Biến đổi khí hậu: Từ nhận thức đến hành động
Khủng hoảng kinh tế là rất nghiêm trọng, song khi kết hợp cùng với những ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi khí hậu, cái giá mà chúng ta phải trả cao hơn rất nhiều. Tác động từ khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sự thịnh vượng và cuộc sống của các dân tộc, cả hiện tại và trong tương lai xa.
Biến đổi khí hậu: nước nghèo càng có nguy cơ nghèo hơn
Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến 5 nguy cơ lớn: Giảm năng suất nông nghiệp; gia tăng tình trạng thiếu nước; thời tiết cực đoan gia tăng; các hệ sinh thái tan vỡ và bệnh tật gia tăng. Các khu rừng trên thế giới, nhất là các khu rừng ở vùng núi cao, rừng nhiệt đới khô, và cuộc sống của 1 tỉ người đang sống dựa vào rừng sẽ chịu sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp cấp cao quan trọng nhất trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 14 ở Pô-dơ-nan, Ba Lan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki Mun nói: "Khủng hoảng kinh tế là rất nghiêm trọng, song khi kết hợp cùng với những ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi khí hậu, cái giá mà chúng ta phải trả cao hơn rất nhiều. Tác động từ khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sự thịnh vượng và cuộc sống của các dân tộc, cả hiện tại và trong tương lai xa".
Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và sự suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đặt ra những khó khăn mới trong cuộc chiến chống đói nghèo và làm cho việc đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với nhiều quốc gia, càng trở nên xa vời. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động chủ yếu tới tầng lớp người nghèo nhất, những người không có đất đai và những hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ. Theo đánh giá của FAO, khoảng 40 triệu người trên thế giới bị lâm vào cảnh thiếu đói triền miên trong năm 2008 do giá lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đưa tổng số người, ước tính, bị đói trên thế giới lên hơn 960 triệu người.
Một tác động nữa cũng dồn chủ yếu vào những quốc gia nghèo, những người nghèo, là biến đổi khí hậu. Khi nhiều nước đang phát triển bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì môi trường thế giới đã “kịp” ô nhiễm khá nặng nề do hậu quả của những nước tiến hành công nghiệp hóa trước đó. Vậy nên gánh nặng đặt thêm lên vai những quốc gia này là vừa phải tiến hành công nghiệp hóa, vừa phải giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường do chính quá trình công nghiệp hóa của mình, đồng thời giải quyết những vấn đề ô nhiêm môi trường chung của thế giới.
Theo một nghiên cứu mới được công bố của ActionAid, một tổ chức quốc tế về chống đói nghèo, nông dân ở các nước đang phát triển không được quan tâm một cách đúng mức trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi họ là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng này. Do biến đổi khí hậu, Nam Phi có thể mất 30% sản lượng ngô và các cây lương thực khác vào năm 2030; khu vực Bắc Á sản lượng gạo, ngô và kê có thể giảm đến 10%.
Còn theo báo cáo mới nhất của Tổ chức môi trường và phát triển GermanWatch (Đức) về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, trong số 10 nước chịu thiệt hại nặng nhất do thiên tai, có tới 9 nước thuộc nhóm nước đang phát triển. Và, kết luận rút ra từ bản báo cáo này là: các nước nghèo chịu tác động của thiên tai nhiều hơn các nước giàu. Người dân các nước nghèo ít có khả năng đối phó với thiên tai bất thường hơn người dân các nước giàu!
