Đường về

15:57, ngày 31-08-2007

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa công bố cho ra mắt cuốn Nhật ký “Đường về” của Liệt sĩ đặc công Phạm Thiết Kế. Anh là một trong rất nhiều những tấm gương chiến sĩ cách mạng đã cống hiến cả cuộc sống của mình cho thắng lợi chung của dân tộc. Cùng với “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyên Văn Thạc, “Đường về” tái hiện một góc nhìn hiện thực về những chiến trường đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như những mốc son chói lọi: Trường Sơn, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...

Liệt sĩ Phạm Thiết Kế sinh ngày 2/10/1937 tại Hòa Quý, Hòa Vang, Quảng Nam (nay là Thành phố Đà Nẵng). Anh vào bộ đội năm 1953, đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Bảy năm sau, anh học trường Sỹ quan Lục quân và được phong quân hàm thiếu úy ngày 18/03/1963. Phạm Thiết Kế xây dựng gia đình tại Hà Nội, và đến ngày 29/08/1967, anh tạm biệt người vợ yêu quý và hai con (một còn trong bụng mẹ mà suốt đời anh không bao giờ biết mặt) vào Nam chiến đấu. Năm 1970, liệt sĩ Phạm Thiết Kế hi sinh trong mặt trận Tây Nguyên.

Gần 200 trang viết trong “Đường về” là sự tái hiện sinh động 843 ngày đêm hành quân chiến đấu của anh và đồng đội. Đó là những tháng ngày hành quân gian khổ, nhiều lúc hiểm nguy, lắm khi đói khát, bệnh tật. Có lúc vững vàng. Đôi khi ngả nghiêng dao động. Một đội ngũ trùng trùng, điệp điệp. Có đôi người thoái chí nản lòng. Rồi tiếp theo là những trận chiến khốc liệt. Có thắng lợi, có mất mát, nhiều khi nặng nề. Rất nhiều niềm thương yêu, tin tưởng. Cũng không hiếm nỗi đau xót, lo lắng.

‘Ta sẽ đi, đi mãi, đi cho đến ngày Chủ nghĩa Cộng sản thành công trên Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp” - Đó là lời thề son sắt mà người sĩ quan đặc công Phạm Thiết Kế đã khắc sâu trong tim trên suốt chặng đường chiến đấu của mình. Và trước khi ngã xuống trong một trận đánh ác liệt trên chiến trường Tây Nguyên, anh chỉ để lại một nguyện ước giản dị cho những người thân của mình: Hãy vui trong niềm vui chiến thắng của toàn dân tộc và hãy chọn những bông sen đẹp nhất đặt lên bàn thờ anh. Tình yêu quê hương, tình yêu đất nước đối với Phạm Thiết Kế đã trở thành đức hy sinh cao cả vì lý tưởng độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Là chính trị viên, đồng thời trực tiếp tham gia nhiều trận đánh khó khăn dữ dội, những trang viết của anh là ý thức trách nhiệm lớn lao của một người cán bộ chính trị đối với sự sống còn của đồng đội và vận mệnh của Tổ quốc. Trách nhiệm ấy được thể hiện trong ý thức và hành động trước mọi tình huống của cuộc chiến đấu. Nhưng không vì thế mà người sỹ quan Phạm Thiết Kế mất đi chất dí dỏm, hài hước của một người lính.

“Đường về” với Phạm Thiết Kế không chỉ là con đường của một người con xứ Quảng tìm về giải phóng quê hương, không chỉ là con đường huy hoàng của cả một thế hệ tìm về với Tổ Quốc thân yêu trong thanh bình, “Đường về” còn là con đường mà ngày hôm nay, những linh hồn liệt sĩ bất tử và gia đình họ mong mỏi được sum vầy.

“Đường về” là sự tưởng nhớ của đất nước với những người anh hùng đã hi sinh anh dũng, là sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với lớp cha anh đã đổi tính mạng mình cho nền độc lập tư do của Tổ quốc.

Để công bố và xuất bản cuốn sách là một quá trình phối hợp trong việc tìm kiếm, đối chiếu và xác minh thông tin, tư liệu. Gia đình liệt sỹ Phạm Thiết Kế đã giữ gìn và cung cấp cuốn nhật ký và các tư liệu. Ông Trần Bình Tám - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Báo chí và Tuyên truyền Quốc tế là người phát hiện và dày công tìm kiếm các thông tin. Công Ty Cổ phần xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Thanh Niên góp phần biên soạn, trình bày và thực hiện xuất bản cuốn nhật ký. Những nỗ lực đó hơn bao giờ hết chính là sự tri ân, lòng ngưỡng mộ đối với một thế hệ anh hùng đã hi sinh cho đất nước. Và đó cũng là mong muốn cuốn nhật ký này sẽ góp phần tìm được con đường về cho linh hồn liệt sĩ Phạm Thiết Kế cũng như các đồng đội của anh sau bao năm lưu lạc nơi chiến trường.