Nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn tỉnh Hậu Giang
Tỉnh Hậu Giang được thành lập ngày 1-1-2004 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Trong số 160.770 ha diện tích đất tự nhiên của tỉnh, có đến 141.411ha đất nông nghiệp, chiếm 88% diện tích đất tự nhiên. Vì thế, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông nghiệp giữ vai trò rất quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 23.230 đảng viên đang sinh hoạt ở 456 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 15.137 đảng viên (chiếm 65,16% tổng số đảng viên) đang sống và sinh hoạt ở các xã, thị trấn khu vực nông thôn. Với đặc điểm như vậy, công tác phát triển Đảng nói chung, phát triển Đảng của các đảng bộ xã ở tỉnh Hậu Giang nói riêng luôn được chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Tỉnh ủy Hậu Giang chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc phải chú trọng công tác phát triển Đảng, trong đó quan tâm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đảng viên ở các đảng bộ xã để bảo đảm lãnh đạo thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Để làm tốt công tác phát triển Đảng, đảng ủy các xã tập trung chỉ đạo, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, kế hoạch của cấp trên đến từng chi bộ, nhằm nâng cao nhận thức trong cấp ủy, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, tầm quan trọng của công tác phát triển Đảng, đặc biệt là ở các xã nông thôn. Hằng năm, các huyện ủy đề ra kế hoạch thi đua cụ thể trên từng lĩnh vực (trong đó có phát triển Đảng), từng tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đều đăng ký thi đua. Trên cơ sở đó, cấp ủy các xã chủ động tổ chức nắm nguồn, xây dựng kế hoạch phát triển Đảng, trong đó đặc biệt quan tâm tạo nguồn từ các đoàn viên, hội viên ưu tú của các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị.
Các chi bộ phân công đảng viên chịu trách nhiệm xem xét, giáo dục và báo cáo trước chi bộ về các đối tượng đảng, các đoàn viên, hội viên ưu tú trong diện tạo nguồn trong các kỳ sinh hoạt hằng tháng. Song song với việc đó, cấp ủy các xã lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị tiến hành thường xuyên các phong trào thi đua để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho quần chúng rèn luyện phấn đấu, thử thách, qua đó phát hiện những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến để tạo nguồn kết nạp vào Đảng.
Trong công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn, cấp ủy các xã luôn chú trọng đến tiêu chuẩn, cơ cấu, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; các khâu thẩm tra xác minh, lập hồ sơ kết nạp đảng viên. Với những nỗ lực đó, kết quả đánh giá chất lượng hằng năm từ năm 2007 đến năm 2010, số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh từ 90% trở lên.
Đạt được kết quả khả quan trên là do các cấp ủy cấp trên thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đảng bộ xã trong công tác phát triển Đảng; đại bộ phận các tổ chức cơ sở đảng ngày càng nhận thức đúng đắn, sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Sự phối hợp hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng có hiệu quả, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút ngày càng đông đoàn viên, hội viên, tạo ra nhiều phong trào cách mạng ở địa phương, từ đó xuất hiện những quần chúng ưu tú để các chi bộ, đảng bộ lựa chọn, xem xét kết nạp vào Đảng. Bản thân các đối tượng đảng, các đảng viên mới được kết nạp luôn có ý thức phấn đấu vươn lên.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng chưa quan tâm thường xuyên công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của đảng ủy cấp trên về công tác phát triển Đảng. Nội dung, phương pháp tuyên truyền về Đảng của một số tổ chức, đoàn thể quần chúng chậm đổi mới, nên chưa thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia. Chất lượng đảng viên tuy có tăng nhưng so với yêu cầu vẫn còn hạn chế về trình độ, chưa đa dạng các thành phần, đa phần là cán bộ trong các ngành, đoàn thể ở địa phương, chưa tập hợp được những lực lượng trong các cơ sở sản xuất, nông dân sản xuất giỏi…
Sở dĩ vậy, trước hết do một bộ phận không nhỏ đảng viên ở nông thôn chưa thể hiện tốt vai trò tiền phong, gương mẫu nên ảnh hưởng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác phát triển Đảng ở các đảng bộ xã. Mặt bằng trình độ dân trí thấp nên nguồn đối tượng đảng vẫn chủ yếu nằm trong cán bộ, công chức, giáo viên và cán bộ không chuyên trách xã, ấp. Một số đảng ủy xã, chi ủy thực hiện công tác phát triển Đảng nhằm đối phó với chỉ tiêu của cấp trên giao nên chưa thực sự chủ động, có khuynh hướng chạy theo số lượng, thiếu quan tâm chất lượng. Một số cán bộ làm công tác tổ chức trong các đảng ủy, chi ủy chưa nắm vững các nguyên tắc, quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên nên có những trường hợp phải làm đi, làm lại hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng công tác phát triển Đảng. Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận đảng viên chưa cao, còn coi công tác phát triển Đảng là trách nhiệm riêng của tổ chức đảng, của cán bộ làm công tác tổ chức nên chưa tự giác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng phấn đấu vào Đảng. Ở một số huyện, ban tổ chức huyện ủy chưa kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển Đảng.
Từ thực tiễn công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn tỉnh Hậu Giang thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
1 - Nơi nào đảng ủy xã, các chi bộ, đảng viên thực sự quan tâm đến công tác phát triển Đảng thì nơi đó công tác kết nạp người vào Đảng vừa tăng về số lượng, vừa bảo đảm về chất lượng.
2 - Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho phó bí thư đảng ủy, bí thư chi bộ, cán bộ tổ chức nắm vững các nguyên tắc, quy trình, thủ tục phát triển Đảng.
3 - Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo ra các phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương để qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến, tạo nguồn phát triển Đảng.
4 - Cấp trên không nên áp đặt chỉ tiêu kết nạp đảng cho cấp dưới, mà nên xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển Đảng từ cấp dưới lên.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng ở các đảng bộ cấp xã, thiết nghĩ cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đảng ủy xã, các chi bộ và đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ, đảng bộ xã, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên.
- Các đảng ủy xã, chi ủy chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển Đảng trong cả nhiệm kỳ, từng năm, từng quý, từng tháng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để kịp thời có biện pháp chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
- Chủ động tạo nguồn đối tượng đảng không chỉ trong hệ thống chính trị xã mà cần chú trọng mở rộng trên địa bàn dân cư. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể, chính trị - xã hội.
- Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác đảng cho thường trực đảng ủy xã, chi ủy các chi bộ, cán bộ làm công tác tổ chức. Các tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng về mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, động viên quần chúng hăng hái, tự nguyện phấn đấu vào Đảng.
- Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ của cấp ủy cấp trên./.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội - nền tảng sức mạnh từ công tác đảng  (11/05/2012)
Mỹ ngày càng bị cô lập tại OAS  (11/05/2012)
Sudan: Không dễ tháo ngòi xung đột Bắc - Nam  (11/05/2012)
Công tác phát triển Đảng ở huyện Đức Phổ  (11/05/2012)
“Phong bì sạch”, “phong bì bẩn”  (11/05/2012)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm