Đi cùng với sự phát triển của đất nước, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện công bằng, bình đẳng giới nói chung và trong hệ thống chính trị nói riêng cũng gặt hái được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, vai trò tham chính của phụ nữ trong hệ thống chính trị nước ta vẫn còn những hạn chế, cả về số lượng và chất lượng.

1. Công bằng giới, bình đẳng giới từ những góc nhìn khác nhau

Có nhiều nguyên nhân gây cản trở đến sự thăng tiến của phụ nữ trong hệ thống chính trị, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức về công bằng giới, bình đẳng giới chưa được làm rõ, dẫn đến việc thực hiện vấn đề trên gặp nhiều khó khăn. Những khái niệm này đang tồn tại trong xã hội với các quan điểm khác nhau.

Công bằng giới chấp nhận những sự khác biệt, không bằng nhau, giống nhau về năng lực, thể chất, trí tuệ, các quyền cơ bản, cơ hội phát triển của mỗi giới. Bởi vì, bình đẳng (equality) bao hàm công bằng (equity), nhưng công bằng không nhất thiết bao giờ cũng là bình đẳng mà nó có cả sự bất bình đẳng nhưng chấp nhận được, chịu đựng được. Quan điểm công bằng giới là mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững, là quan điểm cơ bản của định hướng và giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị. Liên Hợp Quốc trong “chiến lược hành động cho thập kỷ thứ hai” đưa ra năm 1970 cũng đã nêu rõ: "mục tiêu cuối cùng của phát triển là sự cải thiện đời sống một cách bền vững đối với cá nhân, thành quả của sự phát triển cần được chia sẻ cho mọi người. Nếu duy trì đặc quyền, để cho sự giàu có và bất công xã hội cùng tồn tại, thì phát triển đã thất bại trong việc hướng tới các mục tiêu quan trọng của mình".

Bình đẳng giới ở đây được hiểu là bình đẳng về quyền cơ bản và về cơ hội phát triển cho cả nam giới, nữ giới. Bình đẳng giới ở đây có hai nghĩa: một là, bình đẳng về nguyên tắc (mục tiêu bình đẳng); hai là, bình đẳng toàn diện (lý tưởng bình đẳng). Bình đẳng giới là mục tiêu lâu dài, đồng thời là mục tiêu quan trọng của những nỗ lực phát triển hệ thống xã hội tổng thể... Bình đẳng giới nhấn mạnh giá trị, vị trí của những nguyên tắc dân chủ và các quyền cơ bản của con người, cho phụ nữ và nam giới, hướng tới ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Bình đẳng giới trong hệ thống chính trị tức là tạo điều kiện cho cả hai giới phát huy được các quyền cơ bản và cơ hội cơ bản, điều kiện thuận lợi để phát triển. Bình đẳng các quyền cơ bản được thể hiện rõ trong Hiến pháp, pháp luật của nước ta và các Công ước quốc tế. Bình đẳng cơ hội phát triển cũng là điểm then chốt trong quan niệm mới về công bằng. Quyền lực và quyền uy không còn là độc quyền của nam giới. Cách mạng nữ quyền là nội dung không tách rời của vấn đề quyền con người. Thuyết nữ quyền mác-xít cũng đã chỉ rõ, bất cứ ai, đặc biệt là phụ nữ, đều không đạt được những cơ hội thật sự bình đẳng trong một xã hội có giai cấp khi của cải vật chất sản xuất ra bởi một số đông không có quyền hành lại nằm trong tay một số ít đầy quyền lực.

Thụy Điển là một quốc gia tiêu biểu thực hiện tốt bình đẳng giới. Bình đẳng giới trở thành một nguyên tắc chung, thống nhất không thể thiếu trong đường lối chính trị của các đảng phái, cơ chế, chính sách của nghị viện, chính phủ và được nhân dân nhiệt tình ủng hộ... Về cơ bản, phụ nữ lãnh đạo của Thụy Điển có nhiều cơ hội và điều kiện để phát huy các quyền của mình và có năng lực lãnh đạo thực sự không thua kém nam giới.

2. Một số mô hình bình đẳng và bất bình đẳng giới trong hệ thống chính trị

Thực tiễn cho thấy đã có nhiều mô hình công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị nước ta. Điển hình như mô hình công bằng giới của tỉnh Tuyên Quang (luôn bảo đảm tính bền vững của cán bộ nữ qua từng nhiệm kỳ); mô hình luân phiên lãnh đạo ở xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk-Lắk (nhiệm kỳ vừa qua nữ làm bí thư đảng uỷ, nam làm chủ tịch, nhiệm kỳ trước nữ làm chủ tịch và nam làm bí thư). Sự sắp xếp cả nam và nữ trong đội ngũ lãnh đạo không loại trừ nhau, ngược lại sẽ bổ trợ cho nhau vì mỗi giới có đặc trưng nổi trội. Theo triết lý âm - dương, trong âm có dương và trong dương có âm, một tập thể lãnh đạo biết dung hòa hai cái (âm - dương) là một tập thể lãnh đạo thực sự có văn hóa tổ chức, hợp tình, hợp lý. Xét từ góc độ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, mô hình công bằng giới chính là sự bổ trợ năng lực ưu trội của hai giới với nhau. Thí dụ, nữ giới ưu trội ở tính nghiêm túc, cẩn thận, chu đáo, cụ thể, thuyết phục, còn nam giới ưu trội ở tầm nhìn chiến lược cơ bản, lâu dài, năng động, quyết đoán...

Hoạt động chính trị là một lĩnh vực đặc thù của đời sống xã hội, của các quan hệ con người. Nó rất cần tới sự có mặt, tham gia nhập cuộc của giới nữ, trước hết, đó là cân bằng giới như một sự cân bằng tâm lý, sau nữa, nó bổ sung cho nhau trong cơ cấu giới, tạo ra sự hài hoà, phát triển. Chính điều này tự nó đã khách quan hoá vai trò của phụ nữ trong chính trị. Vai trò của phụ nữ là không thể phủ nhận, trong họ tiềm tàng những khả năng, tài năng để đáp ứng những đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý. Đặt vào một mặt bằng chung về điều kiện, môi trường, hoàn cảnh, phụ nữ không có trở ngại gì đáng kể so với nam giới để thể hiện năng lực trong hoạt động chính trị. Đó là chưa nói tới độ nhạy cảm, tính thiết thực, cẩn thận, chu đáo, trách nhiệm với công việc vốn là một lợi thế so sánh của phụ nữ làm cho họ tham chính có hiệu quả.

Đánh giá về năng lực tham mưu của cán bộ nam và cán bộ nữ cho thấy, có những chỉ báo về tham mưu nam trội hơn nữ hoặc cả hai như nhau, nhưng cũng có những khả năng như năng lực “có khả năng thuyết phục”, nữ trội hơn nam chiếm tỷ lệ rất cao 72,7%. Điều này khẳng định thêm năng lực tham mưu tuỳ theo tính cách của từng người, nhưng đối với cán bộ nữ, khả năng tham mưu, tổ chức thực hiện phần lớn là có hiệu quả. Giới cán bộ nữ có thể phấn đấu ngang bằng thậm chí hơn so với giới cán bộ nam. Ngoài ra, ưu trội của phụ nữ còn thể hiện ở các năng lực kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện các quyết định, lắng nghe ý kiến bàn bạc dân chủ...

Điều đáng quan tâm là, bên cạnh mô hình công bằng giới vẫn tồn tại những mô hình bất bình đẳng giới, ví dụ mô hình độc quyền nam giới.

Trên thế giới, mặc dù nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, song phụ nữ vẫn chưa được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích được nêu trong pháp luật quốc gia và quốc tế. Trong lĩnh vực chính trị - xã hội vẫn tồn tại bất bình đẳng giới làm cho phụ nữ không có hoặc nếu có thì cũng rất ít trong các cơ quan dân cử như Quốc hội… Từ trước cho đến nay, “chưa một quốc gia nào trên thế giới được công nhận đã đạt bình đẳng nam nữ “(1). Phụ nữ vẫn chưa hoàn toàn bình đẳng với nam giới, nhất là cơ hội tiếp cận các nguồn lực, tiếng nói và quyền đại diện trong hệ thống chính trị. Ở Việt Nam, phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị cũng còn rất thiếu, không có hoặc thiếu vắng phụ nữ lãnh đạo cấp cao, nhiều cơ quan Nhà nước cấp bộ hiện nay không có nữ lãnh đạo chủ chốt. Điều này đặt ra câu hỏi vì sao ở những cấp bậc, chức vụ quan trọng có tính ra quyết định trong hệ thống chính trị phụ nữ không có hoặc thiếu? Nguyên nhân phải chăng do phụ nữ không có năng lực lãnh đạo trong hệ thống chính trị?

3. Để phụ nữ trở thành những nhân vật quan trọng trong chính giới

Thực tiễn cho thấy, việc hạn chế tham gia vào hệ thống chính trị có nguyên nhân là do phụ nữ gặp nhiều rào cản từ phía xã hội, gia đình, văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, đặc biệt là nhận thức, định kiến của xã hội, của nam giới. Ở Việt Nam, những rào cản văn hóa truyền thống, tập tục phong kiến ảnh hưởng rất sâu đậm đến việc tham gia chính trị của phụ nữ. Những tàn dư phong kiến về phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn xảy ra nhiều, thậm chí công khai, ngang nhiên bộc lộ. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cho rằng phụ nữ chỉ nên làm việc gia đình, không tham gia công việc xã hội đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người. Đây là áp lực xã hội mang tính hệ thống, khiến cho việc phụ nữ tham chính bị hạn chế, tăng trưởng chậm, không liên tục.

Bình đẳng giới là một trong các nguyên tắc cơ bản của mọi xã hội dân chủ cũng như của loài người tiến bộ trên thế giới, nhằm phấn đấu cho công bằng xã hội và quyền tự do con người. Để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong hệ thống chính trị, phụ nữ tham chính tích cực, trở thành lực lượng quan trọng trong chính giới, một số biện pháp cần thực hiện:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, quan điểm về công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội nhằm thay đổi suy nghĩ của mọi người, đặc biệt của nam giới. Đa dạng hóa giá trị, tăng quyền và mở rộng cơ hội lựa chọn cho cả hai giới một cách hợp lý, tạo điều kiện cho phụ nữ có thể phát huy mọi tiềm năng, sức lực của mình đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định của pháp luật về công bằng, bình đẳng giới trên cơ cở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số giám sát, thực hiện cụ thể. Cải cách, đổi mới hệ thống pháp luật để nâng cao tính dân chủ, công bằng cho người dân, nhất là phụ nữ trên cơ sở xây dựng Luật Bình đẳng giới. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thích đáng dưới dạng luật định hoặc các văn bản quy định dưới luật nhằm giúp cán bộ nữ có nhiều thời gian, sức lực, điều kiện tham gia vào các công việc xã hội, làm chuyên môn, lãnh đạo, quản lý.

Thứ ba, xã hội hoá công tác cán bộ nữ, trong đó nâng cao vai trò to lớn của Hội Liên hiệp phụ nữ và Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đưa nguyên tắc thực hiện công bằng, bình đẳng giới trở thành mục tiêu hướng tới của toàn xã hội. Thành lập bộ phận cán bộ chuyên trách công tác cán bộ nữ trong ban tổ chức cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ trung ương đến địa phương.

Thứ tư, xây dựng mô hình lãnh đạo cân xứng giới hay còn gọi hài hòa giới trong hệ thống chính trị nước ta giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn xa hơn 2020. Trước hết, thực hiện ở các cơ quan Đảng (cấp trung ương và cấp cơ sở xã, phường), theo hướng: về nhân sự lãnh đạo, nam có thể làm cấp trưởng, nữ có thể làm cấp phó, hoặc ngược lại, thử nghiệm mô hình luân phiên làm cấp trưởng; về số lượng cơ cấu theo tỷ lệ hài hòa giới (nam làm cấp trưởng thì tỷ lệ nữ làm cấp phó cao hơn, và ngược lại, nữ làm cấp trưởng thì tỷ lệ nam làm cấp phó cao hơn). Những mô hình này phải được nghiên cứu cả về lý thuyết và thực tiễn để nhân rộng trong toàn hệ thống chính trị.



(1) Báo cáo Phát triển con người của Liên hợp quốc, năm 2003