Hoàn thiện các chính sách xã hội nhằm hạn chế tranh chấp lao động và đình công ở Đồng Nai
Đình công ngoài khuôn khổ của pháp luật không những tác động xấu đến trật tự xã hội, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và truyền thống tốt đẹp của người công nhân Việt Nam. Ngăn chặn khuynh hướng đình công tự phát là trách nhiệm của không riêng một địa phương. Bằng cách nào để hạn chế tình trạng đình công đang là vấn đề đặt ra cho nhiều cấp lãnh đạo.
Đồng Nai là tỉnh có vị trí quan trọng trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Trong 15 năm qua, Đồng Nai luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, riêng năm 2006, tốc độ tăng trưởng 14,3%, GDP bình quân đầu người đạt 982 USD (tương đương 15,5 triệu đồng). Đồng Nai cũng là tỉnh phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp vào bậc nhất của các tỉnh phía Nam, đến nay đã có 24 khu công nghiệp được Chính phủ cho phép thành lập với diện tích gần 6.000 ha.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao, Đồng Nai cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Đó là vấn đề lao động nhập cư tăng nhanh, phát sinh các vấn đề xã hội, vấn đề tranh chấp lao động, đình công. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, sự phát triển của Đồng Nai sẽ thiếu tính bền vững.
Trong những năm gần đây, tình hình tranh chấp lao động nói chung và tình hình đình công nói riêng ngày càng có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp của các vụ tranh chấp. Phần lớn các vụ tranh chấp xảy ra chủ yếu là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
1. Một số giải pháp nhằm hạn chế tranh chấp lao động và đình công
Tình hình đình công ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và tình kinh kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Ngăn chặn và hạn chế đình công tự phát, trái quy định pháp luật sẽ giúp cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, bảo đảm lợi ích cho người lao động, ổn định được trật tự, trị an, thu hút đầu tư, kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Dưới đây là một số giải pháp chính:
a - Quy hoạch và thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội cho công nhân
- Nhà ở dành cho nhóm đối tượng nhà ở xã hội là một bộ phận cấu thành của hệ thống nhà ở đô thị. Vì vậy, việc quy hoạch xây dựng nhà ở cho đối tượng nhà ở xã hội cũng đòi hỏi phải được gắn với các dự án nhà ở khác hoặc các dự án khu đô thị mới để bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng cũng như các cơ sở phúc lợi xã hội của đô thị. Thông qua việc lập quy hoạch nhà ở, cần tạo điều kiện cho đối tượng nhà ở xã hội sống hòa nhập với cộng đồng trong khu dân cư, được tiếp cận với hệ thống dịch vụ công cộng đồng bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
- Khi phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp cần phải đồng thời phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.
- Có giải pháp kiến trúc hợp lý nhằm giảm giá thành cho việc xây dựng nhà ở công nhân mà không làm giảm tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở, như: ứng dụng công nghệ tiên tiến về công nghệ xây dựng mới, vật liệu mới, chọn giải pháp hợp lý cho móng nhà, áp dụng hệ thống lắp ghép nhà cao tầng theo công nghệ tiên tiến, sử dụng vật liệu tấm panel 3D, nhà khung thép, nhà bê-tông nhẹ; chọn loại mẫu, kết cấu nhà ở có mức đầu tư ít nhất...
b - Xã hội hóa trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân
- Huy động mọi nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Chính quyền địa phương thường xuyên hỗ trợ, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các cơ chế, chính sách để giúp các thành phần tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
- Các công ty kinh doanh hạ tầng khi xây dựng hạ tầng kinh doanh ở các khu công nghiệp ngoài việc phải xây dựng các khu tái định cư, phải có trách nhiệm dành quỹ đất hoặc quỹ nhà ở để xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là công nhân làm việc ở ngay các khu công nghiệp đang được các công ty kinh doanh hạ tầng đầu tư xây dựng.
- Các dự án phát triển nhà, dự án khu đô thị mới phải dành quỹ đất có hạ tầng hợp lý để tạo quỹ nhà đất xây dựng nhà ở công nhân.
- Khuyến khích và tạo điều khiện cho các chủ doanh nghiệp (người sử dụng lao động) chăm lo giải quyết chỗ ở cho người lao động bằng nhiều hình thức như: tự đầu tư xây dựng theo quy hoạch; thuê hoặc mua lại các quỹ đất có hạ tầng hoặc quỹ nhà ở của các đơn vị kinh doanh hạ tầng....
- Chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội liên quan có trách nhiệm tạo mọi điều kiện hỗ trợ về mọi mặt để cùng với tỉnh giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân.
c - Các chính sách ưu đãi
- Ưu tiên giới thiệu địa điểm phù hợp, thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận tiện cho các đối tượng tham gia xây dựng phát triển nhà ở công nhân.
- Tổ chức, cá nhân tham gia phát triển quỹ nhà ở công nhân được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất xây dựng nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp khi thực hiện việc giao đất, cho thuê đất.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật các khu nhà ở công nhân theo quy định chung.
Khu công nghiệp Amata - Ảnh Phan Dẫu
d - Nâng cao đời sống văn hóa người lao động
Quá trình phát triển các khu công nghiệp đã và đang hình thành "làng công nhân mới". Hầu hết cư dân sống ở đây là những người nhập cư từ địa phương khác mà chủ yếu xuất thân từ nông thôn, nên đời sống dân cư có tính đan xen văn hóa giữa nông thôn và thành thị; giữa văn hóa trong nước và văn hóa nước ngoài.
Do vậy, việc xây dựng đời sống văn hóa cần chú trọng các giải pháp:
- Quá trình quy hoạch phát triển công nghiệp cần quy hoạch các cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho công nhân.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, kết hợp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng các dịch vụ văn hóa lành mạnh, xây dựng công trình văn hóa mới, tu bổ các thiết chế văn hóa truyền thống và tài trợ cho các hoạt động văn hóa thông tin.
- Động viên, hướng dẫn người lao động xây dựng và thực hiện đời sống văn hóa mới, do trong quá trình phát triển kinh tế tính đa dạng của cộng đồng cư dân nảy sinh tính tất yếu có sự giao lưu và hợp tác giữa cư dân tại chỗ và các chủ thể văn hóa ở các địa phương khác và với người nước ngoài. Do vậy, cần phải tăng cường giáo dục định hướng để cho người lao động vừa biết giữ gìn, khai thác, nâng cao truyền thống văn hoá tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa biết tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa đô thị và văn hóa nước ngoài nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững .
e- Thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách lao động
Về phía các doanh nghiệp
Phải nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp Việt Nam, đặc biệt là pháp luật lao động. Đây là yêu cầu cơ bản, quan trọng nhất nhằm bảo vệ môi trường đầu tư, môi trường lao động, cụ thể là:
- Về chế độ tiền lương: các doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng, công bố công khai cho người lao động biết theo quy định của pháp luật lao động. Thực hiện rà soát việc điều chỉnh lương theo Nghị định 03/2006/NĐ-CP, trong đó đặc biệt chú ý quan tâm cân đối tiền lương giữa người mới và người cũ, giữa người có trình độ chuyên môn kỹ thuật với lao động khác; thực hiện đầy đủ chế độ phụ cấp độc hại theo đúng quy định của pháp luật lao động.
- Về hợp đồng lao động: Thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động đúng nội dung và hình thức quy định; thực hiện đúng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, không được ép buộc người lao động làm thêm giờ trái quy định pháp luật; thực hiện chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động và các chế độ khác theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động...
- Doanh nghiệp phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ sở xây dựng, thống nhất nội dung, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể theo quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp cần quan tâm đến các lợi ích khác cho người lao động như: tiền thưởng chuyên cần, hỗ trợ về nhà ở, đi lại, cơm trưa... Bên cạnh đó các nhà đầu tư nước ngoài, người quản lý là người nước ngoài cần tìm hiểu và tôn trọng các phong tục, tập quán truyền thống của người Việt Nam, đó là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ lao động; đồng thời có thái độ hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết tranh chấp lao động.
- Thường xuyên tiếp xúc với người lao động để nắm bắt thông tin giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại của người lao động ngay từ đầu nhằm ngăn chặn các tranh chấp xảy ra.
- Khi có tranh chấp lao động, chủ doanh nghiệp phải chủ động bàn bạc với ban chấp hành công đoàn cơ sở để thương lượng, thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp các bên không tự thương lượng giải quyết được tại doanh nghiệp thì có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động hoặc đoàn công tác của địa phương cùng trao đổi giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Khi chưa có kết quả giải quyết của hội đồng trọng tài lao động hoặc đoàn công tác thì người lao động không được tự phát đình công.
Về phía các cơ quan nhà nước:
- Kiện toàn các tổ chức quản lý, xử lý tranh chấp lao động
+ Hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập hội đồng hòa giải lao động cơ sở ở những doanh nghiệp chưa thành lập. Củng cố, phát huy chức năng nhiệm vụ cho hội đồng hòa giải lao động cơ sở ở những doanh nghiệp đã được thành lập.
+ Củng cố và thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp, có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ làm công tác công đoàn giúp họ có đủ năng lực thực hiện chức năng giám sát pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp để tổ chức công đoàn thực sự là đại diện cho quyền lợi của người lao động.
- Tăng cường các biện pháp phòng ngừa xảy ra tranh chấp
+ Tổ chức, hướng dẫn triển khai theo từng nhóm nước đầu tư việc thực hiện pháp luật lao động cho các chủ doanh nghiệp để chủ đầu tư nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách cho người lao động theo đúng quy định của Nhà nước.
+ Tăng cường công tác tuyên truyền Bộ Luật Lao động cho lực lượng lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài bằng nhiều hình thức. Nâng cao chất lượng các lớp, khóa học hướng dẫn học Luật Lao động ở các trung tâm dịch vụ làm việc trên địa bàn.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ Luật Lao động tại các doanh nghiệp. Có biện pháp xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp vi phạm, kể cả biện pháp chế tài.
+ Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng hệ thống thang, bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng... để áp dụng trong doanh nghiệp.
Trong 15 năm qua, Đồng Nai luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, riêng năm 2006, tốc độ tăng trưởng 14,3%, GDP bình quân đầu người đạt 982 USD (tương đương 15,5 triệu đồng) |
+ Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, thường xuyên thanh tra kiểm tra, uốn nắn và phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa những cuộc tranh chấp về lao động xảy ra.
+ Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác lao động tiền lương cho các cán bộ làm công tác nhân sự của các doanh nghiệp.
- Xử lý kịp thời các tranh chấp lao động và đình công
Khi có dấu hiệu xảy ra đình công, lãn công, cơ quan quản lý nhà nước về lao động khẩn trương thành lập ngay đoàn công tác cùng các cơ quan liên quan chỉ đạo xử lý. Tìm kiếm những cách thức giải quyết, có kế hoạch giữ gìn trật tự trị an, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý các hành vi kích động, xúi giục, gây rối làm mất an ninh trật tự.
2. Một số kiến nghị
- Việc xây dựng nhà ở và nâng cao chất lượng đời sống công nhân cần xem xét và chuyển thành các chương trình mục tiêu quốc gia với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và hợp lý.
- Để thực hiện chính sách huy động các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là các công ty công nghiệp cùng tham gia với chính quyền địa phương chăm lo ổn định nơi ở cho công nhân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản báo cáo và kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và đề nghị Trung ương xem xét, ban hành cơ chế, chính sách miễn 100% tiền thuê đất xây dựng nhà ở cho công nhân thuê (không phân biệt công nhân trong khu công nghiệp hay ngoài khu công nghiệp); hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho phép doanh nghiệp hạch toán vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân vào chi phí sản xuất.
- Thực hiện các mục tiêu xã hội hóa. Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân để ổn định nơi sinh hoạt và an tâm lao động, làm việc là một trong những kế hoạch mà ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ đề nghị với Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét có nghị quyết huy động nhân dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.
- Với nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, việc lãnh đạo các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các cấp cần tăng cường truyên truyền hướng dẫn chủ doanh nghiệp và người lao động chấp hành pháp luật về lao động là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Kiến nghị các ngành chức năng của Trung ương cho dịch Bộ Luật Lao động và các văn bản dưới luật ra tiếng các nước có đầu tư tại Việt Nam để phát hành rộng rãi cho các doanh nghiệp.
Tóm lại, Đồng Nai với lợi thế về vị trí, thổ nhưỡng, tài nguyên, nguồn nhân lực... đang là tiềm năng lớn trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là phát triển các khu công nghiệp. Sự phát triển nhanh về kinh tế, một mặt sẽ giải quyết đáng kể công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cấp bách, ngoài chính sách phát triển nguồn nhân lực cần chú trọng giải quyết hợp lý các chính sách xã hội nhằm hạn chế các tranh chấp lao động, đình công, qua đó sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hướng đến mục tiêu xây dựng Đồng Nai thành tỉnh công nghiệp phát triển bền vững.
48 tác phẩm đạt giải báo chí Quốc gia lần thứ nhất  (28/08/2007)
Danh sách 48 tác phẩm đạt giải báo chí quốc gia năm 2006  (28/08/2007)
Việt Nam sẽ tổ chức AIPA vào năm 2010  (28/08/2007)
Động cơ thật của một nhà “giả” tu  (28/08/2007)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên