Nhận diện và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay
TCCSĐT - Nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” thông qua mọi âm mưu, thủ đoạn, các hoạt động khác nhau để lợi dụng vấn đề quyền con người và dân chủ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người
Về phương thức, mục tiêu, nền tảng tư tưởng của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người.
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, trong suốt gần 30 năm qua, lợi dụng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu, các thế lực thù địch tăng cường sử dụng vấn đề quyền con người (QCN) và dân chủ làm công cụ để đẩy mạnh chống phá chế độ chính trị - xã hội ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể khái quát như sau (1):
Về phương thức hoạt động: Lấy chống phá về chính trị, tư tưởng làm khâu đột phá; lấy mua chuộc kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ; dùng ngoại giao để hỗ trợ, hậu thuẫn.
Về mục tiêu hoạt động: Tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận - thực tiễn về QCN để chống phá nền tảng tư tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của QCN ở Việt Nam. Tiến hành các hoạt động chống phá thực tiễn bảo đảm QCN trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, dân tộc, thông tin, truyền thông, giáo dục - đào tạo, văn hóa nghệ thuật, tư pháp,... kể cả hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy sự chệch hướng XHCN của công cuộc đổi mới ở nước ta. Tuyên truyền, ca ngợi các giá trị của nhân quyền tư sản nhằm kích động, cổ vũ việc phân hóa, chuyển hóa tư tưởng chính trị XHCN, đồng thời thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản, trước tiên trong nội bộ Đảng, Nhà nước ta.
Về nền tảng tư tưởng: Về mặt tư tưởng, là hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa (TBCN) thường được nhân danh “tư tưởng văn hóa phương Tây” hoặc “quan niệm của các quốc gia phát triển” với nội dung cơ bản là: quan niệm một cách phiến diện, có khi tuyệt đối hóa quyền cá nhân và các quyền dân sự, chính trị đến mức đồng nhất chúng với QCN nói chung; coi nhẹ quyền của tập thể, của dân tộc và chủ quyền quốc gia; coi nhẹ tính bình đẳng của các chủ thể quyền và các nội dung quyền, nhất là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, vốn chiếm vị trí cơ bản và là yêu cầu có tính bức thiết đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Về mặt chính trị, là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc về văn hóa, coi tư tưởng nhân quyền phương Tây mang tính phổ quát toàn nhân loại, thậm chí cao hơn chủ quyền quốc gia.
Về những biểu hiện mới trong chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người.
Thứ nhất, các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận và thực tiễn về QCN ở nước ta.
Trong những năm qua, các lực lượng chuyên môn, chuyên trách và hệ thống chính trị nói chung đã chủ động, tích cực phát hiện, phê phán, phản bác, ngăn chặn, nhiều hành động, hành vi truyền bá tư tưởng đối lập với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, như ca ngợi chủ nghĩa đa nguyên, dân quyền tư sản; đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp; đòi xây dựng nhà nước “tam quyền phân lập” theo mô hình phương Tây. Các lực lượng thù địch còn nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực”, “bảo vệ chủ quyền biển đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”,... mà thực chất là nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; gây hoài nghi, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, không chỉ trong lĩnh vực QCN, ở Việt Nam.
Trong vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, bằng những thành tựu bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền con người trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn ra sức đề cao dân chủ tư sản, xuyên tạc bản chất nền dân chủ XHCN và QCN ở nước ta. Chẳng hạn, chúng đưa ra những chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới”, vấn đề “nhân quyền về bản chất không còn được coi là công việc thuộc nội bộ của một quốc gia”, để chống phá Việt Nam. Chúng tìm mọi cách chính thức hóa việc Việt Nam có “tù chính trị”, các “đảng chính trị”, “lực lượng đối lập”, để ngụy biện về cái gọi là sự tồn tại thể chế “đa nguyên, đa đảng”. Từ đó chứng minh việc xóa bỏ con đường phát triển theo định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, “đang diễn ra trong thực tế” ở Việt Nam.
Thứ hai, phòng chống các hoạt động kích động vấn đề dân tộc thiểu số và xuyên tạc Việt Nam có “hai chính sách tôn giáo”.
Về vấn đề dân tộc, chúng ta đã phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại hoạt động của các thế lực thù địch trong việc sử dụng các phương tiện điện thoại, fax để liên lạc, chỉ đạo hoạt động chống đối, gây rối, nhằm tăng cường kích động tư tưởng ly khai, tự trị, như “mỗi dân tộc là một nhà nước”, vấn đề dân tộc bản địa,...; thậm chí tổ chức bạo loạn tại một số vùng dân tộc thiểu số, như ở Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004, ở Mường Nhé (Lai Châu) năm 2011.
Về vấn đề tôn giáo, chúng ta đã phê phán, phản bác, ngăn chặn và xử lý công khai trước pháp luật nhiều hành động, hành vi của các thế lực thù địch rêu rao về cái gọi là “hai chính sách tôn giáo” (chính sách bảo vệ, bảo đảm trên hình thức và “chính sách” không bảo vệ, không bảo đảm trong thực tế) thông qua “cơ chế xin - cho” nhằm tạo lập các “tôn giáo quốc doanh”; phân biệt đối xử, sách nhiễu đối với đạo Thiên chúa, đạo Tin lành, đạo Khơme Nam tông; về cách ly, đàn áp những “nhà hoạt động tôn giáo” bằng cách giam giữ, xử phạt, bỏ tù mà không qua xét xử; về kiểm soát chặt chẽ việc in ấn kinh sách, hạn chế đào tạo chức sắc, dòng tu, hội đoàn; về kiểm soát việc đi lại, phong bổ hàng ngũ chức sắc tôn giáo; về chiếm đất của nhiều cơ sở tôn giáo,...
Thứ ba, phê phán, xuyên tạc rằng Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp.
Chúng ta đã phát hiện, vạch trần, phê phán, phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch, như: Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản và cung cấp thông tin cho báo chí; bắt giữ, giam cầm, tước đoạt quyền hành nghề của những nhà báo và các blogger “dám nói lên sự thật”, “dám đưa thông tin lề trái”; hoặc quy kết, chụp mũ tội danh cho các nhà báo, blogger viết không theo đúng tư tưởng của Đảng hoặc theo “Tổng Biên tập độc nhất”;... Chúng kích động khuynh hướng cực đoan trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, mạng truyền thông xã hội và cả hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Thứ tư, xuyên tạc, kích động trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật và tung tin dưới nhiều hình thức nhằm thúc đẩy sự suy thoái, suy đồi, rối loạn về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong các tầng lớp nhân dân.
Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xã hội, ưu tiên cấp học bổng để thu hút học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu “lối sống Mỹ”, “nghiên cứu nhân quyền”, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức hội nhóm tôn giáo trong học sinh, sinh viên,... nhằm “thay máu” giới trẻ.
Đặc biệt, các thế lực thù địch tăng cường tung tin dưới mọi hình thức, đưa tin bịa đặt, thất thiệt một cách có chủ ý nhằm bôi xấu, bôi đen các vị lãnh tụ, lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta. Chúng cũng xoáy sâu vào những biểu hiện tiêu cực, suy thoái, suy đồi trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, kể cả những hoạt động, sinh hoạt trong đời sống thường nhật, với sự phụ họa một cách vô ý thức của truyền thông đại chúng theo cơ chế thị trường, nhằm phá hoại kỷ cương, trật tự an toàn xã hội, làm rối loạn tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội nói chung.
Thứ năm, hoạt động xâm nhập, kích động nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản, trước tiên trong nội bộ Đảng, Nhà nước.
Một mặt, với những âm mưu, thủ đoạn chống phá nhằm tác động “từ bên trong” như nêu trên, các thế lực thù địch thông qua sự suy thoái, suy đồi về tư tưởng, đạo đức, lối sống để chuyển hóa tư tưởng chính trị trong nội bộ Đảng, Nhà nước. Mặt khác, chúng tăng cường tác động “từ bên ngoài” để cổ vũ, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng chính trị nhân quyền tư sản. Sự tác động “từ bên ngoài” thể hiện ở chỗ: Chúng yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị tương tự các quốc gia phát triển phương Tây, như: tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo “không cần sự quản lý của Nhà nước”,... trong khi đó chúng cố tình phớt lờ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và phát triển vốn không kém phần quan trọng, thậm chí bức xúc, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đồng thời, chúng gắn QCN với các vấn đề hợp tác phát triển, dân chủ, dân tộc, tôn giáo, tiếp cận thông tin, và các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt chúng đòi hỏi dân sự hóa hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh nhằm thúc đẩy sự phát triển tối đa của xã hội dân sự.
Trước tình hình trên, cả hệ thống chính trị đã đẩy mạnh xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đồng thời cảnh giác, phát hiện, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch tìm cách tác động bằng tâm lý thông qua mạng truyền thông xã hội, để kích động mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, Nhà nước nhằm phân hóa cán bộ, đảng viên, lôi kéo những người có biểu hiện bất mãn. Chúng ta cũng đã phát hiện, ngăn chặn những hoạt động móc nối với những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, thoái hóa, những người có ý kiến bất đồng trong cán bộ, đảng viên, một số văn nghệ sĩ..., tham gia viết bài, biên soạn tài liệu để phát tán trong nước và gửi ra nước ngoài, nhằm kích động chuyển hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong các tầng lớp nhân dân và chống phá chế độ chính trị - xã hội ở Việt Nam. Thậm chí chúng tìm cách mua chuộc bằng tiền, hiện vật có giá trị để làm thay đổi tư tưởng, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp chiến lược và cơ quan trọng yếu. Từ đó, chúng tác động để những người này tham mưu, đề xuất nhằm thay đổi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước theo hướng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm chệch hướng XHCN trong quá trình đổi mới đất nước.
Quan niệm, đặc điểm và phương thức đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người
Quan niệm đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người. Thực tiễn đấu tranh trên lĩnh vực QCN ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, phải chủ động, tích cực kết hợp sử dụng các cách thức, phương pháp, biện pháp về tư tưởng chính trị, pháp lý, từ nhận diện, phê phán, phản bác đến ngăn chặn và xử lý công khai bằng pháp luật nhằm làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từ đó, có thể quan niệm “đấu tranh trên lĩnh vực QCN” là sự chủ động, tích cực nhận diện, phê phán, phản bác, ngăn chặn, xử lý bằng pháp luật nhằm làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn sử dụng QCN như một công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Đặc điểm đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người là đấu tranh về tư tưởng chính trị - pháp lý giữa hai loại hình giá trị XHCN và TBCN (hay thường được gọi là giá trị văn hóa phương Tây) về dân chủ (tức các quyền dân chủ) và nhân quyền. Đây là đặc điểm có tính bản chất của đấu tranh trên lĩnh vực QCN. Đặc điểm này cho thấy, đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền không có giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà nằm ngay trong nhận thức của mỗi người và mỗi tổ chức. Do đó, nhân dân, trước tiên là mỗi cán bộ, đảng viên, đều là chủ thể đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Trong phương thức đấu tranh trên lĩnh vực QCN, cần coi trọng cách thức, phương pháp, biện pháp tư tưởng chính trị, như tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tích cực phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, coi trọng cách thức kết hợp đấu tranh với đối thoại.
Phương thức đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người. Trên cơ sở đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước, sử dụng linh hoạt các cách thức, phương pháp và biện pháp tư tưởng chính trị, pháp lý nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc sử dụng QCN làm công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội ở nước ta. Trước các hoạt động chống đối công khai của các tổ chức, cá nhân đối với chế độ chính trị - xã hội ở nước ta, cần kết hợp tốt các cách thức, phương pháp và biện pháp đấu tranh, như nhận diện kịp thời, phê phán, phản bác và nhất là phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý công khai bằng pháp luật.
Phương thức đấu tranh tại các tổ chức quốc tế trên lĩnh vực QCN, gồm: Đấu tranh theo cơ chế dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc (tại Hội đồng Nhân quyền và tại Ủy ban NGOs thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc - ECOSOC) theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và nghĩa vụ là thành viên Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, lựa chọn và tiến hành các phương pháp, biện pháp đấu tranh thích hợp với từng vụ, việc cụ thể phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.
Đấu tranh theo cơ chế dựa trên công ước tại 7/10 Ủy ban (Tiểu ban) về QCN của Liên hợp quốc theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và nghĩa vụ là thành viên tham gia công ước. Trên cơ sở đó, lựa chọn và tiến hành các phương pháp, biện pháp đấu tranh thích hợp với mỗi vụ, việc cụ thể và phù hợp với quy chế của mỗi ủy ban công ước.
Đấu tranh tại các Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổ chức môi trường quốc tế,... theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và hợp tác với thể chế của các tổ chức này mà Việt Nam đã tham gia. Việc lựa chọn và tiến hành các phương pháp, biện pháp đấu tranh phải phù hợp với thể chế của mỗi tổ chức quốc tế và hệ thống công pháp quốc tế, và với mỗi loại quyền (lao động, nghiệp đoàn, an sinh xã hội, kinh doanh, thương mại, môi trường,...).
Đấu tranh với một số tổ chức phi chính phủ quốc tế, như đấu tranh với Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức ân xá quốc tế, Tổ chức phóng viên (ký giả) không biên giới về những báo cáo phiến diện, xuyên tạc, không khách quan đối với tình hình nhân quyền ở Việt Nam, theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và trên cơ sở hệ thống công pháp quốc tế. Việc xác định phương pháp, biện pháp đấu tranh phải phù hợp với vị trí, tính chất của mỗi tổ chức này và mỗi vụ, việc cụ thể.
Phương thức đấu tranh với các tổ chức, cá nhân người Việt Nam trong và ngoài nước thù địch với chế độ chính trị - xã hội trên lĩnh vực QCN ở nước ta theo cách thức tuân thủ hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối với người Việt ở nước ngoài phải tính đến mức độ phù hợp với hệ thống công pháp quốc tế và pháp luật của nước sở tại. Việc xác định phương pháp, biện pháp đấu tranh phải thích hợp với tính chất của mỗi tổ chức chống đối của người Việt ở ngoài nước hay tổ chức, cá nhân người Việt ở trong nước, phải phù hợp với mức độ, tính chất chống đối của mỗi vụ, việc cụ thể./.
--------------------
(1) Xem thêm: Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ, Tài liệu tổng kết Chỉ thị 12, Sđd, tr.33 - 39
Giải pháp tăng cường tuyên truyền trên báo chí về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu  (15/01/2019)
Chủ tịch Quốc hội lên đường tham dự APPF-27 tại Campuchia  (14/01/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Hội nghị tổng kết ngành Tòa án  (14/01/2019)
Thủ tướng truyền cảm hứng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông  (14/01/2019)
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Để người dân được lắng nghe  (14/01/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay