TCCSĐT - Chỉ vài ngày sau khi Hội nghị Liên hợp quốc về khí hậu trái đất lần thứ 17 ở Durban (Nam Phi) kết thúc với sự nhất trí mới về lộ trình tới đây của tiến trình bảo vệ khí hậu trái đất, Chính phủ Canada tuyên bố ra khỏi Nghị định thư Kyoto về bảo vệ khí hậu trái đất.

 

Nghị định thư Kyoto, được thông qua vào năm 1997, mới chỉ quy định các nghĩa vụ bắt buộc áp dụng cho khoảng 40 quốc gia công nghiệp phát triển cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 5% so với mức của năm 1990.

Nghị định thư này được ký kết năm 1997 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2005. Đó là thỏa thuận pháp lý quốc tế duy nhất có tính ràng buộc từ trước tới nay trên lĩnh vực bảo vệ khí hậu trái đất. Canada là nước duy nhất đã phê chuẩn Nghị định thư này giờ chối bỏ mọi trách nhiệm đã cam kết khi ký kết.

Việc Canada rút khỏi Nghị định thư Kyoto diễn ra vào thời điểm thật chẳng may mắn chút nào cho tiến trình bảo vệ khí hậu trên trái đất, nhưng lại không gây ngạc nhiên. Chuyện này đã được dự đoán từ trước bởi từ nhiều năm nay Canada đã không những không thực hiện cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thậm chí còn tăng thêm. Mức phạt đối với Canada là 14 tỉ USD. Từ giác độ lợi ích ấy không thôi của Canada thì việc rút khỏi Nghị định thư Kyoto không có gì là phi lôgic. Nhưng đối với công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất thì đó lại là một cú đòn mạnh và một bước thụt lùi.

Có 3 lý do chi phối quyết định này của chính phủ Canada:

Thứ nhất, Canada là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc rất đáng kể vào công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, trong đó đặc biệt là dầu lửa. Tất cả những ngành công nghiệp này đều sản xuất ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chẳng hạn từ hơn 20 năm nay, khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Canada không hề giảm mà chỉ có tăng thêm. Cách đây 5 năm, Chính phủ thuộc phe bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper đã từ bỏ chính sách bảo vệ môi trường sinh thái của chính quyền tiền nhiệm, cắt giảm chi tiêu cho mục tiêu bảo vệ khí hậu trái đất. Từ đó có thể thấy, để tránh bị phạt bởi không thực hiện cam kết trong Nghị định thư Kyoto, việc Chính phủ Canada quyết định ra khỏi nghị định thư này chỉ là vấn đề thời gian.

Thứ hai, theo kết quả thăm dò dư luận ở Canada năm 2011 cho thấy chỉ có 13% số người được hỏi ý kiến cho rằng, việc bảo vệ khí hậu trái đất là quan trọng và cần được ưu tiên. Họ coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái nhưng không gắn môi trường sinh thái của họ với sự biến đổi khí hậu trái đất. Trong khi đó, cử tri lại là người quyết định sự đăng quang hay bị phế truất quyền lực của đảng phái chính trị và chính phủ.

Thứ ba, có vẻ như Canada không tin vào tác dụng thiết thực của Nghị định thư Kyoto. Ngay ở Durban, Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent tuyên bố, Canada ủng hộ lộ trình mới được nhất trí đưa ra nhưng đánh giá Nghị định thư Kyoto là một cản trở cho tiến trình chung. Canada lập luận rằng, trong khi Mỹ và Trung Quốc sản xuất ra 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto thì Canada có tham gia cũng không làm thay đổi tình thế. Cũng có thể thấy, từ đó là Canada sẽ không tán thành bất cứ hiệp ước nào trong tương lai một khi không có sự tham gia của những nền kinh tế sản xuất ra khối lượng khí thải lớn nhất như Trung Quốc và Mỹ.

Quyết định này của Canada sẽ tạo tiền lệ đối với Nghị định thư Kyoto và báo hiệu việc thực hiện những gì đã được thỏa thuận ở Durban mới rồi sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian./.