TCCSĐT - Hội nghị thường niên Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã bế mạc ngày 04-12-2015 tại thủ đô Belgrade của Serbia, với việc đại diện 57 nước thành viên đã không đạt được nhất trí hoàn toàn về những vấn đề thách thức như mối đe dọa khủng bố hay cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phát biểu với báo giới sau Hội nghị, Ngoại trưởng Serbia - nước hiện giữ chức Chủ tịch OSCE - cho biết, Hội đồng Bộ trưởng OSCE thừa nhận tính cấp bách của vấn đề người di cư, đồng thời đưa ra một số quyết định quan trọng về cách thức đối phó với khủng bố trong đó có việc thông qua tuyên bố chống khủng bố theo sáng kiến của Nga. Tuy nhiên, trong vấn đề Ukraine, 57 quốc gia thành viên không nhất trí quan điểm về nguyên nhân dẫn tới cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này, mặc dù tất cả các nước thành viên đều công nhận tầm quan trọng của phái bộ OSCE tại Ukraine cũng như việc duy trì lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine.

Hội nghị năm nay của OSEC diễn ra trong 2 ngày với sự tham gia của khoảng 40 ngoại trưởng các nước, Cao ủy EU Federica Mogherini phụ trách về chính sách an ninh và đối ngoại cùng các quan chức ngoại giao cấp cao khác. Hội nghị lần này bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu, nội chiến tại Syria, bất ổn chính trị ở Ukraine, mối đe dọa từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng và những thách thức khác... Chủ tịch OSCE, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic nêu rõ, hội nghị này góp phần vào việc xây dựng lòng tin giữa các nước OSEC. Do đó, các thành viên OSCE cần củng cố lòng tin để có thể đối mặt với nhiều thách thức mới và cùng nhau tìm những giải pháp có thể chấp nhận được đối với các bên. Tuy nhiên, kết thúc Hội nghị, Serbia đã chuyển giao vai trò Chủ tịch OSCE cho Đức và nước này sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch OSCE từ ngày 01-01-2016 với những kết quả còn dang dở.

Năm ngoái cũng vào ngày 04-12, Hội nghị OSCE 2014, các ngoại trưởng cũng đã không đạt được đồng thuận về vấn đề Ukraine. Chủ tịch OSCE đồng thời là Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter cho biết, tuy diễn ra với đề tài chính là giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhưng tại hội nghị này, các ngoại trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã không ký được văn kiện tổng kết về Ukraine do không đạt sự đồng thuận trong tổ chức.

Tại
Hội nghị OSCE, nhiều cuộc gặp song phương đã diễn ra, đáng chú ý nhất là cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nga-Mỹ. Kết quả của cuộc gặp này khả quan hơn so với cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nga-Mỹ, mặc dù không tránh khỏi những cáo buộc và bất đồng về vấn đề Ukraine, nhưng Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã trao đổi ý kiến về hàng loạt những đề tài thời sự khác trên thế giới và khu vực như giải quyết xung đột Palestine-Israel, triển vọng giải quyết xung đột ở Syria. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Nga đánh giá hai bên đã có nhiều quan điểm tương đồng về vấn đề hạt nhân của Iran theo hướng cần thúc đẩy đạt thỏa thuận đầy đủ, tháo gỡ những mối quan ngại hiện nay về tính chất chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời đảm bảo quyền của nước này được phát triển công nghệ hạt nhân hòa bình dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Sự kiện được chú ý nhất tại Hội nghị OSCE 2015 là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Nga Sergay Lavrop và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bên lề hội nghị, kể từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự của Nga tại khu vực biên giới Syria hôm 24-11 khiến quan hệ hai nước căng thẳng, kết quả cuộc gặp chỉ dừng ở mức độ hai bên cùng mong muốn không làm leo thang căng thẳng quan hệ song phương chứ chưa đạt được bước đột phá nào do mỗi bên đều tỏ ra kiên định với lập trường của mình.

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước nghèo năng lượng, với Nga - một quốc gia đáp ứng đáng kể nguồn cung khí đốt cho Ankara, mặc dù được kêu gọi kiềm chế và hạ nhiệt, giải quyết thông qua các giải pháp ngoại giao, song với những bình luận gay gắt mà hai bên đưa ra như việc Moskva khẳng định, Ankara đã “đâm sau lưng” và "vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được" trong khi Ankara tuyên bố “với hành vi xâm phạm không phận, Moskva đã đâm vào ngực Ankara "đang gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ giao thương hai nước.

Cho dù trong một phát biểu tại Đại học ADA của Azerbaijan, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi trọng các mối quan hệ với Nga, đồng thời hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin giải quyết tranh chấp liên quan tới vụ bắn hạ Su-24 thông qua các giải pháp ngoại giao, song vẫn giữ quan điểm cứng rắn, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không xin lỗi Nga về vụ việc này, xem như đã đặt dấu chấm hết cho “những ngày tháng mặn nồng” giữa hai bên, trong khi dư luận quốc tế vẫn hy vọng những căng thẳng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được dập tắt trước khi bị “thổi bùng thành đám cháy lớn” ở khu vực Trung Đông đầy bất ổn./.