Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Nguyễn Đức Mạnh
23:44, ngày 19-07-2009

TCCSĐT - Trong điều kiện chuyển đổi cơ chế kinh tế, Nhà nước cần dành sự quan tâm nhiều hơn đối với việc cải cách thủ tục hành chính nhằm đáp ứng các yêu cầu dịch vụ, phục vụ xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính luôn là một yêu cầu bức xúc

Cải cách thủ tục hành chính là một công việc thuộc nội dung cải cách thể chế hành chính, trong khi đó, cải cách thể chế hành chính là một trong bốn nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính lại được đặt ra trước cải cách hành chính, được xem như là khâu đột phá của cải cách hành chính, và trong tiến trình cải cách hành chính, vấn đề thủ tục hành chính thường xuyên được Chính phủ quan tâm. Đó là vì thủ tục hành chính hàng ngày liên quan đến công việc nội bộ của một cơ quan, cấp chính quyền, cũng như đến các tổ chức và cá nhân công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của mọi công dân đã được quy định ở Hiến pháp hay ở các bộ luật, cũng như các yêu cầu, nguyện vọng của họ có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào đều phải thông qua thủ tục hành chính do các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết.

Hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thể hiện trên hầu khắp các lĩnh vực đời sống xã hội, từ kinh tế, xã hội, văn hoá, y tế, giáo dục, dân tộc, tôn giáo cho đến an ninh - quốc phòng, đối ngoại... Chức năng quản lý nhà nước không chỉ nhằm bảo vệ pháp luật, chế độ chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, các quyền hợp pháp chính đáng của mọi tổ chức và công dân, mà còn tạo điều kiện, môi trường pháp lý, môi trường xã hội thuận lợi cho các tổ chức và công dân làm ăn, sinh sống. Việc tạo điều kiện, môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức và công dân sinh sống, phát triển kinh tế thường được xác định như là một chính sách; còn trên thực tế, sự thuận lợi hay khó khăn trong làm ăn, sinh sống của người dân cũng như niềm tin của họ đối với Nhà nước như thế nào lại được thẩm định thông qua các quy định thủ tục hành chính và cách thức giải quyết các thủ tục ấy.

Trong điều kiện Nhà nước ta thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và tham gia sâu rộng vào các quan hệ quốc tế, thì các nhu cầu của các tầng lớp dân cư trong xã hội cũng tăng lên về số lượng và đa dạng, phong phú, phức tạp về hình thức, nội dung. Tình hình đó đặt ra các yêu cầu mà Nhà nước phải thực hiện: 1- Chuyển đổi cơ chế quản lý thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. 2- Mở rộng và nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ, phục vụ xã hội. 3- Khắc phục tình trạng yếu kém, hạn chế, bất cập của bộ máy quản lý, gồm: tổ chức, thể chế, cán bộ - công chức, cơ sở vật chất - tài chính.

Cải cách nền hành chính nhà nước bao gồm cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và cải cách tài chính. Đó là những vấn đề có tính nội bộ của nền hành chính nhà nước. Nhưng cải cách thể chế hành chính, trong đó có thủ tục hành chính, lại là một vấn đề không riêng của Nhà nước, mà còn liên quan đến đời sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Đó chính là nguyên do đòi hỏi Nhà nước phải dành sự quan tâm nhiều hơn đối với việc cải cách thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng các yêu cầu dịch vụ, phục vụ xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong điều kiện chuyển đổi cơ chế kinh tế.

Hiện nay, các thủ tục hành chính còn tồn tại một số hiện tượng mang tính khá phổ biến như: rườm ra, trùng chéo, cứng nhắc (hợp pháp nhưng chưa hợp lý, chưa phù hợp thực tế); thủ tục cũ, mới lẫn lộn. Bên cạnh đó, việc ban hành thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn tuỳ tiện, kể cả ban hành "giấy phép con"; cách thức giải quyết thủ tục vẫn còn hiện tượng cửa quyền, hạch sách, chậm trễ theo lối "dân cần, quan không vội” và vẫn còn qua nhiều khâu trung gian lòng vòng; thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết thủ tục nhiều khi không rõ và vẫn còn hiện tượng tổ chức, công dân (khách hàng) đi lại nhiều lần, ca thán hoặc lo lót, hối lộ để được việc.

Có thể nói, tính bức xúc của việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính không chỉ nhìn từ khía cạnh kinh tế, tức là tiết kiệm tiền của, là xây dựng môi trường pháp lý để các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư yên tâm làm ăn, phát triển; không chỉ nhìn từ khía cạnh xã hội, tức là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước. Hơn thế, nó còn xuất phát từ việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiện đại; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp hoá; góp phần bài trừ tệ quan liêu, cửa quyền, hối lộ, làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Một số đề xuất về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Một là, các thủ tục hành chính phải được xây dựng trên cơ sở pháp luật, nhằm thực hiện luật. Thủ tục hành chính cũng chính là sự hướng dẫn một cách trình tự, cụ thể việc thực hiện những điều quy định của pháp luật. Thí dụ, khi luật quy định trẻ em sinh ra phải được chứng thực khai sinh tại chính quyền địa phương (cấp cơ sở), thì quy định đó là căn cứ để Nhà nước thực hiện sự quản lý dân số, hộ khẩu; người có nghĩa vụ phải thực hiện quy định đó là cha, mẹ hoặc người giám hộ của đứa trẻ. Nhưng việc thực hiện đó lại phải thông qua những quy định thủ tục mang tính hướng dẫn do Nhà nước ban hành như: cha, mẹ hay người giám hộ của đứa trẻ đến cơ quan nhà nước làm khai sinh phải có những giấy tờ pháp lý chứng thực nhân thân, chứng thực người đó đúng là cha, mẹ hay người giám hộ, v.v. Các thủ tục hành chính về kết hôn, ly hôn, khai tử, di chuyển hộ khẩu cũng tương tự như vậy và thường đã được mẫu hoá, mang tính thống nhất trong cả nước. Vấn đề là ở chỗ, thời gian, chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính thông thường đó là không giống nhau ở các địa phương.

Có một thực tế là, ở những vùng sâu, vùng xa và nhất là ở những vùng miền núi, nơi có phần đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc thực hiện các thủ tục hành chính thông thường như thế thường gặp những trở ngại do đi lại khó khăn, nhiều ngưòi mù chữ và đói nghèo... Bởi vậy, cải cách thủ tục hành chính ở những vùng, miền này không chỉ là nhằm vào việc đơn giản hơn về nội dung, điều kiện thực hiện thủ tục, mà còn nhằm vào cách thức thực hiện thủ tục sao cho thuận tiện đối với người dân, để họ thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trước Nhà nước. Điều đó đòi hỏi cán bộ chính quyền xã, thôn, bản cần tăng cường hơn công tác dân vận, đưa việc thực hiện những thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn, di chuyển... (là những thủ tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người dân) đến gần dân hơn nữa. Nếu không thực hiện được việc này thì công tác quản lý nhà nước về dân số, dân tộc, tôn giáo, đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, v.v. ở những vùng, miền này khó tránh khỏi bị bỏ sót, bỏ trống. Hiện tượng di dân tự do, phá rừng làm rẫy tùy tiện, đói nghèo triền miên ở một số địa phương thuộc một vài tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là những ví dụ về sự bỏ trống, bỏ sót trong công tác quản lý nhà nước ở các địa phương này.

Hai là, các cơ quan, cấp chính quyền có thẩm quyền ban hành quy định thủ tục hành chính cần có sự tham vấn từ phía các cán bộ, công chức thực thi công vụ, các cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận "một cửa” và từ phía khách hàng (tổ chức và người dân). Nhà nước ban hành thủ tục hành chính không chỉ để quản lý mà còn để thực hiện mục tiêu cao hơn là nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ xã hội. Vì vậy, sự tham vấn đó là hết sức cần thiết để phát huy tính chủ động, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ cũng như để thực hiện Quy chế dân chủ, phát huy vai trò giám sát, đánh giá của người dân đối với công tác quản lý của Nhà nước. Mặt khác, điều đó còn có tác dụng làm hạn chế việc ban hành quy định thủ tục và cách thức thực hiện thủ tục theo lối tuỳ tiện mà một số cơ quan, cấp chính quyền đã mắc phải.

Ba là, thủ tục hành chính phải linh hoạt, nhằm đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu của toàn xã hội. Thủ tục hành chính tuy là những quy định hướng dẫn mang tính chất pháp lý, bắt buộc để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả phía Nhà nước và công dân, nhưng trong đời sống thường có những tình huống nằm ngoài ý chí của Nhà nước cũng như ý muốn của người dân. Chẳng hạn, việc xảy ra các tình huống động đất, sóng thần, cháy nổ, lũ lụt..., dẫn đến các giấy tờ, hồ sơ gốc bị thất lạc, tiêu huỷ; người dân trải qua các tình huống này muốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các nhu cầu khác của mình thì không thể đáp ứng được các quy định thủ tục hành chính.

Nếu quan niệm thủ tục hành chính là những quy định có tính nguyên tắc, nhất nhất phải thực hiện đúng như vậy, thì trong các tình huống nói trên, người dân đành bó tay; và do đó, có thể dẫn đến các hiện tượng hoặc chấp nhận thiệt thòi, hoặc chạy vạy lo lót cho được việc. Cho nên, cần quan niệm thủ tục hành chính cũng chỉ là phương tiện, cách thức để thực hiện sự quản lý và phục vụ dân được tốt hơn; do vậy, phương tiện, cách thức thực hiện cần phải linh hoạt để cốt sao thực hiện được mục tiêu quản lý và phục vụ xã hội, phục vụ dân được nhiều nhất, tốt nhất. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được đánh giá, ghi nhận là ở việc Nhà nước thể hiện đúng được bản chất của nó và ở mục tiêu đạt được chứ không phải ở hình thức, phương tiện hay cách thức thực hiện mục tiêu.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ chế "một cửa", tiến tới xây dựng cơ chế "một cửa liên thông" giữa các sở, ban, ngành có chức năng quản lý nhà nước và các cấp chính quyền trong vấn đề giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho các tổ chức và cá nhân thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, xây dựng quy định thủ tục hành chính xử lý vi phạm sau cấp phép, với yêu cầu làm rõ trách nhiệm của bên vi phạm và của cơ quan, cấp chính quyền có trách nhiệm xử lý vi phạm. Đẩy mạnh công tác rà soát thủ tục hành chính nội bộ, xây dựng quy định về mối quan hệ làm việc nội bộ và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan theo các tiêu chí: pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai về các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, nhằm góp phần xây dựng văn hoá công sở, gữi gìn trật tự, kỷ cương trong hoạt động công vụ.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát các quy định thủ tục hành chính ở bộ phận "tiếp nhận và trả hồ sơ giấy tờ". Trước mắt, cần tập trung vào một số loại thủ tục: 1- Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấp phép xây dựng; 2- Thủ tục liên quan đến hợp tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; 3- Thủ tục xuất nhập khẩu; 4- Thủ tục xuất, nhập cảnh; 5- Thủ tục thành lập, giải thể doanh nghiệp; 6- Thủ tục đăng ký kinh doanh, dịch vụ; 7- Thủ tục tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; 8- Thủ tục nhập, tách hộ khẩu, thay đổi hộ tịch.

Đối với các địa phương, những vấn đề về đất đai, xây dựng, kinh doanh, buôn bán và khiếu nại, tố cáo thường là những vấn đề bức xúc. Vì vậy, cần có một đầu mối trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh gắn liền với trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh để tiến hành rà soát và chỉ đạo thực hiện các thủ tục hành chính trong giải quyết những vấn đề này./.