Tổng kết công tác một số ngành năm 2018
TCCSĐT - Ngày 04-01, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng.
* Đánh giá tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 cho thấy, năm 2018, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, các vụ uy hiếp an toàn hàng không, tai nạn giao thông đường sắt gây thiệt hại lớn. Trật tự an toàn giao thông chưa được cải thiện và có xu hướng gia tăng trở lại.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính từ ngày 16-11-2017 đến 15-11-2018, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 1.348 vụ, giảm 33 người chết và 2.238 người bị thương. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao với 18.490 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 147 vụ, làm chết 119 người, bị thương 60 người. Đường thủy xảy ra 83 vụ, làm chết 46 người, làm bị thương 6 người và hàng hải xảy ra 16 vụ, làm chết 4 người, bị thương 4 người.
Có 44 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 17 địa phương giảm trên 10% số người chết. Tuy nhiên, vẫn còn 18 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ, trong đó 6 tỉnh tăng trên 10% là: Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, Cao Bằng, Kiên Giang, Hậu Giang, Bắc Giang, trong đó, có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 20% là: Kiên Giang, Hậu Giang và Bắc Giang.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý tình trạng còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân; vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy hiện nghiêm trọng. Tỷ lệ xe quá tải vẫn còn khoảng 10%; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, gia tăng cả về thời gian và không gian so với cùng kỳ, không chỉ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng... Tai nạn giao thông trên cao tốc và quốc lộ tăng so với bình quân năm 2017, trong đó, số lái xe ô tô gây tai nạn giao thông chiếm 33,5% (tăng cao so với bình quân năm 2017, 24,3%). Số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có giảm nhưng số người chết tăng; riêng 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách tại Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam và Lai Châu làm 34 người chết, bình quân hơn 8 người chết trong mỗi vụ.
Đề cập đến nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng, do lái xe do sử dụng rượu bia và vi phạm quy trình thao tác lái xe tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu do người lái xe chủ quan khi điều khiển phương tiện, mệt mỏi, ngủ gật do làm việc quá thời gian quy định, vi phạm nồng độ, sử dụng chất ma túy, còn có những yếu tố về điều kiện kết cấu hạ tầng, quản lý nhà nước, quản lý của chủ xe và cả ý thức của hành khách. Lưu ý khoảng 90% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là người đi mô tô, xe máy, Phó Thủ tướng cho rằng điều này đòi hỏi cần phải có những giải pháp căn cơ hơn, nhằm nâng cao an toàn cho người đi mô tô và xe máy.
Chỉ ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 để tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; giảm 10% con số thương vong, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh những trường hợp vi phạm an toàn giao thông dứt khoát phải phạt thật nặng. Việc thi, cấp giấy phép lái xe phải nghiêm, xem xét tuổi tác phải đủ nhận thức về trách nhiệm xã hội, đủ kinh nghiệm mới được cấp phép lái xe tải nặng, xe container. Cùng với đó, siết chặt quy định pháp luật về quản lý thời gian lao động và khám sức khỏe của lái xe vận tải đường bộ. Xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp vận tải, tuyên truyền văn hóa giao thông liên tục, để ý thức giao thông thấm vào trong từng người, từ trẻ em mầm non đến người cao tuổi thấy được trách nhiệm của mình trong khi tham gia giao thông.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung rà soát, xử lý các điểm “đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, rà soát thu hẹp, tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí xử phạt để mua sắm, lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát, hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông giữa các lực lượng trong ngành Công an và hệ thống thông tin, dữ liệu an toàn giao thông giữa các ngành Công an, Giao thông vận tải, Y tế và Tư pháp.
