Làm thế nào để nông dân thuộc diện thu hồi đất ổn định đời sống, vươn lên làm giàu?
Việt Nam có khoảng hơn 9 triệu héc-ta đất nông nghiệp, trong đó có hơn 4 triệu héc-ta đất trồng lúa, bình quân mỗi nông dân có khoảng 480m2 đất canh tác. Trong những năm qua nhiều diện tích đất đã chuyển đổi làm khu công nghiệp. 80% trong số đó là đất nông nghiệp. Khoảng 50% diện tích bị thu hồi là những khu vực đất màu mỡ trồng hai vụ lúa, một vụ màu một năm và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm. Vài năm gần đây xuất hiện tình trạng các tỉnh đua nhau làm sân gôn. Đến nay cả nước đã có 141 sân gôn ở 39 tỉnh, thành phố, sử dụng tới 49.268 ha đất, trong đó có 2.625 ha đất trồng lúa. Việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của gần một triệu hộ gia đình với khoảng hơn 3 triệu người.
Kết quả điều tra tình hình ruộng đất của nông dân tại 12 tỉnh trên cả nước do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trường Đại học Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) cho thấy, có tới 6% số hộ nông dân không hề có mảnh đất nông nghiệp nào trong nhiều năm như: Đắk Lắk gần 9% số hộ, Long An 9,4% và Khánh Hòa là 18,4%... số hộ không có đất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nông dân không có đất 6% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ mất đất 14% là một thực tế đáng lo ngại.
Quá trình thu hồi đất nông nghiệp, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể đối với người nông dân như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư... Tuy nhiên, trên thực tế có tới 67% số lao động nông nghiệp vẫn đang giữ nguyên nghề cũ sau khi bị thu hồi đất, 13% chuyển sang nghề mới và có tới 25% đến 30% số lao động không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định. Thực trạng này dẫn đến kết quả là 53% số hộ nông dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước kia, chỉ có 13% số hộ có thu nhập khá hơn trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi héc-ta đất bị thu hồi sẽ làm mất việc của 13 lao động. Trong nhóm lao động bị thu hồi đất chỉ có khoảng 27% đã tốt nghiệp phổ thông, 14% được đào tạo nghề ngắn hạn. Đặc biệt là, số lao động đã quá tuổi tuyển dụng (trên 35 tuổi) chiếm rất đông và hầu như không có cơ hội tìm được việc làm. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách đền bù mà chưa cố gắng vượt khó khăn tự tìm kiếm việc làm.
Nhiều người dân những tưởng sau khi “nhường” ruộng cho các nhà máy, các khu công nghiệp thì đời sống con cháu mình sẽ khá hơn. Nhưng trên thực tế là, vừa mất đất thì kéo theo thất nghiệp, đói nghèo, tệ nạn xã hội đã và đang làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, nhiều người phải rời bỏ quê hương kiếm sống... Nhiều hộ gia đình nông dân “ôm” tiền đền bù mà không biết làm gì để sống. Vài năm sau, khoản tiền ít ỏi ấy cứ vơi dần nên phải đi làm thuê, làm mướn, sống cầm chừng. Cùng với việc mở rộng, phát triển các khu công nghiệp, nhiều nông dân mất đất, thiếu việc làm, hệ lụy là các vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh nhức nhối, đáng lo ngại nhất là tầng lớp thanh niên rất dễ bị lôi kéo vào những cám dỗ của các tệ nạn xã hội .
Làm thế nào để người nông dân sau khi bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định và từng bước vươn lên làm giàu?
Ngày 08-01-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2012/NĐ-CP về khuyến nông. Nghị định này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, tăng thu nhập, thoát đói nghèo vươn lên làm giàu thông qua các hoạt động đào tạo cho nông dân về kỹ năng, về cung ứng dịch vụ, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Nghị định chỉ rõ: Nhà nước sẽ bồi thường và tập huấn cho người sản xuất về chính sách, pháp luật; tập huấn truyền nghề cho nông dân trong các lĩnh vực khuyến nông thông qua các hình thức: mô hình trình diễn; tổ chức các lớp học ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành; thông qua các phương tiện truyền thông, như: báo chí, tờ rơi, tài liệu; qua chương trình đào tạo từ xa trên truyền hình, truyền thanh; xây dựng các kênh truyền hình dành riêng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ưu tiên dành thời lượng cho đào tạo nông dân trên truyền hình, qua trang thông tin điện tử khuyến nông trên in-tơ-nét; tổ chức khảo sát, học tập trong và ngoài nước... Nghị định cũng quy định, việc đào tạo nông dân và đào tạo cán bộ hoạt động khuyến nông do giảng viên nòng cốt là các chuyên gia, cán bộ khuyến nông có trình độ đại học trở lên, các nông dân giỏi; các cá nhân điển hình tiên tiến có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, có đóng góp, cống hiến cho xã hội, cộng đồng, đã qua đào tạo về kỹ năng khuyến nông. Ngoài ra, người nông dân còn được tư vấn về chính sách và pháp luật liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tổ chức, quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, trang bị cho chủ trang trại, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ về lập dự án đầu tư, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, huy động vốn, tuyển dụng và đào tạo lao động, lựa chọn công nghệ, tìm kiếm thị trường; hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hợp đồng bảo hiểm sản xuất kinh doanh và cung ứng vật tư nông nghiệp...
Nghị định trên thực sự là chỗ dựa quan trọng giúp nông dân sớm được tiếp xúc với các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chính sách, pháp luật, tập huấn, truyền nghề trong các lĩnh vực khuyến nông. Nhưng, để chính sách của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống rất cần sự năng động và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương.
Những năm qua, các địa phương trên cả nước đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người nông dân thuộc diện thu hồi đất vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống, tuy nhiên, kết quả thu được không mấy khả quan. Để từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp nông dân mất đất có cuộc sống ổn định và khá giả, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, quy hoạch các khu công nghiệp phải gắn với quy hoạch tái định cư, thiết kế quy hoạch cụ thể về hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho người lao động. Trong quy hoạch các khu công nghiệp phải cân nhắc xây dựng ở những nơi tách hẳn khỏi sản xuất nông nghiệp, xa khu dân cư, làm hạ tầng đồng bộ như: đường giao thông nối với các trục đường chính; có đủ điện, nước, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Cách làm này sẽ mất nhiều kinh phí hơn so với tận dụng các khu vực gần trục đường chính, song lại cần thiết cho sự phát triển bền vững, tránh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trường hợp quy hoạch khu công nghiệp buộc phải lấy đất nông nghiệp thì phải lấy những nơi đất xấu, canh tác không hiệu quả.
Hai là, đối với số lao động nông thôn thuộc diện thu hồi đất, không có việc làm, Nhà nước cần hỗ trợ họ tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa. Đào tạo cho nông dân có kiến thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh hiện đại, mang lại thu nhập cao từ nông nghiệp. Thực hiện việc chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ ở nông thôn. Tăng cường đào tạo hướng nghiệp nhất là đào tạo nghề tại chỗ. Quỹ đất để lại 10% giao cho hộ bị thu hồi đất làm cơ sở dịch vụ theo quy hoạch, hướng dẫn các hộ này liên kết với nhau thành lập hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ cho các khu công nghiệp, như: bán hàng, cho thuê nhà, vệ sinh môi trường...
Ba là, để thực hiện hiệu quả Quyết định số 479/QĐ-TTg, ngày 17-4-2009, của Thủ tướng Chính phủ, về hỗ trợ lãi suất cho khu vực nông thôn cần khắc phục thủ tục còn quá rườm rà về vay vốn ở các địa phương, gây khó khăn, cản trở cho người nông dân khi tiếp cận vốn vay. Theo quy định, phía ngân hàng yêu cầu nông dân muốn vay vốn phải thế chấp “sổ đỏ” và các giấy tờ có mệnh giá giá trị cũng như phương án kinh doanh mới cho vay vốn. Yêu cầu của ngân hàng tuy rất đúng với quy định của pháp luật, nhưng lại thoát ly thực tiễn cuộc sống, khiến không ít nông dân mặc dù rất cần vay vốn để phát triển sản xuất, nhưng lại không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay, dẫn đến việc giải ngân rất chậm...
Bốn là, thay đổi nhận thức về việc giải quyết việc làm cho nông dân nhường đất để phát triển khu công nghiệp. Khó khăn lớn nhất của người lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất là chuyển nghề và tìm kiếm việc làm mới. Trên thực tế đang tồn tại thực trạng người nông dân không thực sự mặn mà với việc học nghề, họ chưa quen với những việc cần phải vận động, suy nghĩ, học tập vận dụng các kiến thức mới, hiện đại... Họ vẫn có thói quen trao truyền việc làm nghề nông từ xa xưa cho nên khi được chính quyền địa phương giao số tiền hỗ trợ học nghề thì họ thường đem chi dùng vào việc khác. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các đoàn thể địa phương trong việc đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất chưa chặt chẽ, các trung tâm dạy nghề ở địa phương không nắm được đối tượng học nghề nào là lao động thuộc diện thu hồi đất... Mặc dù Chính phủ đã có quy định bắt buộc về thực hiện chính sách dạy nghề cho người dân trong vùng thuộc diện thu hồi đất làm khu công nghiệp, nhưng các nhà đầu tư thường cố tình “bỏ quên” cam kết... Vì vậy, cùng với quy định bắt buộc này phải có chế định thực sự coi nông nghiệp, nông thôn là mặt trận lớn chứ không chỉ là “khẩu hiệu suông”. Đồng thời, Nhà nước cần có đầu tư phát triển mạnh hơn nữa vào mặt trận này. Trước mắt cần tập trung đầu tư và cung cấp hệ thống thông tin để người dân có thể học cách sản xuất, học chữa bệnh cho cây trồng và vật nuôi, cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm... để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Năm là, khi thu hồi đất, nhà đầu tư không bồi thường tất cả giá trị mà để lại cho người dân có đất bị thu hồi một phần cổ phần nhất định trong dự án. Bởi lẽ nếu bồi hoàn một khoản tiền ngay một lúc, người nông dân không có nghề nghiệp lại không có kinh nghiệm chi tiêu có thể sẽ tiêu xài hết và trở thành trắng tay, trong khi nếu có cổ phần, họ sẽ có được lợi ích lâu dài để bảo đảm cuộc sống.
Sáu là, để các hộ nông dân bị thu hồi đất phát triển khu công nghiệp ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu, có nhiều vấn đề mà tự bản thân người nông dân không dễ vượt qua được. Mặc dù, nhiều nông dân rất năng động, mạnh dạn, nhưng chuyển hướng sản xuất kinh doanh như thế nào, làm thế nào để có hiệu quả ổn định, lâu dài luôn là bài toán khó đối với từng hộ gia đình nông dân. Bên cạnh đó sự yếu kém về kết cấu hạ tầng, sự thiếu định hướng về thị trường cũng như sự thiếu chính sách hỗ trợ hữu hiệu trong việc tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán và chậm xác định quy mô và phương thức sản xuất đều là những trở ngại không nhỏ trên con đường ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Vì vậy, vấn đề “liên kết bốn nhà” (gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) là một giải pháp quan trọng giúp nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Bảy là, cần xem lại tiêu chí mới về hộ nghèo để có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Thực tế nhiều hộ nông dân sau thu hồi đất không biết sử dụng tiền bồi thường, hỗ trợ tìm kiếm việc làm ổn định mà chỉ lo làm nhà, mua xe, sắm sửa thiết bị... nên đời sống bấp bênh, nhưng khi xét các tiêu chí lại không thuộc diện hộ nghèo nên không được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Vì vậy, cần coi trọng tiêu chí việc làm và thu nhập làm căn cứ cho việc xét hộ nghèo và cận nghèo để hỗ trợ họ. Muốn lựa chọn đúng đối tượng, các địa phương cần có kế hoạch và giải pháp phù hợp là phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc theo dõi, giám sát cách làm ăn, sử dụng vốn vay, đối tượng được vay, mục đích sử dụng vốn vay để kịp thời giúp đỡ khi cần thiết...
Chủ thể của nông nghiệp, nông thôn chính là nông dân. Trong quá trình phát triển để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, việc người nông dân bị thu hồi đất sản xuất là hiện tượng tất yếu. Chỉ có dựa trên cơ sở một hệ thống chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Nhà nước, sự năng động, dám nghĩ dám làm của chính bản thân người nông dân mới có thể ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên làm giàu./.
Một số vấn đề về sở hữu đất đai ở nước ta hiện nay  (28/11/2012)
Kiểm soát nợ công đến 2015 không quá 65% GDP  (28/11/2012)
Thủ tướng Thái Lan vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm  (28/11/2012)
Hội thảo khoa học “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”.  (28/11/2012)
Giải phẫu địa - chính trị cuộc xung đột trên Dải Ga-da  (28/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay