Các hoạt động nhân Ngày học sinh, sinh viên Việt Nam 09-01
Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên
Chương trình khởi nghiệp đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong sinh viên, thanh niên ở Thừa Thiên - Huế. Chương trình này đã giúp các bạn trẻ mạnh dạn đề xuất những sáng kiến, ý tưởng độc đáo, đồng thời nỗ lực vượt qua thách thức để khẳng định bản thân trên con đường khởi nghiệp.
Năm học 2016 - 2017, nhiều trường đại học thành viên của Đại học Huế đã đưa Chương trình “Khởi nghiệp và sáng tạo”, vào trong các phong trào, nhằm khơi gợi sự sáng tạo và khát vọng khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên. Mặc dù thời gian thực hiện chưa lâu, nhưng sức lan tỏa và hiệu quả bước đầu từ chương trình này, đã vượt trên cả mong đợi của lãnh đạo nhà trường.
Giữa tháng 12-2016, sinh viên Đặng Thị Ngọc Ánh, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã đạt giải nhất "Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka", với đề tài “Nghiên cứu sản xuất “giấy xanh” từ phế phẩm nông nghiệp”. Điểm đặc biệt, là đề tài này đã hoàn thiện quy trình sản xuất nên thu hút được ngay doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, dự án sản xuất “giấy xanh”, sử dụng những phương pháp kỹ thuật cơ lý, tác động đến nguyên liệu, chủ yếu là phế phẩm rơm rạ, bã dừa, bã mía... Giấy từ phế phẩm nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi để làm viết, vẽ, in, hút ẩm, dán tường, làm thủ công mỹ nghệ… Sinh viên Đặng Thị Ngọc Ánh chia sẻ, cảm thấy rất vui, vì đề tài không những mang đến giải thưởng, mà còn giúp bản thân thực hiện ước mơ khởi nghiệp khi còn ngồi trên giảng đường. Bởi vì, hiện nay đã có một đơn vị đầu tư gần 200 triệu đồng để cùng thực hiện sản xuất “giấy xanh” từ lá cây, qua đó vừa giúp tăng thu nhập cho người nông dân vừa bảo vệ môi trường nông thôn.
Hưởng ứng Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo - Huế” vào cuối năm 2016, do Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với các sở, ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức, sinh viên Đại học Huế đã có nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo và mang tính thực tiễn cao. Điển hình là đề tài “Phát triển và mở rộng thuốc trừ sâu sinh học từ các loại thảo mộc gồm ớt, tỏi, gừng, hành, sả”, của sinh viên Phạm Thị Ân, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã đạt giải nhì. Đề tài này đã được ứng dụng thực nghiệm, khi tiến hành xây dựng mô hình sản xuất rau sạch tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Hiệu quả bước đầu mà đề tài mang lại được đánh giá có tính thực tiễn rất cao và đã có ứng dụng rộng rãi trong thực tế, nhằm giúp người nông dân giảm giá thành sản xuất, và nhất là tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo sinh viên Phạm Thị Ân, “thuốc trừ sâu sinh học” làm từ các loại thảo mộc ớt, tỏi… vừa phòng trừ được sâu bệnh cho rau màu với chi phí thấp, vừa không có chất tồn lưu gây hại cho con sử dụng rau màu. Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, sản phẩm "thuốc trừ sâu sinh học" sẽ sớm có mặt trên thị trường.
Theo Hội Sinh viên Đại học Huế, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên đã và đang lan tỏa đến tất cả sinh viên ở các khóa học, thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: Thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, đưa học phần kỹ năng khởi nghiệp vào giảng dạy tại trường … Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, tổ chức các hội thảo định kỳ, với chủ đề “Khởi nghiệp và sáng tạo”, để sinh viên thường xuyên có điều gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, đề xuất sáng kiến với lãnh đạo nhà trường và doanh nghiệp. Điểm mới trong các hội thảo này là có sự tham gia của những người đứng đầu doanh nghiệp. Vì vậy, sinh viên có thể trực tiếp đề xuất ý tưởng để doanh nghiệp cân nhắc ứng dụng vào sản xuất. Nhà trường luôn khuyến khích sinh viên phát huy các kiến thức đã học được, mạnh dạn sáng tạo, đề xuất những sáng kiến độc đáo. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên của các trường đại học thành viên của Đại học Huế cũng tổ chức các Chương trình “Tiếp cận nghề”, nhằm giúp sinh viên tiếp cận được nghề tại các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lạo động. Qua đó, giúp sinh viên có định hướng nghề nghiệp và chủ động đạt được các yêu cầu mà nhà tuyển dụng cần sau khi tốt nghiệp.
Đầu năm 2017, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế đã khởi động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp" và trao giấy chứng nhận cho 14 doanh nghiệp, cơ sở đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp. Tham gia chương trình này, sinh viên, thanh niên được trực tiếp tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối các nguồn vốn, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp ủng hộ vốn cho thanh niên khởi nghiệp… Sinh viên Lê Nguyễn Nhã Phương, Đại học Nông Lâm Huế cho biết: Tham gia chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, giúp giải đáp được rất nhiều câu hỏi mà bản thân đã đặt ra từ trước khi bắt tay vào thực hiện một ý tưởng về khởi nghiệp. Những điều mà sinh viên, nhất là sinh viên sắp ra trường và sinh viên có nhiều ý tưởng mới, quan tâm là những chính sách hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, kinh nghiệm để khởi nghiệp bớt “rủi ro”, hợp với với doanh nghiệp để sản xuất, quảng bá thương hiệu.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã triển khai đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2016 - 2018”, thông qua việc thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Hình thành một cộng đồng sinh viên, thanh niên có thái độ đúng đắn về khởi nghiệp; thành lập mô hình “vườn ươm” khởi nghiệp; tuyên truyền tinh thần và văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên; có các chính sách miễn giảm các khoản thuế, tiền thuê về đất đai... cho cá nhân, tập thể là sinh viên, thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ và giúp sinh viên, thanh niên hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo để khởi nghiệp.
Hà Nội: 7 tập thể và 12 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương
Tối 07-01, tại Hội trường lớn Học viện Ngân hàng, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã mít tinh kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam và tuyên dương, chúc mừng các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp và giải thưởng “Sao tháng Giêng”. Đây là những sinh viên, tập thể tiêu biểu không chỉ giỏi trong học tập, nghiên cứu khoa học mà còn đạt những kết quả tích cực trong rèn luyện thể lực, hoạt động tình nguyện và hoàn thiện các kỹ năng để sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Tại lễ kỷ niệm, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã chúc mừng 12 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, 7 tập thể “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, 16 cán bộ Hội sinh viên tiêu biểu đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng”. Đồng thời tuyên dương 267 sinh viên 5 tốt cấp thành phố, 19 “Tập thể sinh viên 5 tốt” cấp thành phố năm học 2015 - 2016. Đây là những tập thể vững mạnh với 100% sinh viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, không có sinh viên vi phạm pháp luật và các các quy định của nhà trường; có nhiều thành tích trong công tác Đoàn - Hội và có tối thiểu 20% số sinh viên đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường. Trong số 19 tập thể được khen thưởng danh hiệu “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố, có 7 tập thể vinh dự được nhận danh hiệu “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương và các tập thể này đều đến từ trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phong trào “Sinh viên 5 tốt” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động với 5 nội dung: Đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt. Phong trào đã được Ban Thư ký Hội Sinh viên thành phố Hà Nội triển khai thực hiện với những nội dung thiết thực, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hội viên, sinh viên rèn luyện và phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Qua nhiều năm triển khai, phong trào “Sinh viên 5 tốt” đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường giáo dục sinh viên một cách toàn diện, vun đắp lý tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong sinh viên; cổ vũ và hỗ trợ sinh viên trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.
Hằng năm, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội tổ chức xét chọn và trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” và “Tập thể Sinh viên 5 tốt” để ghi nhận và tuyên dương những tập thể, cá nhân có quá trình rèn luyện theo phong trào và đạt được kết quả tốt.
Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XV và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Trong đó, đề nghị các cơ sở hội trực thuộc, các bạn sinh viên, hội viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực thi đua xung kích trên các lĩnh vực rèn luyện, học tập, công tác. Hội Sinh viên thành phố Hà Nội cũng đã đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở hội như: Làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa chính trị của Đại hội Đoàn các cấp cũng như lịch sử vẻ vang của tổ chức Đoàn; Mỗi cơ sở hội, sinh viên, hội viên đăng kí ít nhất một công trình phần việc bám sát chủ đề năm học “Sinh viên sáng tạo khởi nghiệp”; Các cấp bộ hội phát động các đợt thi đua cao điểm và tổ chức các hoạt động thiết thực trước, trong và sau đại hội, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên tham gia…
TP. Hồ Chí Minh: Chiến dịch “Xuân tình nguyện”
Ngày 07-01, Chiến dịch “Xuân tình nguyện” của học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức khởi động với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mang đến mùa Xuân ấm áp cho mọi người, mọi nhà. Chiến dịch diễn ra từ 07 đến 25-01 thu hút sự tham gia của hơn 37.800 chiến sĩ là học sinh, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng, học viện và các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Chiến dịch gồm hàng loạt các hoạt động ý nghĩa, chăm lo cho các đối tượng: Mẹ Việt Nam Anh hùng, ba má phong trào học sinh sinh viên, gia đình chính sách; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già neo đơn, bệnh nhân nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê ăn Tết... Chương trình cũng tổ chức các hoạt động giao lưu với các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các Đồn biên phòng trên địa bàn thành phố và các vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc.
Chiến dịch năm nay gồm 5 chương trình trọng điểm: Chương trình “Tết bạn bè” gồm các hoạt động chăm lo cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên vui Tết tại các ký túc xá, khu nhà trọ; Chương trình “Xuân sẻ chia” thăm, tặng quà, chia sẻ cùng người dân các hoàn cảnh khó khăn; Chương trình “Tết trẻ thơ” tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em thiếu nhi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em tại các mái ấm, nhà mở; Chương trình “Xuân chiến sĩ” gồm các hoạt động giao lưu, làm thiệp, các sản phẩm thủ công, các ấn phẩm văn hóa chúc Tết của sinh viên thành phố gửi đến chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các Đồn biên phòng trên địa bàn thành phố, các vùng hải đảo, biên giới của Tổ quốc; Chương trình “Xuân kết nối” gồm các hoạt động giới thiệu về nét đẹp văn hóa và phong tục ngày Tết cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, giới thiệu Lễ hội năm mới của các nước…
Các chương trình được triển khai với 9 hoạt động nổi bật xuyên suốt chiến dịch, gồm “Quà Tết sinh viên”, "Kịch Tết sinh viên", “Niềm vui ngày cuối năm”, “Nghìn bánh chưng xanh”, “Quà xuân cho em”, “Lễ hội Tết Việt”, "Giao lưu với các trạm biên phòng trên sông Sài Gòn", “Sinh viên thành phố với biển đảo Tổ quốc”, Cuộc thi ảnh “Nụ cười đón xuân”.
Chia sẻ cùng các chiến sĩ tình nguyện tại lễ ra quân Chiến dịch, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho rằng: Với nhiệt huyết sức trẻ, tinh thần xung kích của tuổi trẻ, các hoạt động của Chiến dịch sẽ góp phần mang đến những điều tốt đẹp, ấm áp đến với mọi người nhân dịp Tết đến Xuân về . Với những chiến sĩ, đây cũng là môi trường để bản thân tự rèn luyện và trưởng thành hơn, những ngày Xuân sẽ càng trở ý nghĩa hơn khi các em cùng chung tay, góp sức thực hiện các công trình, phần việc ý nghĩa, giúp ích cho cộng đồng xã hội. Các chiến sĩ hãy nỗ lực, phát huy sức sáng tạo, chủ động trong các hoạt động tình nguyện, qua đó lan tỏa tinh thần nghĩa tình của công dân thành phố, khẳng định lối sống đẹp của những người trẻ.
Ngay sau lễ phát động, các chiến sĩ đã cùng thực hiện chương trình “Lễ hội Tết Việt” với các hoạt động vui tươi như trình văn nghệ Sắc màu Tết Việt, triển lãm trang phục các dân tộc, giới thiệu nét đặc trưng trong ngày Tết các vùng miền… ; cùng các hoạt động “Nghìn bánh chưng xanh” , “Quà Tết sinh viên”, “Quà Xuân cho em”, “Xuân chiến sĩ”, hiến máu tình nguyện… thu hút đông đảo bạn trẻ, người dân thành phố đến chung tay tham gia./.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự lễ phát động Ngày hội hiến máu tình nguyện tại Hà Nội  (08/01/2017)
Chăm lo Tết cho người lao động, người dân vùng thiên tai, hộ nghèo và cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo  (08/01/2017)
Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống  (08/01/2017)
Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống  (08/01/2017)
Hà Nội bước vào năm 2017: Quyết liệt xử lý vi phạm trật tự đô thị  (07/01/2017)
Ba ứng cử viên Tổng thống Pháp đuổi nhau sát sao trong thăm dò dư luận  (07/01/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay