Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
TCCS - Ngày 5-8-2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên thứ 20, đánh giá tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2021, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
*Xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực
Trong 6 tháng đầu năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, trong đó có 10 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị xử lý kỷ luật một tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, 7 cán bộ diện Trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước có sai phạm.
Ngành thanh tra, kiểm toán đã phát hiện có sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân. Qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 đối tượng tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng.
* Khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời 4 vụ án trọng điểm
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng. Từ sau Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 7 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 1 vụ án/7 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 2 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/20 bị cáo.
Các cơ quan chức năng khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời 4 vụ án trọng điểm:
1. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ, Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam.
2. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
3. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường một số đơn vị liên quan.
*Khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”
Qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, các bộ, ngành đã phát hiện chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình như Thanh tra Chính phủ chuyển 26 vụ, Bộ Tài chính chuyển 95 vụ, Ngân hàng Nhà nước phát hiện, xử lý 5 vụ việc/5 người... Cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 27 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, 16 cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân do tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố mới 16 vụ án/19 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Các địa phương, thanh tra, kiểm tra đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế như: Khánh Hòa 7 vụ/8 bị can; Thanh Hóa 7 vụ/16 bị can; Bắc Ninh 6 vụ/22 bị can; Nam Định 5 vụ/10 bị can; Phú Thọ 4 vụ/10 bị can; Thái Nguyên 4 vụ/6 bị can; Quảng Nam 4 vụ/7 bị can; Nghệ An 3 vụ/8 bị can; Hà Tĩnh 3 vụ/7 bị can; Tây Ninh 3 vụ/7 bị can... Một số địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận đồng tình, đánh giá cao như: Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Phú Yên, Sơn La...
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả. Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác, trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.
Thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, góp phần tạo cơ sở chính trị - pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì hoạt động nền nếp, hiệu quả.
* Tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phải tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2021.
Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu đến hết năm 2021 kết thúc điều tra 2 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án, xét xử sơ thẩm 9 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 5 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các cơ quan khẩn trương đưa xét xử các vụ án:
1. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
2. Vụ án “Tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị liên quan.
3. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.
4. Vụ án “Đưa hối lội”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.
5. Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Nhất là khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 - 2017 theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo quan tâm chỉ đạo việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán kiến nghị, đề xuất; hoàn thiện trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các đề án khác theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực.
* Công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt hơn
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị các tài liệu phiên họp rất công phu, nghiêm túc, thận trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, đất nước đứng trước nhiều sự kiện trọng đại, yêu cầu nhiệm vụ lớn, nhất là sau Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội thành công tốt đẹp, kiện toàn bộ máy mới của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan không chỉ ở Trung ương và các địa phương, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, tất cả mọi việc đều tiến hành tốt, trong đó công tác phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn và thêm nhiều bài học quý, nhiều kinh nghiệm tốt hơn. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm quyết liệt, làm có bài bản, có kinh nghiệm hơn, thành quy trình, khâu nào làm trước, làm sau, phối hợp rất nhuần nhuyễn.
Thống nhất phương hướng thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục. Nội bộ Ban Chỉ đạo đoàn kết, thống nhất. Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan và mong mỏi của nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được dừng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo để làm những vụ án trọng điểm, những vụ án lớn, những vụ án mà tác động nguy hiểm, làm để có tác dụng răn đe. Ban Chỉ đạo không làm thay các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng vẫn phải làm theo quy định của Đảng, Nhà nước, không trông chờ vào Ban Chỉ đạo có chỉ đạo mới làm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có kinh nghiệm là: làm liên tục, bền bỉ, bài bản, trở thành yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ thường xuyên, một xu thế, một phong trào không làm không được, không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ... Các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải trao đổi thẳng thắn, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư đã chỉ ra những hạn chế như: Việc triển khai một số nhiệm vụ công tác và tiến độ xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số trường hợp còn chưa tốt, không đúng tiến bộ; vẫn còn tình trạng cấp dưới ỷ lại cấp trên... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải chỉ đạo tất cả các cấp, ngành đồng bộ, không làm thay; phát huy sức mạnh toàn dân, toàn hệ thống chính trị, huy động được sức mạnh không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn cả các đoàn thể quần chúng, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân.
Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa, chất lượng cao hơn nữa, khắc phục những khâu yếu, việc khó, phải chú ý khâu tự kiểm tra, tự xử lý và phải giao nhiệm vụ, yêu cầu cấp dưới thực hiện.
Về sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần xác định rõ nội hàm của công tác phòng, chống tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; giao Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV  (20/07/2021)
Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội  (19/07/2021)
Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện cả tầm tư tưởng - lý luận và định hướng thực tiễn  (12/07/2021)
Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện cả tầm tư tưởng - lý luận và định hướng thực tiễn  (12/07/2021)
Bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  (08/07/2021)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên