Nga hoàn tất “bản đồ năng lượng” châu Âu
TCCSĐT - Cũng với nhiều thắng lợi liên tiếp, tập đòan năng lượng "Gazprom" đang đứng trước triển vọng phát triển thuận lợi chưa từng có khi một trong những "trận đánh" năng lượng gay cấn nhất tại khu vực Ca-xpi đã kết thúc mà phần thắng thuộc về Nga. Với những thắng lợi này, nước Nga đang hòan tất “bản đồ năng lượng” châu Âu.
Hoàn tất “bản đồ năng lượng” châu Âu
Trong tháng 4-2011, tập đoàn năng lượng "Gazprom" tăng khối lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thêm 21% so với cùng thời điểm trong năm 2010. Năm 2011, tổng doanh thu xuất khẩu khí đốt của tập đòan này sẽ đạt con số 72,4 tỉ USD.
Dự báo trước sự gia tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, "Gazprom" bắt đầu thực hiện các kế hoạch nhằm tăng dung lượng các kho dự trữ ngầm lên 2 lần. Như vậy, đến năm 2015, tổng khối lượng khí đốt dự trữ có thể đạt tới 4,9 tỉ mét khối và trong năm 2016 có thể đạt tới 6,5 tỉ mét khối.
Tập đoàn năng lượng "Gazprom" là nhà điều hành các kho dự trữ khí đốt ở Áo và hiện đang thuê các kho dự trữ khí đốt ở Anh, Pháp và Đức. Hoạt động này được tiến hành nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khí đốt của Nga theo các đường ống dẫn khí đốt mới "Dòng chảy phương Bắc" và "Dòng chảy phương Nam" sẽ đi vào hoạt động trong tương lai không xa.
Việc gia tăng khối lượng dự trữ khí đốt ở Áo sẽ bảo đảm nhu cầu thị trường ở Slô-ve-ni-a, Slô-va-ki-a, Hung-ga-ri, Đức và I-ta-li-a. Kho dự trữ mới "Catrina" mà "Gazprom" sẽ xây dựng trong khuôn khổ xí nghiệp liên doanh với hãng VNG ở Đức sẽ bảo đảm cung cấp xuất khẩu khí đốt cho các nhà tiêu thụ ở Tây Âu. "Gazprom" còn xây dựng thêm một kho dự trữ khí đốt theo hợp đồng đối tác với Xec-bi để bảo đảm xuất khẩu khí đốt sang Xec-bi, Bô-xnhi-a- Gec-xe-gô-vi-na và Hung-ga-ri. Luận chứng kinh tế kỹ thuật đang được xây dựng tương tự như đề án liên doanh để xây dựng các kho dự trữ khí đốt ở Cộng hòa Sec, Pháp, Ru-ma-ni, Bỉ, Anh, Slô-va-ki-a, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Như vậy, "bản đồ khí đốt" của châu Âu đã từng được hình thành trong thời kỳ Liên Xô thì nay đang được thay đổi căn bản, trong đó Nga chiếm vị thế vượt trội so với tất cả các nhà cung cấp năng lượng khác. Hiện tại, Nga đang bảo đảm tới hơn 41% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Điều này sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa phương Đông và phương Tây trong tương lai trung hạn và dài hạn và sẽ là yếu tố then chốt tác động tới chính sách xuyên Đại Tây Dương của Mỹ.
Làm lu mờ đề án Na-bu-co của Mỹ
Với đề án Na-bu-co, Mỹ muốn giảm sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Nhưng hiện nay "Gazprom" đang bắt đầu đẩy lùi đề án Na-bu-co của Mỹ trong hoạt động ngoại giao năng lượng.
Giám đốc điều hành của Na-bu-co, ông Tên-hat Mit-xtêc (Teinhard Mitschek) tuyên bố rằng đề án này sẽ phải lùi lại đến năm 2017, nghĩa là sẽ bắt đầu thực hiện chậm hơn 3 năm so với dự kiến. Việc khởi công xây dựng Na-bu-co sẽ bắt đầu sớm nhất là vào năm 2013.
Theo ý tưởng xây dựng Na-bu-co, tuyến đường ống này có độ dài 3.900 km sẽ cung cấp khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Áo. Tổng khối lượng khí đốt bơm từ Trung Đông và từ khu vực Ca-xpi sang thị trường châu Âu vào khoảng 31 tỉ mét khối mỗi năm. Đường ống dẫn khí đốt này sẽ không đi qua lãnh thổ Nga mà đi qua Bun-ga-ri, Ru-ma-ni và Hung-ga-ri để tới trung tâm phân phối ở ngoại ô thủ đô Viên của Áo. Sau đó, khí đốt sẽ được phân phối sang các nước EU.
Cùng tham gia dự án Na-bu-co có công ty năng lượng “RWE” của Đức, công ty năng lượng “OMV” của Áo, công ty “MOL” của Hung-ga-ri, công ty “Botas” của Thổ Nhĩ Kỳ, công ty “Enery Holding of Bulgaria” của Bun-ga-ri và công ty “Transgaz” của Ru-ma-ni.
Việc dịch chuyển thời hạn thực hiện dự án sẽ làm tăng chi phí. Cao uỷ của châu Âu về vấn đề năng lượng, ông Gun-thơ Oen-tin-gơ (Guenther Oettinger) cảnh báo rằng chi phí của dự án có thể tăng tới 21,4 tỉ USD, trong khi đó, chi phí ban đầu của Na-bu-co chỉ vào khoảng 11,2 tỉ USD. Việc gia tăng quá lớn chi phí của dự án sẽ đặt dấu hỏi nghi vấn về hiệu quả kinh tế của Na-bu-co.
