“Phong bì sạch”, “phong bì bẩn”

Văn Hải
22:07, ngày 11-05-2012
TCCS - Lâu lâu mới về quê, tôi gặp lại người bạn thân hiện là giáo viên trường làng. Sau chuyện gia đình, vợ con, công việc, hai đứa hàn huyên chuyện nhân tình thế thái. Chuyện đang rôm rả, bạn tôi đột ngột hỏi một câu “tréo ngoe”:
- Này, đã bao giờ cậu nhận “phong bì bẩn” chưa?

Khá bất ngờ, nên tôi hỏi lại:

- “Phong bì bẩn” nghĩa là không sạch chứ gì? Cậu có thể phân biệt giúp thế nào là “phong bì sạch”, “phong bì bẩn” được không?

Sau câu trả lời “OK”, cậu ta lý giải: Ở nghĩa gốc, “phong bì sạch” là những phong bì để đựng những lá thư truyền thống mà dân ta vẫn thường viết, gửi cho nhau, nhất là trong thời chiến và thời bao cấp. Còn hiểu theo nghĩa hiện nay, “phong bì sạch” là những phong bì có tiền ở trong đó, nhưng thường là số tiền nhỏ mà cả người đưa và người nhận đều vô tư, trung thực và không mảy may trông mong sự “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Những “phong bì sạch” luôn được phát, trao, tặng công khai minh bạch. Chẳng hạn như kèm theo phần khen là những phong bì đựng tiền thưởng cho học sinh giỏi các cấp, cho các vận động viên đạt thành tích thi đấu cao, cho những tấm gương người tốt - việc tốt; hay đó cũng là những món quà tình nghĩa, nhân ái mà cộng đồng dành tặng cho những người, những gia đình có công với nước vào mỗi dịp lễ, tết; cho những mảnh đời éo le, đơn côi, bất hạnh...

Còn “phong bì bẩn” là phong bì dùng chỉ nhằm mục đích “chạy” đủ thứ: chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy dự án, chạy huân chương, chạy án, chạy thầu… Cả người đưa và người nhận phong bì loại này thường tâm không sáng, lòng không trong, nghĩa không trọng và đều mang nặng tư tưởng “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, có nghĩa là rất thực dụng, vụ lợi bởi những toan tính, mưu cầu cá nhân. Những chiếc “phong bì bẩn” chả khi nào được đưa - nhận công khai giữa thanh thiên bạch nhật, mà thường gửi, chuyển cho nhau ở những nơi kín đáo nhằm “che mắt” thiên hạ.

Tôi tiếp tục chất vấn:

- Thế trước các cuộc họp, hội nghị, các đại biểu đều được phát phong bì hay như việc bệnh nhân đưa phong bì cho y, bác sĩ để mong được khám, chữa bệnh tốt hơn thì đó thuộc loại phong bì gì?

- Phong bì phát cho các đại biểu đi dự họp, hội nghị đều “sạch” 100%, bởi đấy là mức phí Nhà nước hỗ trợ cho cán bộ, công chức khi tham gia những việc công, việc chung của tập thể. Còn đối với phong bì ở bệnh viện, cần phải dứt khoát rằng: Nếu đội ngũ thầy thuốc mà nhận phong bì của bệnh nhân hay thân nhân của họ vào thời điểm trước và trong lúc khám, chữa bệnh đều thuộc loại “phong bì bẩn”, vì đó là một hình thức trục lợi không hơn không kém. Còn nếu ai đó sau khi được khỏi bệnh, ra viện mà ít nhiều có lòng thành gửi quà cho y, bác sĩ thì cũng có thể chấp nhận được. Có thể gọi đó là “phong bì sạch” vì nó xuất phát từ đạo lý tri ân, lễ nghĩa của ông cha ta là: Biết cảm ơn những người đã có công giúp mình tai qua nạn khỏi. Tất nhiên, việc đưa phong bì này cũng không nên khuyến khích, mà tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người để ứng xử sao cho phù hợp.

- Vậy, nếu “chốt” vấn đề lại, theo cậu, sự khác biệt căn bản giữa “phong bì sạch” và “phong bì bẩn” là ở điểm nào?

- Đó là tính mục đích. Mục đích gửi, chuyển, trao, tặng và tiếp nhận phong bì luôn công tâm, trung thực, lành mạnh, vì sự tiến bộ của mỗi cá nhân, sự vững mạnh của tập thể, vì an sinh của cộng đồng và vì sự ổn định xã hội thì đó là loại “phong bì sạch” cần được nâng niu, trân trọng. Ngược lại, đưa và nhận phong bì chỉ vì lợi ích cá nhân, làm phương hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích nhân dân và làm biến dạng, méo mó các mối quan hệ, làm đảo lộn các chuẩn mực, giá trị đạo đức thì cần phải chống, ngăn ngừa và kiên quyết tẩy chay những loại “phong bì bẩn” đó nhằm góp phần làm lạnh mạnh môi trường văn hóa xã hội.

Nghe bạn lý giải thế, tôi hớn hở nói ngay:

- May quá, “phong bì sạch” tớ cũng đã nhận, dù chưa nhiều. Nhưng “phong bì bẩn”, thưa bạn, tớ chưa bao giờ đưa cho ai và cũng chưa nhận của ai bao giờ./.