Ngày 7-8-2007, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ủy ban Dân tộc Trung ương, cùng đại diện các ban Đảng của Trung ương và Hà Nội.

Ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị cho thấy:

Những năm qua, Thành ủy và các cấp ủy của Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo để xây dựng đội ngũ công nhân và đổi mới hoạt động tổ chức công đoàn. Đời sống vật chất và tinh thần đội ngũ công nhân Thủ đô nhìn chung được cải thiện rõ rệt. Một bộ phận công nhân lao động đã vươn lên có mức sống khá. Tư tưởng, tâm trạng của đội ngũ cán bộ công nhân lao động ổn định, có ý thức trách nhiệm trong việc khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ủng hộ và thực hiện các chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Tính đến năm 2006 Hà Nội có 850.926 công nhân, trong đó trình độ học vấn tiểu học chiếm 2%, THCS 17%, THPT 81%; trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa qua đào tạo chiếm 28%, sơ cấp 25%, trung cấp 22%, đại học 23%... Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều bảo đảm việc làm thường xuyên cho công nhân lao động, nhưng vẫn còn 19% công nhân lao động trong các doanh nghiệp nhà nước có việc làm không ổn định. Đối với doanh nghiệp liên doanh, chỉ có 71% số lao động có việc làm ổn định; doanh nghiệp dân doanh chỉ có 60% có việc làm ổn định, số lao động không có việc làm chủ yếu là lao động không có chuyên môn nghề, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh những thành tích đạt được, trong quá trình xây dựng đội ngũ công nhân Thủ đô còn có những hạn chế, yếu kém. Đó là công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho công nhân lao động khu vực kinh tế ngoài quốc doanh còn gặp khó khăn. Việc tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong công nhân lao động còn chưa kịp thời, triệt để. Đội ngũ công nhân lao động chưa quen với tác phong công nghiệp, có biểu hiện phai nhạt ý thức giai cấp, chưa chú ý tới những lợi ích lâu dài, ý thức tổ chức kỷ luật kém, đời sống, điều kiện lao động còn nhiều khó khăn; việc thi hành pháp luật còn nhiều thiếu sót, nhất là khu vực kinh tế tư nhân và liên doanh với nước ngoài.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy, sở, ngành của Thành phố triển khai Nghị quyết của Thành ủy về xây dựng đội ngũ công nhân Thủ đô chưa kịp thời, đồng bộ, có nơi thực hiện còn hình thức, chưa thường xuyên; công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn lúng túng; một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến đời sống và điều kiện làm việc cho công nhân lao động, vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, chế độ bảo hiểm xã hội... Việc xây dựng các tổ chức chính trị như tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn...

Qua ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương rút ra được những vấn đề mới, cụ thể, từ đó góp phần hoàn chỉnh Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa X).

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng: để thực hiện Đề án “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” có hiệu quả, trong thời gian tới, cùng với việc tăng nhanh số lượng công nhân do yêu cầu phát triển, thì chất lượng đội ngũ công nhân cũng phải biến đổi mạnh mẽ, trình độ tay nghề cũng phải được nâng cao. Đặc biệt, khi Hà Nội phấn đấu đi trước 5 năm, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Hà Nội phải xây dựng được đội ngũ công nhân đáp ứng được yêu cầu phát triển. Phải có cơ chế, chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân; nghiên cứu cơ chế, chính sách xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong tất cả doanh nghiệp của các thành phần kinh tế...