Việt Nam trong bản đồ thiệt hại do biến đổi khí hậu
Cơn bão số 9 khốc liệt tháng 12-2006 tại Bến Tre; các huyện ven biển tỉnh Nghệ An thời gian gần đây đang bị nước biển xâm lấn đến mức báo động, nhiều xã nằm cách bờ biển từ 5 đến 10km nhưng đang bị nước mặn tấn công; những đợt rét bất thường vào cuối năm 2007; trận lụt bất thường xảy ra vào tháng 10-2007 tại Quảng Trị; những trận mưa lớn gây ngập lụt một số nơi tại Hà Nội trong thời gian vừa qua; hay những đợt triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh... đã cho thấy vấn đề trái đất nóng lên, nước biển dâng cao và khí hậu đang biến đổi một cách khắc nghiệt đến nay không còn là chuyện của thế giới, mà đang đe doạ trực tiếp đến Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của con người lẫn nền kinh tế.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước thứ 2 trong 5 quốc gia (Ai Cập, Việt Nam, Băng-la-đét, Su-ri-nam và Ba-ha-mát) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Báo cáo về phát triển con người 2007-2008 của UNDP cho biết, nếu nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 2 độ C, và nước biển dâng lên 1 mét thì 22 triệu người ở Việt Nam sẽ mất nhà; và 70% đến 90% diện tích đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập chìm trong nước biển, thiệt hại ước tính trên 17 tỉ USD/năm (20% GDP); và kéo theo hậu quả sẽ mất 12-15 triệu tấn gạo/năm. Trường hợp xấu nhất xảy ra khi nước biển dâng cao khoảng 5 mét từ năm 2050 đến năm 2080 thì toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất trên bản đồ thế giới...Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 14 tại Ba Lan vừa qua, công bố báo cáo mới nhất về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, trong đó Việt Nam đứng thứ 8 trong số 10 nước chịu thiệt hại nặng nhất do thiên tai năm 2007, với 346 người thiệt mạng và tổn thất 1.639 triệu USD.
Oxfam thực sự bất bình khi cộng đồng nghèo ở Việt Nam đang phải trả giá cho tình thế mà họ ít hoặc không chịu trách nhiệm gây ra. Hiện tượng trái đất ấm dần lên phần lớn là do khí nhà kính (GHG) tạo ra bởi than, dầu và khí đốt từ các cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu và châu Mỹ từ giữa thế kỷ XIX đến nay. Tính đến năm 2000, Việt Nam chỉ phải chịu trách nhiệm cho 0,35% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại thường được liệt vào 10 quốc gia trên thế giới được dự đoán bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nguồn: Báo cáo của Oxfam “Việt Nam: Biến đổi khí hậu, sự thích ứng và người nghèo”, tháng 10-2008 (tr7). |
Những số liệu và thứ hạng nêu trên cho thấy, kết quả của việc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam sẽ bị giảm đi không ít trước những biến động của thời tiết, trước thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu. “... Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do sự biến đổi của khí hậu... Đây là một trong số ít các quốc gia đi đúng hướng trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015. Việt Nam đã giảm tỷ lệ đói nghèo từ khoảng 58% vào năm 1993 xuống 18% vào năm 2006. Tuy nhiên, những thành quả này giờ đây đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu”(1).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Ky-ô-tô; triển khai một số chương trình, dự án nghiên cứu tình hình diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu về tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đưa ra những đề xuất và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó.
Tại Diễn đàn các Nghị sỹ về dân số và phát triển châu Á họp tại Hà Nội từ 13 đến 14-12-2008, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã khẳng định, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và đang chuẩn bị sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các tội danh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, một số văn bản Luật khác cũng tạo thêm cơ sở pháp lý và tăng nguồn lực giúp cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng ngay tại cộng đồng, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để hạn chế áp lực gia tăng dân số đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu đã được Oxfam khẳng định “Chính phủ Việt Nam xem xét vấn đề biến đổi khí hậu rất nghiêm túc và rất đáng được hoan nghênh vì nỗ lực đó”.
Trách nhiệm và việc thực thi trách nhiệm của các nước giàu
Người nghèo sống tại các vùng ven biển đặc biệt dễ bị tổn thương với hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra hàng năm. Với 3.000km bờ biển, Việt Nam là một trong những nước phải gánh chịu ảnh hưởng của bão nhất trên thế giới. |
Các quốc gia đang phát triển không có đủ ngân sách cho các hoạt động thích ứng trên toàn quốc, và các quốc gia này cũng không thể chịu những chi phí này một mình - đó là kết luận của Oxfam. Các quốc gia có lượng khí thải lớn và thu nhập cao phải chịu trách nhiệm về việc gây ra biến đổi khí hậu, và họ cũng có khả năng hỗ trợ các quốc gia khác trong việc giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu. Đây là khoản hỗ trợ tài chính mới thêm vào cam kết từ lâu của họ là sẽ dành 0,7% thu nhập quốc dân cho Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Tuy nhiên, tới nay, những quốc gia chịu trách nhiệm chính về việc hỗ trợ cho các hoạt động thích ứng, mới chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ so với yêu cầu. Những cam kết của các quốc gia này cần được khẩn trương thực hiện để cộng đồng quốc tế thực hiện nghiêm túc công tác hỗ trợ phát triển phục hồi do tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo của ActionAid kêu gọi chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế nhanh chóng hành động để giúp người nông dân ở các nước đang phát triển, nhấn mạnh trách nhiệm của các nước phát triển trong việc bảo đảm an ninh lương thực bằng cách tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ước tính, để giúp các nước đang phát triển thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu cần phải có khoản tiền lên tới 67 đến 86 tỉ USD. Số tiền này, theo ActionAid, chủ yếu thuộc trách nhiệm của các nước phát triển - thủ phạm chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Tổng Giám đốc FAO đã kêu gọi Tổng thống đắc cử Mỹ B.Ô-ba-ma tổ chức hội nghị cấp cao thế giới về lương thực vào nửa đầu năm 2009 với ưu tiên hàng đầu là xóa đói, giảm nghèo. Nga cũng đề xuất tổ chức một hội nghị cấp cao thế giới bàn về ngũ cốc vào đầu tháng 6-2009, tập trung thảo luận những vấn đề khó khăn nhất mà người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất ngũ cốc và lương thực trên thế giới đang phải đối mặt.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 14, nhiều nước đã bày tỏ sự thất vọng đối với thực trạng hoạt động kém hiệu quả của Quỹ cho các nước kém phát triển (LCD Fund), và với việc các nước phát triển không thực hiện đầy đủ cam kế tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Nếu các nước nghèo không được giúp đỡ để thích nghi với những thách thức về môi trường và công nghệ, thì những nỗ lực để giải quyết sự biến đổi khí hậu sẽ thất bại.
Để cộng đồng trách nhiệm trong đối phó với biến đổi khí hậu, nhiều đề xuất đã được đưa ra. Chẳng hạn: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhắc lại quan điểm "trách nhiệm chung nhưng có phân chia và theo năng lực" trong hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định các nước phát triển có trách nhiệm hàng đầu trong việc cắt giảm khí nhà kính, thúc đẩy các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ hiệu quả cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Các nước phát triển có thể chia việc đóng góp tài chính cho các quỹ hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu thành nhiều giai đoạn để vừa giảm bớt gánh nặng tài chính, vừa sớm có thể đưa các quỹ này vào hoạt động. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra sáng kiến và nhận được sự hưởng ứng của các đại biểu tham dự là thành lập Chương trình hỗ trợ đặc biệt theo đó, 10 nước có lượng khí thải lớn nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chiếm hơn 40% tổng lượng khí thải toàn cầu, có trách nhiệm giúp đỡ 5 nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng nước biển dâng cao, trong đó có Việt Nam.
Từ nhận thức đến hành động là một khoảng cách. Khoảng cách này càng ngắn, thì nỗ lực chung của tất cả các quốc gia để ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống chung, trong đó có điều kiện sống của những người dân nghèo ở các nước nghèo càng mau chóng thành hiện thực./.
(1) Báo cáo của Oxfam “Việt Nam: Biến đổi khí hậu, sự thích ứng và người nghèo”, tháng 10-2008, tr.7.
Bế mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam  (15/12/2008)
Đánh giá 2 năm triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"  (15/12/2008)
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bảo đảm kinh doanh tốt, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao  (15/12/2008)
Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường sông Thị Vải  (14/12/2008)
Giữ rừng nguyên liệu giấy Kon Tum  (14/12/2008)
Giữ rừng nguyên liệu giấy Kon Tum  (14/12/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên