Đồng bào công giáo thi đua sống tốt đời đẹp đạo
Trái với một số ý kiến sai lệch cho rằng ở Việt Nam có sự đàn áp tôn giáo, không có tự do tín ngưỡng..., đồng bào theo tôn giáo ở nước ta nói chung và công giáo nói riêng đang được tự do, bình đẳng, sống yên ổn, thực hiện sống "tốt đời, đẹp đạo". Đó là một sự thật không thể phủ nhận.
Từ nhiều năm nay, đồng bào công giáo Việt Nam cùng đồng bào cả nước đoàn kết thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lập được nhiều thành tựu to lớn. Phát huy truyền thống quý báu đó trong thời kỳ đổi mới, phong trào thi đua yêu nước của đồng bào công giáo vẫn được đẩy mạnh và giữ vững. Gần đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phong trào thi đua: "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã động viên đông đảo giáo dân thực hiện phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo" với những nội dung cụ thể và thiết thực. Phong trào đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt liệt của đồng bào công giáo nên đã thu được những kết quả tốt đẹp:
Trước hết trên lĩnh vực kinh tế. Những năm qua, đồng bào công giáo đã phát huy, khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mình vào quá trình phát triển kinh tế chung của đất nước.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, một lĩnh vực sản xuất chính của đất nước cũng là môi trường có đông đảo giáo dân tham gia mặc dầu luôn gặp khó khăn, trở ngại về thiên tai, giá nông sản thấp, nhưng ở nhiều nơi giáo dân luôn vượt qua khó khăn, áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi. Các ngành nghề trên các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, các loại hình dịch vụ kinh doanh, thương mại phục vụ sản xuất, đã làm kinh tế theo mô hình mới.
Mặt khác, giáo dân trong các làng nghề đã tạo được những bước đột phá mới trong sản xuất, sản phẩm của làng nghề ở vùng quê công giáo không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà hiện tại đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn tại Nam Định, có 332 công ty lớn nhỏ của người công giáo, tiêu biểu như Công ty trách nhiệm hữu hạn cơ khí Nhật Việt, Công ty xây dựng Hồng Việt và nhiều làng nghề truyền thống như Kiên Lao, họ An Tôn, Vân Tràng... đem lại nguồn thu nhập ổn định cho giáo dân. Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Thanh Hưng đã tập hợp những người công giáo ở Hậu Giang góp vốn làm ăn kinh tế đạt hiệu quả cao.
Với tinh thần vượt khó để vươn lên trong mọi điều kiện và hoàn cảnh cùng với sự cảm thông, chia sẻ đầy tình nhân ái trong cuộc sống thường ngày, giáo dân trong khắp các giáo xứ, họ đạo cũng như nhiều công dân nữ tu đã tích cực tham gia vào phong trào hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất. Các tổ góp lúa và quỹ quay vòng vốn, hộp tiền tiết kiệm để giúp vốn không lấy lãi, đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, đánh bắt hải sản xa bờ được thành lập (tại các giáo xứ ở Đà Nẵng những năm qua đã có số tiền trên 5 tỉ đồng hỗ trợ những hộ khó khăn vươn lên trong sản xuất). Thực hiện phong trào thi đua sống "Tốt đời, đẹp đạo", các giáo xứ, họ đạo, dòng tu ở Đồng Nai đã hỗ trợ cho nhân dân phương tiện sản xuất, chăn nuôi, cho mượn đất sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2004, đồng bào công giáo và các dòng tu trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 420 triệu đồng cho các hộ nghèo sản xuất.
Cùng với sự phát triển của những mô hình kinh tế, mô hình hỗ trợ giúp nhau vượt khó, phong trào "xóa đói, giảm nghèo" trong đồng bào công giáo ngày càng đạt hiệu quả cao. Gần đây hưởng ứng cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhiều giáo xứ, họ đạo, đã lập vốn "xóa đói, giảm nghèo" do bà con giáo dân đóng góp nay đã có tới hàng trăm triệu. Tại thành phố Hải Phòng từ năm 2000 đến 2004 các giáo xứ, họ đạo đã vận động được trên 500 triệu đồng cùng với nguồn vốn hỗ trợ của thành phố và các huyện, thị giúp cho gần 3.000 hộ dân nghèo. Đến nay, trong giáo dân Hải Phòng, không có hộ đói, hộ nghèo giảm xuống còn 5,72%. Trên địa bàn cả nước đã có nhiều giáo xứ như Hòn Gai, Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh)... không còn hộ giáo dân nào thuộc diện hộ nghèo.
Thứ hai, trên lĩnh vực văn hóa xã hội. Với truyền thống đoàn kết nhân ái ngàn đời của dân tộc, sống theo tinh thần bác ái, thực hành nội dung giáo huấn của Giáo hội Công giáo và hưởng ứng nội dung phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện bác ái trong đồng bào công giáo từ lâu đã trở thành một phong trào mang tính xã hội rộng lớn. Các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người cơ nhỡ bất hạnh, người có hoàn cảnh không may trong cuộc sống, đồng bào vùng thiên tai bão lụt, vùng sâu, vùng xa, người già neo đơn, các cháu mồ côi khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, bệnh nhân HIV/AIDS là những đối tượng và địa chỉ hoạt động từ thiện bác ái của giới Công giáo. Với tinh thần "yêu thương và phục vụ", các hoạt động đóng góp vật chất, tổ chức các cuộc viếng thăm, cứu trợ đến những địa chỉ cần được giúp đỡ, tại nhiều cơ sở và các trung tâm xã hội nơi chăm sóc cho những hoàn cảnh bất hạnh, nạn nhân chiến tranh do chính những người công giáo đứng ra thành lập và nhiều cơ sở, trung tâm xã hội từ thiện khác đang hoạt động có hiệu quả trong việc chăm lo cho người nghèo, góp phần giải quyết đáng kể những vấn đề khó khăn đang đặt ra trong đời sống hiện đại.
Có thể nói, những hoạt động từ thiện bác ái từ lâu vốn là một thế mạnh trong hoạt động xã hội của người công giáo. Phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo" đã nhấn mạnh đến nội dung thi đua này. Trong thời gian qua, các hoạt động từ thiện bác ái thể hiện trên nhiều lĩnh vực cuộc sống, mỗi ngày thêm đa dạng phong phú. Những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hiện tại còn gặp nhiều khó khăn hoặc những chủ trương khuyến khích sự gia tăng đóng góp của mọi thành phần trong xã hội như giáo dục, y tế đều có sự chung tay đóng góp của người công giáo.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, dành sự quan tâm, đầu tư cho người nghèo được học tập và nâng cao dân trí, đồng bào công giáo trên địa bàn cả nước thực sự đã có nhiều đóng góp trên lĩnh vực này bằng nhiều hình thức phong phú, như đóng góp xây dựng trường sở, thành lập quỹ học bổng hỗ trợ tài năng trẻ, tổ chức các lớp học tình thương, các lớp mẫu giáo, mở các lớp học nghề miễn phí. Nhiều chức sắc trong các giáo phận, nhiều cộng đoàn nữ tu đã đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực này. Tại Thành phố Hồ Chí Minh số tiền giới công giáo đóng góp hỗ trợ học bổng công tác giáo dục năm vừa qua là 18.121.585.000 đồng. Riêng quỹ học bổng Võ Thành Trinh của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã trao cho 375 học sinh, sinh viên với số tiền 302.500.000 đồng. Dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn vẫn thường xuyên duy trì nhiều hoạt động trong việc nuôi dạy các cháu có hoàn cảnh khó khăn đạt hiệu quả thiết thực...
Thực hiện nội dung phong trào thi đua, đồng thời hưởng ứng các cuộc vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc về việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn và ủng hộ các vùng đồng bào bị thiệt hại do thiên tai bão lũ, giới công giáo ở hầu khắp các tỉnh, thành phố, thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội đã nhiệt tình đóng góp công sức, tiền của vào công tác này. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" thể hiện bằng việc chăm lo cho các gia đình thương binh - liệt sỹ, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng thời gian qua được làm tốt ở các tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hưng Yên, Tây Ninh, Đắk Nông, Quảng Trị, Bắc Giang, Bắc Ninh v.v..
Những việc làm nhân nghĩa, bác ái thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội vừa qua theo tinh thần của người công giáo Việt Nam hôm nay là "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào".
Thứ ba, trên lĩnh vực chính trị xã hội. Phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo" đã kết hợp với nhiều phong trào khác, nên 5 năm qua đồng bào công giáo trên địa bàn cả nước đã góp phần tạo những thay đổi lớn lao về các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội. Cùng với những nỗ lực trong việc đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện các nội dung, chương trình xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, đồng bào công giáo ở các tỉnh, thành phố ngày càng có ý thức và trách nhiệm cao trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cuộc sống yên vui lành mạnh xa lánh với các tệ nạn xã hội theo tinh thần đạo đức Ki-tô giáo và giáo huấn của Giáo hội. Chính sách, pháp luật nhà nước, nghị định, chỉ thị của Chính phủ xung quanh nội dung xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, bảo đảm trật tự trị an, xã hội trên mỗi địa bàn dân cư luôn được người công giáo thực hiện nghiêm túc và tham gia có kết quả vào các phong trào do các đoàn thể xã hội khởi xướng, phát động.
