lệ sinh viên /1vạn dân và nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực.

Trong phát triển bậc học mầm non, Bộ trưởng khẳng định, Bộ đã đặc biệt quan tâm đến bậc học này, nhất là đối với vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong những năm gần đây, đã có nhiều chính sách được thực hiện như lương cho giáo viên, chuyển một số trường dân lập, bán công ở miền núi sang công lập…Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Bộ không thể cùng một lúc giải quyết được tất cả mọi vấn đề.

Đối với, giáo dục miền núi, vùng đồng bào các dân tộc, đã thực hiện một số ưu tiên trong phân bổ kinh phí, định mức cho vùng khó khăn cao hơn gấp đôi, gấp ba lần so với mức bình quân cả nước, có nghĩa là về mặt chính sách, Chính phủ cũng quan tâm như vậy. Thứ hai, đã ưu tiên kiên cố hóa trường lớp cho vùng miền núi và các tỉnh khó khăn. Thứ ba, đã huy động một số dự án nước ngoài như dự án phát triển trường trung học cơ sở vùng đặc biệt khó khăn, hoặc hỗ trợ trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, chương trình giáo dục - đào tạo còn lạc hậu. Chẳng hạn, ở chương trình phổ thông, việc thiết kế môn học còn rời rạc; số lượng môn học phổ thông nhiều và mới đặt nặng việc đo đếm kết quả chủ yếu ở kiến thức thi, kiểm tra, chưa quan tâm nhiều đến việc đánh giá sự trưởng thành, hành vi, khả năng hoạt động tập thể, theo dõi, diễn đạt, thể hiện chính kiến của học sinh. Một bộ phận giáo viên có năng lực sư phạm còn hạn chế. Thực trạng này một phần cũng bắt nguồn từ nơi đào tạo. Trong quá trình giảng dạy, chưa khuyến khích được sự chủ động, sáng tạo, giảm đọc - chép, để vừa dạy chuyên môn, vừa rèn nhân cách. Riêng ở bậc đại học, lực lượng nòng cốt giảng dạy phải là tiến sĩ. Cách đây 5 năm, tỷ lệ tiến sĩ khoảng 15%, nhưng sau 5 năm, do mở thêm nhiều trường đại học, tuyển thêm nhiều giáo viên nên tỷ lệ này giảm xuống còn 10%. Đây chính là hạn chế rất căn bản của chất lượng giáo dục đại học.

Bộ trưởng khẳng định, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" chính là nhằm đưa yếu tố văn hóa Việt Nam vào chương trình giáo dục, vào các trường phổ thông, làm cho học sinh Việt Nam hiểu nền văn hóa Việt Nam./.