Trong dịp Tết đến, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuyên truyền vận động gắn với xử lý nghiêm hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm. Đây là hai nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông và làm tăng tỷ lệ thương vong trong các dịp cao điểm, lễ, Tết. “Không vì Tết mà nể nang, xuê xoa. Dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra, đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các trạm BOT, Phó Thủ tướng cho biết, đây là chủ trương huy động nguồn lực của xã hội để làm cơ sở hạ tầng, phát triển đất nước. Thời gian qua đã phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tiêu cực, tham nhũng. Doanh nghiệp vi phạm, kéo dài thời gian thu phí là phải xử lý nghiêm, nhưng việc này khác với nghĩa vụ đóng phí BOT của người tham gia giao thông. Có một số ít nhóm người xấu vận động với danh nghĩa “Bạn hữu đường xa”, nhóm phóng viên nhà báo, nếu tiếp tục kích động gây rối là phải xử lý. “Không chấp nhận một xã hội văn minh mà đi kích động, biểu tình gây rối. Làm như thế là gây ùn tắc giao thông tại các trạm BOT, gây hao tổn tiền của, công sức của xã hội vì động cơ không lành mạnh”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2019 sẽ sửa Luật Giao thông đường bộ để tăng cường quản lý nhà nước, xử nghiêm các vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh. Bộ trưởng cam kết sẽ tập trung khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác duy tu, sửa chữa, cải tạo kết cấu hạ tầng, tập trung nguồn vốn để xử lý dứt điểm khoảng 200 “điểm đen”, bảo đảm an toàn giao thông.
Về công tác sát hạch, đào tạo, theo Bộ trưởng, sẽ triển khai sát hạch đào tạo cấp phép lái xe theo hướng tăng cường câu hỏi lý thuyết, yêu cầu bảo đảm chất lượng cao để các lái xe nắm vững lý thuyết, nhất là đối với lái xe container, xe tải. Đồng thời xác định một số lỗi vi phạm có thể cho trượt ngay như vi phạm biển báo đường sắt, vượt đèn đỏ ở ngã tư, vị trí đèo dốc vì những lỗi này không có thời gian khắc phục khi xảy ra vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, giám sát cả đạo đức lái xe trong quá trình lái xe, nâng cao trách nhiệm của lái xe với cộng đồng xã hội.
** Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng trên cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
“Trong kết quả chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của ngành xây dựng, một trong những ngành sản xuất vật chất quan trọng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành xây dựng cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Mặc dù Bộ đã tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng song một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng còn chậm so với yêu cầu. Nhiều vướng mắc chậm được giải quyết.
Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn chậm so với yêu cầu phát triển. Chất lượng không ít đồ án quy hoạch còn thấp, thiếu tính kết nối, đồng bộ. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả.
“Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các khu du lịch, đặc biệt là khu du lịch ven biển còn thiếu kiểm soát, còn thiếu các không gian công cộng cho người dân, gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng nói.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được triển khai tích cực song còn những tồn tại phải tiếp tục khắc phục. Việc xây dựng, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật còn chậm, đặc biệt là các định mức mới, áp dụng kỹ thuật cao. Việc lựa chọn nhà thầu nhiều nơi còn hình thức, năng lực nhiều nhà thầu xây dựng còn thấp. Công tác kiểm soát chất lượng xây dựng còn chưa hiệu quả, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn Nhà nước. Tình trạng thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng chưa được khắc phục triệt để.
Ghi nhận nhiều nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng có nơi còn thiếu chặt chẽ.
“Đặc biệt, tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, vật liệu nạo vét tại cửa sông, biển chưa được sử dụng phù hợp, gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Xây Dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để có thể phân loại, sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện và vật chất nạo vét để san lấp nền, làm vật liệu xây dựng.
Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng phải thực hiện 3 nội dung bứt phá gồm bứt phá cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; bứt phá về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng và bứt phá về nhà ở xã hội.
Để thực hiện được 3 nội dung bứt phá đã nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ xây dựng cần dành ưu tiên cao cho việc hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý Nhà nước.
Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định của các Luật Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản... cho phù hợp.
Cùng với đó cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư xây dựng… để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách về quản lý đầu tư, đấu thầu, các mô hình đầu tư, đặc biệt là hợp tác công tư PPP làm cơ sở để triển khai các công trình đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
Yêu cầu thứ hai được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với ngành xây dựng là tăng cường công tác quy hoạch xây dựng và bảo đảm quá trình thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật…
“Công tác phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản còn chưa thực sự chặt chẽ, còn tình trạng phát triển theo phong trào, chưa tuân thủ đúng nguyên tắc phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch. Nếu không có giải pháp kiểm soát sẽ đối mặt với nhưng rủi ro lớn trong tương lai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển của các vùng, miền, địa phương, các cực tăng trưởng…
“Bộ Xây dựng phải chủ động phối hợp với Thành phố Hà Nội để điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo hướng phát triển mạnh khu vực Bắc Sông Hồng để giãn dân nội đô; phối hợp với các đô thị lớn để kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, kiểm soát tầng cao, mật độ dân số…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
“Việc cải tạo các chung cư cũ còn chậm, chưa có lối ra”, Phó Thủ tướng nhận xét và yêu cầu Bộ Xây dựng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ xuống cấp, gây nguy hiểm tại các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương xây dựng các chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị để cân đối nguồn lực, lộ trình, kiểm soát quá trình phát triển các khu đô thị mới, chú ý các công trình dịch vụ thiết yếu.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng công trình, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng nâng cao chất lượng phục vụ, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong việc thẩm định, quản lý dự án, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, vừa bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi và sự chủ động tối đa cho các địa phương.
Ngành cũng phải làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng trên các lĩnh vực để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, xử lý các thiếu sót, sai phạm; qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan; tập trung công tác tái cơ cấu, nâng cao năng lực các doanh nghiệp ngành xây dựng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (đặc biệt các viện nghiên cứu, trường đào tạo trọng điểm của ngành...).
Bộ có cơ chế khuyến khích, địa phương cần vào cuộc phát triển nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng đã dành khá nhiều thời lượng để nêu thực trạng và yêu cầu Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp phát triển nhà ở xã hội. Theo Phó Thủ tướng, cơ cấu phát triển nhà ở hiện đang mất cân đối, thiếu nhiều nhà ở giá rẻ, phù hợp với đại đa số người dân. Đặc biệt, nhà ở xã hội ít được các địa phương quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển. “Người lao động tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế đang rất thiếu nhà ở. Các địa phương phải vào cuộc mới giải quyết được. Địa phương phải tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Nhiều địa phương mới chỉ quan tâm đến tăng trưởng, chưa quan tâm đến đời sống công nhân”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị trong thời gian tới, Bộ Xây dựng phải có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở giá thấp; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội. “Phải gắn phát triển Khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp với phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt nhà ở cho công nhân. Quy hoạch đô thị, nhà ở phải tránh “cắt khúc” để người công nhân thuận lợi trong công việc và sinh hoạt, giảm thời gian đi lại”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tín dụng, quy hoạch, thủ tục... liên quan đến các dự án bất động sản; nghiên cứu, đề xuất các quy định quản lý liên quan đến các loại hình bất động sản mới: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải kiểm soát tốt, không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường bất động sản, đặc biệt tại các đô thị lớn, các khu vực phát triển mới; gắn phát triển thị trường bất động sản với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Chương trình phát triển Nhà ở xã hội.
Đối với thị trường vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng phải nắm chắc diễn biến, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là các vật liệu chủ yếu. Rà soát, sớm xây dựng Quy hoạch ngành quốc gia về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh Chương trình phát triển vật liệu không nung, vật liệu xây dựng mới./.
Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng  (04/01/2019)
Ninh Bình phát huy vai trò của Đảng đoàn trong định hướng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh: Thực tiễn và kinh nghiệm  (04/01/2019)
Nhiều vấn đề cần giải quyết dứt điểm  (04/01/2019)
Đừng quên sự trung thực  (04/01/2019)
Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng  (03/01/2019)
Điện mừng kỷ niệm Ngày Độc lập nước Cộng hòa Liên bang Myanmar  (03/01/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm