1. Ký thỏa thuận xây dựng một đường ống dẫn khí đốt cho riêng châu Âu

Ngày 13-7, tại thủ đô An-ka-ra của Thổ Nhĩ Kỳ, 4 nước châu Âu (Ru-ma-ni, Bun-ga-ra, Hung-ga-ri, Áo) và nước chủ nhà đã ký một thỏa thuận lịch sử xây dựng một đường ống dẫn khí đốt cho riêng châu Âu để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Đường ống dẫn khí đốt mang tên Nabucco, dài 3.300km, kéo dài từ Trung Á đến châu Âu, bắt đầu từ biển Ca-xpi, tới Áo, băng qua Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu. Đường ống này dự kiến được khởi công vào cuối năm 2010 và được đưa vào hoạt động vào năm 2014, với kinh phí ước tính lên đến 10,9 tỉ USD. Khi được hoàn thành, đường ống Nabucco sẽ vận chuyển 31 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm. Tuốc-mê-ni-xta, Ca-dắc-xtan, I-ran, I-rắc và Ai Cập là những nước cung ứng nguồn năng lượng chủ yếu cho đường ống này.

2. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép thăm Nam Ô-xê-ti-a

Ngày 13-7-2009, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép bắt đầu chuyến thăm Nam Ô-xê-ti-a trong bối cảnh sắp tròn một năm kể từ thời điểm diễn ra cuộc xung đột giữa Nga và Gru-di-a hồi đầu tháng 8-2008. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép khẳng định, Nga sẵn sàng phát triển các mối quan hệ với Nam Ô-xê-ti-a và sẽ cùng thực hiện các dự án chung trong nhiều lĩnh vực với đất nước này. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cho biết, Nga đang dự định thực hiện một số dự án khôi phục kinh tế, cải thiện các điều kiện xã hội cho Nam Ô-xê-ti-a, đồng thời đề nghị người đứng đầu Nam Ô-xê-ti-a hoạch định phương hướng cần giúp đỡ. Nga và Nam Ô-xê-ti-a sẽ duy trì sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng cũng như tiến hành các cuộc đàm phán phù hợp trong lĩnh vực này.

3. Hoãn thực hiện điều luật trừng phạt các công ty nước ngoài giao thương với Cu-ba

Ngày 14-7-2009, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma yêu cầu Quốc hội Mỹ hoãn thực hiện trong vòng nửa năm (kể từ ngày 1-8-2009) Điều III Luật Helms-Burton trừng phạt các công ty nước ngoài giao thương với Cu-ba. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhấn mạnh quyết định này vì lợi ích quốc gia của Mỹ và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi dân chủ tại Cu-ba. Luật Helms-Burton chống Cu-ba được thông qua hồi tháng 3-1996 nhằm thắt chặt các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ chống Cu-ba, cản trở các công ty nước ngoài cũng như các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Cu-ba và bảo vệ tài sản của các công dân Mỹ tại Cu-ba trước cuộc cách mạng năm 1959, mà Mỹ cho rằng đã bị chính phủ hiện nay quốc hữu hóa. Cũng theo luật này, giám đốc các công ty làm ăn với Cu-ba sẽ không được phép vào lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2001, Chính phủ Mỹ đã cho phép các doanh nghiệp nước này bán thực phẩm và thuốc men sang Cu-ba.

4. Báo cáo năm 2009 về các nước kém phát triển của Liên hợp quốc

Ngày 15-7-2009, Báo cáo năm 2009 về các nước kém phát triển của Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra khuyến cáo các nước kém phát triển nhất trên thế giới (LDC) cần tăng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp để giảm nghèo đói và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai. Báo cáo nhấn mạnh, do nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các khu vực thành thị mở rộng, các quốc gia LDC có nguy cơ bị kẹt trong một chu kỳ luẩn quẩn của nghèo đói và phát triển không đồng bộ. Chính vì vậy, các nước thuộc diện LDC phải có chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, cần tiến hành chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để giải quyết những thách thức lâu dài. Hiện có tới 21 quốc gia thuộc diện LDC đang bị khủng hoảng lương Báo cáo năm 2009 về các nước kém phát triển của LHQ thực, và trên toàn thế giới có khoảng 1 tỉ người bị đói kinh niên.

5. Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn trình bày những vấn đề “nóng” nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Ngày 15-7-2009, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn đã phát biểu trước Uỷ ban đối ngoại về chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm và đưa ra nhiều thông điệp quan trọng, khẳng định vai trò là nhà ngoại giao số một của Mỹ. Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn đề cập tới những vấn đề “nóng” nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ như chương trình hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên, vấn đề Ap-ga-ni-xtan, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, ngăn ngừa việc sử dụng vũ khí hạt nhân và xây dựng một thế giới không có mối đe doạ từ vũ khí hạt nhân, cuộc chiến chống khủng bố, khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dù thừa nhận Mỹ đã mất đi vai trò và ảnh hưởng ở một số lĩnh vực trong những năm gần đây, nhưng bà Hi-la-ri coi đó chỉ là những thất bại tạm thời. Bà cho rằng trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay, không quốc gia nào có thể tự giải quyết mọi thách thức một cách độc lập.

6. Ủy ban phụ trách các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên

Ngày 16-7, Ủy ban phụ trách các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên, trong đó có lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 10 đối tượng, gồm các quan chức và các công ty liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Ủy ban trừng phạt của Liên hợp quốc cấm các nước bán cho CHDCND Triều Tiên hai loại nguyên liệu là graphite và sợi para-aramid được sử dụng trong chế tạo tên lửa đạn đạo.

Trước đó, ngày 15-7-2009, phát biểu trước diễn đàn Phong trào không liên kết nhóm họp tại thành phố Sam En Sếch (Sharm el-Sheikh) của Ai Cập, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên Kim Âng Nam đặt điều kiện để nước này quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông Kim Âng Nam,chủ quyền quốc gia cần phải được tôn trọng và sự bình đẳng giữa các đối tác phải được đảm bảo - đó là điều kiện không thể thiếu để đàm phán về vấn đề hạt nhân. Ông nhấn mạnh rằng, sẽ không thể có đối thoại hay bất cứ cuộc thương lượng nào nếu các nguyên tắc trên không được tuân thủ.

7. Hội nghị cấp cao lần thứ 15 Phong trào Không liên kết

Ngày 16-7-2009, Hội nghị cấp cao lần thứ 15 Phong trào Không liên kết (NAM 15) đã kết thúc tốt đẹp tại thành phố Sam en-Sếch (Sharm El Sheikh) của Ai Cập. Hội nghị năm nay có sự tham dự của 118 đoàn đại biểu các nước thành viên NAM ở khắp các châu lục, cùng đại diện của khoảng 30 quốc gia và tổ chức quan sát viên. Chủ đề của Hội nghị kéo dài hai ngày là “Đoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển”. Lãnh đạo của hơn 100 nước thành viên đã tham gia thảo luận các vấn đề nóng bỏng hiện nay như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, tiến trình hòa bình Trung đông, an toàn thực phẩm và các vấn đề về năng lượng và hạt nhân. Tại Hội nghị lần này, các nước thành viên NAM đã nhất trí chọn I-ran là nước chủ nhà của Hội nghị NAM lần thứ 16 được tổ chức vào năm 2012; nhất trí kết nạp Ác-hen-ti-na làm quan sát viên và Hội đồng Hòa bình thế giới là thành viên mới trong nhóm tổ chức quan sát viên; bầu Tổng thống Ai Cập Hót-xni Mu-ba-rắc làm Chủ tịch NAM trong thời gian 3 năm tiếp theo. Hội nghị đã tiến hành ký kết Tuyên bố Sam en-Sếch, Văn kiện chung của Hội nghị và một loạt các tuyên bố khác nhằm khẳng định quyết tâm củng cố và nâng cao vai trò, ảnh hưởng của Phong trào trên diễn đàn quốc tế. Tuyên bố tái khẳng định, Phong trào cam kết chặt chẽ với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền; đại diện cho cương lĩnh chính trị của các nước đang phát triển trên diễn đàn đa phương, đặc biệt tại LHQ.

8. Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) thăm 3 nước khu vực Cáp-ca

Ngày 16-7-2009, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, nước hiện là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), ông Các-lơ Bin (Carl Bildt), dẫn đầu một phái đoàn EU thăm 3 nước khu vực Cáp-ca là Ác-mê-ni-a, A-déc-bai-gian và Gru-di-a trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Chủ tịch EU của Thụy Điển nêu rõ Cáp-ca là khu vực quan trọng về mặt chiến lược đối với EU, mà chương trình "Đối tác phương Đông" của EU là một minh chứng. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, phái đoàn EU có các cuộc gặp gỡ và hội đàm với các nhà lãnh đạo chính trị 3 nước Cáp-ca, thăm phái đoàn quan sát viên EU tại Gru-di-a.

9. Hai vụ nổ bom ở In-đô-nê-xi-a

Ngày 17-7-2009, hai quả bom đã phát nổ gần như đồng thời tại hai khách sạn ở thủ đô Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a là Ritz Carlton và Marriott khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. Trong số 8 người thiệt mạng có 6 nạn nhân tại khách sạn Marriot và 2 nạn nhân tại khách sạn Ritz Carlton. Đại diện chính quyền nước này cho biết, gần một nửa trong số các nạn nhân là người nước ngoài, trong đó có người Nhật Bản và Niu Di-lân. Năm 2003, khách sạn Marriott đã từng bị tấn công khiến 12 thiệt mạng. Hiện chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ việc trên./.