Cần giải pháp đồng bộ để giải quyết ô nhiễm môi trường ở Hà Nội
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là sau khi điều chỉnh địa giới hành chính (tháng 8-2008), song do khối lượng công việc nhiều, trong khi lực lượng mỏng và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý về môi trường tại nhiều đơn vị còn yếu, nên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đặt ra còn thấp. Đặc biệt tại một số khu vực, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ô nhiễm ở hầu hết các lĩnh vực
Tại các quận nội thành của Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động; chất lượng môi trường không khí đang bị suy giảm, bụi có chiều hướng tăng cao. Nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép, nhất là tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5 - 6 lần quy chuẩn cho phép. Hoạt động giao thông của hai loại phương tiện ô tô và xe máy cũng chiếm 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Tình trạng ô nhiễm này xuất hiện tại hầu hết các tuyến giao thông có cường độ xe tải lớn, mật độ giao thông đông đúc và rõ nhất vào các giờ cao điểm. Điển hình trên các tuyến đường: Giải Phóng, Phạm Hùng, Thăng Long - Nội Bài, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng,…
Hà Nội là địa phương chiếm tới một nửa số làng nghề trong cả nước, tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động. Theo khảo sát sơ bộ mới đây của Sở Công Thương Hà Nội, mức độ ô nhiễm do nước thải các làng nghề trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng. Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, kết quả kiểm tra nguồn nước mặt nhiều nơi có hàm lượng COD, BOD5, NH4+, coliform vượt hàng chục lần, thậm chí đến hàng trăm lần mức quy chuẩn. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi và nồng độ khí SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép. Đáng lo ngại là tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, gây ra các bệnh phổ biến như: Bệnh tiêu hóa và mắt chiếm 37%, bệnh hô hấp 20%, bệnh ngoài da 31% và các bệnh tai, mũi, họng, thần kinh,…
Thêm vào đó là tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn, với tỷ lệ thu gom chỉ đạt gần 70% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh (ước khoảng 2.500 tấn/ngày). Nhiều huyện chưa có khu xử lý tập trung, nên còn có hiện tượng tận dụng các ao, hồ, các vùng trũng để đổ rác, hình thành hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình kỹ thuật và tạo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm của khu vực.
Chậm thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm
Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường. Công tác kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường chưa được tiến hành chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, khu vực nông thôn, một số khu, cụm công nghiệp đang rất bức xúc nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Đáng lưu ý là tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng về môi trường trên địa bàn thành phố còn chậm, nhất là các dự án xử lý nước thải trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Việc xử lý rác thải chủ yếu vẫn thực hiện bằng hình thức chôn lấp, trong khi các khu xử lý chất thải rắn tập trung bằng công nghệ tiên tiến, được thi công chậm, vướng mắc nhiều về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, cơ chế đầu tư… Hoạt động xã hội hóa mới chỉ ở mức thí điểm, chưa có kế hoạch lâu dài, đồng bộ để phát triển nhân rộng, do vậy đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường hầu hết vẫn sử dụng ngân sách Nhà nước, nhiều dự án không bảo đảm thời gian hoàn thành.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Văn Hậu, trong khi chờ Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án thu gom, quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, một số địa phương như Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa đang thực hiện xây dựng mô hình thí điểm nâng cấp bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Đồng thời, tại 4 quận nội thành cũng thí điểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải (3R). Cùng với việc huy động mọi nguồn lực để triển khai xây dựng các dự án xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn và Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, thành phố đang tập trung chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, phấn đấu hoàn thành sớm trong năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu chôn lấp và xử lý chất thải rắn cho toàn thành phố trong giai đoạn 2012 - 2030, đặc biệt trong điều kiện khả năng tiếp nhận rác của khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn giai đoạn I chỉ có thể đáp ứng đến cuối quý I-2014.
Về xử lý nước thải, thành phố đôn đốc tiếp tục triển khai xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải tại huyện Hoài Đức, thuộc lưu vực sông Nhuệ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các khu vực Hồ Tây, Yên Xá, Phú Đô theo quy hoạch được duyệt.
Cần giải pháp đồng bộ
Lý giải nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Vũ Văn Hậu cho biết: Một số cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực môi trường vẫn chậm được đổi mới, chồng chéo và không thống nhất; một số văn bản pháp quy, nhất là các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, thay đổi liên tục, thậm chí có nhiều nội dung phức tạp, khó triển khai trong điều kiện thực tiễn của Thủ đô.
Trung bình hằng năm các đơn vị chức năng của thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra từ 200 - 300 cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm môi trường; xử lý hình sự và khởi tố hàng chục vụ vi phạm, song từ thực tế kiểm tra cho thấy, việc chấp hành pháp luật về môi trường của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, trong khi đó các quy định về xử phạt hành chính chưa đủ mức răn đe. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường cũng rất hạn hẹp; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và một số làng nghề chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có cơ chế khuyến khích hoặc chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các cơ sở sản xuất chấp hành nghiêm biện pháp bảo vệ môi trường…
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của Hà Nội, nhất là tại các khu vực đang ở mức báo động, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung rà soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài nguyên và môi trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, theo hướng minh bạch, phù hợp với quy định của Luật Thủ đô, Luật Bảo vệ môi trường đang sửa đổi và Nghị định mới ban hành.
Trước mắt, các sở, ngành liên quan của thành phố tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án môi trường, nhất là các dự án xử lý rác thải, nước thải, khí bụi; phối hợp với các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình và vận hành, khai thác. Các lực lượng chức năng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các khu, cụm công nghiệp các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, trong đó lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được đặc biệt quan tâm. Đồng thời, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc chống bụi ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát, sỏi, các phương tiện vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, Hà Nội triển khai xây dựng 2 - 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, phấn đấu 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 100% chất thải rắn ở nội thành, 80% chất thải rắn ở ngoại thành được thu gom và xử lý, 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn./.
Kim ngạch thương mại Nga - Việt Nam có thể đạt 20 tỷ USD  (24/08/2013)
Việt Nam đăng cai kỳ họp Đại hội đồng Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 50  (24/08/2013)
An táng 23 bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia  (24/08/2013)
Gặp gỡ hữu nghị kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam và Hungary  (24/08/2013)
Điện mừng kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Đông Uruguay  (24/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay