Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 25-5, các đại biểu làm việc tại Hội trường nghe tờ trình dự án Luật thống kê (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thống kê

Luật Thống kê đã được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2004 (Luật Thống kê năm 2003). Sau hơn mười năm thực hiện, Luật Thống kê năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; hình thành Hệ thống tổ chức thống kê và sự phối hợp giữa Cơ quan Thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành ngày càng tiến bộ.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Luật đã bộc lộ rõ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Luật Thống kê năm 2003 chưa mở rộng đầy đủ phạm vi điều chỉnh đến loại hình hoạt động kinh doanh đặc thù; thiếu các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm…

Vì vậy, việc sửa đổi Luật thống kê hiện hành là cần thiết nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thống kê; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thống kê, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan thống kê nhà nước.

Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) được sửa đổi, bổ sung căn bản, toàn diện, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sửa đổi những quy định hiện hành còn hạn chế, không thống nhất, không phù hợp với thực tế về tổ chức và hoạt động thống kê hiện nay và bổ sung các quy định về hoạt động thống kê mà Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định.

Luật Thống kê năm 2003 gồm 8 Chương, 42 điều. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 74 điều (tăng 32 điều). Trong đó bổ sung 2 chương mới là Chương 5 “Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin - truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước” và Chương 8 "Hoạt động thống kê ngoài nhà nước"…

Tán thành mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng trước tình hình mất an toàn lao động, vệ sinh lao động như hiện nay, việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động là điều cần thiết, kịp thời tạo hành lang pháp lý điều chỉnh những vấn đề đang phát sinh trong thực tế.

Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các chính sách đối với người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động bao gồm: quyền và nghĩa vụ của người lao động (Điều 6); thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động (Điều 13); huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Điều 14); khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động (Điều 35, 37); điều tra tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động nghiêm trọng (Điều 36); chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện cho người lao động (khoản 3 Điều 6); khuyến khích người lao động nâng cao ý thức phòng ngừa tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (Điều 8, 9, 10, 11, 84).

Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm tới việc chăm sóc sức khoẻ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đại biểu Trần Thanh Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị cần khẩn trương hơn nữa trong việc công bố bệnh nghề nghiệp.

Theo chương trình, buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013./.