Cùng với việc tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, năm học 2007 -2008, ngành giáo dục và đào tạo sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để kêu gọi nguồn lực cho giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Đây là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục và đạo tạo, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận thông báo tại cuộc họp báo ngày 29/8, tại Hà Nội.

Cũng trong năm học mới này, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, với "căn bệnh" thành tích để nâng cao chất lượng dạy và học.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, năm học 2006-2007 được đánh giá là năm đột phá của ngành giáo dục trong việc đấu tranh loại bỏ tiêu cực, làm chuyển biến nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, tạo cơ sở để đánh giá thực chất hơn chất lượng giáo dục.

Năm 2007, tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục và đào tạo đạt 66.770 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách, tăng gần 21% so với năm trước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, thu hút đầu tư từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Theo ước tính, từ năm 1990 đến nay, tổng giá trị đóng góp của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm cho ngành giáo dục lên tới trên 1.200 tỉ đồng và khoảng 1,5 triệu m2 đất.

Nhờ vậy, cơ sở vật chất cho ngành giáo dục ngày càng được cải thiện, nhất là ở các vùng khó khăn. Cả nước hiện đã có 36.700 trường trong hệ thống từ mầm non đến đại học.

Đặc biệt, năm 2007 đã ghi dấu sự thành công của ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam khi lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành côngOlympic Toán quốc tế lần thứ 48, với sự tham gia của 96 nước và vùng lãnh thổ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học mới này, cả nước sẽ có gần 22 triệu học sinh, sinh viên đến trường. Hiện các sở giáo dục và đào tạo đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học phục vụ cho năm học mới và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9.