Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng
TCCS - Ngày 15-7-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Hà Nội) và trực tiếp tới 63 điểm cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo; thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới nhằm điều hành chính sách tiền tệ phục vụ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, các đại biểu thảo luận sôi nổi về các vấn đề: Tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; điều chỉnh lãi suất; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi và phát triển theo hướng “tháng sau khởi sắc hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước”, với nhiều điểm sáng. Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp tích cực và quan trọng của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ, ngân hàng, bảo đảm tiến độ, chất lượng; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh; năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng ngày càng được nâng lên; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập mà ngành ngân hàng cần khắc phục, như mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế và so với mong muốn được hỗ trợ, chia sẻ của doanh nghiệp, người dân; dư nợ tín dụng tăng thấp, 6 tháng chỉ đạt 3,58%; nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm.
Phân tích về những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đã thống nhất quan điểm chỉ đạo điều hành là “Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm đời sống nhân dân”.
Trong chỉ đạo, điều hành cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng có kiểm soát, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính.
Về hoạt động tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay; xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn; chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Thực hiện nguyên tắc thị trường nhưng có điều tiết về mặt kỹ thuật khi cần thiết, nhất là ổn định tâm lý thị trường; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung, khẩn trương xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, giám sát; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh truyền thông; đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhân dịp này, cùng với Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường trong nước, quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn và cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26  (15/07/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia  (13/07/2023)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản  (11/07/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên