Nhiều vấn đề cần giải quyết dứt điểm

BTV/TTXVN
22:29, ngày 04-01-2019

TCCSĐT - Ngày 04-01, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018, xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm chủ trì cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

* Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong năm 2018, nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt gần 59.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương dành hơn 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương là trên 43.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động hỗ trợ từ phía đối tác phát triển cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 là 3 triệu euro. Ngoài ra, để bảo đảm nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc, góp phần thúc đẩy thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt gần 187.800 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ đồng so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Đến hết năm 2018, cả nước có 3.838 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43,02% tổng số xã của cả nước. Bình quân cả nước đạt 14,57 tiêu chí/xã. Có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn khoảng 5,35%, trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, từ hơn 15.200 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào tháng 01-2016, đến hết tháng 12-2018, số nợ này đã giảm 95,7%, chỉ còn 651,8 tỷ đồng. Hải Phòng là địa phương tự cân đối ngân sách còn nợ 195,2 tỷ đồng và còn 7 tỉnh có số nợ đọng trên 40 tỷ đồng là Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Bình và Phú Thọ. Hiện có 50 tỉnh, thành phố cơ bản đã xử lý xong và không còn nợ đọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nếu không có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở những địa bàn kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số sẽ không xây dựng được nông thôn mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng này cũng chỉ ra tồn tại cố hữu là xây dựng nông thôn mới và tỷ lệ tái nghèo không đồng đều, tập trung ở nút thắt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong cùng một địa phương, chênh lệch giữa xã phát triển, xã khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi doãng ra trông thấy.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trước tình hình nợ đọng trên, Chính phủ đã có quyết sách cho phép chính quyền địa phương được sử dụng 8% kinh phí đấu giá quyền sử dụng đất thu được ở cấp xã dành cho nông thôn mới. Sau đó có tình trạng có xã không đấu giá đất được nên đã điều chỉnh quy định, số kinh phí này tập trung về cấp tỉnh để điều hòa chung. Vấn đề là việc thực hiện như thế nào để bảo đảm các xã vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng lợi.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với hộ nghèo của toàn quốc tăng lên, bằng chứng là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm 52,7% số hộ nghèo cả nước. Tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm chậm hơn tỷ lệ giảm nghèo của cả nước. Ông đề nghị Chính phủ cần tăng cường nguồn lực tài chính, tín dụng để cho vay thoát nghèo thông qua cơ chế của Ngân hàng Chính sách xã hội, thay vì là cho không hay là hỗ trợ lãi suất sẽ không đủ khích lệ ý thức thoát nghèo của người dân.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết tín dụng chính sách đã phát huy vai trò trong thực tiễn. “Đối với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn thì chỉ cần chút phí, lãi suất 0,1%/năm và tổ tiết kiệm đôn đốc thu phí thì hiệu quả hơn nhiều so với việc nhà nước hỗ trợ lãi suất, phí. Nếu cho vay không lãi suất thì khéo trong thời hạn 5 năm vay thì cán bộ tín dụng và hộ nghèo không gặp nhau được một lần nào thì khó biết dân làm ăn ra sao”, ông Thắng bày tỏ.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, năm 2018, đầu tư của ngân sách cho hai chương trình rất nhỏ lẻ nhưng nhờ huy động sức mạnh của cả cộng đồng vào cuộc đã tạo thành công cho chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Ông cũng đề cập đến việc chống tái nghèo phải tập trung vào hai nhóm vấn đề. Tái nghèo cao tập trung vào vùng thiên tai, bão lũ, đây là vấn đề bất khả kháng. Ngược lại, có tình trạng những tỉnh phát triển kinh tế rất tốt nhưng tỷ lệ tái nghèo cao do thực hiện tách hộ, tách bố mẹ ở riêng, cho hưởng chính sách hộ nghèo, chính sách làm nhà. “Chúng ta phải thực hiện công tác tư tưởng, ai lại tách bố mẹ ra, làm cái nhà chòi nho nhỏ để hưởng chính sách mới, không chấp nhận được, kể cả về đạo lý”, Bộ trưởng nói và cho rằng phải sử dụng nhiều phương án, cách tiếp cận khác nhau để xử lý.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2018, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu trong chương trình do Trung ương, Quốc hội và Chính phủ giao, điều này góp phần quan trọng vào việc cả nước hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Nhắc lại một số chỉ tiêu, Phó Thủ tướng nêu lên điểm nổi bật là trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân và chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện và công nhận trên cơ sở siết chặt xét duyệt các tiêu chí cứng và 2 tiêu chí “mềm” là bảo đảm 100% số xã, huyện không nợ đọng xây dựng cơ bản và trên 90% người dân bày tỏ hài lòng. Trên cả nước đã xuất hiện nhiều vùng quê đáng sống.

Nguyên nhân đạt được thành công, theo Phó Thủ tướng, là do triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế chính sách, nghiên cứu, tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều sáng kiến, sáng tạo. Ban Chỉ đạo đã có cách làm bài bản, khoa học, tổ chức các hội thảo toàn quốc liên quan tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn bản, chương trình mỗi xã một sản phẩm và nông thôn mới gắn với phát triển du lịch.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ và tổ chức thực hiện thành công 2 phong trào thi đua lớn là “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” và cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”, tạo ra sự vào cuộc lớn của cả hệ thống chính trị.

Nhấn mạnh năm 2019, tinh thần chung là các lĩnh vực phải bứt phá thì 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cũng phải bứt phá, Phó Thủ tướng đặt mục tiêu phải hoàn thành và vượt 50% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 70 huyện và xem xét một số tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bảo đảm không có hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo. Những nơi đã giảm nghèo thì tiếp tục giảm nhanh hơn nữa, những địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì phải chuyển sang nông thôn mới kiểu mẫu. Các thể chế, chính sách phải được tính toán, hạn chế tái nghèo, đặc biệt là chống trục lợi chính sách, thay đổi thể chế chính sách để người dân ít ỷ lại, trông chờ.

Phó Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành cụ thể hóa các chỉ tiêu giảm nghèo, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới ở các vùng khó khăn; giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2019. Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất nâng mức cho vay hộ nghèo, tập trung khắc phục tình trạng tín dụng đen ở nông thôn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai ngay chương trình áo ấm mùa đông cho người già và trẻ em ở vùng cao; đánh giá chuẩn nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho đối tượng là trẻ em. Các bộ, ngành bắt tay xây dựng khung khổ thể chế cho giai đoạn sau, nhất là giai đoạn 2021- 2020 cho 2 chương trình, tích hợp các chính sách về dân tộc ở vùng cao, vùng khó khăn.

** Năm 2018 công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng liên quan, việc xử lý vi phạm trở nên nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng nhiều lần so với trước. Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong năm Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính gần 89 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017 (năm 2017, tổng số tiền phạt là hơn 63 tỷ). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 68.746 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn nông nghiệp nông, lâm, thủy sản, phát hiện 4.909 cơ sở vi phạm và xử phạt 38,44 tỷ đồng. Việc kiểm tra, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho thấy tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đã tăng lên 98,2%; tỷ lệ cơ sở xếp loại C được kiểm tra và nâng hạng A, B là 60,6% (tăng so với 2017).

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm. Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ 15 bị can về tội “Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm” và một số tội danh khác có liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, 4.924 cá nhân, 749 tổ chức, với số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.

Năng lực của các đoàn thanh, kiểm tra được nâng lên, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm đúng pháp luật, được công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Trong quá trình thanh, kiểm tra, các ngành chức năng đã kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông trong thông tin cảnh báo các sản phẩm, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, cũng như giới thiệu, quảng bá các cơ sở sản xuất kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mạng lưới triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm từ cấp bộ đến địa phương được duy trì. Các cấp, ngành chức năng thường xuyên chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, phân công cụ thể trách nhiệm, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Công tác kiểm nghiệm, giám sát an toàn thực phẩm lưu thông trong nước được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến đáng kể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực so với năm 2016, 2017: không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; 271/2.060 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh (giảm 26,7% so với 2017); 5/2.472 mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh (giảm 0,63% so với 2017); 46/3.018 mẫu thủy sản, sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh (tăng 0,89% so với 2017)...

Chất lượng, hiệu quả sự phối hợp liên ngành nông nghiệp, công thương, công an, y tế trong kiểm soát chất cấm, kiểm soát lạm dụng hóa chất công nghiệp, kiểm soát tạp chất trong nguyên liệu thủy sản... được nâng cao. Công tác giám sát, phân tích nguy cơ tiếp tục được duy trì, triển khai bài bản, đã kịp thời đưa ra cảnh báo, xử lý các trường hợp, sự cố mất an toàn thực phẩm, thông tin kịp thời đến người tiêu dùng. Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ (số vụ, số người mắc, số đi viện, số người tử vong đều giảm), bảo đảm an toàn thực phẩm tại các sự kiện, hội nghị. Tính đến ngày 30/11/2018, toàn quốc ghi nhận 97 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.340 người bị ngộ độc, 2.944 người phải nhập viện và 16 trường hợp tử vong (giảm 44 số vụ, 560 nạn nhân, 783 người nhập viện và 8 người tử vong so với năm 2017).

Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra một số tồn tại như việc thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhiều địa phương dù tổ chức thanh kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản, sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, giết mổ không bảo đảm an toàn thực phẩm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình buôn lậu qua biên giới bước đầu đã ngăn chặn có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng olnine quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp. Phương tiện quảng cáo hiện rất đa dạng, phong phú, đặc biệt là việc sử dụng mạng internet, mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, trang web của tổ chức cá nhân đã không bị hạn chế về không gian, thời gian quảng cáo...

Bộ trưởng Y tế Trần Thị Kim Tiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng vẫn xảy ra những trường hợp khó kiểm soát an toàn thực phẩm là do ba nguyên nhân: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật; cơ sở hạ tầng xuất phát điểm thấp; nhận thức của người dân trong việc sử dụng thức ăn đường phố, thức ăn bảo đảm an toàn thực phẩm còn thấp. Bộ trưởng đề xuất, trong thời gian tới các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm; tôn vinh các cơ sở sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm; tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực cho các chi cục an toàn thực phẩm, các chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm của địa phương...

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, năm qua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là công tác thông tin tuyên truyền, hoạt động sản xuất, phân phối sạch gắn với truy suất nguồn gốc.

Theo Phó Thủ tướng, vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục kiên trì kiểm soát, đó là: việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, giết mổ gia súc gia cầm, kinh doanh sản phẩm tươi sống. Đối với thực phẩm chức năng, Bộ Y tế cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, cho phép các nhà thuốc, siêu thị được bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhưng dứt khoát sản phẩm chức năng phải sử dụng đúng tên, không lẫn với thuốc và nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức nghiêm trị.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành tăng cường các biện pháp răn đe, xử lý, đưa ra xét xử nghiêm đối với những sai phạm đã rõ ràng. Ví dụ như nhiều trang thông tin điện tử đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm chức năng không rõ ràng, làm người dân dễ nhầm lẫn là thuốc thì cần phải xử lý nghiêm, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị đóng cửa để cảnh tỉnh mọi người.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm; triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào các vấn đề: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm. Trong đó, trọng tâm cần thực hiện là tại các đô thị lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... để thực phẩm tại các đô thị lớn có chất lượng tương đương với các sản phẩm xuất khẩu.

Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội để các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đi vào thực chất. Các cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng; triển khai xây dựng và thực hiện Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm.../.