Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Trưởng đoàn các nước thành viên AIPA tại lễ bế mạc

Kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á năm 2007, tổ chức tại Kua-la-lam-pơ, thủ đô của Ma-lai-xi-a, với chủ đề: Cùng hướng tới một ASEAN - cộng đồng của nhân dân đã kết thúc. Kết quả nổi bật của Đại hội lần này là:

Thứ nhất, kỳ họp tiếp tục khẳng định và thể hiện vai trò quan trọng của AIPA trong đời sống chính trị của các nước ASEAN cũng như trên phạm vi quốc tế. Với việc thông qua Thông cáo chung, hơn 40 Nghị quyết chuyên đề và bảy cuộc đối thoại giữa các thành viên AIPA với các đối tác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ôt-xtrây-lia, Nhật Bản, Nghị viện châu Âu, AIPA tiếp tục khuyến nghị Nghị viện cũng như Chính phủ các nước trong ASEAN đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề cấp bách đang đặt ra của khu vực, như vấn đề phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh lương thực…

Thứ hai, AIPA lần này khẳng định yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động với tư cách như một tổ chức có sự liên kết và đồng thuận cao. Tiếp theo Đại hội đồng AIPO 27 được tổ chức tại Cebu, Philippines năm ngoái, đổi tên AIPO thành AIPA, sửa Điều lệ AIPA, trong đó quyết định việc thành lập Ban Thư ký, bổ nhiệm Tổng Thư ký chuyên nghiệp, cũng như tăng cường sự hợp tác giữa AIPA với ASEAN…, lần này AIPA một lần nữa bày tỏ ý tưởng tiến tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và hoạt động thiết thực hơn. Cùng hướng đến cộng đồng ASEAN vào năm 2015, AIPA lần này cũng quyết định tăng cường tính chuyên nghiệp của Ban Thư ký, mở rộng hoạt động của Ban Thư ký AIPA, thể hiện qua quyết định tăng đóng góp của mỗi nước thành viên từ 20.000 USD lên 30.000 USD.

Thứ ba, Đại hội đồng AIPA 28 tiếp tục thể hiện tình cảm, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và thúc đẩy nhau cùng phát triển. Các ý kiến, đề xuất của các đại biểu tham dự Đại hội đồng đều xoay quanh chủ đề “Cộng đồng ASEAN – Cộng đồng của nhân dân”. Dù còn những ý kiến khác nhau song tinh thần chung của AIPA 28 là tiếp tục củng cố và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các nước trong khu vực. Đây cũng là bài học giúp cho AIPA đạt được những kết quả trong 30 năm qua.

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tham gia Đoàn Chủ tịch Phiên họp
Ảnh: Trí Dũng

Một tuần của kỳ họp trôi qua thật nhanh, nhưng các nghị sĩ của ASEAN đã làm tất cả những gì có thể vì mục tiêu chung của ASEAN, AIPA là xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh, một Cộng đồng ASEAN hướng tới nhân dân, vì nhân dân, trên cơ sở lợi ích của nhân dân. Trong mọi hoạt động của AIPA 28, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đều có những đóng góp tích cực, có trách nhiệm, nhất là những vấn đề liên quan lợi ích của người dân, đến sự tồn tại và phát triển của AIPA và ASEAN. Các đóng góp của Đoàn Việt Nam đều được bạn bè coi trọng, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong AIPA.

Tại kỳ họp lần này, Việt Nam đề xuất hai nghị quyết về tăng cường vai trò của AIPA trong việc xây dựng Hiến chương ASEAN, và thiết lập “kênh” hợp tác giữa AIPA và ASEAN. Hai nghị quyết của Việt Nam nêu ra được đánh giá cao và được Đại hội đồng thông qua. Chung quanh việc xây dựng Hiến chương ASEAN, Việt Nam đề nghị AIPA ngay từ đầu phải chủ động tham gia tích cực vào quá trình này. Nghị viện mỗi nước thành viên phải có trách nhiệm xem xét và phê chuẩn Hiến chương này, sau đó là giám sát việc tổ chức thực hiện.

Bên lề của phiên họp, Đoàn Việt Nam có một số hoạt động song phương với Chủ tịch Hạ viện AIPA đồng thời cũng là Chủ tịch AIPA - 28; gặp Chủ tịch tập đoàn dầu khí Pe-trô-nat, thăm thủ đô mới của Ma-lai-xia, thăm tập đoàn điện tử Prô-sô-nic - nơi có gần 300 lao động Việt Nam đang làm việc; tiếp xúc với tất cả các trưởng đoàn các thành viên AIPA cũng như quan sát viên. Cảm nhận chung của đoàn là các nước đều đánh giá cao sự ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam, ca ngợi khối đại đoàn kết toàn dân, bày tỏ mong muốn tăng cường sự hợp tác với Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả hơn.

Kết thúc AIPA, Quốc hội Việt Nam sẽ phải làm rất nhiều việc để cùng với Chính phủ Việt Nam hướng tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đó là: thúc đẩy việc soạn thảo Hiến chương ASEAN, triển khai thực hiện các Nghị quyết mà AIPA thông qua; tuyên truyền để nhân dân mỗi nước trong khối hiểu về các Nghị quyết đó; thể chế hóa, cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện và có tổng kết kết quả thực hiện. Qua đây, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các nước bạn, bởi chỉ 3 năm nữa chúng ta cũng tổ chức AIPA. Đó sẽ là một năm rất có ý nghĩa.