Nhìn lại đợt sinh hoạt chính trị trên chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954

Đại úy Nguyễn Ngọc Hoàng Vinh Học viện Chính trị, Hà Đông, Hà Nội
14:24, ngày 28-04-2014

TCCSĐT - Những ngày cuối tháng 4-1954, khi cuộc chiến đấu của ta và địch đang diễn ra ác liệt tại các cụm cứ điểm ở phân khu trung tâm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm củng cố trận địa tư tưởng cho bộ đội, sẵn sàng bước vào tổng công kích, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm. Đợt sinh hoạt đã tạo khí thế mới, là nguồn động lực quan trọng để cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận xốc tới hoàn thành mục tiêu chiến dịch.

Sau này, trong Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta”.

Khởi nguồn của đợt sinh hoạt chính trị là từ sự nhạy bén, bám sát tình hình mọi mặt trên chiến trường của Đảng ta thông qua Nghị quyết ngày 19-4-1954 của Bộ Chính trị. Đây là nghị quyết chuyên đề về mặt trận Điện Biên Phủ. Sau khi biểu dương những thắng lợi to lớn qua hai đợt tiến công, Nghị quyết đã chỉ rõ: “Trung ương rất vui mừng nhận thấy các cấp ủy, các đảng viên, các cán bộ của chúng ta đã cố gắng và tiến bộ nhiều… Nhưng vì cán bộ ta còn mắc nhiều khuyết điểm: chủ quan, khinh địch, tự mãn, còn ngại thương vong, mệt mỏi, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu, đại khái còn phổ biến; nguyên nhân chủ yếu là vì tư tưởng hữu khuynh còn nghiêm trọng. Vì vậy cho nên đã gây ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế thắng lợi của ta một phần”(1). Từ đó, Nghị quyết đặt ra yêu cầu các cấp ủy, các đảng viên và toàn thể cán bộ phải “ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng; kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua; tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc tiến chắc, đồng thời phải ra sức tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ giành toàn thắng cho chiến dịch”(2).

Mặt khác, thực tiễn tình hình chiến trường cũng đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh công tác chỉnh huấn chính trị. Sau những thắng lợi to lớn của hai đợt tiến công, ta gấp rút chuẩn bị mọi mặt để tiến hành đợt ba, tổng công kích trên toàn mặt trận tiến tới kết thúc chiến dịch. Vì vậy, để bảo đảm chắc thắng, về mặt tư tưởng, chúng ta phải chú trọng khắc phục những hiện tượng chủ quan, khinh địch, dễ đưa đến nắm tình hình địch không cụ thể, làm trận địa không đúng tiêu chuẩn, không đi sâu nắm vững và kiểm tra lực lượng chiến đấu cũng như kế hoạch tác chiến. Nhưng, đặc điểm quan trọng nhất là tính chất gay go ác liệt của các cuộc chiến đấu, đòi hỏi bộ đội phải có tinh thần chiến đấu anh dũng rất cao. Trong một thời gian rất dài, bộ đội phải chiến đấu liên tục, bị tiêu hao, mỏi mệt, tinh thần căng thẳng. Bên cạnh đó, những khó khăn trong điều kiện sinh hoạt, chiến đấu dưới lòng chiến hào, nhất là khi mùa mưa đến và dưới làn đạn pháo ác liệt của địch cũng tác động to lớn đến tư tưởng bộ đội. Trên thực tế, vào thời điểm đó, trong cán bộ và chiến sĩ ta đã xuất hiện tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, biểu lộ dưới hai hình thức chủ yếu: dao động, ngại thương vong, ngại tiêu hao, mệt mỏi, ngại khó, ngại khổ và chủ quan khinh địch, tự mãn, quan liêu, đại khái.

Như vậy, Nghị quyết Bộ Chính trị ra đời từ thực tiễn, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của thực tiễn, thể hiện sự sâu sắc, nhạy bén của Đảng ta. Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tổng quân ủy chủ trương mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ tình hình khó khăn của địch và những điều kiện tất thắng của ta, nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Mở đầu đợt sinh hoạt, ngày 27-4-1954, Đảng ủy Mặt trận đã họp hội nghị mở rộng nhằm kiểm điểm và chấn chỉnh tình hình tư tưởng, khắc phục các biểu hiện hữu khuynh tiêu cực, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hội nghị đã nhận định tình hình địch, ta một cách khách quan, nêu rõ thắng lợi của ta, thất bại của địch, nêu rõ những điều kiện dần dần chín muồi để tiêu diệt toàn bộ quân địch, đề ra yêu cầu phải tiếp tục quán triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, đồng thời phải tích cực tranh thủ thời gian, đưa chiến dịch đến toàn thắng, trước mùa mưa đã gần tới. Hội nghị tiến hành phê phán không nhân nhượng những biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực và nêu rõ: “Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực đang phổ biến trong các đơn vị tham gia chiến dịch nhưng nghiêm trọng nhất là ở cán bộ cấp đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn”(3). Hội nghị đặt ra yêu cầu phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, trong đó nhấn mạnh quyết tâm: “Thái độ chiến đấu của chúng ta đối với quân địch ở Điện Biên Phủ như thế nào thì thái độ đấu tranh của chúng ta đối với tư tưởng hữu khuynh tiêu cực cũng phải quyết như thế, đấu tranh đến cùng, tìm nó ở tất cả những nơi nào nó có thể ẩn náu, bài xích đến cùng, không nhân nhượng, không thỏa hiệp, không dung túng, không dĩ hòa vi quý”(4).

Về phương pháp đấu tranh, Hội nghị xác định là tự phê bình và phê bình, tiến hành cả từ trên xuống và từ dưới lên. Tự phê bình và phê bình phải dựa trên cơ sở tự giác, càng lên trên thì yêu cầu càng cao, càng đi xuống cơ sở thì yêu cầu càng thấp. Điều này thể hiện rõ tinh thần quyết tâm của Đảng ủy Mặt trận, đồng thời cũng thể hiện vai trò trách nhiệm cũng như tính tiền phong, gương mẫu của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên trong chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực.

Hội nghị cũng đã xác định phương hướng, biện pháp cụ thể để tiến hành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trên. Đó là, phải giáo dục và động viên rộng rãi bộ đội, để từng cán bộ, chiến sĩ nhận thức rằng tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực là trở ngại chủ yếu ngăn cản quân ta hoàn thành nhiệm vụ; phải chấp hành đúng chính sách cán bộ của Đảng, coi chiến dịch lịch sử này là một cuộc thử thách lớn để lựa chọn, đề bạt cán bộ, một cuộc rèn luyện lớn để đào tạo cán bộ; kỷ luật phải chặt chẽ, nghiêm minh vì đó là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm củng cố và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội; phải nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng, việc động viên, giáo dục đảng viên phải sâu sắc hơn, làm cho mỗi đảng viên hiểu rõ nhiệm vụ dẫn đầu đơn vị trong công tác cũng như trong chiến đấu.

Sau hội nghị, công tác giáo dục và đấu tranh tư tưởng được triển khai sâu rộng từ các cấp ủy cho đến chi bộ, từ cán bộ cho đến chiến sĩ, trong tất cả các đơn vị tham chiến. Công tác chính trị đã đi sâu, giáo dục ý nghĩa to lớn của chiến dịch, tiếp tục quán triệt quyết tâm của Trung ương là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, lấy mỗi một thắng lợi của quân ta, mỗi một thất bại của địch mà động viên cán bộ và chiến sĩ, lấy gương chiến đấu hy sinh của những anh hùng, chiến sĩ để phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội, giữ vững và nêu cao tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”. Đồng thời, công tác chính trị đã đi sâu, giáo dục và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như kỷ luật trận địa, việc tổ chức sinh hoạt trong trận địa; việc bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ ăn uống, ngủ đủ; việc xây dựng trận địa cho đúng yêu cầu, chuyển quân ban ngày không bị lộ, bảo đảm được khô ráo, không bị ngập nước; việc giữ gìn kỷ luật vệ sinh phòng bệnh; kiên quyết phê phán, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong từng cấp ủy đảng, trong từng cán bộ, chiến sĩ, đảng viên. Công tác phát triển Đảng, kiện toàn chi bộ đã được hết sức coi trọng và đẩy mạnh. Việc duy trì kỷ luật chiến trường nghiêm minh đã có bước tiến mạnh mẽ, khắc phục được các khuyết điểm tồn tại trước đây. Nhìn chung, đợt sinh hoạt đã đưa lại kết quả to lớn, những biểu hiện của tư tưởng sai lầm đã được khắc phục. Toàn thể đảng viên, cán bộ và chiến sĩ đều củng cố lòng tin vững chắc ở thắng lợi cuối cùng của chiến dịch, củng cố quyết tâm sắt đá, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân địch. Tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta được nâng cao. Với một khí thế mạnh mẽ, tất cả các đơn vị đều nỗ lực, cố gắng tiến lên, tích cực chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba. Đây chính là nguồn động lực to lớn, quan trọng để toàn quân ta trên toàn mặt trận xốc tới, giành thắng lợi quyết định vào ngày 07-5-1954.

Sáu mươi năm đã trôi qua, đợt sinh hoạt chính trị bất thường vào những ngày cuối tháng 4-1954 vẫn để lại nhiều giá trị hiện thực sâu sắc đối với công tác giáo dục chính trị - tư tưởng hiện nay. Bước đầu, có thể rút ra một số vấn đề cơ bản mang tính phương pháp luận như: cấp ủy Đảng các cấp thường xuyên nắm tình hình tư tưởng của đơn vị, kịp thời có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng; công tác giáo dục chính trị - tư tưởng phải đi sâu vào các nhiệm vụ của đơn vị, chú trọng nhiệm vụ chính trị trung tâm, lấy mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ làm cơ sở để xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, nhất trí trong toàn đơn vị; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những biểu hiện tư tưởng sai trái, tiêu cực bằng những biện pháp khéo léo, đồng bộ, chặt chẽ; công tác giáo dục chính trị - tư tưởng phải gắn liền với mặt công tác khác, thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống mọi mặt của bộ đội; phải chú trọng phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chỉ huy, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tiến hành công tác giáo dục chính trị - tư tưởng./.

----------------------------------------

(1), (2) Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 19-4-1954 đối với mặt trận Điện Biên Phủ. Lưu trữ Bộ Quốc phòng. Hồ sơ 173, tờ 49, Phòng Trung ương

(3) (4) Xem Trần Trọng Trung: Hai bộ thống soái trước bàn cờ Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 249 - 250; 252