Có lẽ, trong đời sống báo chí ngày nay, không có tờ báo hay tạp chí nào, kể cả các báo hay tạp chí không chuyên về kinh tế, không đề cập đến doanh nghiệp, dù ở góc độ này hay góc độ khác. Các doanh nghiệp luôn cần đến báo chí để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Hơn thế, thông qua báo chí, các doanh nghiệp hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, cơ chế, pháp luật của Nhà nước; có đ­ược thông tin đa dạng, nhiều chiều ở trong và ngoài nước, như nhu cầu của thị trư­ờng, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng…Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh. Những đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, nghệ thuật quản lý, bí quyết tổ chức sản xuất hay nói cách khác, cung cách làm ăn của doanh nghiệp, tài năng của các doanh nhân… đều là mối quan tâm của báo chí. Có thể nói, báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, vừa hợp tác, vừa hỗ trợ nhau cùng phát triển.

1. Doanh nghiệp và báo chí - mối quan hệ gắn bó tất yếu

Báo chí, từ trong bản chất nghề nghiệp và đặc thù hoạt động của mình, luôn là người bạn của doanh nghiệp trên con đường phát triển. Nhiều bài viết, chuyên trang, hội thảo của báo chí luôn đề cập tới đề tài doanh nghiệp, những ấn phẩm mang đậm tính chuyên đề về doanh nghiệp của nhiều cơ quan báo chí, những diễn đàn doanh nghiệp với sự hưởng ứng nhiệt liệt của báo giới là những biểu hiện sinh động về mối quan hệ chặt chẽ giữa báo chí và doanh nghiệp. Mối quan hệ này thể hiện trên những mặt sau đây:

Một là, báo chí phản ánh doanh nghiệp và doanh nghiệp nhận được thông tin từ báo chí. Đặc tr­ưng cơ bản và bao trùm của báo chí là thông tin thời sự, thông tin sự kiện, phân tích các sự kiện, vấn đề nảy sinh trong đời sống. Hàng ngày, hàng giờ, báo chí theo sát và phản ánh một cách kịp thời, các diễn biến của cuộc sống, phát hiện, dự báo cái mới nảy sinh từ trong đời sống thực tiễn; bày tỏ chính kiến, giải thích để thuyết phục, động viên đông đảo mọi ng­ười tham gia giải quyết những vấn đề mà hiện thực cuộc sống đặt ra. Nhờ báo chí mà các doanh nghiệp có được thông tin đa dạng, nhiều chiều trong và ngoài nước, về những nhu cầu của thị trư­ờng, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng; qua đó, để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vươn lên đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhất đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, vai trò của báo chí càng có ý nghĩa to lớn hơn đối với doanh nghiệp.

Hai là, báo chí là công cụ phục vụ cho việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà n­ước đến các doanh nghiệp và quần chúng nhân dân. Một trong những mục tiêu của báo chí là hướng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo đúng luật pháp đã quy định. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh cần có sự năng động, sáng tạo, song luôn phải tuân thủ đúng hành lang pháp lý. Báo chí góp một phần rất quan trọng vào sự kết nối giữa lý luận và thực tiễn - nghĩa là góp phần làm sáng tỏ các chủ tr­ương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà n­ước để doanh nghiệp thực hiện đầy đủ và có hiệu quả quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Có thể khẳng định, các tác phẩm báo chí đã đem đến cho bạn đọc, bạn nghe, bạn xem (trong đó có doanh nghiệp) hiểu rõ những tư tưởng cơ bản, những nội dung cụ thể mà chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước đã ban hành. Trên cơ sở đó, báo chí đi sâu phân tích, nêu những mặt đ­ược, ch­ưa đ­ược, gợi ý h­ướng đi đúng, cũng như chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Ba là, báo chí là diễn đàn bày tỏ ý kiến nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với Đảng và Nhà nước. Hình ảnh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam được phản ánh một cách đậm nét, với tiếng nói riêng trên báo chí sẽ có ảnh hưởng thật sự trong cộng đồng cũng như đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong việc ban hành chính sách đối với doanh nghiệp, doanh nhân.

Bốn là, báo chí chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, cổ vũ những sáng tạo, phê phán những gì làm trở ngại, phiền hà, "rào chắn" đối với quá trình sản xuất, kinh doanh. Báo chí, một mặt, phát hiện những điển hình, những nhân tố mới để giới thiệu, biểu dương; mặt khác, phát hiện những tiêu cực, những sai trái ở nơi này, nơi kia trong doanh nghiệp để phê phán, nhằm mục đích xây dựng. Nếu các doanh nghiệp là điển hình tốt, được báo chí tuyên truyền rộng rãi sẽ giúp các doanh nghiệp khác học tập kinh nghiệm làm ăn. Còn nếu là doanh nghiệp yếu kém, có nhiều tồn tại, thì đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp khác rút kinh nghiệm, tránh không vấp phải tiêu cực, vươn lên làm ăn có hiệu quả hơn.

