Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối cùng của năm 2007 trong hai ngày 23, 24-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến việc tháo gỡ các khó khăn ngay từ đầu năm 2008, kiểm soát giá cả, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phấn đấu GDP tăng 9%.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối năm 2007.
Ảnh: Website Chính phủ

Trong phiên họp Chính phủ cuối năm, các thành viên Chính phủ thảo luận, đóng góp ý kiến cho các báo cáo: Kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành năm 2007 và chương trình công tác năm 2008 của Chính phủ; Tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, điều hành giá cả năm 2007; công tác phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính năm 2007 do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trình bày.

Dấu ấn 2007

Các thành viên Chính phủ nhất trí: Việc nền kinh tế quốc dân đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,5%, mức cao nhất trong 10 năm qua, xuất khẩu đạt hơn 48,3 tỉ USD trong năm đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục (hơn 20 tỉ USD)…do có sự đóng góp tích cực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương; các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Những kết quả nổi bật của sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2007:

Những tháng đầu năm 2007, hạn hán xảy ra trên diện rộng, gây ra thiếu nước phát điện và nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về những giải pháp cấp bách chống hạn, bảo đảm sản xuất vụ Đông – Xuân; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình phát điện, bổ sung nguồn hòa vào lưới điện quốc gia.

Cuối năm 2007, lũ lụt xảy ra liên tiếp từ các tỉnh Tây Bắc tới miền Trung, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc phòng, chống; đề ra các giải pháp khắc phục hậu quả nhanh và hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngay sau lũ, Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ 1.280 tỉ đồng, 31.900 tấn gạo và 250 tấn mì cho các địa phương, hàng trăm tấn hạt giống giúp dân khôi phục sản xuất.

Tình hình dịch bệnh đối với cả người và gia súc, gia cầm năm nay diễn biến phức tạp. Dịch tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ vi khuẩn tả xảy ra ngay sau lũ lụt là nguy cơ lớn nếu để lan rộng, nhưng với kinh nghiệm chuyên môn của ngành y tế và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các địa phương dịch được dập tắt mà không có trường hợp nào bị tử vong. Dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn xoắn lá ở cây lúa diễn ra trên diện rộng, tổng diện tích nhiễm hơn 732 nghìn ha, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối lương thưc, song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt với các địa phương xử lý kịp thời, hỗ trợ thuốc trị giá gần 100 tỉ đồng, giảm bớt đáng kể thiệt hại, đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Quyết định của Chính phủ về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy đã được triển khai với sự đồng thuận cao trong nhân dân, giảm được 50% số ca bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông trong những ngày qua.

Năm 2007, cũng là năm Chính phủ chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững các cân đối vĩ mô, điều hành giá cả theo nguyên tắc kinh tế thị trường; đôn đốc sát sao tiến độ xây dựng và giải ngân các công trình sử dụng vốn ngân sách; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; hoạt động đối ngoại mở rộng, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm thu được kết quả quan trọng, được dư luận đánh giá cao.

Báo cáo trước Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việc tổ chức thành công buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Website Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một bước đổi mới trong hoạt động của Chính phủ, thể hiện lãnh đạo Chính phủ sẵn sàng đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân để nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành.

Năm 2007: Chưa tận dụng hết các thời cơ

Sau khi khái quát những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, đối ngoại mà đất nước đạt được trong năm qua, những khó khăn thách thức lớn về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả thị trường thế giới biến động liên tục mà đất nước phải đương đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra một số hạn chế trong điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong năm 2007. Đó là:

Các bộ, ngành, địa phương chưa tận dụng tốt nhất thời cơ thuận lợi, vốn đầu tư nước ngoài, trái phiếu Chính phủ khá lớn nhưng chưa sử dụng được nhiều để phát triển nền kinh tế - xã hội đất nước tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Sự điều hành trong một số lĩnh vực còn chậm và lúng túng, nhất là công tác dự báo về sự biến động của giá cả trên thế giới và trong nước còn yếu kém, công tác tư vấn, tham mưu về lĩnh vực này cũng chưa tốt. Đồng thời sự điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng còn lúng túng, chưa linh hoạt, sát với các qui luật của kinh tế thị trường.

Chất lượng xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật (dự án Luật, Nghị định) chưa cao, không ít văn bản còn chồng chéo, bất cập. “Chúng ta biết rất rõ đẩy mạnh xã hội hóa y tế, giáo dục, văn hóa thể thao để tăng phúc lợi cho nhân dân, do vậy cần ưu tiên khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này, song không thể hiện rõ trong việc xây dựng thể chế”, Thủ tướng nhắc nhở. Đồng thời, chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch chưa tương xứng với tầm vóc mới trong sự phát triển đất nước, xây dựng qui hoạch Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là quy hoạch giao thông đô thị còn nhiều lúng túng, hạn chế.

Các Bộ trưởng Cao Đức Phát, Lê Doãn Hợp bổ sung: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử trong các cơ quan hành chính quá chậm, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành hiệu quả chưa cao.

2008 - Năm bứt phá

Đề cập đến phương hướng của công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tập thể Chính phủ cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, nhất trí, quyết tâm, chủ động xử lý tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, khắc phục yếu kém, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cao hơn năm 2007; phát triển nền kinh tế nhanh bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 9%, kiểm soát chỉ số tăng giá tiêu dùng thấp hơn mức tăng trưởng GDP; cải thiện tốt hơn nữa đời sống nhân dân; GDP bình quân theo đầu người tăng lên khoảng 960 USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 567,3 nghìn tỉ đồng bằng 42% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu 57,6 - 58,6 tỉ USD, tăng 20 - 22% so với năm 2007; tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lượt người lao động, trong đó xuất khẩu lao động 8,5 vạn người; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 11-12%.

Để đạt các mục tiêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, 9 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đẩy mạnh công tác dạy nghề; rà soát, giảm thiểu những chồng chéo, trùng dẫm trong các văn bản quy phạm pháp luật gây vướng mắc cản trở cho môi trường phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; thực hiện kiên quyết các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo; đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy hành chính Trung ương và địa phương theo hướng thống nhất, thông suốt, hiện đại.

Khẩn trương triển khai ngay kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát giá cả tiêu dùng. Bộ Tài nguyên và Môi trường tập hợp các nhà khoa học xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia đối phó với việc biến đổi khí hậu.

Chuẩn bị khối lượng hàng hóa dồi dào, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn, xử nghiêm những đối tượng vận chuyển, lưu thông, đốt pháo trái phép để nhân dân vui đón Tết nguyên đán Mậu Tý.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận đóng góp ý kiến cho Đề án khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; dự án Luật Công vụ; dự án Luật Bảo hiểm Y tế do Bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu báo cáo.

9 nhóm giải pháp lớn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2008

1. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế
2. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô
3. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng
4. Tập trung sức phát triển nguồn nhân lực
5. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội
6. Bảo vệ môi trường
7. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
8. Bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội
9. Tăng cường hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế