Luật An toàn, vệ sinh lao động sẽ có tác động rất lớn đến việc đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, liên quan đến trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, các ngành, các cấp và đặc biệt là người lao động tại những khu vực phi chính thức.

Xung quanh dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động đang được kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 xem xét và thông qua, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí nhằm hiểu rõ hơn các nội dung trên.

- Thưa đồng chí, dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động có mở rộng đối tượng lao động phi chính thức, vậy đồng chí có ý kiến về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta biết rằng tình hình tai nạn lao động vì nghề nghiệp trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, đứng thứ 2 sau tai nạn giao thông, ước tính mỗi năm trên 600 người chết nhưng thực tế theo báo cáo của ngành Y tế có thể gấp 3, tức là khoảng 1.700 người chết do tai nạn lao động.

Đây là vấn đề hết sức phức tạp, nhưng theo Quy định tại chương 9 của Bộ luật Lao động thì chúng ta mới điều chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động cho khu vực có quan hệ lao động (tức là khoảng 17 triệu lao động) trên tổng số gần 54 triệu lao động. Có nghĩa chúng ta bỏ trống hoàn toàn khu vực không có quan hệ lao động chưa được điều chỉnh bởi Luật An toàn vệ sinh lao động.

Chúng tôi dự báo khoảng 37 triệu người trong đó 24 triệu lao động tại khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tình trạng tai nạn lao động ở khu vực này rất phức tạp, lần này chúng ta xây dựng một bộ luật hoàn thiện như thế này thì không có lý gì chúng ta không điều chỉnh tất cả lực lượng lao động theo đúng tinh thần quan điểm của điều 35 Hiến pháp 2013, nghĩa là mọi người lao động được làm việc trong điều kiện môi trường an toàn.

- Tuy nhiên đối tượng lao động này thường là người nghèo và khả năng tham gia rất khó?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Khi chúng ta xây dựng luật này thì đại biểu Quốc hội và người dân đều cảm thấy rằng tính khả thi là việc cần phải xem xét. Bởi vì chính trong khu vực có quan hệ lao động mà chúng ta vẫn thực hiện chưa tốt, tính tuân thủ pháp luật chưa cao, tai nạn lao động vẫn diễn ra phức tạp.

Đơn cử, chỉ mấy ngày gần đây tại Hà Nội đã có 3 vụ tai nạn lao động xảy ra như sập cần cẩu, sập giàn giáo đường sắt... rõ ràng khu vực có quan hệ lao động đã như vậy thì khu vực không có quan hệ lao động sẽ càng phức tạp hơn và đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và bản thân người sử dụng lao động phải hết sức quan tâm để chúng ta điều chỉnh mối quan hệ này.

Chúng ta thấy, khu vực không có quan hệ lao động thì quá trình tham gia vào việc Bảo hiểm tai nạn lao động cực kỳ khó khăn, do vậy chúng ta phải khuyến khích và nhà nước phải có sự hỗ trợ, để người nghèo và người khó khăn có thể tham gia.

Trong dự thảo luật An toàn Vệ sinh lao động lần này có một ý rất quan trọng đó là tất cả những người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động nếu làm những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động thì bắt buộc người sử dụng lao động phải huấn luyện cho người lao động trước khi làm việc.

Rõ ràng chúng ta đang đi tới hướng là Nhà nước phải hỗ trợ và có kinh phí để huấn luyện cho người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động, Nhà nước và chính quyền địa phương phải vào cuộc, đây là một quy định về trước mắt chưa đi vào quỹ đạo đúng đắn nhưng lâu dài thì phải bảo đảm an toàn cho họ nhằm bảo đảm sự bình đẳng chung.

- Về đề xuất tăng lực lượng thanh tra lao động cấp huyện, quan điểm của đồng chí về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi rất cần thiết phải tăng thanh tra lao động cho khu vực cấp huyện vì hiện với 487 thanh tra lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ không bao quát được 54 triệu lao động, 500.000 doanh nghiệp và các cơ sở lao động tư nhân như hiện nay.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh này sẽ làm số lượng biên chế tăng thêm khoảng 800-1.000 thanh tra viên nhưng thực chất thì mỗi huyện chỉ tăng thêm 1 thanh tra viên, nơi nào lớn được 2 người.

Vấn đề không phải nhiều hay ít thanh tra mà quan trọng là kỹ năng thanh tra, năng lực thanh tra và biện pháp thanh tra các vụ tai nạn lao động. Chính phủ đến giờ phút này vẫn có mong muốn như vậy và Ủy ban các vấn đề xã của Quốc hội sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy phiếu ý kiến các đại biểu quốc hội.

Nếu các đại biểu quốc hội ủng hộ cho phương án có thanh tra lao động cấp huyện thì chúng ta phải ủng hộ tiếp cho Chính phủ có thêm biên chế để làm việc trên.

Xin cảm ơn đồng chí./.