Ngày 20-12-2006 (rạng sáng ngày 21-12 giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ G. Bu-sơ đã ký Dự luật cả gói HR 6111, trong đó có luật thiết lập Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Quy chế PNTR với nội dung chính là bãi bỏ việc áp dụng đạo luật bổ sung Giắc-sơn - Va-ních (Jacson - Vanik) áp đặt đối với Việt Nam từ năm 1974, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước bị Hoa Kỳ hạn chế các hoạt động thương mại. Như vậy, tất cả hàng hóa trao đổi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đều sẽ được đối xử bình đẳng theo các quy định và hiệp định của WTO.

Năm 1994, Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Ngày 12-7-1995, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây được coi là sự kiện lịch sử trong quan hệ ngoại giao hai nước. Đi đôi với việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai nước bắt đầu cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ kinh tế thương mại. Cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại diễn ra gay go và kéo dài tới 4 năm với 10 phiên đàm phán. Cuối cùng, ngày 13-7-2001, hai bên ký được Hiệp định Thương mại và kể từ ngày 10-12-2001, Hiệp định có hiệu lực. Đây là một Hiệp định Thương mại song phương khác thường vì nó được ký kết dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và theo khái niệm đầy đủ của thương mại. Hiệp định Thương mại bao gồm cả hàng hóa (tức thuế); dịch vụ liên quan đến thương mại; đầu tư liên quan đến thương mại và sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại. Sau khi thực hiện Hiệp định Thương mại được một năm, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ không phải hạn ngạch. Theo yêu cầu của Hoa Kỳ, đầu năm 2003 hai bên bắt đầu đàm phán và đến tháng 7-2003 Việt Nam phải ký Hiệp định dệt may. Ngoài ra còn ký Hiệp định song phương về hợp tác đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC, ký ngày 26-3-1998), Thỏa thuận khung (Eximbank, ký ngày 9-12-1999), Hiệp định Hàng không (ký ngày 4-12-2003) và Thỏa thuận cung cấp bảo hộ pháp lý cho người sở hữu bản quyền (ký ngày 16-4-1997) v.v..

Sau 5 năm thực hiện Hiệp định Thương mại, kim ngạch buôn bán 2 nước đã tăng 5,54 lần (từ 1,4 tỉ USD năm 2001 tăng lên 7,62 tỉ USD năm 2005). Hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ mới đạt 394 triệu USD năm 2004 đã tăng lên 1.151 triệu USD năm 2005. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ mới đạt 1.026 triệu USD năm 2001 đã tăng lên 6.522 triệu USD năm 2005. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta tăng ngoài dự kiến của các chuyên gia như thủy sản, may mặc, giày dép, đồ gỗ. Cùng với sự tăng trưởng về lượng, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng có sự thay đổi theo hướng đa dạng và nhiều mặt hàng có giá trị tăng cao hơn. Nếu như năm 2001, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ tập trung vào nông sản, thủy sản, dệt may thì đến năm 2005, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã đa dạng với những mặt hàng mới như giày dép, đồ nhựa, điện tử, đồ gỗ và máy xử lý dữ liệu tự động. Năm 2005, dệt may chiếm 44,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ; giày dép chiếm 11%; thủy, hải sản chiếm 9,6%; đồ gỗ 10,7%; các loại nông sản chiếm 6%; dầu khí chiếm 4,7%; các mặt hàng khác chiếm tỷ trọng 13%. Điều này càng củng cố thêm nhận định là hoàn tất Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là chúng ta đã xong 70% đàm phán gia nhập WTO, vì dịch vụ là lĩnh vực Hoa Kỳ quan tâm nhất đã cam kết 8 ngành và 70 phân ngành trên 12 ngành và 155 phân ngành theo phân loại của WTO. Thế nhưng Hoa Kỳ lại chỉ coi Hiệp định Thương mại là "hòn đá tảng" (basic stone) và để gia nhập WTO, Việt Nam còn phải đàm phán nhiều lĩnh vực. Quả là như vậy. Sau Hiệp định Thương mại, Việt Nam và Hoa Kỳ còn phải tiếp tục đàm phán 4 vấn đề lớn về kinh tế và thương mại.

Thứ nhất, Hiệp định Thương mại hai bên mới đàm phán 300 dòng thuế về hàng công nghiệp và nông nghiệp. Để Việt Nam gia nhập WTO, hai bên vừa phải đàm phán thêm 9.300 dòng thuế hàng công nghiệp và nông nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam, tổng cộng là 9.600 dòng thuế. Chưa kể phải đàm phán thuế theo ngành đối với viễn thông, hàng không dân dụng, dệt may v.v...

Thứ hai, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn còn phải hạn ngạch trong khi Hiệp định hàng dệt (ATC) đã hết hạn và hủy bỏ từ ngày 1-1-2005. Trung Quốc cũng còn bị áp dụng hạn ngạch dệt may đến năm 2008.

Thứ ba, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sau Hiệp định Thương mại mới được hưởng thuế phổ thông, chưa được hưởng thuế ưu đãi (GSP). Hiện nay, Hoa Kỳ dành GSP cho 72 nước kinh tế kém phát triển.

Thứ tư, điều quan trọng nhất là Hoa Kỳ chưa dành cho Việt Nam Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), do vậy Việt Nam vẫn còn bị đạo luật Giắc-sơn - Va-ních chi phối. Hằng năm, Quốc hội Hoa Kỳ xem xét gia hạn. Nếu không may gặp "trái gió, trở trời" thì buôn bán hai bên phải tạm ngừng, gây tâm lý bất an cho các doanh nghiệp không dám đầu tư làm ăn lâu dài. Song muốn có được PNTR, phía Hoa Kỳ yêu cầu chúng ta phải đáp ứng cả gói. Gói đó bao gồm: một là thực hiện đầy đủ Hiệp định Thương mại, hai là phải kết thúc đàm phán song phương gia nhập WTO và ba là một số vấn đề nhạy cảm mà Hoa Kỳ quan tâm. Việc thực hiện Hiệp định Thương mại là có lợi cho cả hai bên, mặc dù xuất khẩu trực tiếp Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ. Nhưng ta đã mở cửa sớm cho các doanh nghiệp 100% vốn của họ như NYL, AIG, P&G, Cargil v.v... và trên thực tế, nhiều công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ đã nhập hàng từ nước thứ ba để bán vào Việt Nam. Trong thương mại toàn cầu hiện nay, đó là hình thức nhập khẩu gián tiếp, vì lợi ích doanh nghiệp Hoa Kỳ hưởng nhưng hàng hóa lại không xuất xứ từ Hoa Kỳ. Về dịch vụ ta yếu nên nhập siêu từ Hoa Kỳ.

Liên quan đến yêu cầu kết thúc đàm phán song phương gia nhập WTO, ngày 31-5-2006, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức kết thúc đàm phán song phương. Ta đã mở thêm cho Hoa Kỳ 3 ngành dịch vụ và 30 phân ngành dịch vụ so với Hiệp định Thương mại. Về thuế, chúng ta đã cam kết 9.600 dòng. Để được coi là nền kinh tế thị trường, Hoa Kỳ yêu cầu ta thời kỳ tối thiểu 12 năm (Trung Quốc là 15 năm). Về hàng dệt may, Hoa Kỳ đồng ý bỏ hạn ngạch và chúng ta phải chấp nhận bỏ Quyết định 55 của Thủ tướng liên quan đến trợ cấp ngành dệt may. Trợ cấp công nghiệp liên quan đến các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài đã cấp phép có thời kỳ quá độ 5 năm. Thời kỳ quá độ dành cho thuế từ 5 đến 7 năm, cho dịch vụ từ 1 đến 5 năm. Đã có phiên đàm phán, Hoa Kỳ yêu cầu ta phải chấp nhận điều kiện tự vệ đặc biệt đối với tất cả hàng xuất khẩu của ta như Trung Quốc, song chúng ta giải thích, Trung Quốc là cường quốc thứ 4 thế giới về kinh tế. Về thương mại, Trung Quốc là cường quốc đứng thứ 3, trong khi Việt Nam mới đứng thứ 50 về xuất khẩu và đứng thứ 47 về nhập khẩu nên không thể so Trung Quốc với Việt Nam được. Nhiều nước ủng hộ quan điểm này và cuối cùng chúng ta đã loại bỏ được vấn đề tự vệ đặc biệt.

Ngày 9-12-2006, cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ thông qua PNTR cho Việt Nam với số phiếu thuận ở Hạ viện là 212, phiếu không thuận là 184; Thượng viện 79 phiếu thuận trên 9 phiếu chống. Ngày 20-12-2006, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bu-sơ đã ký Dự luật cả gói HR 6111, trong đó có luật thiết lập Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Quy chế PNTR với nội dung chính là bãi bỏ việc áp dụng đạo luật bổ sung Giắc-sơn - Va-ních áp đặt đối với Việt Nam từ năm 1974, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước bị Hoa Kỳ hạn chế các hoạt động thương mại. Như vậy, tất cả hàng hóa trao đổi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đều sẽ được đối xử bình đẳng theo các quy định và hiệp định của WTO. Điều này có lợi cho cả hai nước và cho doanh nghiệp hai nước. Việc thông qua PNTR dẫn đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ kinh tế thương mại hai nước, tạo niềm tin cho doanh nghiệp hai nước yên tâm làm ăn lâu dài. Xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng nhanh và chắc chắn sẽ vượt con số 15 tỉ USD trong 3 năm tới. Xuất khẩu và đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tăng nhanh vì khi có PNTR thì quỹ Eximbank và quỹ Opic mới hoạt động mạnh. Điểm đặc biệt của các công ty buôn bán lớn của Hoa Kỳ là họ luôn muốn sử dụng tối đa sự bảo lãnh của hai quỹ này khi tiến vào thị trường mới.

Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất thế giới. Mỗi năm Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 1.200 tỉ USD nên yêu cầu thị trường rất đa dạng. Muốn khai thác tốt thị trường này, sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam phải rất lớn, như đầu tư mạnh vào sản xuất hàng xuất khẩu có chất lượng đúng yêu cầu của nhà nhập khẩu, phải đảm bảo giá cạnh tranh và thời gian giao hàng đúng hạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải thấy đây là thị trường hay có tranh chấp về chống bán phá giá, chống trợ cấp, do vậy không nên quá tập trung vào một thị trường mà phải có chính sách phân bổ nhiều thị trường để đảm bảo phát triển thương mại ổn định lâu dài.


* Thứ trưởng Bộ Thương mại