1- Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam lần thứ nhất: tổ chức tại căn cứ địa Việt Bắc (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), từ ngày 7 đến 14-2-1950, có 400 đại biểu trong cả nước đến dự. Tổng Bí thư Trường Chinh đến dự và phát biểu ý kiến. Đại hội đánh giá sự phát triển của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam từ năm 1941 đến năm 1950, đồng thời đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Đoàn nhằm thống nhất lực lượng thanh niên trong cả nước cùng với toàn dân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến cứu quốc đến thắng lợi. Đại hội nêu cao quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Pháp xâm lược”. Đại hội phát động các phong trào đấu tranh chính trị, chống bắt thanh niên đi lính trong vùng địch tạm chiếm; xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập họp thanh niên.

Đại hội thông qua Báo cáo Chính trị và Điều lệ Đoàn. Điều lệ xác định vai trò của Đoàn là “Cánh tay phải và đội dự trữ của Đảng, công tác dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng”

Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa I do đồng chí Nguyễn Lam làm Bí thư Trung ương Đoàn.

Ngày 19-5-1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

2- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II: Tổ chức tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội, từ ngày 25-10 đến 4-11-1956, có 479 đại biểu thay mặt cho gần nửa triệu đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam trong cả nước đến dự. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến dự. Đại hội khẳng định nhiệm vụ của Đoàn trong giai đoạn này là: Động viên mọi tầng lớp thanh niên đem hết sức lực, trí tuệ của mình vào công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, tham gia tích cực vào công cuộc củng cố miền Bắc, tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Đại hội ra Nghị quyết về công tác thiếu niên nhi đồng và quyết định đổi tên Đội Thiếu nhi Tháng Tám thành Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam bao gồm hai lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa II gồm 31 Ủy viên chính thức và 9 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư Thứ nhất.

3- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 23 đến 25-3-1961, có 661 đại biểu thay mặt cho hơn 1 triệu đoàn viên về dự. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng và các đồng chí trong Bộ Chính trị đến dự.

Đại hội nêu nhiệm vụ của Đoàn thanh niên Việt Nam là “hướng vào việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của Đảng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà”. Đại hội phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa III gồm 71 đồng chí, trong đó có 15 đồng chí tham gia Ban Thường vụ và 5 đồng chí tham gia Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Lam làm Bí thư Thứ nhất.

Năm 1962, đồng chí Vũ Quang được cử làm Bí thư Thứ nhất thay đồng chí Nguyễn Lam đi nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 9-8-1964, phong trào Ba sẵn sàng được phát động từ thủ đô Hà Nội, nhanh chóng trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ cả nước.

Cuối năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của tuổi trẻ Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh và năm 1976, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã quyết định đổi tên Đoàn là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

4- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV: họp tại Thủ đô Hà Nội, từ 20 đến 22-11-1980, có 623 đại biểu.

Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự. Đại hội đánh giá đúng đắn những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc của thế hệ trẻ Việt Nam, nêu lên 4 bài học kinh nghiệm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, đồng thời đề ra 3 mặt công tác của Đoàn và phong trào thanh niên trong thời kỳ mới là:

- Nâng cao giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, quyết tâm rèn luyện trở thành người mới làm chủ tập thể xã hội chủ nghía phát triển toàn diện.

- Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

- Xây dựng Đoàn vững mạnh và nhanh chóng tổ chức, đoàn kết tập hợp thế hệ trẻ thành lực lượng làm chủ tập thể.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IV gồm 113 Ủy viên. Đồng chí Đặng Quốc Bảo, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Thứ nhất.

Năm 1982, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 4 (khóa IV), đồng chí Vũ Mão, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn thay đồng chí Đặng Quốc Bảo nhận công tác mới.

5- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 27 đến ngày 30-11-1987, có 750 đại biểu. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự và phát biểu ý kiến.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V là Đại hội của thế hệ trẻ Việt Nam biểu thị quyết tâm đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội đề ra 4 chương trình:

- Tuổi trẻ xung kích và sáng tạo trên mặt trận kinh tế, thực hiện thắng lợi 3 chương trình mục tiêu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

- Tuổi trẻ đi đầu thực hiện các chính sách xã hội và đấu tranh cho công bằng xã hội.

- Tuổi trẻ xung kích trên mặt trận quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

- Tuổi trẻ học tập và tiến quân vào khoa học kỹ thuật.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa V gồm 150 Ủy viên. Đồng chí Hà Quang Dự được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn.

6- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 18-10-1992, có 797 đại biểu. Tổng Bí thư Đỗ Mười đến dự và phát biểu ý kiến.

Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên giai đoạn 1993-1997; thông qua báo cáo sửa đổi Điều lệ Đoàn. Đại hội phát động trong thanh niên phong trào phấn đấu thực hiện các chương trình hành động cách mạng.

- Chương trình Thanh niên làm kinh tế, tham gia giải quyết việc làm.

- Chương trình Thanh niên tham gia bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Chương trình học tập sáng tạo, tích cực tham gia phát triển văn hóa - xã hội.

- Chương trình xây dựng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và chăm sóc, giáo dục thiếu nhi.

Đại hội nhất trí quyết định chọn bài ca “Thanh niên làm theo lời Bác” nhạc và lời của Hoàng Hòa làm bài ca chính thức của Đoàn; thông qua quy định nhiệm kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc 5 năm một lần, giữa nhiệm kỳ có thể tổ chức Hội nghị đại biểu.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI gồm 91 đồng chí. Đồng chí Hồ Đức Việt được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn. Tháng 12-1996, đồng chí Vũ Trọng Kim, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn thay đồng chí Hồ Đức Việt nhận công tác mới.

7- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 26 đến ngày 29-11-1997, có 899 đại biểu tham dự. Tổng Bí thư Đỗ Mười đến dự và phát biểu ý kiến.

Đại hội quyết định tiếp tục đẩy mạnh hai phong trào lớn “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” lên tầm cao mới.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VII gồm 125 Ủy viên và Ban Bí thư gồm 5 đồng chí. Đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn.

Ngày 18 - 6- 2001, đồng chí Hoàng Bình Quân được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn thay đồng chí Vũ Trọng Kim nhận công tác mới.

8- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 7 đến ngày 11-12-1997, có 898 đại biểu tham dự. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước tới dự.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng tuổi trẻ Việt Nam bức trướng: “Tuổi trẻ Việt Nam thi đua học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VIII gồm 134 đồng chí. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VIII đã bầu Ban Thường vụ Trung ương Đoàn gồm 27 đồng chí, Ban Bí thư gồm 6 đồng chí. Đồng chí Hoàng Bình Quân được bầu lại làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn.

Đại hội nhất trí đề nghị Đảng và Nhà nước lấy tháng 3 hằng năm là “Tháng Thanh niên”- tháng cao điểm để tuổi trẻ thi đua học tập, lao động, sáng tạo, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Tháng 7-2005, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khóa VIII đã bầu đồng chí Đào Ngọc Dung làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn thay đồng chí Hoàng Bình Quân nhận công tác mới.

Tháng 1-2007, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Hồ Chí Minh khóa VIII đã bầu đồng chí Võ Văn Thưởng làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn.

9- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 17 đến ngày 21-12-2007, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển”có 1033 đại biểu tham dự.