Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 29-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật phí và lệ phí bởi qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc ban hành Luật sẽ tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng các khoản thu chưa đúng quy định, liên quan đến đời sống dân sinh.

Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) băn khoăn về việc có nhiều khoản quỹ người dân vẫn phải đóng góp không nằm trong Pháp lệnh phí và lệ phí, đã gây bức xúc cho xã hội. Trong dự án Luật chưa đề cập đến hệ thống quỹ mà thực tế người dân phải đóng góp. Liệu sự ra đời của Luật có khắc phục được vấn đề này hay không? Đây là vấn đề người dân rất quan tâm, đại biểu cho biết.

Cho ý kiến về tính thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật liên quan, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định qua tổng kết Pháp lệnh phí và lệ phí, kết quả cho thấy việc rà soát hệ thống luật hiện hành vẫn còn nhiều quy định liên quan đến phí, lệ phí ở nhiều luật khác nhau nhưng chưa được hệ thống hóa, quy định thống nhất trong dự án Luật.

Để đảm bảo đồng bộ, toàn diện, đầy đủ của Luật phí và lệ phí, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến phí, lệ phí vào dự án Luật.

Về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí, các đại biểu Triệu Thị Nái, Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang), Hồ Văn Năm (Đồng Nai)… đồng tình với dự án Luật quy định số thu từ lệ phí nộp toàn bộ (100%) vào ngân sách Nhà nước, đối với chi phí tổ chức thực hiện thu lệ phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo đồng thời, để bảo đảm tính công bằng, các đại biểu cho rằng không nên để lại tỷ lệ (%) số thu phí cho tổ chức thu phí, nên quy định ngay trong Luật: toàn bộ các khoản thu phí được nộp 100% vào ngân sách Nhà nước, các khoản chi cho tổ chức thu sẽ do Ngân sách Nhà nước đảm bảo và bố trí trong dự toán chi của các đơn vị.

Đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật Kế toán, các đại biểu Quốc hội nhận định qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Kế toán đã hình thành khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động kế toán, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, từng bước đưa công tác kế toán đi vào khuôn khổ và thực hiện thống nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung, hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính nói riêng, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, nhiều vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu sắc về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và lâu dài của Luật./.