Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Đại hội “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”
Đại hội “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”
Thông tin về Đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết có 950 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân viên chức lao động cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế sẽ về dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII từ ngày 24 đến 26-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Phiên khai mạc Đại hội diễn ra vào ngày 25-9.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là Đại hội “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”. Đại hội xác định: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội sẽ thảo luận, thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như: Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của nhiệm kỳ 2018-2023; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và tổ chức công đoàn với Đảng, Nhà nước…
Đại hội thảo luận, biểu quyết, thông qua: Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2018-2023; Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung; Bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII. Dự kiến số lượng ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII gồm 175 ủy viên; Đoàn Chủ tịch gồm 27 ủy viên; Ủy ban Kiểm tra gồm 17 ủy viên.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, với mục tiêu tổ chức trang trọng và tiết kiệm, Đại hội không tổ chức đoàn đại biểu chào mừng mà thực hiện các video clip lấy ý kiến đại biểu đoàn viên, công nhân, công chức, viên chức, lao động tiêu biểu đại diện cho các lĩnh vực, vùng, miền trong cả nước. Sau Đại hội, không tổ chức đêm văn nghệ chào mừng thành công của Đại hội, sẽ tiến hành tổ chức thông báo nhanh kết quả Đại hội.
Trong khuôn khổ Đại hội, ngày 26-9 sẽ diễn ra Diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Đây là dịp để các đại biểu dự Đại hội bày tỏ nguyện vọng, hiến kế và thể hiện quyết tâm của Công đoàn Việt Nam cùng Chính phủ nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ trao đổi những vấn đề lớn, gửi thông điệp chung của người đứng đầu Chính phủ đến Đại hội và toàn thể công nhân, viên chức, lao động cả nước.
Công tác bầu cử cũng được đổi mới, trước khi bầu ủy viên Ban Chấp hành sẽ thực hiện bước lấy phiếu tín nhiệm của đại biểu dự Đại hội bằng phiếu kín.
Điểm mới lần này là Đại hội sẽ diễn ra 12 trung tâm thảo luận bàn, quyết sách những vấn đề lớn của tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó, điểm nhấn trong khuôn khổ Đại hội là việc Thủ tướng Chính phủ và đại biểu sẽ tham gia Diễn đàn “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Một trong những điểm mới trong công tác tổ chức Đại hội là ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp tài liệu, điều hành Đại hội. Đại biểu sẽ sử dụng máy tính bảng để nghiên cứu các nội dung, chương trình Đại hội và nhận thông báo của Ban tổ chức Đại hội.
Những kết quả nổi bật nhiệm kỳ qua
Trong 5 năm qua, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động.
Tổ chức Công đoàn đã có nhiều đột phá, đổi mới công tác chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương mới, thể hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia xây dựng, hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến người lao động.
Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách; quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể; 30.641 cuộc đối thoại định kỳ trong đó có 3.101 cuộc đối thoại đột xuất...
Với phương châm “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, từng bước tạo lợi thế khác biệt cho đoàn viên, Chương trình phúc lợi đoàn viên đã được triển khai ở các cấp Công đoàn với 1.157 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỷ đồng. Chương trình “Tết Sum vầy” được triển khai từ năm 2015 và không ngừng phát triển. Hơn 8 triệu lượt đoàn viên, người lao động đã được hưởng lợi từ Chương trình này với tổng số tiền hơn 8.500 tỷ đồng. Chương trình "Mái ấm Công đoàn” đã trở thành Chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn. Trong 5 năm qua, trên 20 nghìn gia đình đoàn viên nghèo đã được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng...
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” mở ra những điều kiện mới để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Công đoàn và đoàn viên, trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao,... Dự kiến, Tháng Công nhân năm 2019 sẽ bàn giao 300 căn hộ đầu tiên cho công nhân lao động.
Tổng Liên đoàn đã triển khai đổi thẻ đoàn viên, áp dụng mô hình thẻ đoàn viên tích hợp với thẻ tín dụng, tích điểm hưởng ưu đãi trong tiêu dùng. Đến nay, Tổng Liên đoàn đã phát hành được hơn 12.500 thẻ đoàn viên liên kết. Bên cạnh đó, những chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động phát triển. Hưởng ứng phong trào thi đua lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn phát động, 5 năm qua, gần 1,25 triệu lượt cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân lao động đã có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, làm lợi hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Xây dựng hệ thống Công đoàn cơ sở vững mạnh
Trước thềm Đại hội, lãnh đạo Công đoàn các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chia sẻ nhiều quan điểm, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới.
Đánh giá về vai trò của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới, Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Xuân Ngọc cho rằng, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng có tác động không nhỏ đến người lao động và cả tổ chức Công đoàn. Công đoàn không chỉ đại diện cho công nhân, viên chức lao động, mà còn phải chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp với Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội.
Theo ông Bùi Xuân Ngọc, Công đoàn trong thời kỳ đổi mới phải thực hiện được tốt ba chức năng mới có thể mở rộng và phát triển, đó là: Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức lao động, giáo dục và tham gia quản lý Nhà nước. Các chức năng này là một thể thống nhất, có mối quan hệ khắng khít nhau, trong đó, chức năng bảo vệ lợi ích của công nhân, viên chức lao động là chức năng trung tâm, mục tiêu hoạt động lâu dài của tổ chức Công đoàn.
Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mong muốn, tổ chức Công đoàn tiếp tục là cầu nối giữa lãnh đạo đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, lao động, tạo nên khối thống nhất, đoàn kết nội bộ, giúp người lao động tham gia vào xây dựng cơ chế, chính sách và giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thông qua Đại hội, Ban Chấp hành Công đoàn khóa mới sẽ chọn ra được những lãnh đạo có tâm, có tài, có tiếng nói để bảo vệ quyền, lợi ích và chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo mức lương, nhà ở cho người lao động, để người lao động yên tâm công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái Nguyễn Trường Phát hy vọng Đại hội XII lần này sẽ thảo luận, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để đổi mới phương thức hoạt động của công đoàn, đặc biệt là nâng cao chất lượng đối với hoạt động của công đoàn cơ sở, từng bước đưa hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của công nhân, viên chức lao động.
Chị Hoàng Thị San, công nhân làm việc tại Công ty Điện tử Samsung mong muốn, Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam sẽ có nhiều đổi mới trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo chị Hoàng Thị San, người lao động có rất nhiều nhu cầu cần được tư vấn và trợ giúp trong công việc và cuộc sống như: kiến thức pháp luật, chế độ, tiền lương, vấn đề nhà ở....Vì vậy, cán bộ công đoàn cơ sở phải được lựa chọn kỹ càng, có trình độ chuyên môn cao để xứng đáng là chỗ dựa vững chắc cho người lao động trong việc giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ lao động.
Bàn về những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái Nguyễn Trường Phát cho rằng, công đoàn các cấp cần tập trung rà soát, sắp xếp thống nhất mô hình tổ chức công đoàn cơ sở phù hợp với mô hình và quy mô tổ chức của từng đơn vị. Theo ông Nguyễn Trường Phát, cần phải đổi mới phương thức hoạt động từ cơ sở bằng cách xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải cho rằng, tổ chức Công đoàn có vai trò rất quan trọng đối với công nhân lao động. Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động, lãnh đạo công đoàn phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận, phương pháp giao tiếp, hiểu biết chính sách pháp luật. Trong công tác phải nhiệt tình sáng tạo để hướng Công đoàn cơ sở hoạt động sát với thực tế.
Theo ông Phan Thanh Hải, đối với các công đoàn cơ sở, số lượng đoàn viên ít dẫn đến khó khăn khi tổ chức các hoạt động, bởi vậy trong việc tổ chức các hoạt động mang tính chất phong trào chung, các công đoàn cơ sở cần tăng cường liên kết, phối hợp tổ chức để nâng cao tính hiệu quả, tạo khí thế sôi nổi, thiết thực và tiết kiệm. Việc tổ chức các phong trào phải đi sâu vào chất lượng, tránh việc tổ chức qua loa chỉ mang tính hình thức. Đặc biệt, công đoàn cơ sở phải xây dựng được phong trào văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử Meiko Việt Nam cho biết, vấn đề quan trọng mà người lao động quan tâm nhất hiện nay đó là nhà ở. Hầu hết công nhân ở các khu công nghiệp hiện nay vẫn đang phải thuê trọ, đời sống bấp bênh không đảm bảo. Lãnh đạo công đoàn từ Trung ương đến địa phương cần phối hợp với chính quyền các cấp quan tâm hơn đến việc xây dựng các thiết chế công đoàn giúp người lao động ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tốt, phổ biến các chính sách pháp luật giúp cho người lao động, đoàn viên có thêm kiến thức và nắm được những đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Để tổ chức Công đoàn hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Kạn Vi Văn Nghĩa cho rằng, đội ngũ cán bộ công đoàn phải nắm tình hình việc làm, đời sống và tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức lao động để có hình thức chăm lo đời sống đoàn viên. Các tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, kịp thời giải quyết những bức xúc, kiến nghị của đoàn viên, người lao động./.
Sáng kiến trong kiểm soát dịch HIV bền vững tại Việt Nam  (23/09/2018)
ASOSAI 14: Thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng  (23/09/2018)
Thủ tướng sẽ dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc  (22/09/2018)
Phó Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần 2  (22/09/2018)
Cuba để quốc tang tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang  (22/09/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển