Dựa láng giềng gần, nhằm đối tác xa

Lạn Kha
22:10, ngày 09-05-2011
“Tuyên bố Lima” được thông qua khi kết thúc hội nghị cấp cao bốn quốc gia ở Mỹ La-tinh là Pê-ru, Mê-hi-cô, Chi-lê và Cô-lôm-bi-a tại thủ đô Li-ma của Pê-ru ngày 29-4 vừa qua còn là tờ giấy khai sinh cho một tổ chức liên kết và hợp tác mới ở khu vực này với tên gọi là“Liên minh Thái Bình Dương”.

Trên cả châu Mỹ cho tới nay đã có nhiều tổ chức liên kết và hợp tác khu vực được thành lập với sự chồng chéo về thành viên như Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ giữa Mỹ, Ca-na-da và Mê-hi-cô, Ac-hen-ti-na, Chi-lê và U-ru-goay... Nhưng công bằng mà nói thì phải công nhận là Liên minh Thái Bình Dương mới được thành lập này có nhiều nét đặc biệt hơn cả.

Về tôn chỉ và mục đích, lộ trình thực hiện và mô hình tổ chức thì các hình thức liên kết và hợp tác khu vực trên thế giới đều khá giống nhau. EU thường được coi là một trong những khuôn mẫu khá thành công. Ý tưởng và động cơ chính khiến bốn nước nói trên nhất trí cùng nhau thành lập tổ chức hợp tác và liên kết mới ở khu vực có thể gói gọn trong câu “dựa láng giềng gần, nhằm đối tác xa”. Láng giềng gần ở đây không chỉ đơn thuần có nghĩa cùng trên châu lục, mà còn tương đầu với nhau về quan điểm chính trị và đường lối kinh tế. Cả bốn quốc gia đều ổn định về chính trị, đều do Đảng Bảo thủ nắm quyền, đều có quan hệ gắn bó về chính trị lẫn an ninh, kinh tế lẫn thương mại với Mỹ, đều chủ định chính sách kinh tế thị trường mở và thúc đẩy tự do hóa mậu dịch. Họ còn đều tiếp giáp với Thái Bình Dương, đều coi Thái Bình Dương là “đại dương của tương lai” và đều muốn chính phục những đối tác kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản hay ASEAN.

Cùng nền tảng và điều kiện thuận lợi, chung lợi ích chiến lược trước mắt cũng như lâu dài, tổ chức liên kết và hợp tác khu vực mà họ mới thành lập sẽ giúp họ có được vị thế và điểm xuất phát thuận lợi hơn trong việc gây dựng và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà đơn thuần chỉ với tư cách là thành viên của APEC không thôi – mà cũng chỉ đối với Pê-ru và Chi-lê – thì không thể đủ. Tương tự như vậy đối với họ trong hợp tác với các đối tác khác ở cả châu Mỹ - cho dù hiện tại họ đã có nhiều kênh và khuôn khổ khác để làm được việc ấy.

Bài học mà họ đều thấm thía trong thời gian vừa qua là hợp tác nhưng không để phụ thuộc vào kinh tế Mỹ, vì chỉ như vậy mới có thể tránh bị tác động tiêu cực từ suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Mỹ như hiện tại; là liên kết khu vực và thúc đẩy mậu dịch tự do ở Nam Mỹ hay cả châu Mỹ trong thời gian vừa qua vốn không phát triển mạnh mẽ vì các đối tác quá ô hợp nên khó tìm được nền tảng lợi ích chung và để cho cạnh tranh ảnh hưởng lấn át cộng hưởng ưu thế cạnh tranh. Dựa vào nhau như thế và cùng nhìn xa như vậy chẳng phải có thể đem lại lợi đơn lợi kép cho họ hay sao?./.