Năm là, báo chí góp phần đổi mới nhận thức đối với doanh nghiệp, doanh nhân. Báo chí với những đặc trưng của mình là công cụ quan trọng, góp phần tích cực, chủ động trong thay đổi nhận thức về doanh nghiệp, doanh nhân. Điều đó không chỉ có tác dụng động viên những nhà doanh nghiệp, những người có chí làm giàu, mong muốn đóng góp tài năng của mình cho đất nước, mà còn góp phần tạo dựng môi trường xã hội thuận lợi cho kinh doanh, khuyến khích tư tưởng làm giàu chính đáng, tạo ra ngày càng nhiều của cải, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vấn đề xây dựng một thế hệ doanh nhân Việt Nam, đã và đang đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đó vừa là đòi hỏi, vừa là thực tiễn khách quan để báo chí đi sâu phản ánh, cung cấp cho xã hội hình ảnh đúng đắn, trong sáng về doanh nhân Việt Nam hôm nay và những đóng góp của các doanh nghiệp cho đất nước. Đi sâu tìm hiểu về doanh nghiệp, doanh nhân, thấu hiểu, cảm thông và phản ánh một cách chân thật, sinh động nghề và nghiệp của doanh nhân, đưa đến cho xã hội hình ảnh đúng như vốn có của doanh nhân, doanh nghiệp, đó vừa là sứ mạng cao cả của báo chí, vừa là trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của người làm báo.

Sáu là, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng là những phương tiện quan trọng nhằm chuyển tải các thông tin về các vấn đề kinh tế trong và ngoài nước. Đây là một trong những cơ sở cần thiết nhất để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh, tìm hiểu thị trường, nguồn vốn và đối tác kinh doanh, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Nhìn chung, thông tin kinh tế trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng trong những năm gần đây đã ngày càng đa dạng, phong phú và đa diện hơn nên đã phần nào đáp ứng nhu cầu này cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều loại và các cấp độ thông tin kinh tế trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng như: thông tin về nguồn vốn, đối tác kinh doanh, chính sách kinh tế, thị trường kinh doanh, tâm lý người tiêu dùng, khoa học công nghệ, thị trường nhân công, đào tạo lao động... Đó là những đóng góp không thể phủ nhận của báo chí với doanh nghiệp nói riêng, công cuộc đổi mới nền kinh tế nước ta nói chung.

Bảy là, báo chí là cầu nối quan trọng cho việc tăng cường các mối liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp để bổ sung, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mình và của nền kinh tế. Bên cạnh đó, những thông tin, phân tích của báo chí là những gợi ý tốt cho các doanh nghiệp mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, thay đổi tính chất của các mối liên kết trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cùng sự tham gia của các hiệp hội kinh tế và các sản phẩm báo chí của các hiệp hội này (ví dụ như các tờ báo Thời báo Kinh tế Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Doanh nghiệp, Diễn đàn doanh nghiệp...), báo chí thực sự là một môi trường thông tin đáng tin cậy cho các nhà quản lý doanh nghiệp trước các quyết định trong hoạt động kinh tế của mình.

2. Để nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp

Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là gắn bó, chặt chẽ, cùng đồng hành phát triển trong sự nghiệp đổi mới của đất nước; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan khác nhau mà đôi lúc, mối quan hệ này còn chưa thật mặn mà. Chẳng hạn như, có doanh nghiệp còn quay lưng lại với báo chí, hoặc có tờ báo lại thông tin chưa chuẩn xác về doanh nghiệp... Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền và tăng cường mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, chúng tôi thấy có một số vấn đề như sau:

- Thứ nhất, các cơ quan báo chí, từng phóng viên biên tập viên phải luôn xác định việc tuyên truyền về doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên và liên tục.

Xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp vững mạnh, một đội ngũ các doanh nhân giỏi, vừa có tâm vừa có tài là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực để phát triển của đất nước trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Là công cụ, vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hoá của Đảng, hệ thống báo chí phải quán triệt, nhận thức sâu sắc đây là nhiệm vụ chính trị cơ bản, thường xuyên, liên tục của mình. Nhận thức đó phải được thể hiện trong chương trình, kế hoạch tuyên truyền, biện pháp và tổ chức lực lượng triển khai thường xuyên, liên tục để phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước vững mạnh.

- Thứ hai, báo chí và doanh nghiệp phải nắm vững quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng và phát triển một hệ thống doanh nghiệp vững mạnh, có hiệu quả kinh doanh cao, có sức cạnh tranh lớn là một vấn đề rộng và phức tạp. Cung cấp thông tin và xử lý thông tin trên báo chí về các doanh nghiệp là một vấn đề không kém phần phức tạp và rộng lớn. Chúng ta không thể bị cuốn hút vào tình hình và hiện tượng bề bộn, ngổn ngang của một nền kinh tế đang chuyển đổi mà quên đi vấn đề cơ bản: cung cấp và xử lý thông tin về doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, mà phải dựa trên quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để từ đó có sự đúng đắn trong đánh giá tình hình cũng như trong phương hướng giải quyết.

- Thứ ba, các cơ quan báo chí phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể tuyên truyền về cộng đồng các doanh nghiệp và tổ chức lực lượng tốt để triển khai thực hiện.

Báo chí cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, bố trí lực lượng chu đáo để tuyên truyền về cơ sở lý luận và thực tiễn của Nghị quyết, về thực tiễn triển khai nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống; để phát hiện và giới thiệu những mô hình, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả; để kịp thời sơ kết, tổng kết những kinh nghiệm hay, những cách làm giỏi cũng như khái quát các bài học có tính lý luận từ thực tiễn.

- Thứ tư, các cơ quan chủ quản, quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo phải quản lý chặt chẽ và hỗ trợ thật tốt trong quá trình tuyên truyền về doanh nghiệp.

Cần có định hướng thông tin tuyên truyền một cách thường xuyên, kịp thời cho các báo và phóng viên trong quá trình tuyên truyền về doanh nghiệp. Cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, giao ban báo chí chuyên đề về xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để các báo chí trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau, phối hợp với nhau nhịp nhàng và có hiệu quả cao hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần theo dõi sát quá trình tuyên truyền của báo chí để kịp thời trao đổi, thông tin rút kinh nghiệm cho hoạt động báo chí đúng định hướng. Hội Nhà báo cần tạo điều kiện cho nhà báo hoạt động, tiếp cận các doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền lợi cho các hội viên, chẳng hạn như thường xuyên tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề về doanh nghiệp, tổ chức câu lạc bộ doanh nghiệp hoặc tổ chức giải báo chí viết về lĩnh vực này.

- Thứ năm, phóng viên báo chí cần nắm vững quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh vấn đề và thể hiện với hình thức, loại thể đa dạng, phong phú.

Tuyên truyền về cộng đồng các doanh nghiệp là một nội dung của tuyên truyền kinh tế nói chung trên báo chí. Để thể hiện được nội dung này, nhà báo phải có những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về các chuyên ngành kinh tế như kinh tế chính trị, quản lý kinh tế, kinh tế phát triển, quản trị kinh doanh... Có như vậy, nhà báo mới có thể làm tốt được nhiệm vụ của mình là thông tin toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trong những ngành, những lĩnh vực cụ thể và trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể là nền tảng vững chắc của nền kinh tế ở Việt Nam. Người làm báo muốn thực hiện tốt các hoạt động của mình cần hội đủ các yêu cầu: Một là, phải có trình độ chính trị vững vàng, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, nhân dân lao động và quyền lợi quốc gia, dân tộc để thông tin tuyên truyền. Hai là, phải am tường về lĩnh vực ngành mà mình được giao nhiệm vụ nghiên cứu thông tin tuyên truyền. Ba là, phải có chuyên môn, nghiệp vụ cũng như làm chủ được các phương tiện tác nghiệp hiện đại để có thể chủ động nắm bắt và xử lý thông tin. Bốn là, nắm vững quan điểm của Đảng, bám sát thực tiễn quá trình đổi mới phát triển doanh nghiệp, kịp thời phản ánh và đưa ra những nhận định, kết luận, bài học kinh nghiệm chính xác, sâu sắc.

- Thứ sáu, cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng phản ánh của báo chí - cần tích cực đổi mới có hiệu quả và tạo điều kiện cho phóng viên tiếp xúc, nắm thông tin chính xác, đầy đủ về quá trình đổi mới và phát triển của mình.

Muốn tuyên truyền có chất lượng, có hiệu quả thì bản thân doanh nghiệp phải tích cực trong quá trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phải vươn lên nâng cao sức cạnh tranh của mình. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải tạo điều kiện để báo chí thâm nhập, nắm bắt thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác để kịp thời phản ánh quá trình đổi mới ở doanh nghiệp với tất cả những thuận lợi, khó khăn, thách thức, kết quả cũng như bài học kinh nghiệm…, để cùng nhau trao đổi, học tập và kiến nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách. Các doanh nghiệp cần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận thi đua, tuyên truyền, báo chí của mình để trực tiếp quan hệ, giao lưu và cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác cho báo chí.

- Thứ bảy, giữa báo chí và doanh nghiệp cần có sự phối hợp nhịp nhàng, có diễn đàn trao đổi thông tin và giao lưu để hiểu rõ về nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, kịp thời giải quyết hững khó khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn tuyên truyền.

Ở nước ta hiện nay, báo chí và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước là hai lực lượng vô cùng quan trọng của Đảng và Nhà nước trên hai mặt trận chính trị, tư tưởng và kinh tế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; do đó, giữa chúng lại càng có quan hệ gắn bó khăng khít, chặt chẽ với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển và cùng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Bởi vậy, cần có diễn đàn phù hợp để hai lực lượng này phối hợp hoạt động, giao lưu, trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xảy ra trong quá trình hoạt động. Cần phát huy vai trò cầu nối giữa báo chí và doanh nghiệp của các cơ quan chủ quản báo chí, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nhà báo, của các hiệp hội chuyên ngành.. thông qua các hoạt động hội thảo, toạ đàm, thông tin chuyên đề, tổ chức sự kiện và cùng tham gia các hoạt động xã hội./.