Nhưng khó khăn chủ yếu khi thực hiện dự án Na-bu-co vẫn là chưa tìm ra nguồn khí đốt để bơm vào hệ thống đường ống này. Hiện khối lượng dự trữ khí đốt của Tuôc-mê-ni-xtan cung cấp cho Na-bu-co đang là vấn đề gây tranh cãi bởi quốc gia này không thể thực hiện chính sách năng lượng độc lập làm thiệt hại lợi ích của Nga. I-ran cũng có thể là nguồn cung cấp khí đốt cho hệ thống đường ống của Na-bu-co nhưng do sự đối đầu với Mỹ nên khả năng này đã bị loại trừ.
Như vậy, còn lại khả năng duy nhất để cung cấp khí đốt cho Na-bu-co là mỏ khí đốt của A-dec-bai-dan sẽ bắt đầu khai thác từ năm 2017. Mỏ khí đốt này có khối lượng dự trữ 1.000 tỉ mét khối, hiện do hãng dầu mỏ “BP” của Anh và hãng dầu mỏ “Statoil” của Na-uy thăm dò và khai thác. Hoạt động khai thác bắt đầu từ năm 2006 và đã đạt được khối lượng tối đa 8,6 tỉ mét khối mỗi năm. Trong giai đoạn tiếp theo, việc khai thác sẽ đạt tới 16 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm vào năm 2017. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện hai ứng cử viên cạnh tranh khai thác khí đốt của A-dec-bai-dan là đề án đường ống dẫn khí đốt ITGI của Thổ Kỳ Kỳ, Hy Lạp và I-ta-li-a (Interconnector Turkey-Greece-Italy) và hệ thống đường ống xuyên A-đri-a-tic. Thổ Nhĩ Kỳ hi vọng sẽ mua khí đốt trực tiếp từ mỏ này và đã từng ký hiệp định với A-dec-bai-dan để mua 6 tỉ mét khối từ nhánh 2 của mỏ này vào năm 2017.
Dĩ nhiên, thất bại của Na-bu-co trong “cuộc chiến” với "Dòng chảy phương Nam" sẽ đem lại lợi thế cho Nga. Đây là một trong những “cuộc chiến” gay cấn nhất trong “bàn cờ lớn” ở khu vực Ca-xpi, trong đó với tài thao lược ngoại giao của tổng thống và nay là Thủ tướng Nga V.Pu-tin, Nga đã giành thắng lợi. Tập đoàn năng lượng "Gazprom" của Nga hiện nay đang chiếm ưu thế bởi vì so với Na-bu-co đề án "Dòng chảy phương Nam đã tiến rất xa, với chiều dài 900 km đi qua đáy biển Đen, có thể bơm 63 tỉ mét khối khí đốt vào khu vực trung tâm miền Nam châu Âu và sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015. Hiện nay Nga đang ở vị thế có thể đánh bại Na-bu-co khi trong 2 năm tới Nga sẽ ký thêm các hợp đồng mới để cung cấp khí đốt sang châu Âu.
Ưu thế đặc biệt của đề án "Dòng chảy phương Nam" là không đi qua U-crai-na, còn ưu thế đặc biệt của "Dòng chảy phương Bắc" là không đi qua Ba Lan. Vì thế, Nga đã tránh được những rủi ro khó có thể dự báo trước trong quan hệ với U-crai-na và Ba Lan là hai quốc gia có vị thế quan trọng đang trong thế tranh chấp địa chính trị gay gắt với Nga.
Ngoài ra, đề án "Dòng chảy phương Nam" đưa Nga trở lại vị thế vững chắc trên bàn cờ địa - chính trị ở khu vực Ban Căng. Do đó, buộc các nước châu Âu đang đứng trước khó khăn trong những nỗ lực giảm sự phụ thuộc khí đốt vào Nga. Còn đề án "Dòng chảy phương Bắc" sẽ gia tăng quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Đức. Cả hai đề án này đã hạn chế đáng kể ưu thế chiến lược của Mỹ ở châu Âu.
Để vớt vát ảnh hưởng, Mỹ mưu toan kích động xung đột giữa Nga với các nước Trung Âu thông qua kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại các quốc gia có biên giới gần kề với Nga và tiếp tục thực hiện kế hoạch bố trí lá chắn tên lửa ở các nước trên châu lục này. Đồng thời, Mỹ còn xúc tiến thực hiện kế hoạch xây dựng các trạm trung chuyển khí đốt hóa lỏng để đến năm 2015 Mỹ sẽ xuất khẩu khí đốt ra nước ngòai, trong đó châu Âu là thị trường chủ yếu./.
WB: Các nước mới nổi sẽ chi phối cơ cấu kinh tế toàn cầu sau năm 2025  (18/05/2011)
Kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dâng hương hoa, báo công với Bác tại Khu Di tích Kim Liên và Quảng trường Hồ Chí Minh  (18/05/2011)
Truyền thông Mỹ: An Kê-đa có thủ lĩnh mới - Bắt giữ một nhân vật cấp cao của An Kê-đa  (18/05/2011)
Tổng kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động, sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (18/05/2011)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện quyền công dân trong những ngày bầu cử Quốc hội khóa I (6-1-1946)  (18/05/2011)
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 823 (5-2011)  (18/05/2011)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên