TCCSĐT - Sáng 28-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều khiển nội dung.

Luật được ban hành nhằm hoàn thiện cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước và tạo khung pháp lý quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá. Đây là đạo luật rất quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, tác động đến sản xuất, kinh doanh, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Qua phiên thảo luận về dự án Luật Giá đã có 26 đại biểu đăng ký và 27 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường. Các ý kiến đa số đều đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Giá, cho rằng, trước hết dự luật phải xác định quan điểm Nhà nước quản lý giá trong cơ chế thị trường phải đúng định hướng và phù hợp với quy luật thị trường trên cơ sở những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ thực tiễn quản lý Nhà nước về giá trong thời gian qua.

Hiện nay, giá cả được hình thành và thực hiện thông qua hàng loạt luật như: Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Cạnh tranh, Luật Hình sự, Luật Vi phạm hành chính, Luật Thuế, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thị trường v.v.., tuy nhiên, giá cả nhiều thời điểm, với nhiều mặt hàng vẫn bị lũng đoạn, bị méo mó, bị đẩy cao, nguyên nhân được xác định một phần là do tình trạng tham nhũng, lãng phí, lạm quyền, nhũng nhiễu và chính sách sai. Ví dụ chính sách xuất nhập khẩu, chính sách quản lý thị trường, chính sách ngoại hối, chính sách tiền tệ, chính sách thuế… Về lâu dài một nền kinh tế thị trường ổn định, lành mạnh và một nhà nước pháp quyền nghiêm minh mới là điều kiện và yếu tố để bảo đảm giá cả được hình thành và thực hiện khách quan và hợp lý.

Về các hành vi bị cấm, các đại biểu đề nghị bổ sung các quy định hành vi bị cấm đã được quy định tại Luật Cạnh tranh cũng như rất đồng tình về bổ sung quy định cấm chuyển giá trong mọi trường hợp; bổ sung, chỉnh sửa cho rõ ý về quyền của người tiêu dùng, nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn đề nghị bổ sung vào Điểm c, Khoản 2 qui định đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng độc quyền và vị thế độc quyền để định giá mua giá hàng hóa dịch vụ bất hợp lý để trục lợi. Phân tích lý do, đại biểu cho rằng việc các doanh nghiệp có vị thế độc quyền chi phối giá cả, nâng giá bất hợp lý tạo khan hiếm giả tạo là một thuộc tính của cơ chế thị trường, đặc biệt khi có sự can thiệp của các nhóm lợi ích. Thực tế nước ta những năm vừa qua đã xảy ra với một số ngành, một số sản phẩm gây bất ổn về giá cả cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng. Dự thảo đã đưa các hàng hóa dịch vụ thuộc doanh nghiệp có vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường ra khỏi danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tại Điều 19 và để bảo đảm thống nhất với Luật Cạnh tranh, cho nên đại biểu thấy vẫn tiếp tục cần thiết phải bổ sung các chế tài này vào điều cấm ở khoản cấm của Điều 10. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị lược bỏ bớt những quy định thừa, không cần thiết trong các hành vi cấm.

Về hàng hóa dịch vụ thực hiện bình ổn giá, đại biểu Triệu Là Pham - Hà Giang đề nghị nên thay đổi mặt hàng phân đạm là phân bón được thực hiện bình ổn giá nhằm mở rộng hơn đến các loại phân bón khác như NPK, đạm, lân, kali v.v.. cũng phục vụ trực tiếp cho phát triển nông nghiệp, là những mặt hàng luôn có giá cả biến động tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Trần Văn Tấn - Tiền Giang thì đề nghị bổ sung: Một là, thuốc bảo vệ thực vật vì đây cũng là một loại hàng hóa thiết yếu dùng trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân để chống lại các loại dịch bệnh trên cây trồng. Thực tế giá thuốc bảo vệ thực vật đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất của người nông dân, nhất là các loại thuốc kích thích tăng trưởng ảnh hưởng đến môi trường và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết đối với các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật thực hiện bình ổn giá. Hai là, mặt hàng sữa vì sữa cũng đã trở thành mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người là một trong các yếu tố tác động đến vấn đề dinh dưỡng và chất lượng dân số. Do vậy, việc thực hiện bình ổn giá đối với tất cả các loại sữa là cần thiết nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người. Ba là, mặt hàng xăng dầu, đây là mặt hàng có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đại đa số người dân và có tác động trực tiếp về giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Đại biểu đề nghị dự án luật quy định mang tính nguyên tắc nhằm thực hiện đúng về giá xăng dầu trong điều kiện kinh tế thị trường. Bãi bỏ việc quy định về giá cơ sở như đã thực hiện vừa qua nhằm bảo đảm ổn định giá cả chung và ổn định cuộc sống người dân. Giao Chính phủ quy định về bảo đảm an ninh năng lượng bằng các cơ chế, chính sách khác.

Nhìn chung, có 2 xu hướng: Một xu hướng đề nghị nên bổ sung thêm, mở rộng thêm danh mục hàng hóa tham gia vào danh mục bình ổn giá. Có ý kiến đề nghị phải bỏ bớt vì không phải cứ đưa nhiều nhiều mặt hàng tham gia vào danh mục bình ổn giá là có thể giải quyết được những vấn đề thuộc kinh tế vĩ mô. Đối với những mặt hàng thiết yếu, cần đưa ra những căn cứ rõ ràng, và tránh hiểu lầm những mặt hàng khác Nhà nước không kiểm soát, không quản lý về giá.

Về thẩm quyền quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá, các đại biểu đề nghị thẩm quyền quản lý Nhà nước về giá cũng cần xác định trách nhiệm của Chính phủ, trong đó Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì việc này và các bộ, ngành có liên quan; điều luật qui định khi cần thay đổi danh mục, hay  những trường hợp nào thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị bổ sung thẩm quyền ủy ban nhân dân tỉnh cũng như phân cấp thêm cho chính quyền địa phương. Đại biểu Đào Văn Bình - Hà Nội đề nghị bổ sung thêm một số nội dung cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là của một số bộ, ngành quan trọng, cần ghi cụ thể để khi sự việc xảy ra có thể thấy rõ ngay trách nhiệm của bộ, ngành nào, cá nhân nào. Tránh tình trạng như vừa qua khi giá sữa trên thị trường liên tục tăng đột biến rất vô lý, hay thuốc tân dược giá cả tăng tràn lan nhưng người dân không biết kêu ai và không có ai chịu trách nhiệm trước dân.

Ở Điều 17, đa số ý kiến cho rằng lập quỹ bình ổn giá là cần thiết vì đây là một biện pháp để bình ổn giá, tuy nhiên cần phải bổ sung điều kiện nào thì được thành lập quỹ và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay giao cho Chính phủ, phải làm rõ thẩm quyền khi nào thì can thiệp vào việc này. Làm rõ các quy định về nguồn lập quỹ, không nên quy định khi cần thiết thành lập quỹ mà nên quy định trong luật về sự cần thiết của việc thành lập quỹ bình ổn giá. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của việc áp dụng bình ổn giá của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong một số trường hợp cũng như việc phân cấp thêm cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giá. Một số ý kiến cho rằng nên quy định rõ trường hợp nào thì xác định thị trường có biến động bất thường ở mức độ nào, tiêu chí nào thì chúng ta có thể đánh giá thị trường có biến động bất thường để áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Về đăng ký giá cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đăng ký giá có phải là chúng ta trở về thực hiện cơ chế nhà nước quyết định giá, nếu người ta đăng ký mà Nhà nước không đồng ý hay cơ chế xin cho và có nó có phù hợp với cơ chế thị trường hay không. Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta phải giới hạn để phù hợp với những cam kết của WTO và giải quyết các yếu tố cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Có ý kiến đề nghị thay vấn đề đăng ký giá bằng niêm yết giá.

Một vấn đề nữa là Nhà nước định giá những hàng hóa nào, dịch vụ nào và theo nguyên tắc nào với những hình thức định giá. Trong dự luật đã xác định về danh mục Nhà nước định giá gồm những tài nguyên quan trọng nhưng cụ thể tài nguyên nào là quan trọng thì cũng phải quy định rõ.

Về định giá đặc biệt đối với giá điện, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Hòa Bình chỉ ra sự chồng chéo: Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu EVN, vừa là cơ quan thẩm định, kiểm soát giá điện, ra các chính sách về giá điện. "Kể cả có Cục Điều tiết điện lực quyết nhưng vẫn thuộc bộ này. Như vậy có mâu thuẫn về lợi ích trong việc điều hành giá điện". Theo đại biểu, cần có cơ quan độc lập giám sát giá điện. Một số đại biểu cũng thống nhất là giá điện Nhà nước phải quản lý và phải tham gia định giá vì đây là một mặt hàng độc quyền của Nhà nước ở một số khâu. Tuy nhiên, vì sắp tới Quốc hội sẽ bàn về Dự thảo Luật Điện lực nên vấn đề giá điện sẽ được tập trung sau.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Tây Ninh góp ý vào cơ chế áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Trong luật chỉ quy định ở  Điều 18 là giao cho các cơ quan quản lý nhà nước xem xét trong điều kiện nào đó thì quyết định việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng áp dụng các biện pháp bình ổn giá là can thiệp trực tiếp vào thị trường và can thiệp bằng các biện pháp hành chính sẽ tác động không tốt đến thị trường. Đặc biệt là ảnh hưởng đến sự vận động của cơ chế thị trường cũng như quyền, lợi ích, trách nhiệm của người sản xuất, người tiêu dùng và của cả Nhà nước. Do đó, để bảo đảm tính khách quan, tạo cơ hội cho các bên liên quan được quyền tham gia, thảo luận, giải trình và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp bình ổn giá thì trong luật cần nghiên cứu bổ sung cơ chế là cho phép thành lập một hội đồng tư vấn giá là một hội đồng do cơ quan nhà nước thành lập bao gồm có đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước về giá, đại diện của hiệp hội người tiêu dùng, ngành hàng và hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có chức năng, nhiệm vụ theo dõi tình hình biến động giá và bàn luận, thống nhất hoặc đưa ra kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền để quyết định việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Nếu có cơ chế này thì việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá sẽ bảo đảm tính công khai, tính minh bạch và tính dân chủ.

Về quyền của người tiêu dùng, đại biểu Trần Dương Tuấn - Bến Tre góp ý vào Khoản 5, Điều 13. Cụ thể, đề nghị bổ sung: người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về giá, hay khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về giá để bảo vệ quyền lợi theo qui định của pháp luật. Bởi vì, dự Luật chưa có qui định rõ ràng cơ quan, tổ chức nào giải quyết khiếu nại về giá cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm một số nội dung như: tiêu chuẩn quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá; về công tác thẩm định giá của Nhà nước và hội đồng thẩm định giá cũng như trách nhiệm quyền và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp thẩm định giá; quy định cơ chế thông tin trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền khi thu thập xử lý thông tin và công bố công khai thông tin về giá cả; bảo đảm bí mật của các thông tin về giá cả khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định công bố…/.