Sáng 15-12, Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 tổ chức Hội nghị kiểm tra việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của 18 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chủ trì hội nghị.

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, vào thời điểm này, việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 là một nhiệm vụ rất quan trọng, là một vận hội lớn của toàn dân tộc trong việc xem xét lại Bộ luật gốc của đất nước. Trước tầm quan trọng của vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và cả Chính phủ cùng lập Ban Chỉ đạo tổng kết của cơ quan mình để chỉ đạo hoạt động tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 đạt hiệu quả cao nhất với chất lượng tốt nhất.

Theo báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo, tính đến hết ngày 14-12, Ban chỉ đạo đã nhận được 12 dự thảo báo cáo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Nhiều dự thảo báo cáo về công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 về cơ bản thể hiện được mục đích, yêu cầu tổng kết của Chính phủ. Nhiều nội dung đánh giá, kiến nghị, đề xuất liên quan đến lý luận và thực tiễn pháp lý cần giải quyết liên quan đến sửa đổi Hiến pháp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, quá trình thực hiện công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của các bộ, ngành đã gặp một số khó khăn vướng mắc như một số bộ có chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên phạm vi tổng kết rộng, nội dung phức tạp đòi hỏi sự đầu tư lớn cho việc điều tra, khảo sát, thảo luận kỹ, nên đã không đảm bảo tiến độ như quy định. Vấn đề huy động nguồn lực, bố trí kinh phí cho công tác tổng kết thi hành Hiến pháp cũng là một trong những vướng mắc cần tháo gỡ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong thời gian tới.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo 18 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cùng nhau thảo luận về công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 tại bộ, ngành của mình. Hội nghị đã tập trung đánh giá cụ thể về khó khăn cần tháo gỡ và các hạn chế cần khắc phục trong từng Dự thảo báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết các ý kiến phát biểu của các đại biểu và nhấn mạnh: Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh lịch sử thời kỳ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991. Để đáp ứng yêu cầu phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới, hoạt động nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp đã được Trung ương Đảng và Quốc hội đưa ra, sự tham gia của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong hoạt động tổng kết và sửa đổi Hiến pháp.

Kết quả tổng kết sẽ là cơ sở quan trọng để Trung ương và Quốc hội đưa ra quyết định về phạm vi sửa đổi Hiến pháp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đặt nhiều hy vọng vào hoạt động tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của các bộ, ngành. Tuy công tác này được triển khai vào thời gian cuối năm sẽ là khó khăn, thách thức với các bộ, ngành, vì vậy cần tập trung nguồn nhân lực có chất lượng để đảm bảo hoàn thành công việc, đưa ra được những đề xuất chính xác trong công tác lập pháp.

Trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo bộ, ngành cần tập trung đôn đốc các đơn vị trực thuộc hoàn thiện báo cáo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ trong ngành để báo cáo thể hiện ý chí và trí tuệ của ngành.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, báo cáo chung của Chính phủ phải thể hiện toàn diện các vấn đề liên quan đến vị trí, chức năng quyền hạn của Chính phủ từ tập hợp các báo cáo của bộ, ngành. Vì thế, các đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành cần nêu các vấn đề có nội dung xứng tầm, tránh nêu các vấn đề mang tính sự vụ, mang nặng tính chất vì quyền lợi của bộ, ngành và sự tham gia rộng rãi của toàn dân, các chuyên gia, nhà quản lý, khoa học, các lão thành cách mạng.

Nội dung báo cáo của các bộ, ngành nên đi sâu vào vấn đề xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng kiến trúc thượng tầng; quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong thể chế một nhà nước đơn nhất; quyền và nghĩa vụ công dân; nghiên cứu và nhận thức đúng về phạm vi, nội dung điều chỉnh của Hiến pháp. Báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ phải nộp lên Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trước 26-12-2011.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ lấy ý kiến trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo về công tác tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 tại 3 miền, vì thế các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị tham luận, tham gia tích cực vào Hội thảo để góp phần nâng cao chất lượng Báo cáo chung của Chính phủ./.