Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 21 đến ngày 27-4-2014
Phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính
Ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 586/QĐ-Ttg về việc phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ gồm 30 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm Phó Trưởng ban thường trực; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh làm Phó Trưởng ban.
Quyết định số 586/QĐ-Ttg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Số định danh cá nhân là điểm mới trong dự án Luật Hộ tịch
Tiếp tục Phiên họp thứ 27, sáng 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát theo hướng bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của luật này với các luật liên quan, nhất là Luật Căn cước công dân, Luật Cán bộ công chức, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, UBND và Luật Hôn nhân và gia đình.
Qua thảo luận, các đại biểu góp ý làm rõ thêm một số nội dung như phạm vi điều chỉnh, số định danh cá nhân, thẩm quyền đăng ký hộ tịch hay việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu chung về các thông tin liên quan đến rất nhiều lĩnh vực chứ không chỉ về hộ tịch. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giao cho Bộ Công an quản lý và trực tiếp chịu trách nhiệm xây dựng theo tinh thần Đề án 896 của Chính phủ.
Liên quan đến số định danh cá nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sử dụng số định danh cá nhân trong quản lý hộ tịch vì đây là điểm mới có ý nghĩa đột phá, tạo tiền đề cho việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quản lý của Nhà nước và tạo điều kiện cho công dân. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để bảo đảm sự thống nhất về nội hàm khái niệm với Luật Căn cước công dân. Dự thảo Luật Hộ tịch dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5-2014.
Hà Nội xây dựng phong cách làm việc thân thiện
UBND TP. Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết liệt cải thiện 5 chỉ số thành phần xếp hạng thấp năm 2013 trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để có chuyển biến tích cực trong năm 2014. Theo đó, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là xây dựng phong cách làm việc của bộ máy chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp và tạo điều kiện tối đa; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương hành chính, đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đăng tải công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin điện tử của thành phố và các đơn vị về các quy định của luật pháp, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, thủ tục hành chính…
Kiểm tra thực hiện thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn
Đây là một trong những nội dung sẽ được kiểm tra theo kế hoạch vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành. Cụ thể, sẽ kiểm tra việc thực hiện thư xin lỗi đối với những hồ sơ giải quyết trễ hẹn.
Liên quan đến nội dung trên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung cho biết, những cơ quan, ban ngành, quận, huyện, phường, xã nào trả hồ sơ trễ hẹn thì thủ trưởng phải có thư xin lỗi và cam kết ngày nào trả hồ sơ cho người dân và sẽ kiểm điểm, xử lý những cá nhân làm hồ sơ trễ hẹn.
Thành phố cũng sẽ kiểm tra việc tổ chức làm việc sáng thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; việc tiếp nhận và xử lý những kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục; thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú.
Cán bộ, công chức phải biết tôn trọng người dân
Đó là yêu cầu của cử tri đối với cán bộ, công chức tại chương trình Lắng nghe và trao đổi: Tinh thần phục vụ nhân dân - Tiếng nói của cán bộ, công chức trẻ do Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 27-4.
Mặc dù cải cách hành chính là một trong 6 chương trình đột phá của Thành phố nhưng ý kiến cử tri cho rằng trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp như người dân nộp hồ sơ phải chờ đợi lâu, khi muốn được tư vấn thì có nơi cán bộ, công chức không lịch sự, đặc biệt hồ sơ lĩnh vực nhà đất phải đi lại rất nhiều lần…
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung cho rằng cần phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong nền hành chính hiện nay và mỗi cán bộ, công chức phải chấp hành đúng quy định pháp luật và yêu cầu của việc cải cách hành chính. Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết từ quý 4-2014, Thành phố sẽ từng bước tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng, sở và lãnh đạo các quận, huyện với mong muốn có đội ngũ cán bộ có đầy đủ năng lực, tâm huyết để phục vụ tốt yêu cầu của người dân.
Thành phố cũng sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Theo đó, bộ quy tắc sẽ được in và phát cho tất cả cán bộ, công chức trên địa bàn; trong đó sẽ quy định rõ những gì cán bộ, công chức được phép làm và những gì không được phép làm.
Cơ chế “một cửa” cần có quy định thống nhất
Báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2013 của nhiều địa phương vẫn tiếp tục kiến nghị về một số quy định "vênh" nhau giữa các văn bản như trong Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, cộng đồng dân cư tại phường nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường) cấp huyện. Còn trong Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lại quy định: Cơ chế "một cửa" là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước. Điều này làm cho bộ phận "một cửa" ở cấp huyện gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Vì vậy, có giai đoạn, một số phòng "một cửa" cấp huyện phải chia ra hai khu: "Một cửa" của UBND quận/huyện và "một cửa" của lĩnh vực tài nguyên và môi trường (mỗi khu thực hiện đúng theo quyết định ngành dọc của mình). Tuy nhiên, cách thực hiện này gây khó khăn cho cán bộ phụ trách bộ phận "một cửa" trong việc quản lý vì mỗi khu hoạt động theo chuyên môn riêng. Sau đó, để khắc phục tình trạng này, UBND nhiều tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện cơ chế "một cửa", trong đó yêu cầu bộ phận "một cửa" nhận tất cả các hồ sơ của mọi lĩnh vực nên các đơn vị phải thực hiện.
Việc tổ chức thực hiện theo cơ chế "một cửa" vừa tạo được sự minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, công dân, vừa tránh lãng phí khi đã đầu tư xây dựng "một cửa" khang trang, hiện đại nên áp dụng với tất cả các thủ tục hành chính là cần thiết. Song, cần có văn bản pháp lý thống nhất về nội dung này để dễ thực hiện./.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị công an bảo vệ đăng kiểm viên  (28/04/2014)
Chiến thắng Điện Biên Phủ - thắng lợi của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện  (28/04/2014)
Nhớ đồng chí Trần Phú “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”  (28/04/2014)
Thủ tướng Hàn Quốc từ chức sau thảm kịch chìm phà SEWOL  (27/04/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên