Xây dựng, phát triển đội ngũ công nhân ở Đồng Nai: thực trạng và giải pháp
Xây dựng giai cấp công nhân giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giàu lòng yêu nước và giác ngộ lý tưởng cách mạng, xứng đáng là đội quân chủ lực trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là nội dung cốt lõi và là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ý thức được tầm quan trọng trên đây, Đảng bộ Đồng Nai đã có nhiều chủ trương, giải pháp về vấn đề này.
Thực trạng đội ngũ công nhân ở Đồng Nai
Năm 1986, Đồng Nai có 35.000 công nhân và người lao động, đến nay con số này là gần 400.000 người.
Đại bộ phận công nhân lao động ở Đồng Nai hiện nay còn trẻ, độ tuổi bình quân từ 18 đến 35, chiếm tỉ lệ 72,55%. Họ là những học sinh tốt nghiệp phổ thông, chủ yếu là từ nông thôn. Số công nhân nhập cư chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu lao động. Lao động phổ thông chiếm 43%, công nhân lao động có tay nghề nhưng chưa có bằng cấp chiếm 27%, công nhân lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp) chiếm gần 30%, tỷ lệ có tay nghề cao còn ít.
Trình độ chính trị và hiểu biết pháp luật của đội ngũ công nhân cũng còn nhiều hạn chế, chủ yếu mới học 5 bài lý luận chính trị cơ bản và các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về Luật Lao động, Luật Công đoàn. Số công nhân được qua các lớp sơ cấp chính trị trở lên chỉ chiếm 29,81%. Trình độ học vấn, tay nghề, kiến thức quản lý còn nhiều bất cập dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu lao động kỹ thuật và lao động giữa các ngành nghề. Tổ chức đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa nhiều. Một bộ phận công nhân chỉ quan tâm đến việc làm có thu nhập là chính, thậm chí còn hoài nghi, dao động mỗi khi gặp khó khăn.
Về vai trò và tổ chức công đoàn ở Đồng Nai hiện nay
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 1.970 công đoàn cơ sở với 311.263 đoàn viên. Các loại hình công đoàn cơ sở cũng đa dạng hơn, ngày càng đáp ứng yêu cầu tập hợp người lao động. Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn có nhiều tiến bộ, các mặt hoạt động luôn gắn chặt với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn, thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý kinh tế, giáo dục và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động. Từ đó, người lao động ngày càng tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động công đoàn vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là chưa có những nội dung, hình thức, biện pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục cho công nhân lao động nhằm nâng cao giác ngộ chính trị, nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân. Trình độ và kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào, nhất là hoạt động công đoàn khu vực dân doanh. Một bộ phận cán bộ công đoàn chưa thật sâu sát, hoạt động của tổ chức công đoàn ở cơ sở nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, hành chính; phương pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp công nhân lao động còn lúng túng.
Nguyên nhân tồn tại trên, do quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có rất nhiều vấn đề mới được đặt ra, trong khi tổ chức công đoàn chưa nắm bắt kịp thời, chưa có kinh nghiệm giải quyết. Một mặt, đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn còn yếu và thiếu, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về công tác vận động công nhân trong tình hình mới, kể cả kinh nghiệm về thực tiễn. Mặt khác, thời gian hoạt động công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp dân doanh quá ít, chủ yếu là ngoài giờ sản xuất nên gặp phải không ít khó khăn.
Công nhân Đồng Nai trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa
Số lượng công nhân lao động trong cơ cấu lao động và ngành nghề tăng lên, đặc biệt ở những ngành xây dựng, may mặc, giày da, điện tử, công nghiệp chế biến hàng nông, lâm, thủy, hải sản sẽ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn.
Hình thành sự đa dạng và tăng nhanh về số lượng trong đội ngũ công nhân lao động ở các thành phần kinh tế, kéo theo sự khác nhau về thu nhập, trình độ, mức sống trong đội ngũ công nhân lao động.
Trên cơ sở dự báo xu hướng phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời căn cứ Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IX của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII, Đồng Nai xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ công nhân lao động và tổ chức công đoàn từ nay đến năm 2010 như sau:
"Xây dựng đội ngũ công nhân lao động Đồng Nai vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; làm nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Tập trung xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thực sự là người chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động; coi trọng phát triển về số lượng, chất lượng của đoàn viên và tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế; từng bước thực hiện trí thức hóa công nhân; nâng cao năng lực và trình độ cán bộ công đoàn ngang tầm với yêu cầu của nhiệm vụ; tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - giữ vững quốc phòng an ninh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"(1).
Ảnh: Phương Liễu
Về những giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân lao động ở Đồng Nai trong tình hình mới, gồm có những nội dung sau:
1 - Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về công tác dân vận trong công nhân lao động
- Các cấp ủy quán triệt sâu sắc quan điểm về công tác vận động công nhân của Đảng trong giai đoạn mới, làm cho đảng viên và công nhân lao động nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng và công nhân lao động là một yêu cầu cơ bản trong quá trình xây dựng Đảng và Nhà nước. Do đó, việc xây dựng đội ngũ công nhân lao động và củng cố tổ chức công đoàn vững mạnh là yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn hiện nay, nhằm tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước từ đội ngũ công nhân lao động, tăng cường công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Trong lãnh đạo chỉ đạo, các cấp ủy dành thời gian lắng nghe ý kiến của công nhân và tổ chức công đoàn, phản ánh kịp thời những tâm tư nguyện vọng của đội ngũ công nhân lao động, góp phần xây dựng và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ công nhân lao động. Tạo điều kiện cho công nhân tham gia xây dựng Đảng. Phân công đảng viên sâu sát với công nhân để tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để lãnh đạo giáo dục công nhân được tốt hơn.
2 - Tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công nhân lao động
Các cấp chính quyền phải xem việc xây dựng đội ngũ công nhân lao động là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, từ đó cụ thể hóa bằng các chương trình công tác hằng năm của mình, tập trung một số nội dung chính sau:
- Trong quá trình hoạch định và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng hằng năm, đặc biệt là chính sách liên quan đến công nhân, cần chú ý đến các nội dung nâng cao năng lực chuyên môn và ý thức giác ngộ chính trị trong giai cấp công nhân. Trước mắt, cần có những giải pháp hiệu quả trong việc tổ chức bồi dưỡng học vấn và tay nghề cho người lao động, đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Chỉ đạo các ngành chức năng của Nhà nước phối hợp chặt chẽ với công đoàn các cấp, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, nâng cao ý thức trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của người lao động, bảo đảm hiệu lực thực thi của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và các chế độ chính sách khác của Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các vụ việc vi phạm pháp luật đối với công nhân lao động.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các nội quy, quy chế và các thỏa ước lao động tập thể theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đây là nội dung quan trọng trong việc tăng cường ổn định quan hệ lao động, mối quan hệ hợp tác giữa công nhân lao động và các nhà quản lý, chủ đầu tư để cùng thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định việc làm và đời sống công nhân. Các khu công nghiệp tập trung phải có kế hoạch giải quyết tốt các điều kiện sống, làm việc và xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
- Các ngành chức năng có các biện pháp phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động kể cả người sử dụng lao động, nhằm tăng cường trách nhiệm cả đôi bên.
- Ngành giáo dục tăng cường đội ngũ giáo viên giỏi để nâng cao chất lượng dạy và học bổ túc văn hóa cho công nhân, khuyến khích và tiếp tục đẩy mạnh hình thức giáo dục từ xa như học bổ túc văn hóa, học chuyên môn nghiệp vụ qua Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai. Tăng cường giới thiệu học tập các nội dung của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và các quy định khác về lao động cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động.
- Tiến hành quy hoạch, xác định quy mô đào tạo và sắp xếp lại mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, phát triển một số trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm để giải quyết việc làm cho người lao động trên các địa bàn huyện, thị xã có khu công nghiệp tập trung. Khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, mở rộng các hình thức đào tạo nghề tại các doanh nghiệp. Đổi mới chương trình và nội dung giảng dạy theo hướng hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Ngân hàng Nhà nước và các ngành có liên quan xây dựng dự án hình thành quỹ tín dụng học nghề cho người lao động vay và quỹ bảo hiểm thất nghiệp, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống, nâng cao tay nghề cho người lao động.
3 - Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn
- Các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các chức năng do pháp luật và Điều lệ công đoàn quy định, chú trọng chức năng là người đại diện và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động. Tích cực tham gia, phối hợp với ủy ban nhân dân có những biện pháp cụ thể về những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng đội ngũ công nhân lao động.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tập hợp công nhân lao động vào tổ chức công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn các cấp vững mạnh gắn với việc bồi dưỡng đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục rèn luyện, xây dựng đội ngũ công nhân lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, truyền thống đoàn kết, kỷ luật cao, có tinh thần yêu nước và triệt để cách mạng.
- Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chức năng xây dựng nhà ở cho công nhân lao động có thu nhập thấp. Vận động khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư xây dựng nhà ở tập thể, tổ chức xe đưa rước công nhân, xây dựng trung tâm văn hóa cho công nhân, làm nòng cốt cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
(1) Trích Nghị quyết 62 của Tỉnh ủy Đồng Nai
48 tác phẩm đạt giải báo chí Quốc gia lần thứ nhất  (28/08/2007)
Danh sách 48 tác phẩm đạt giải báo chí quốc gia năm 2006  (28/08/2007)
Việt Nam sẽ tổ chức AIPA vào năm 2010  (28/08/2007)
Động cơ thật của một nhà “giả” tu  (28/08/2007)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên