TCCSĐT - Trong ba ngày (từ ngày 16-5 đến ngày 18-5-2016), tại Hà Nội, diễn ra “Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về giới và giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Hơn 350 đại biểu đến từ 22 quốc gia đã tham dự khai mạc Hội nghị sáng 16-5.

 
Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Việt Nam, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNISDR) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Cao Đức Phát, nêu rõ: Thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam cho thấy, phụ nữ chính là những người đầu tiên chuẩn bị cho cả gia đình ứng phó với thiên tai và cũng là những người đầu tiên đưa cuộc sống của cộng đồng trở lại ổn định sau khi xảy ra thiên tai.

Việt Nam cam kết nâng cao vai trò, vị thế cho phụ nữ, cải thiện điều kiện sống cũng như sinh kế của họ cho gia đình và toàn thể cộng đồng thông qua việc thực hiện hiệu quả các chương trình và hành động liên quan đến giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Cao Đức Phát khẳng định.

Hội nghị tập trung vào nhận diện những ưu tiên quan trọng về bình đẳng giới và những hành động cần thiết mà các chính phủ và các đối tác phải làm trong quá trình triển khai Khung hành động Sendai. Đồng thời, Hội nghị nhấn mạnh việc xác định các hỗ trợ cần có để biến những cam kết này trở thành hiện thực nhằm bảo đảm các quốc gia trong khu vực sẽ tập trung vào nâng cao năng lực và khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi của phụ nữ và nam giới trước, trong thời gian thiên tai xảy ra và biến đổi khí hậu tại cấp khu vực, quốc gia và địa phương.

Khung hành động Sendai (2015 - 2030) được thông qua tại Hội nghị Thế giới lần thứ ba về Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Nhật Bản vào tháng 3-2015 đã chỉ rõ “khía cạnh về giới, tuổi tác, người khuyết tật và văn hóa phải được lồng ghép trong tất cả các chính sách và hoạt động thực tế; vai trò lãnh đạo của phụ nữ và thanh niên phải được thúc đẩy”.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Roberta Clarke, Giám đốc UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh: Phụ nữ tại châu Á - Thái Bình Dương là những người có khả năng và năng lực. Họ là chìa khóa cho việc giải quyết những rủi ro thiên tai và phát triển sinh kế cho bản thân và cộng đồng. Khi chúng ta thực hiện những ưu tiên về giảm thiểu rủi ro thiên tai tại khu vực, quốc gia và địa phương, chúng ta cần tạo điều kiện để phụ nữ lãnh đạo, tiếng nói của họ được lắng nghe và những ưu tiên của họ được giải quyết.

Trong ba ngày diễn ra, Hội nghị thảo luận những biện pháp cần thiết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và khả năng lãnh đạo của phụ nữ trong bốn lĩnh vực ưu tiên của Khung hành động Sendai, bao gồm: hiểu biết về rủi ro thiên tai; tăng cường quản trị rủi ro thiên tai; đầu tư vào ứng phó, phục hồi và thích nghi trong giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng cường công tác chuẩn bị cho ứng phó, phục hồi và tái thiết hiệu quả. Hội nghị cũng thảo luận mối liên hệ giữa thiên tai và biến đổi khí hậu để làm thế nào những hành động chống biến đổi khí hậu có thể góp phần giải quyết các thách thức trong giảm thiểu rủi ro thiên tai và thúc đẩy sự lãnh đạo, tham gia của phụ nữ; thảo luận vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới thông qua quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng; đưa ra các khuyến nghị ưu tiên hành động về giới và biến đổi khí hậu cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương…/.