TCCSĐT - Giành giật U-crai-na về với phương Tây không xong, Oa-sinh-tơn đang biến Ki-ép thành một “quân tốt” trên bàn cờ địa - chính trị, nhằm làm suy yếu uy tín và sức mạnh của nước Nga, đồng thời gắng gượng khôi phục cho NATO đang ngày càng ốm yếu.
Làn sóng biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát của Ki-ép

Ngay từ khi chính quyền lâm thời do Tổng thống tạm quyền A-lếch-xan-đơ Tua-chi-nốp (Alexandre Turchinov) đứng đầu, được dựng lên ở Ki-ép (cuối tháng 02-2014) đã không được đông đảo nhân dân các tỉnh miền Đông và Nam U-crai-na ủng hộ. Họ coi đó là một chính phủ vi hiến, tiếm quyền, do phương Tây dựng lên, không thể đại diện cho nhân dân và đất nước U-crai-na. Chính vì vậy, suốt từ đầu tháng 3 tại Đô-nét-xcơ (Donétsk), Khác-cốp (Kharkov), Lu-gan-xcơ (Lugansk)… đã diễn ra các cuộc biểu tình đòi mở rộng dân chủ, tăng quyền tự chủ cho các địa phương và liên bang hóa đất nước. Sau đó làn sóng biểu tình lan rộng đến một số thành phố công nghiệp như Xla-vi-an-xcơ (Slaviansk), Cra-ma-tốc-xcơ (Kramatorsk). Thậm chí, người dân hai thành phố này còn đòi chính quyền lâm thời của ông A. Tua-chi-nốp phải từ chức, tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai đất nước, đồng thời họ còn tuyên bố thành lập nhà nước “Cộng hòa Nhân dân Đô-nét-xcơ”.

Trước diễn biến tình hình bất ổn đó, ngoại trưởng các nước Nga, Mỹ, U-crai-na và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành cuộc gặp tại Giơ-ne-vơ (Thụy sĩ), hôm 17-4 và đi đến thỏa thuận: Các nước U-crai-na, Mỹ, EU và Nga có trách nhiệm kiềm chế các hành động bạo lực, đe dọa hay khiêu khích dưới bất kỳ hình thức nào. Các bên kiên quyết lên án và loại bỏ tất cả những hành động thể hiện chủ nghĩa cực đoan, phân biệt chủng tộc. Tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải trừ vũ khí; tất cả các tòa nhà bị xâm chiếm phải được trả lại cho chủ hợp pháp; tất cả các phố, quảng trường và nơi công cộng ở các thành phố U-crai-na bị xâm chiếm phải được giải phóng. Tất cả những người chống đối, những ai giải phóng những nơi công cộng khác, cũng như những người tự nguyện hạ vũ khí đều được phóng thích, ngoại trừ những người bị coi là phạm tội nặng.

Bốn bên cũng đã thỏa thuận cử một phái đoàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ chính quyền U-crai-na và các cộng đồng địa phương thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ và giải tỏa tình hình leo thang căng thẳng. Các bên cũng nhấn mạnh rằng đây là một quá trình pháp hiến, minh bạch và có trách nhiệm. Nó sẽ là sự mở đầu cho một cuộc đối thoại rộng rãi toàn quốc, xét đến quyền lợi của tất cả các địa phương và tổ chức chính trị của U-crai-na, đồng thời cho phép xem xét đến những ý kiến xã hội và xét đến những đề xuất thay đổi.

Tuy nhiên, thỏa thuận này còn chưa ráo mực, thì ngày 23-4 chính quyền lâm thời U-crai-na đã phát động cái gọi là “Chiến dịch chống khủng bố giai đoạn hai” nhằm chống lại những người biểu tình ở các tỉnh miền Đông và Nam U-crai-na. Theo lệnh của Tổng thống tạm quyền A. Tua-chi-nốp, quân đội đã huy động một lực lượng lớn với 11 nghìn sỹ quan và binh lính, 160 xe tăng, gần 400 xe bọc thép và xe thiết giáp chở lính, 150 khẩu pháo và súng cối, thậm chí cả một số tên lửa “Grad” và "Smerch”, cùng nhiều phương tiện không vận…để bao vây các thành phố Xla-vi-an-xcơ, nơi mà Ki-ép cho rằng “Bộ chỉ huy phản động” đang tập trung tại đấy.

Với một lực lượng quân sự to lớn và hùng mạnh, Ki-ép tin rằng những thế lực thân Nga ở đây sẽ lập tức phải chùn bước, thậm chí xuống thang nhưng hậu quả đã chứng minh điều ngược lại. Chính quyền lâm thời U-crai-na buộc phải thừa nhận họ đang mất dần ảnh hưởng, không còn khả năng kiểm soát tình hình ở hai miền Đông và Nam khi có đến 20 thành phố ở khu vực này trong đó có Đô-nét-xcơ, Lu-gan-xcơ, Xla-vi-an-xcơ, Cra-ma-tốc-xcơ nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập. Trong khi đó, con số địa phương có nguyện vọng “liên bang hóa” vẫn đang không ngừng tăng lên. Phần lớn sĩ quan và binh lính được triển khai vây quanh thành phố Xla-vi-an-xcơ cũng án binh bất động, chống lại lệnh đàn áp biểu tình, bởi họ cho rằng nhân dân nơi đây cũng là những người thân ruột thịt và họ không thể nổ súng giết hại người thân của mình!

Ngày 02-5 vừa qua, chính quyền lâm thời U-crai-na đã huy động những lực lượng đặc biệt, trong đó đa phần thuộc lực lượng cực đoan cánh hữu, với sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh và không quân tấn công dữ dội vào hai thành phố công nghiệp Xla-vi-an-xcơ và Cra-ma-to-rơ-xcơ, quyết tâm giành giật lại hai địa phương “cứng đầu” này khỏi tay phe ly khai. Hậu quả là hàng chục người dân trong tay không một tấc sắt bị giết hại và hàng trăm người khác bị thương. Chưa dừng tại đó, làn sóng biểu tình đòi dân chủ và liên bang hóa đất nước đã lan đến thành phố cảng Ô-đét-xa (Odessa), thành phố lớn thứ ba ở U-crai-na nằm trên bờ biển Đen. Cùng lúc phe ủng hộ chính phủ thân phương Tây cũng tổ chức những cuộc mit tinh, diễu hành đường phố rất rầm rộ. Hai làn sóng biểu tình dâng trào, va chạm nhau, gây ra những cuộc ẩu đả, thậm chí còn phóng hỏa cả trụ sở công đoàn ở thành phố này. Theo tin sơ bộ của Bộ Nội vụ U-crai-na, cuộc đụng độ đã làm 43 người chết, gần 200 người bị thương. Sự việc như “giọt nước tràn ly”, làm thức tỉnh lòng người, kể cả phe ủng hộ và chống đối phong trào biểu tình đòi “liên bang hóa” U-crai-na, và các nhà cầm quyền ở các nước phương Đông và phương Tây, cũng như dư luận công chúng trên toàn thế giới.

Sau sự việc đáng tiếc trên, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã bày tỏ lo ngại sâu sắc trước những diễn biến vô cùng căng thẳng ở U-crai-na. Ông đã gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân tại các tỉnh miền Đông và Nam quốc gia này, đồng thời cáo buộc chính quyền lâm thời U-crai-na phải chịu trách nhiệm về các vụ bạo lực.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngay lập tức đã tiến hành họp khẩn theo đề nghị của phái đoàn đại diện thường trực Nga để bàn về tình hình căng thẳng tại U-crai-na, sau khi chính quyền Ki-ép phát động chiến dịch quân sự ở các thành phố ở hai miền Đông và Nam U-crai-na. Tại cuộc họp, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc J. Pheo-men (Jeffrey Feltman) bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng mới nhất ở Ðô-nhét-xcơ và Xla-vi-an-xcơ; đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế hành động gây căng thẳng, thực thi các giải pháp hòa bình. Trong khi đó Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Thủ tướng Ðức A. Méc-ken vẫn lặp đi lặp lại những lời cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt cứng rắn đói với Nga, nếu Mát-xcơ-va không nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng tại U-crai-na. Ông Ô-ba-ma khẳng định, Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải áp đặt trừng phạt bổ sung nếu Mát-xcơ-va cản trở cuộc tổng tuyển cử tại U-crai-na dự kiến ngày 25-5 tới.

Chưa thể phát huy vai trò của OSCE

Một trong những thỏa thuận bốn bên đưa ra là Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cử một phái bộ đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ chính quyền U-crai-na và các cộng đồng địa phương thực hiện ngay các biện pháp nhằm tháo gỡ và giải tỏa sự leo thang tình hình căng thẳng ở quốc gia này. Thế nhưng, Thị trưởng nhân dân tự xưng của thành phố Xla-vi-an-xcơ, ông V. Pô-nô-ma-rép (Vyacheslav Ponomarev) cho biết, trong cuộc đàm phán không có sự hiện diện của đại biểu miền Đông và Nam, vì vậy, những gì được thỏa thuận ở đó không liên quan đến nguyện vọng và lợi ích của nhân dân miền Đông và Nam U-crai-na. Chính quyền lâm thời ở Ki-ép không đủ tư cách đại diện cho họ!.

Sau đó, OSCE đã cử một phái đoàn đến Xla-vi-an-xcơ để đàm phán giải cứu nhóm quan sát viên đang bị tạm giữ ở đó. Theo lời ông V. Pô-nô-ma-rép, “Nhóm người này là những binh lính xâm nhập lãnh thổ của chúng tôi mà không được phép, nên tất nhiên họ bị bắt giữ. Chùng tôi không biết phải làm gì cho tới khi thẩm định được họ là ai, hoạt động và mục đích của họ khi tới đây. Hơn thế nữa, nếu những người đến đây với tư cách quan sát viên cho cộng đồng châu Âu, mà lại đi cùng với các gián điệp quân sự của chính quyền Ki-ép, thì đó là điều hoàn toàn không thích hợp”. Tuy nhiên, thủ lĩnh phe đối lập ở thành phố Xla-vi-an-xcơ, ông Đ. Pu-xi-lin (Denis Pushilin) khẳng định, nhóm người nước ngoài đang được đối xử chu đáo, lịch thiệp, sức khỏe vẫn bình thường và an toàn. Đồng thời ông cũng bày tỏ sẵn sàng trao đổi nhóm quan sát viên quốc tế của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đang bị tạm giữ với các chiến hữu của ông đang bị nhà chức trách U-crai-na giam cầm. Ngày 03-5, các quan sát viên quân sự của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã được trả tự do tại thành phố Xla-vi-an-xcơ.

Như vậy, ngay từ đầu các quan sát viên của OSCE đã bị vô hiệu hóa, họ không thể thực thi nhiệm vụ gì ở các địa phương miền Đông và Nam U-xcrai-na, một khi các thế lực ly khai ở đó không cho phép. Rõ ràng, nếu OSCE muốn đóng một vai trò “trung gian” thật sự giữa chính quyền lâm thời U-crai-na và phe ly khai ở miền Đông và Nam nước này, để có thể vãn hồi hòa bình và ổn định trên toàn U-crai-na, thì chắc chắn tại những cuộc đàm phán sắp tới, họ buộc phải thừa nhận một địa vị, vai trò và sự hiện diện của các đại biểu cộng đồng các địa phương U-crai-na.

Nga sẵn sàng đáp trả mọi đe dọa của phương Tây

Trước tất cả những lời đe dọa của Mỹ cũng như các nước EU, dù đó là sự trừng phạt chính trị, ngoại giao, quân sự, tài chính hay kinh tế, người Nga, từ Tổng thống V. Pu-tin, quan chức các cấp, các nhà kinh doanh, đến người dân bình thường đều không tỏ ra lo lắng hay sợ hãi. Bởi họ tin vào uy tín và sức mạnh trên mọi phương diện của mình, tin vào các nước đồng minh, bè bạn chí cốt sẽ không mù quáng tin vào những điều vu khống, bịa đặt của những đối tác xấu bụng.

Nga tố cáo Mỹ đang đứng sau giật dây mọi diễn biến ở U-crai-na và chỉ đạo hành động của chính quyền lâm thời mà chính họ đã dựng lên ở Ki-ép. Hơn thế nữa, để chia sẻ trách nhiệm, Oa-sinh-tơn còn lôi kéo và kích đẩy EU vào cuộc. Nhưng đến nay khi không thể giấu mặt được nữa, tất cả đã được phơi bày rõ ràng trước thanh thiên bạch nhật!. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á - Âu, bà V. Nu-lan (Victoria Nuland) cho biết, Oa-sinh-tơn đã chi 5 tỷ USD để hỗ trợ “nguyện vọng của người dân U-crai-a có một chính phủ mạnh mẽ hơn, dân chủ hơn, đại diện cho lợi ích của họ”. Con số đó sẽ còn được tăng thêm, vì mới đây khi Tổng thống tạm quyền A. Tua-chi-nốp đã đến Oa-sinh-tơn và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã hứa hẹn sẽ giúp U-crai-na thêm 1 tỷ USD để nước này nhanh chóng có “một nền dân chủ vững mạnh!”. Đó là chưa kể việc lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu, En-ma Brôc (Elmar Brok), hôm 24-2, trên Kênh truyền hình “1+1” của U-cra-i-na đã bày tỏ sẵn sàng cung cấp cho U-crai-na gói tài chính trị giá 20 tỷ ơ-rô (tương đương gần 30 tỷ USD) để cải cách sau khi chính phủ mới được thành lập! Hầu hết các nhà bình luận và các chính khách trên thế giới khi nghe được tin này đều cười trừ vì coi đó chỉ là một “lời chém gió”.

Ngay từ sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ năm 1991, thế giới phương Tây mà trước hết là Mỹ, đã bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ hào phóng cho U-crai-a, bởi nước này nằm ở vị trí địa - chính trị quan trọng, để có thể kiềm chế, thao túng, bao vây nước Nga. Suốt hai thập kỷ qua, Mỹ đã không tiếc công, tiếc của, tuyển chọn, huấn luyện các phần tử Hồi giáo cực đoan U-crai-na về nước “làm cách mạng”. Cả thế giới vẫn chưa thể quên cuộc “Cách mạng da cam” ở nước này năm 2004. Và suốt từ đó đến nay, thế giới chưa thấy một nền dân chủ thật sự ở đâu, chưa thấy những bước tiến của đất nước này, mà chỉ thấy một U-crai-na ngày càng rối ren, lụn bại và đang đứng bên bờ cuộc khủng hoảng sụp đổ. Đến lúc này càng thấy rõ việc Oa-sinh-tơn chính là “Tổng đạo diễn”, “Tổng chỉ huy” trong trận chiến giành giật bằng được U-crai-na ra khỏi ảnh hưởng của Nga. Suốt nhiều năm qua, người dân U-crai-na dường như đã quá quen với việc dựng lên một chính quyền từ vỉa hè, từ bom xăng, bạo động và họ cho đó là dân chủ, là đòi quyền tự quyết. Tư tưởng này lý giải vì sao không chỉ có lực lượng cực đoan cánh hữu mới dám dùng bom xăng đốt phá quảng trường tại Ki-ép, mà cả những người biểu tình thân Nga cũng không ngại ngần tay không xông vào chiếm trụ sở chính quyền. Đây là hệ lụy hay chính là sản phẩm của “dân chủ kiểu Mỹ” được du nhập vào U-crai-na!?

Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) đã tuyên bố không úp mở rằng, chính Hoa Kỳ đã gây ảnh hưởng trực tiếp với hành động của chính quyền hiện tại ở U-crai-na. Và chiến dịch sử dụng lực lượng an ninh, sau đó là quân đội và nay đến cả lực lượng đặc biệt cực hữu “Pravyi sektor” để tàn sát người biểu tình là hành động cực kỳ nguy hiểm, chống lại loài người, tuyệt đối không thể chấp nhận. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng khoa học thuộc Hội đồng An ninh Nga, ông N. Pa-tru-sép (Nikolai Patrushev) - Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng lưu ý rằng, những sự kiện đầy kịch tính của lịch sử đương đại gắn liền với Nam Tư, I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, các nước Trung Đông và Bắc Phi đã gây không ít quan ngại. Những sự kiện trên đã đặt nhiều quốc gia trước bờ vực sụp đổ, dẫn đến sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ngay cạnh biên giới Nga.

Hiện nay, biến cố chính trị ở U-crai-na còn nguy hiểm hơn gấp bội. Bởi thế, Tổng thống V. Pu-tin ra lệnh cho 40 nghìn quân ở biên giới sát với U-crai-na bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời tuyên bố có thể đáp trả bằng biện pháp như đã áp dụng với trường hợp của Gru-di-a năm 2008, khi họ đưa quân vào nước cộng hòa Nam Ô-xê-ti-a (Ossetia), để bảo vệ người Nga và những người ở U-crai-na nói tiếng Nga là điều hoàn toàn dễ hiểu./.