Nội dung bao trùm của phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo" do ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động là xây dựng trong đồng bào công giáo có được đời sống văn hóa mới. Thời gian qua, trong các cuộc tổng kết, đánh giá, xét công nhận khu dân cư, cá nhân tiên tiến xuất sắc của phong trào thi đua đều gắn kết giữa nội dung sống "tốt đời, đẹp đạo" với đời sống văn hóa. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn năm 2003 là năm "thánh hóa gia đình". Điều đó, đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào xây dựng văn hóa trong đồng bào công giáo phát triển thêm bước mới. Vì gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, từ đó nhiều giáo xứ, họ đạo, nhiều gia đình công giáo đã tự vươn lên và được các cấp, các ngành giúp đỡ, đến nay nhiều nơi, nhiều cá nhân đã được công nhận là đơn vị, cá nhân đạt danh hiệu văn hóa. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua thực hiện phong trào thi đua yêu nước xây dựng đời sống văn hóa. Chỉ riêng năm 2004, đã có 55 khu dân cư đồng bào công giáo được công nhận là Khu dân cư văn hóa, 39 Khu dân cư xuất sắc, và 11 Khu dân cư tiên tiến, 12 gia đình công giáo đạt danh hiệu văn hóa cấp quận, 21.561 gia đình công giáo đạt danh hiệu văn hóa cấp phường, 18 người công giáo được biểu dương là "người tốt, việc tốt" cấp thành phố, 132 người cấp quận và 1.213 người cấp phường...
Trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới, phong trào xây dựng xứ, họ đạo đã góp phần xây dựng khu dân cư trở thành khu dân cư an toàn, không có tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật nhà nước. Phong trào này ngày càng có xu hướng tích cực và có những bước phát triển mới. Nhiều tổ hòa giải được thành lập trong các khu dân cư của đồng bào công giáo thời gian qua do các tổ chức đoàn thể xã hội thành lập, có tác dụng tốt trong việc giải quyết những mâu thuẫn nội bộ trong đời sống giáo dân. Nhiều đối tượng lầm lỗi được giúp đỡ hoàn lương. Do vậy, nhiều địa bàn có đông đồng bào công giáo sinh sống thì thường ít hoặc không có tệ nạn xã hội. Đến nay có nhiều khu dân cư công giáo trở thành những đơn vị điển hình của cả nước trong việc xây dựng khu dân cư văn hóa, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ví dụ, như khu dân cư giáo xứ Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhiều năm liền là lá cờ đầu của phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được Bộ Công an tặng cờ đơn vị xuất sắc, họ giáo Vạn Thọ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...
Rõ ràng, phong trào thi đua sống "tốt đời, đẹp đạo" của đồng bào công giáo cả nước trong những năm qua là hết sức sôi nổi. Kết quả đạt được là rất đáng tự hào và ý nghĩa chính trị xã hội là to lớn. Chúng ta cần trân trọng thành tựu quý giá này. Để phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục đưa phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo phát triển lên một tầm cao mới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tổng kết rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích sau:
Thứ nhất, trong quá trình triển khai phong trào thi đua, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi người công giáo trong khắp các giáo xứ và họ đạo. Trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo, nhân quyền, hòng gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thứ hai, luôn nâng cao chất lượng, nội dung phong trào thi đua. Vận động đồng bào công giáo tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm tốt công tác xóa nghèo để ngày càng có thêm nhiều hộ giáo dân khá và giàu. Quan tâm và đầu tư đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, y tế, từ thiện bác ái. Dành sự quan tâm đặc biệt cho những người có công với đất nước, người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội và trở thành những khu dân cư văn hóa, khu dân cư tiên tiến.
Thứ ba, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai phong trào thi đua ở cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tại địa phương, nhất là hoạt động của các ban đoàn kết công giáo. Để phát huy vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức yêu nước của người công giáo là Ủy ban Đoàn kết Công giáo, cần tăng cường trách nhiệm của Ủy ban Đoàn kết Công giáo và các ban đoàn kết công giáo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai phong trào thi đua trên từng địa bàn dân cư.
Thứ tư, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm quá trình triển khai phong trào thi đua ở cơ sở. Kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của phong trào, phát hiện những nhân tố mới tích cực, nhân điển hình tiên tiến ra diện rộng. Nên gắn nội dung thi đua của phong trào với việc thực hiện nhiệm vụ, nội dung chương trình hoạt động đặt ra cho Ủy ban Đoàn kết Công giáo và phong trào công giáo yêu nước hằng năm tại địa phương.
Cuối cùng là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện thông tin của hệ thống Ủy ban Đoàn kết Công giáo nói riêng, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương để những điển hình tiên tiến xuất sắc của phong trào thi đua trở thành tấm gương sáng cho mọi người công giáo học tập, noi theo trong quá trình xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo".
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2006  (15/01/2007)
Những chặng đường đi đến Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn Việt Nam – Hoa Kỳ  (15/01/2007)
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ mới  (15/01/2007)
Năm 2007, biến cơ hội thành hiện thực phát triển sống động  (15/01/2007)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay