Tập đoàn Viễn thông Quân đội - nền tảng sức mạnh từ công tác đảng

Hồ Quang Phương Báo Quân đội nhân dân
22:10, ngày 11-05-2012
TCCS - Có thể nói, giai đoạn từ năm 2005 đến nay là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Từ chỗ mới chập chững bước vào thị trường viễn thông, Viettel đã trở thành một tập đoàn viễn thông hàng đầu của quốc gia và đang vươn mạnh ra thị trường quốc tế.  Tổng doanh thu của Viettel năm 2010 đạt 91.561 tỉ đồng.

Nghiêm túc, kỷ luật và dân chủ

Trong giai đoạn 2005 - 2010, doanh thu của Viettel luôn là năm sau gấp đôi năm trước. Quy mô phát triển từ công ty, thành tổng công ty, rồi thành tập đoàn. Từ chỗ là doanh nghiệp "sinh sau, đẻ muộn" bị chèn ép, Viettel đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu thị trường viễn thông Việt Nam.

Bên cạnh những lợi thế nhất định, sự nhạy bén trong chiến lược kinh doanh, nắm bắt thị trường, sức vươn mạnh mẽ của Viettel còn bắt nguồn từ nền tảng vững vàng của công tác đảng, công tác chính trị, tư tưởng của Tập đoàn. Tập đoàn Viễn thông Quân đội vừa là một doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, vừa là một đơn vị quân đội với nhiệm vụ, cơ chế hoạt động đặc thù. Vì thế, hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị của Tập đoàn có những nét riêng biệt.   

Xây dựng Đảng bộ Tập đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Ở Viettel, có câu “Ở đâu có hoạt động sản xuất, kinh doanh, ở đó có tổ chức đảng”. Đến nay, 100% số chi nhánh Viettel tỉnh, thành phố đều có tổ chức đảng. Tất cả các hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị, trong đó có các nội dung thi đua đều được tiến hành một cách nghiêm túc, thực chất,  phục vụ mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thiếu tướng Dương Văn Tính, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, các buổi quán triệt nghị quyết đều được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kỷ luật. Qua một loạt chuyến công tác đi quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, đồng chí nhận thấy, tại đơn vị nào, hội trường cũng chật ních với trên dưới 200 người nghe, có những buổi đã quá giờ nghỉ, nhưng ai cũng tập trung lắng nghe, ghi chép.

Viettel có đặc điểm là hoạt động sản xuất, kinh doanh trải rộng cả trong và ngoài nước, cán bộ công nhân viên (CBCNV) thường xuyên tiếp xúc với vật tư, tài sản có giá trị lớn, bị tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, các nguồn thông tin và các quan điểm chính trị khác nhau. Vì thế, Đảng bộ Tập đoàn đã chăm lo, tổ chức quán triệt giáo dục học tập và thực hiện tốt pháp luật Việt Nam, kỷ luật quân đội, pháp luật của các nước, nơi Viettel đầu tư kinh doanh. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng quy trình, quy chế, đúng pháp luật, không có vụ việc vi phạm pháp luật, chưa phát hiện dấu hiệu tham nhũng, đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị, tư tưởng.

Công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát của các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng được tăng cường để kịp thời phát hiện những vướng mắc, những lỗ hổng, bất cập trong hệ thống, trong cơ chế chính sách, kịp thời ngăn ngừa, uốn nắn, chấn chỉnh để bộ máy hoạt động đúng hướng và đạt hiệu quả cao. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Tập đoàn đã kiểm tra, giám sát được 141 tổ chức đảng, 956 lượt đảng viên. Các đồng chí lãnh đạo trong Đảng ủy Tập đoàn thường xuyên bám, nắm cơ sở để phát hiện các vấn đề. Thiếu tướng Dương Văn Tính, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn đặt ra mục tiêu cho mình, trung bình mỗi năm phải thực hiện khoảng 40 chuyến công tác để thăm và kiểm tra các đơn vị cơ sở. Một sức đi thật đáng nể!

Tại Viettel, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng được tuân thủ nghiêm túc. Tất cả những vấn đề quan trọng phải được chuẩn bị kỹ, thảo luận, bàn bạc, quyết định thể hiện trí tuệ và ý chí của tập thể và được các cấp ủy thông qua. Đội ngũ các cấp ủy, nhất là cán bộ chủ chốt luôn lắng nghe, tôn trọng và tiếp thu chọn lọc các ý kiến của cơ sở, của quần chúng để bổ sung vào các chủ trương, chính sách, từng bước hoàn thiện cơ chế hoạt động.

Hằng năm, tỷ lệ tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh đạt 85%, nhiều tổ chức đảng ba năm liền đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Công tác quản lý giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng kết nạp đảng viên được thực hiện tốt. Tỷ lệ đảng viên phấn đấu tốt đạt 80%. Số lượng đảng viên được kết nạp tăng nhanh (so với nhiệm kỳ trước tăng 8,6 lần).

Các tổ chức quần chúng được củng cố, kiện toàn, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoạt động đúng chức năng. Đoàn Thanh niên xung kích trong phát huy sáng kiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và rèn luyện kỷ luật. Tổ chức công đoàn giáo dục công nhân viên chức hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trung tâm, xây dựng đội ngũ công nhân và phong trào công nhân của Tập đoàn vững mạnh. Hội Phụ nữ hoàn thành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Trung ương Hội và Phụ nữ quân đội; 100% số tổ chức quần chúng đạt tiêu chuẩn vững mạnh, không có yếu kém.

Tập đoàn bảo đảm việc làm cho một đội ngũ CBCNV với 24.000 người, với mô hình tổ chức bộ máy phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề; kết hợp chặt chẽ giữa tập trung và phi tập trung hóa.

Đột phá trong công tác cán bộ

Đảng bộ Viettel luôn quán triệt quan điểm con người là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nên đã tập trung giáo dục mục tiêu lý tưởng, nhiệm vụ quân đội và của Tập đoàn; giáo dục văn hóa doanh nghiệp, giá trị cốt lõi văn hóa Viettel, những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công; làm cho 100% số CBCNV có sự đồng thuận cao về nhận thức, tư tưởng và hành động. Đại đa số CBNCV của Viettel có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yêu mến, gắn bó với đơn vị.

Để khuyến khích sử dụng người trẻ, người tài, Tập đoàn tổ chức thi tuyển các chức danh giám đốc, đề bạt những cán bộ trẻ vào các chức danh lãnh đạo. Hiện 80% số cán bộ từ cấp phòng trở lên ở Viettel có tuổi đời 30.

Viettel có những cán bộ mang quân hàm cao nhưng chỉ giữ vị trí khiêm tốn, còn cán bộ mang quân hàm thấp lại đảm nhiệm cương vị rất cao.

Ví dụ cụ thể như, năm 2007, đồng chí Trần Minh Huy được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh Viettel tỉnh Thái Bình khi đang mang quân hàm Trung úy, 30 tuổi. Hiện, đồng chí Trần Minh Huy đang làm Giám đốc chi nhánh Viettel Thành phố Hồ Chí Minh, với quân hàm là đại úy, chỉ huy gần 3.000 CBCNV dưới quyền, trong đó có 2 đồng chí đại tá là Phó Giám đốc. Trong lần trò chuyện với tôi, đồng chí Trần Minh Huy cho biết, chỉ huy những người dưới quyền quân hàm cao hơn mình, bằng tuổi cha, tuổi chú mình là việc không đơn giản. Tuy nhiên, khi đã vào công việc thì đã có quy định của đơn vị, kỷ luật của quân đội nên mọi người đều xác định được nhiệm vụ của mình.  Rõ ràng, để thực hiện được quan điểm đột phá trong sử dụng cán bộ thì tính kỷ luật công việc tại Viettel là rất nghiêm.

Thi đua trong công tác cán bộ với cơ chế “thoáng”, thường xuyên luân chuyển, bổ nhiệm, thi tuyển giám đốc đã giúp Viettel có môi trường cạnh tranh lành mạnh, đẩy lùi được những trào lưu xấu như “sống lâu lên lão làng”, cục bộ, bè cánh. Cán bộ, nhân viên nào được khen thưởng nhiều sẽ được bổ nhiệm để có thể thể hiện tài năng ở những chức vụ, vị trí cao hơn.

Nếu tinh ý có thể nhận ra, người Viettel gặp nhau thường có câu hỏi cửa miệng: “Bây giờ đang ở đơn vị nào rồi?”. Sở dĩ như vậy, bởi các cán bộ của Viettel thường xuyên được luân chuyển để “thử lửa”, rèn luyện ở nhiều vai trò, vị trí, chức vụ. Trường hợp đồng chí Trần Minh Huy nêu trên là một ví dụ tiêu biểu. Trong 5 năm (2005 - 2010), Tập đoàn luân chuyển 2.345 lượt cán bộ các cấp. Cũng bởi vậy, hầu hết cán bộ chủ chốt các cấp của Tập đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực chuyên môn tốt, nhạy bén, sắc sảo, ý thức trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy cho cấp dưới. Nhiều đồng chí công tác ở những nơi khó khăn, gian khổ đã nhanh chóng trưởng thành để gánh vác trách nhiệm cao hơn.

Bên cạnh việc trọng dụng người tài, Tập đoàn cũng có một chiến lược đào tạo dài hạn với việc cử những cán bộ có năng lực đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài. Đây sẽ là những hạt nhân tốt, góp sức phát triển Tập đoàn trong tương lai. Từ 2005 - 2010, Tập đoàn đào tạo và gửi đi đào tạo 1.228 cán bộ từ cấp trưởng phòng trở lên.

Mới mẻ, thực chất trong thi đua

Một trong những mảng quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị là thúc đẩy phong trào thi đua. Quy chế lương, thưởng của Viettel rất đột phá, trong đó thí điểm thực hiện trả lương “không quy định hạn mức”, nghĩa là theo hiệu quả công việc của CBCNV. Ở Viettel đã có những phần thưởng đột xuất lên đến hàng tỉ đồng cho một sáng kiến kỹ thuật, vì những sáng kiến ấy làm lợi rất lớn cho Tập đoàn.

Phong trào thi đua Quyết thắng ở Viettel diễn ra sôi nổi trên khắp các mặt trận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật, quản lý và được triển khai sâu rộng tới từng cán bộ, công nhân viên ở tất cả các đơn vị. Các phong trào trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi hoạt động ở Viettel. Nổi bật như phong trào “Triển khai mạng lưới tốt nhất, sâu rộng nhất”, phong trào “6 nhất 1 mục tiêu”, phong trào “6.000 ý tưởng tiết kiệm Viettel”, phong trào “Giữ gìn, nâng cao vị thế thương hiệu Viettel”, phong trào “Sáng tạo trẻ Viettel”...

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được cụ thể hóa bằng phong trào tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí trong mua sắm đầu tư, trong khai thác sử dụng được CBCNV hưởng ứng tích cực và đạt hiệu quả thiết thực.

Điều quan trọng nhất trong tổ chức thi đua là phải tạo ra động cơ thi đua đúng đắn. Thi đua trở thành một khoa học quản lý, mà ở đó, doanh nghiệp đã tính toán tỉ mỉ để đo lường mức độ đóng góp của từng tập thể, cá nhân, cụ thể hóa thành lương, thưởng và những hình thức khen thưởng xứng đáng nhằm vinh danh người lao động, thực sự giải phóng sức lao động của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Thiếu tướng Dương Văn Tính, Phó Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn khẳng định: “Quy chế thi đua minh bạch là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của Phong trào thi đua Quyết thắng. Ở Viettel, ai thi đua tốt, người đó có thu nhập cao”.

Tham gia phong trào thi đua, mỗi cán bộ, nhân viên Viettel luôn được cả “danh và lợi”. Điều này lý giải vì sao, khi Viettel cần luân chuyển một số cán bộ, nhân viên về vùng sâu, vùng xa và đi công tác nước ngoài, đã có khoảng 500 cán bộ, nhân viên tình nguyện sẵn sàng “đi bất cứ nơi đâu mà Tập đoàn cần”. Chính sách khen thưởng đúng đã thôi thúc cán bộ, nhân viên Viettel vượt qua mọi gian nan, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Viettel là một trong những doanh nghiệp kiên trì duy trì hoạt động “Ngày hội ý tưởng”. Năm năm qua, CBCNV Viettel đã có hàng nghìn sáng kiến, ý tưởng với tổng giá trị làm lợi ước tính hàng nghìn tỉ đồng. Đảng ủy Tập đoàn đã thực sự “trân trọng mọi ý tưởng, dù là nhỏ nhất”. Vì thế, thi đua sáng tạo trở thành một lĩnh vực sôi động nhất của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể nói cả trong sản xuất, kinh doanh, cũng như trong các hoạt động xã hội, Viettel luôn tiên phong, mới mẻ, táo bạo hàng đầu.

Luôn nhìn thẳng vào sự thật

Hiếm có đơn vị nào mà khi sơ kết thi đua lại tập trung phân tích rất sâu sắc những điểm yếu của phong trào thi đua như ở Viettel. Tháng 5-2010, trong dịp phát động đợt thi đua xung kích “Lập công dâng Bác”, lãnh đạo Tập đoàn thẳng thắn chỉ ra các khiếm khuyết của phong trào thi đua tại doanh nghiệp: Bộ máy của Viettel sau nhiều năm phát triển "nóng" bắt đầu cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Họp nhiều, báo cáo nhiều nhưng kết quả sản xuất, kinh doanh lại không đạt kế hoạch. Quý I-2010, Viettel không đạt kế hoạch đăng ký với Bộ Quốc phòng, còn so với kế hoạch mà lãnh đạo Tập đoàn tự đặt ra thì còn kém tới 30%. Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc, thẳng thắn: “Lần đầu tiên từ khi điều hành Viettel đến nay, tôi thấy như hết cách để đẩy cho bộ máy chuyển động”.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc đánh giá, với bộ máy hơn 20.000 người nếu không “chẩn đoán” đúng vấn đề thì sẽ rất khó vận hành. Ở Viettel đã có biểu hiện của sự trì trệ, “mất lửa”, làm việc thiếu hăng say. Có nhiều biểu hiện đối phó, làm việc không có hồn, có tâm lý muốn hưởng thụ, nhìn thấy kẽ hở của tổ chức không những không lấp lại mà còn tận dụng để vụ lợi; ngại đấu tranh, ngại nói thẳng vì thấy nó không ảnh hưởng trực tiếp đến mình, sợ nói ra thì bị trù dập, mất việc. Mỗi người đều tính toán nhiều hơn, "tròn" lại nhiều hơn. Lãnh đạo một số đơn vị chưa gương mẫu, chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng động cơ đúng đắn trong lao động…

Nhìn thấy rõ sức ỳ trong thi đua cũng là cơ hội để cải biến, "lột xác". Thiếu tướng Dương Văn Tính, Bí thư Đảng ủy khẳng định: “Mỗi khi Viettel có vấn đề là Viettel có cơ hội để ổn định hơn, để phát triển hơn. Khi thấy Viettel không có vấn đề thì đó là lúc nguy cơ lớn nhất. Vì chúng tôi tin, nếu nhìn thấy vấn đề là chúng tôi sẽ có cách để vượt qua, để trưởng thành lên một tầm cao mới, một năng lực cạnh tranh mới”. Với một quan điểm dám nhìn thẳng vào sự thật như thế, tin chắc rằng Viettel sẽ luôn và tiếp tục là một đảng bộ, một tập đoàn mạnh, một con tàu luôn rẽ sóng hướng về phía trước./.