Ngày 16-8-2007, Cục nghiên cứu hàng không vũ trụ của Nhật Bản đưa tin, với mức độ tan băng do Trái Đất ấm lên, lớp băng ở Bắc Cực của Trái Đất chỉ tồn tại trong vài chục năm nữa. Như vậy, không còn xa nữa, các giàn khoan và khai thác dầu sẽ bắt đầu hoạt động thường xuyên ở Bắc Cực, trong khi đó, chủ quyền quốc gia lại chưa được xác nhận về mặt pháp lý đối với nhiều vùng lãnh thổ ở Bắc Cực.
 
Khu vực không chỉ chứa 1/4 tiềm năng dầu mỏ trên trái đất
 
Bắc Cực là một khu vực đặc biệt của Trái Đất, bao gồm các vùng phía Bắc lục địa Á - Âu, Bắc Mỹ và gần như toàn bộ khu vực Bắc Băng Dương với rất nhiều đảo và bán đảo, có tổng diện tích vào khoảng 27 triệu km2, gần gấp 3 lần diện tích châu Âu. Trung tâm của khu vực Bắc Cực là biển Bắc Băng Dương với diện tích 14,75 triệu km2. Theo kết quả nghiên cứu thăm dò của Cục địa lý và khí tượng của Mỹ hoàn hành vào năm 2000, Bắc Cực chứa tới 1/4 tiềm năng dầu mỏ và khí đốt của thế giới. Các nhà khoa học đã phát hiện tại đây 20 mỏ dầu và khí đốt lớn, trong đó có tới 10 mỏ đã có thể khai thác với mục đích thương mại. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên Nga, trên diện tích 6,2 triệu km2 ở Bắc Cực tập trung nguồn dự trữ 15,5 tỉ tấn dầu mỏ và 85,4 nghìn tỉ m3 khí thiên nhiên, trong đó Xtốc-ma-nốp (Stockmanov) là mỏ dầu và khí đốt nổi tiếng nhất nằm ở phần thềm lục địa của Nga ở khu vực biển Ba-ren, có trữ lượng khoảng 3,7 ngàn tỉ m3 khí đốt và khoảng 11 triệu tấn khí hoá lỏng. Ngoài ra, trong số tài nguyên sinh học của thềm lục địa ở Bắc Cực còn phải kể đến nguồn dự trữ cá lớn hàng đầu thế giới. Trên khu vực này còn có tuyến giao thông đường biển đi qua Bắc Cực có vai trò cực kỳ quan trọng với khả năng vận tải xuyên quốc gia.

Tài nguyên Bắc Cực ngày càng lộ thiên do quá trình ấm lên toàn cầu

Với tài nguyên và vị trí địa - chiến lược quan trọng của Bắc Cực, khu vực chưa được khai phá này của Trái Đất đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, bởi quá trình ấm lên toàn cầu diễn ra nhanh chóng trong những thập niên gần đây đang thu hẹp dần lớp băng đã từng được coi là “vĩnh hằng” tại đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể khai thác Bắc Cực vào mục đích thương mại. Trước đây, lớp băng dày vĩnh cửu đã hạn chế tham vọng của các quốc gia và các công ty khai thác tài nguyên. Theo số liệu của các công trình nghiên cứu gần đây, mức độ tan băng ở vùng Bắc Cực diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo. Ngày 16-8-2007, Cục nghiên cứu hàng không vũ trụ của Nhật Bản đưa tin, với mức độ tan băng do Trái Đất ấm lên, lớp băng ở Bắc Cực của Trái Đất chỉ tồn tại trong vài chục năm nữa. Ngày 15-8-2007, diện tích bề mặt của lớp băng ở Bắc Cực chỉ còn khoảng 5,3 triệu km2, trong khi con số thống kê tính toán vào tháng 9-2005 dự báo là 5,32 triệu km2. Như vậy, không còn xa nữa, các giàn khoan và khai thác dầu sẽ bắt đầu hoạt động thường xuyên ở Bắc Cực, trong khi đó, chủ quyền quốc gia lại chưa được xác nhận về mặt pháp lý đối với nhiều vùng lãnh thổ ở Bắc Cực.

Cuộc chạy đua giành Bắc Cực giữa các quốc gia

Năm 1982, Công ước của Liên hợp quốc về luật biển xác định các đường biên giới cần phải đi qua thềm lục địa ở Bắc Băng Dương. Theo Công ước này, ranh giới vùng kinh tế của các quốc gia ven biển Bắc Băng Dương được xác định trong phạm vi 200 hải lý (370 km), tính từ lục địa và các đảo. Trong phạm vi khu vực này, Công ước cho phép các quốc gia xác định chủ quyền của mình đối với đáy biển và tiến hành thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới biển trong khu vực đó. Công ước này còn xác nhận thể chế đặc biệt đối việc mở rộng vùng kinh tế của các quốc gia sau khi xác nhận các quốc gia chứng minh được thềm lục địa của họ vượt ra khỏi phạm vi 200 hải lý.

Hiện nay, nước Nga đang nỗ lực chứng minh quyền của họ đối với phần lãnh thổ mà trước đây Mat-xcơ-va đã từng tuyên bố chính thức là thuộc quyền sở hữu của họ. Trong những năm 1920, Liên Xô, Na-uy, Đan Mạch, Mỹ và Ca-na-đa đã từng coi một số vùng mặt nước và đảo trong khu vực Bắc Cực là một phần lãnh thổ của họ. Nga đã từng tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực lớn nhất được tạo bởi Chu-khốt-ca (Chukhodca), Bắc Cực và bán đảo Côn-xki (Kolski). Trên các bản đồ tự nhiên của Liên Xô, khu vực này đã từng được coi là một phần lãnh thổ của Liên Xô.

Năm 1997, Nga đã ký Công ước của Liên hợp quốc về luật biển, và vì thế, họ đã mất quyền pháp lý của mình đối với khu vực lãnh hải mang tên "tam giác Nga" ở Bắc Cực vì khu vực này vượt ra khỏi quy định của Công ước này. Năm 2007, có hai đoàn thám hiểm của Nga tới làm việc ở Bắc Cực để thu thập số liệu chuẩn bị cho một bản báo cáo gửi Ủy ban Liên hợp quốc về thềm lục địa. Nga cũng đang chuẩn bị nội dung cho bản tuyên bố về chủ quyền của họ đối với dãy núi ngầm mang tên Lô-mô-nô-xốp nằm ngoài phạm vi 200 hải lý. Theo đánh giá sơ bộ, khu vực này chứa 4-9 tỉ tấn nhiên liệu quy đổi. Dự kiến, Liên hợp quốc sẽ xem xét bản báo cáo này của Nga vào năm 2009. Những chiếc tàu ngầm khoa học mang tên "Hoà Bình" thuộc biên chế Đội thám hiểm Bắc Cực thứ hai của Nga đã lặn xuống đáy đại dương và cắm quốc kỳ của Nga được chế tạo từ một loại hợp kim ti-tan siêu bền lên đáy đại dương ở Bắc Cực. Như vậy, Nga là quốc gia đầu tiên chủ động tham gia quá trình chạy đua nhằm giành giật lãnh thổ ở Bắc Cực, và, đang gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía các quốc gia khác đang rất quan tâm đến khu vực này.

Hiện nay, đội tàu phá băng nguyên tử của Nga được đánh giá là mạnh nhất thế giới với các tàu phá băng nguyên tử "Yamal", "Russia", "Arctica", "Taimyr", "Vaichach", "Sovetski Soiuz". Năm 2007, Nga hạ thuỷ tàu phá băng nguyên tử mang tên "50 năm chiến thắng". Nga cũng đang hiện đại hoá đội tàu phá băng nguyên tử của họ đã bị lạc hậu do được đóng từ những năm dưới thời chính quyền Xô-viết. Tuy Nga chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác các mỏ dầu và khí đốt ở thềm lục địa Bắc Cực như Na-uy, nhưng các công ty "Gazprom" và "Roznefti" của Nga hiện đang cùng phối hợp khai thác mỏ dầu "Prirazlomnoje" ở biển Pê-chô-xki.

Mỹ và Ca-na-đa đã phản ứng mạnh mẽ đối với hành động của Nga cắm quốc kỳ của mình trên đáy biển Bắc Băng Dương. Phía Mỹ cho rằng, các yêu sách về chủ quyền của Nga ở Bắc Cực là “rất nghiêm trọng”. Chưa đầy hai tháng sau cuộc chinh phục đáy đại dương ở Bắc Cực, Chính phủ Mỹ cho công bố một văn kiện mang tựa đề “Chiến lược hợp tác về hải quân trong thế kỷ XXI”, trong đó đưa ra lời cảnh báo về khả năng sẽ xảy ra xung đột quân sự liên quan đến hoạt động tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên giữa nhiều quốc gia có lãnh thổ nằm gần kề khu vực đặc biệt này của Trái Đất. “Chiến lược hợp tác về hải quân trong thế kỷ XXI” là văn kiện mang tính học thuyết của Mỹ nhằm phát triển một lực lượng hải quân vô địch trong thế kỷ tới. Văn kiện nêu rõ, quá trình ấm lên trên quy mô toàn cầu đang làm tan băng ở hai địa cực, tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, khám phá và khai thác các nguồn tài nguyên mới và mở rộng các tuyến giao thông hàng hải mới, có thể làm thay đổi bức tranh hệ thống giao thông vận tải trên quy mô toàn cầu. Những thay đổi đó vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế, vừa tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh và xung đột giữa các quốc gia nhằm giành giật quyền sở hữu của đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này. Trong chiến lược mới của Mỹ còn khẳng định: “Bắc Cực sẽ là một trong những thách thức nghiêm trọng trong kỷ nguyên mới của loài người”.

Các quốc gia khác cũng bắt đầu hành động. Mỹ đã có ý định đầu tư 8,7 tỉ USD để sửa chữa và hiện đại hoá các tàu phá băng ven bờ. Oa-sinh-tơn đang chuẩn bị phê chuẩn Công ước biển của Liên hợp quốc để có được quyền phát ngôn trong việc giải quyết các vấn đề về thềm lục địa.

Ca-na-đa đang đầu tư những khoản tiền lớn để chế tạo tàu tuần tra ở Bắc Cực và bắt đầu nói đến việc lắp vũ khí pháo binh lên các tàu phá băng hiện có. Tuy nhiên, các tàu của Mỹ và Ca-na-da chưa thể cạnh tranh được với hạm đội của Nga ở biển Bắc. Na-uy tuy chưa có hạm đội tàu phá băng, nhưng lại có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác các mỏ dầu và khí đốt ở thềm lục địa ở Biển Bắc. Đan Mạch cũng không dễ dàng gì trong việc tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên các luận chứng về kinh tế và sự hiện diện về quân sự.

Dự báo, các quốc gia chủ yếu tham gia vào cuộc tranh giành sắp tới đây ở Bắc Cực sẽ là Nga, Ca-na-đa và Mỹ. Trong khi Nga và Ca-na-đa dựa trên những điều kiện địa lý và lịch sử, thì Mỹ lại theo đuổi chính sách với tham vọng kiểm soát toàn cầu đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới. Trong cuộc tranh giành này, giữa các nước láng giềng trên lục địa ở Bắc Mỹ đang có những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ đối với hành lang Tây - Bắc đi qua một phần quan trọng trên biển Bắc Băng Dương.

Thắng lợi cuối cùng sẽ được quyết định không chỉ bởi ý chí chính trị mà còn bởi sự hiện diện về kinh tế - quân sự; khả năng đầu tư và công nghệ, để có thể khai thác một cách đầy đủ tài nguyên tại khu vực này, trong đó sức mạnh hải quân là công cụ có vai trò và vị trí hàng đầu. Vì thế, đã có không ít chuyên gia chính trị dự báo rằng, nếu có một ngày nào đó xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3 thì rất có thể Bắc Cực sẽ là một trong những “cái nôi” của cuộc chiến này./.