TCCSĐT - Sáng 06-02 (tức mùng 2 Tết), Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 tại không gian hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) rực rỡ sắc màu, tấp nập khách đến xin chữ và thưởng lãm nghệ thuật thư pháp.

Xin chữ và cho chữ, một nét đẹp văn hóa từ ngàn đời nay vẫn được người dân Thủ đô, duy trì mỗi dịp Tết đến Xuân về, gửi theo ước nguyện một năm mới nhiều may mắn.

Đến bất kỳ di tích nào tại Hà Nội trong những ngày đầu năm sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh ông đồ cắm cúi trên mảnh giấy điều đỏ, phóng bút “rồng bay, phượng múa” để viết chữ cho những người đến xin.

Cả người cho chữ và người xin chữ đều vui vẻ, thành tâm gửi theo nét chữ tâm nguyện về những điều tốt lành. Khi nhu cầu xin chữ và viết thư pháp ngày càng rộng mở, Hội chữ Xuân tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành nơi tụ hội những người yêu nghệ thuật thư pháp và nơi người dân Thủ đô đến vui chơi, xin chữ đầu năm.

Bước chân vào Hội chữ Xuân Kỷ Hợi, người ta được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật thư pháp với cách bài trí gần gũi, hấp dẫn đậm chất hoài cổ. Đó là những lều tre để các ông đồ ngồi viết thư pháp; là quang cảnh trường thi với nhà Thập đạo, chòi canh, lều chõng; là nơi trưng bày những bức thư pháp tuyệt đẹp, là những góc trang trí mang văn hóa Tết của vùng đồng bằng Bắc Bộ, các chương trình nghệ thuật truyền thống... Cách bài trí, sắp đặt hài hòa với không gian di tích, chuyển tải khéo léo tinh thần của Hội chữ Xuân Kỷ Hợi là hướng đến văn hiến.

Chậm rãi rảo bước quanh hồ Văn, cũng là dọc theo lều chữ của các ông đồ, bác Hoàng Văn Vinh, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông dừng chân tại gian hàng của một ông đồ. Sau một hồi nhìn ngắm gian hàng, xem ông đồ viết chữ, cùng trò chuyện với ông đồ, bác Hoàng Văn Minh nhờ ông đồ viết cho mình chữ “Đạt” với mong muốn mọi việc trong năm mới đều hanh thông, đạt được theo ý nguyện. Bác chia sẻ thưở nhỏ có nhiều năm bác theo ông nội sang nhà thầy đồ trong làng xin chữ vào đầu năm. Sau một thời gian gián đoạn, giờ phong tục xin chữ đầu năm lại được khôi phục, đó là điều rất quý.

Đối với các ông đồ, tham gia Hội chữ Xuân với mục đích chính là mong muốn giới thiệu nét đẹp truyền thống thư pháp đến đông đảo nhân dân và cũng để thể hiện khả năng viết thư pháp của mình. Được viết thư pháp, trao lại niềm vui cho khách trong những ngày đầu năm mới, được hoạt động tại một không gian di sản văn hóa là điều ai cũng phấn khởi.

Tại các gian hàng khác cũng rất đông người đến xin chữ và đến xem các ông đồ thể hiện khả năng viết thư pháp, đặc biệt là gian hàng của “đại lão” thư pháp Cung Khắc Lược. Không chỉ là người lớn tuổi mà rất đông thanh niên, thậm chí cả trẻ nhỏ theo cha mẹ đến xin chữ. Không chen lấn xô đẩy, không vội vã như thường thấy ở những sự kiện đông người khác, khách đến đây đều mang tâm niệm đến thưởng chữ, xin chữ do vậy đều văn minh trong ứng xử.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trưởng Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019, cho biết trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, mỗi ngày Hội chữ đón khoảng 12.000-13.000 vạn khách đến tham quan. Ngay thời điểm Giao thừa đã có rất đông người đến xin chữ.

Tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân mong muốn mang lại một hoạt động văn hóa an toàn, văn minh trong những ngày đầu năm, đảm bảo đúng với ý nghĩa của Hội chữ Xuân.

Nhiều năm nay, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân phối hợp cùng lực lượng công an giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, xây dựng nội quy, quy định về thời gian, giá cả từng chủng loại giấy viết chữ, đồng thời yêu cầu người tham gia viết chữ thực hiện đúng các quy định của Ban Tổ chức đặt ra.

Năm năm nay, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 khẳng định những trường hợp ông đồ vi phạm quy định của Ban tổ chức sẽ bị đình chỉ tại chỗ và đình chỉ vĩnh viễn, không còn cơ hội tham gia sự kiện văn hóa này. Theo lý giải của Ban Tổ chức, Hội chữ Xuân là hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong ngày đầu năm nên những người tham gia, kể cả người xin chữ và cho chữ cần có ứng xử đẹp. Vì vậy, dù có bất kỳ vấn đề gì xảy ra không thể có trường hợp các ông đồ bất hòa, căng thẳng với nhau làm ảnh hưởng đến Hội chữ và ảnh hưởng đến hình ảnh của các ông đồ nói chung.

Ông đồ Phạm Đình Ngọc, Câu lạc bộ Thư pháp Việt UNESCO cho rằng việc mạnh tay xử lý với những trường hợp vi phạm tại Hội chữ Xuân là cần thiết bởi một không gian văn hóa không thể có những hành vi ứng xử không phù hợp.

Thực tế, việc xảy ra các vấn đề mất trật tự tại một sự kiện giàu tính văn hóa như Hội chữ Xuân là trường hợp hy hữu. Nhưng dù sao, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân vẫn tăng cường công tác quản lý, xiết chặt kỷ cương trong hoạt động của các ông đồ cũng như hướng dẫn khách tham quan, tạo hình ảnh đẹp cho Hội chữ. Vấn đề này được đông đảo người tham gia Hội chữ Xuân ủng hộ.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trưởng Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Kỷ Hợi, năm nay nền nếp hoạt động của Hội chữ chuyển biến tốt hơn các năm trước. Từ khi khai mạc Hội chữ (ngày 24-01) đến nay, chưa xảy ra trường hợp bất cập nào liên quan đến văn hóa ứng xử, mọi người đến Hội chữ Xuân đều ý thức cao.

Nhìn chung, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 bảo đảm là sự kiện văn hóa văn minh, an toàn, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô trong những ngày đầu năm mới. Hội chữ đã trở thành địa chỉ người dân Thủ đô cũng như du khách mong muốn được đến mỗi khi nhắc tới trong những ngày đầu năm mới.

Trong khi đó, tại thành phố Turin, thủ phủ Vùng Piemonte, miền Bắc Italy, trong buổi gặp mặt Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019, tiến sỹ Sandra Scagliotti, Lãnh sự Danh dự Việt Nam chia sẻ, sẽ có một không gian văn hóa đậm chất Việt Nam ở thành phố Turin trong tương lai gần.

Theo đó, xuất phát từ việc hiện thực hóa thành công một “quán càphê kiểu Hà Nội-Caffè Viet” từ tháng 6-2018 của một nhóm sinh viên Việt Nam tại thành phố Turin, bà Sandra Scagliotti cùng các đối tác như chi Hội sinh viên Việt Nam tại Turin, Trung tâm Khoa học-Văn hóa Italy-Việt Nam (POLO), Phòng Thương mại Italy - Việt Nam... đã xúc tiến những thủ tục cần thiết với chính quyền thành phố để có thể sớm khai trương một không gian văn hóa Việt Nam ngay trong khuôn viên của văn phòng Lãnh sự Danh dự tại thành phố Turin.

Điểm đặc sắc và được coi là táo bạo của dự án này chính là việc mạnh dạn giới thiệu với bạn bè Italy, những người vốn có thói quen uống càphê hàng ngày và tự hào về “nghệ thuật pha chế cà phê” của đất nước hình chiếc ủng, một “văn hóa càphê” mới lạ, đậm chất Việt Nam với những “đặc sản” biến tấu như càphê trứng, càphê cốt dừa, hay chỉ đơn giản là càphê đen hữu cơ nhưng nguyên chất.

Không dừng lại ở đó, với một quy mô lớn hơn trong tương lai, nơi đây cũng sẽ được kỳ vọng là điểm hẹn cho cộng đồng người Việt Nam và tất cả những người yêu Việt Nam ở miền Bắc Italy với một góc thiên nhiên nhiệt đới, nghệ thuật ẩm thực, sách báo, âm nhạc, các sự kiện và tất cả những thông tin được cập nhật liên tục về đất nước, con người Việt Nam.

Có mặt trong buổi Gặp mặt Tết Nguyên đán, tân Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Italy, Nguyễn Thị Bích Huệ đã gửi lời chúc đầu Xuân đến toàn thể cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại thành phố Turin cũng như Vùng Piemonte; đồng thời, đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng Việt Nam cũng như phòng Lãnh sự Danh dự đã đóng góp vào quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian qua.

Về phần mình, Ủy viên phụ trách Quan hệ Quốc tế thành phố Turin, bà Anna Merlin cũng nhất trí rằng những sự kiện giao lưu văn hóa như gặp mặt Tết Nguyên đán là dịp để là dịp để người Italy hiểu biết hơn về con người, văn hóa và đất nước Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết giữa hai dân tộc.

Kết hợp hài hòa giữa hai không gian văn hóa, ẩm thực, âm nhạc Việt Nam và Italy, buổi Gặp mặt Tết Nguyên đán 2019 đã diễn ra trang trọng, đầm ấm; thu hút đông đảo sự tham dự của các đại diện chính quyền, cộng đồng người Việt Nam; bạn bè Italy và quốc tế tại thành phố Turin và Vùng Piemonte.

Cùng ngày, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ đã có chuyến thăm và làm việc tại trụ sở hãng tạo mẫu thiết kế nổi tiếng Pininfarina của Italy. Đây cũng là hãng đã thiết kế những mẫu xe ôtô đầu tiên sẽ được tập đoàn Vinfast sản xuất đại trà và đưa ra thị trường Việt Nam trong một tương lai gần./.