“Nỗi lo Hy Lạp” bao trùm Eurozone

Linh Ngọc
16:10, ngày 28-05-2012
TCCSĐT- Không thể thành lập chính phủ mới, Hy Lạp phải quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn lần thứ hai vào ngày 17-6. Điều đó càng làm tăng thêm nguy cơ Hy Lạp từ chối chính sách “thắt lưng buộc bụng” và rút khỏi Eurozone.

Trước tình hình đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lo ngại hiện tượng Hy Lạp lây lan, dẫn tới hệ lụy domino, khiến Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) tan rã, kinh tế thế giới tái lâm vào khủng hoảng, nhiều tổ chức tài chính quốc tế và quốc gia mất trắng hàng nghìn tỉ USD.

Đức và Pháp muốn giữ Hy Lạp ở lại Eurozone

Giữ đúng lời hứa, chỉ vài giờ sau khi chính thức trở thành chủ nhân điện Elysee, tân Tổng thống Pháp François Hollande đã bay sang Berlin gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Việc ông F. Hollande dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Đức đã thể hiện rõ quan hệ đặc biệt giữa hai “đầu tàu kinh tế” của châu Âu. Tuy nhiên, mối quan hệ này đang gặp phải một thử thách mang tên “nỗi lo Hy Lạp”.

Trong suốt quá trình tranh cử ngôi vị Tổng thống Pháp, bà A. Merkel luôn công khai ủng hộ ứng viên Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy, thậm chí bà còn thẳng thừng từ chối gặp ứng viên F. Hollande, khi ông đề nghị. Thế nhưng, khi biết chắc chắn ông F. Hollande đắc cử, bà A. Merkel đã tuyên bố sẽ “dang rộng vòng tay” đón chào tân Tổng thống Pháp. Hơn thế,  ngày 12-5, Thủ tướng Đức còn bày tỏ tin tưởng vào một “đối tác ổn định”. Tuy nhiên, như nhiều nhà quan sát quốc tế đã bình luận, “đó chỉ là những lời lẽ mang tính ngoại giao”, bởi giữa ông F. Hollande và bà A. Merkel, ngoài sự khác biệt về lập trường chính trị, còn có nhiều bất đồng về phương cách đối phó với cuộc khủng hoảng trong Eurozone.

Cuộc gặp đầu tiên giữa ông F. Hollande với bà A. Merkel chủ yếu là để làm quen, không đưa ra một quyết định quan trọng nào. Tuy nhiên, họ không thể không đề cập đến vấn đề nổi cộm là nợ công và lập trường chia rẽ ở Hy Lạp đối với những điều kiện áp đặt để có thể nhận được gói hỗ trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từ đó liên quan tới số phận của Eurozone - tiếp tục tồn tại hay tan biến mất!

Tối 15-5, tại Berlin, Thủ tướng A. Merkel và Tổng thống vừa nhậm chức F. Hollande đã bày tỏ tình đoàn kết, nhất trí cứu giúp “Hy Lạp đang vẫy vùng trong cơn tuyệt vọng”. Cả hai nguyên thủ đều mong muốn Hy Lạp ở lại Eurozone, đồng thời bày tỏ sẵn sàng suy nghĩ về các biện pháp tăng trưởng mới để trợ giúp Hy Lạp, một đất nước đang lún sâu vào khủng hoảng chính trị, buộc phải chuẩn bị bầu cử lại Quốc hội, khiến dư luận châu Âu, kể cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vô cùng lo lắng trước viễn cảnh nước này rút khỏi Eurozone.

Cũng cần nói thêm rằng, ngay cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, mặc dù trước đây đã rất cứng rắn trong việc buộc Hy Lạp phải chấp hành các điều kiện khắt khe để nhận được gói cứu trợ mới, thì nay cũng rất thống thiết thuyết phục đất nước Nam Âu này “đừng rũ áo ra đi”. Ông nói: “Hy Lạp đã quyết định tổ chức bầu cử lại. Tôi muốn gửi tới người dân Hy Lạp một thông điệp đặc biệt, đó là, Hy Lạp là một phần trong gia đình của chúng ta. Hy Lạp là một nước thành viên rất quan trọng của Liên minh châu Âu và khu vực sử dụng đồng euro”.

Ở đây, ngoài việc lo ngại về các hiệu ứng lây nhiễm khó tránh khỏi, còn có lý do sâu xa: nếu có sự thoái lui của một nước thành viên nào đó khỏi Eurozone, cũng sẽ là đồng nghĩa với một thất bại hết sức nghiêm trọng. Mang danh là một khu vực đồng tiền mạnh, nhưng rõ ràng là Eurozone, với 17 quốc gia thành viên, trong đó bao gồm cả hai “đầu tàu kinh tế” châu Âu, vẫn không thể cứu nổi một thành viên có GDP chỉ bằng 2% GDP chung của toàn khối! Quả thực, GDP của Hy Lạp hiện chỉ bằng GDP của vùng Hauts-de-Seine của nước Pháp.

Đương nhiên, người dân Hy Lạp không muốn và cũng không chờ đợi sự trở lại với đồng drachma, bởi kể cả khi đánh sụt giá 50% thì đồng tiền này cũng không thể cải thiện tài khoản ngoại thương của Hy Lạp, vì một lý do đơn giản là đất nước này không có gì để xuất khẩu. Khi đó, mức sống của người dân Hy Lạp không phải chỉ giảm 20% như hiện nay, mà sẽ giảm tới 50% hoặc hơn thế nữa.

Trước khi bước vào điện Elysee, ông F. Hollande đã từng tuyên bố, nước Pháp muốn thương lượng lại Hiệp ước về kỷ luật ngân sách, đã được 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU ký kết. Hiệp ước này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của các nước Eurozone, chủ yếu bằng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Tân Tổng thống Pháp muốn đưa thêm vào hiệp ước này những biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng Thủ tướng Đức không chấp nhận thương lượng lại. Thật ra, bà A. Merkel cũng sẵn sàng đưa thêm những biện pháp kích thích tăng trưởng vào hiệp ước đó, nhưng theo bà, điều quan trọng phải là cải cách cơ cấu, nhất là cải cách thị trường lao động, ngành giáo dục và giảm tệ nạn giấy tờ quan liêu. Trong khi đó, ông F. Hollande lại chủ trương kích thích tăng trưởng bằng việc tài trợ cho “các dự án lớn”.

Trước ngày đến thăm Berlin, phát biểu trên Đài Truyền hình France-2, ông F. Hollande cho biết, ông muốn thảo luận “một cách rất thẳng thắn” với Thủ tướng Đức để tìm ra những “thỏa hiệp đúng đắn”. Theo lời ông, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp đang đe dọa sự tồn tại của đồng euro, thì dù sao Pháp và Đức cũng cần phải nhanh chóng tìm ra sự đồng thuận. Dưới thời ông N. Sarkozy, người ta có cảm tưởng rằng bà A. Merkel áp đặt mọi thứ và nước Đức quyết định thay cho cả châu Âu. Nhưng hiện nay, có sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu khác đối với chủ trương kích thích tăng trưởng kinh tế do tân Tổng thống F. Hollande đề ra, Paris có thể sẽ có thêm ưu thế trong mối quan hệ với Berlin.

Điều gì xảy ra nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone?

Nếu cuộc bầu lại Quốc hội Hy Lạp vào ngày 17-6 dẫn đến sự ra đời một chính phủ chống lại các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, nghĩa là họ không chấp nhận các điều kiện do EU và IMF đưa ra, để được nhận gói cứu trợ 130 tỉ euro, thì gần như chắc chắn quốc gia Nam Âu này sẽ nhanh chóng rời khỏi Eurozone. Điều đó không chỉ dẫn tới hệ lụy nặng nề đối với kinh tế châu Âu, mà còn kéo nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng mới.

Báo Le Figaro ra ngày 16-5 cho rằng, ngoài “nỗi lo Hy Lạp”, nguyên thủ Pháp và Đức cũng đã không che giấu những bất đồng đối với chính sách kinh tế - xã hội mà mỗi bên cho là cần phải được áp dụng tại châu Âu, đặc biệt là trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” hiện nay. Ông F. Hollande ra sức biện minh cho phương cách đặt mục tiêu tăng trưởng lên trên hết, trong khi bà A. Merkel chỉ muốn ưu tiên áp đặt chính sách khắc khổ. Hai vị chính khách hàng đầu hai nước đã thẳng thắn trao đổi quan điểm nhằm cứu nguy cho Hy Lạp nói riêng và Eurozone nói chung, đồng thời cũng bày tỏ ý định “sẵn sàng đặt tất cả lên bàn thảo luận tại Hội đồng châu Âu”, vào ngày 23-5, kể cả việc phát hành “trái phiếu chung châu Âu”, điều mà cho đến nay nước Đức vẫn coi là cấm kỵ. Ông F. Hollande kiên trì bảo lưu quan điểm đàm phán lại Hiệp ước kỷ luật ngân sách để có thể bổ sung khía cạnh tăng trưởng. Ông rất muốn Berlin thay đổi quan điểm, nhưng quả thật không dễ thuyết phục bà A. Merkel, người luôn cho rằng ý kiến của mình là đúng đắn và hợp lý nhất.

Ông F. Hollande và bà A. Merkel đã không tìm được tiếng nói chung về mục tiêu tăng trưởng. Tổng thống Pháp muốn tăng mạnh thuế đối với các tầng lớp giàu có, ưu tiên chu cấp tài chính cho “các dự án lớn”, trong khi Thủ tướng Đức hướng tới các biện pháp mang tính cấu trúc, đặc biệt là về khía cạnh cải cách thị trường lao động. Tuy nhiên, Đức vẫn hy vọng vào thịnh tình hợp tác của chính quyền mới ở Paris. Việc bổ nhiệm ông Jean-Marc Ayrault làm Thủ tướng Chính phủ Pháp được Berlin xem như một tín hiệu tích cực, bởi ông J. Ayrault từng là giáo sư tại Đức, hiểu rất rõ về nước Đức và dân tộc Đức.

Những cuộc cãi vã xung quanh các điều kiện về gói cứu trợ mới cho Hy Lạp và các biện pháp trái ngược nhau nhằm thoát khỏi khủng hoảng nợ công ở châu Âu, đang diễn biến dường như đúng với dự đoán của Giáo sư kinh tế Đại học Princeton (Mỹ) Paul Krugman, người đã đoạt Giải Nobel kinh tế năm 2008. Theo vị giáo sư này, Hy Lạp rất có thể sẽ rời khỏi Eurozone trong một vài tháng tới. Điều này có thể dẫn đến sự kết thúc của Eurozone - một tấn bi kịch trong lịch sử hình thành và phát triển của EU.

Lo ngại hậu quả của việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone, một số quan chức châu Âu ngày 15-5 đã tỏ ý có thể đồng cảm hơn với Athens. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ngay lập tức đưa ra tín hiệu không nhân nhượng một sự thay đổi nào trong chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu; ông khẳng định các điều kiện nhận gói cứu trợ của Hy Lạp là “không thể thương lượng lại”. Mặc dù vậy, ông W. Schaeuble cũng cho biết, có thể sẽ có những thỏa thuận tay đôi nào đó với Athens, chẳng hạn, sẽ có những đầu tư của châu Âu vào các dự án kết cấu hạ tầng của Hy Lạp, để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tại quốc gia này. Làn sóng bất tín nhiệm của người Hy Lạp đang lây lan sang các nước khác của châu Âu. Việc cử tri Pháp quay lưng lại với ông N. Sarkozy để bầu ông F. Hollande thuộc Đảng Xã hội lên làm Tổng thống là một minh chứng hùng hồn.  

Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng, vì lo ngại cuộc khủng hoảng lan rộng, các nhà lãnh đạo châu Âu rất có thể sẽ phải tìm mọi phương án để ngăn chặn Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi Eurozone. Một biểu hiện của chiều hướng này là việc các đồng minh của Thủ tướng A. Merkel trong Quốc hội Đức, ngày 15-5 đã ngỏ ý sẵn sàng linh hoạt hơn trong lãi suất dành cho các khoản vay của Hy Lạp. Trước đó, ngày 14-5, bản thân bà A. Merkel cũng đã tuyên bố: “Chúng ta phải làm mọi việc có thể để giúp Hy Lạp phát triển. Sự đoàn kết xung quanh đồng euro chỉ có thể chấm dứt một khi người Hy Lạp đơn giản tuyên bố: Chúng tôi bội ước với thỏa thuận!”.

Vì sao Mỹ im lặng trước cuộc khủng hoảng tại châu Âu?

Washington và hệ thống truyền thông Mỹ theo dõi tường tận những gì đang xảy ra ở Hy Lạp, Iceland, Italy, Tây Ban Nha… và Eurozone, song hầu như họ lại làm ngơ, như thể không hề có chuyện gì xảy ra. Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Điều gì khiến Mỹ có cách ứng xử như vậy?

Nước Mỹ sẽ tiến hành bầu cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 45 vào tháng 11 năm nay. Và từ sau đó, theo chính sách “thắt lưng buộc bụng” để thoát khỏi nợ công chồng chất như châu Âu, ngân sách nhà nước Liên bang Mỹ sẽ tự động cắt giảm 100 tỉ USD mỗi năm, cho đến hết năm 2021. Trong khi đó, bảo hiểm thất nghiệp cũng như chính sách cắt giảm thuế sử dụng lao động cũng sẽ hết hạn. Kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Barack Obama - hỗ trợ chính quyền các bang và các thành phố - cũng đã hết hạn từ cuối năm 2011. Tất cả những điều đó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ngân sách đang diễn ra trên khắp liên bang.

Có những dấu hiệu cho thấy, nhiều khả năng Mỹ đã tái lâm vào suy thoái. Theo các số liệu về việc làm, trong tháng 4 vừa qua, chỉ có 63,6% số người trong độ tuổi lao động tại Mỹ đang làm việc, hoặc tích cực tìm việc làm. Đó là mức thấp nhất trong 3 thập kỷ vừa qua. Các chính khách Mỹ, dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, đều thống nhất trong chiến lược chống lại suy thoái kinh tế bằng cách sử dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu. Từ năm 2009 đến nay, Chính phủ Mỹ đã cắt giảm 600 nghìn công chức, chủ yếu tại các địa phương.

Số người thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng lên khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng châu Âu lan tới nước này. Sự im lặng trước thực tế này là một “thủ đoạn láu cá” của các đại diện chính trị Mỹ: người lao động càng không được chuẩn bị với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, chính quyền càng dễ bề thực thi. Do vậy, người lao động Mỹ cần học tập người dân Hy Lạp và ủng hộ một khẩu hiệu ngày càng trở nên nổi tiếng: Từ chối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, đánh thuế những người giàu (nói cách khác, buộc những người giàu phải trả tiền cho cuộc khủng hoảng mà họ đã gây ra). Theo đó, thay vì cắt giảm việc làm hàng loạt, cắt giảm chi tiêu dành cho giáo dục và chăm sóc y tế, sẽ phải tăng thuế đối với những người giàu và các công ty; các ngân hàng phải đặt dưới sự giám sát của công chúng, hơn là được cứu trợ bằng tiền của những người đóng thuế; khu vực công nên được tài trợ đầy đủ và mở rộng thay vì bị tư nhân hóa và cắt giảm.

“Thắt lưng buộc bụng” chính là cách để những người giàu đẩy gánh nặng từ ảnh hưởng của suy thoái mà họ gây ra lên vai người lao động. Chính vì vậy, người lao động ở châu Âu hay ở Mỹ cần phải chung tay đẩy trả lại, nghĩa là buộc 1% số người giàu nhất thế giới phải mở hầu bao, chi các khoản bồi thường hậu quả, mà họ là tác nhân. Đứng trên lập trường này, tân Tổng thống Pháp F. Hollande chủ trương tăng mạnh thuế đối với người giàu là rất công bằng, hoàn toàn hợp lý, chắc chắn sẽ được đại đa số nhân dân đồng tình và ủng hộ./.