Hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2006

Phan Doãn Nam
14:24, ngày 15-01-2007

 Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, trong năm qua, chúng ta đã triển khai các hoạt động đối ngoại một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo trên cả lĩnh vực quan hệ song phương lẫn đa phương, chính trị an ninh kết hợp với ngoại giao kinh tế và đã thu được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định và tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao rõ rệt vị thế, vai trò của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế.

Trong các thành tựu to lớn về hoạt động đối ngoại năm 2006, nổi bật nhất là việc chúng ta tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 14 và tuần lễ APEC 2006, nước ta đã được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và được các nước trong khu vực nhất trí đề cử là ứng cử viên duy nhất của châu Á vào ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Thành công của Hội nghị Cấp cao APEC 14 đã để lại trong lòng nhân dân thế giới hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, năng động, cởi mở và mến khách, một Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Chúng ta không những đã tổ chức tốt, bảo đảm an ninh tuyệt đối cho Hội nghị mà còn có những đóng góp thiết thực về nội dung bằng những đề nghị và sáng kiến quan trọng, đặc biệt là Kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện lộ trình Bu-san hướng tới mục tiêu Bô-go và Tuyên bố Hà Nội xác định các phương hướng và biện pháp đẩy mạnh hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên theo hướng hiệu quả và thiết thực hơn, tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật, cải tiến cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực của APEC trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu. Các cuộc gặp gỡ trao đổi ý kiến giữa các nhà lãnh đạo của Việt Nam và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã tạo điều kiện cho việc tăng cường thêm tình hữu nghị, sự hợp tác song phương với các đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Qua tổ chức năm APEC 2006, chúng ta đã tranh thủ được nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước thành viên APEC trong những vấn đề chúng ta quan tâm và tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tìm hiểu những cơ hội và khả năng làm ăn với Việt Nam.

Việc tổ chức thành công Tuần lễ APEC 2006 diễn ra cùng lúc Việt Nam được công nhận là thành viên thứ 150 của WTO và được cả châu Á đề cử là ứng cử viên chính thức vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 đánh dấu sự hội nhập hoàn toàn của nước ta vào nền kinh tế và chính trị thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm, đối tác tin cậy trong việc cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, công bằng, dân chủ, hài hòa và phát triển thịnh vượng.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trên, trong năm 2006 Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương khác, như tham dự và đóng góp tích cực cho sự thành công của Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết 14, Hội nghị Cấp cao ASEM 6, Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, Đại hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN, Hội nghị Cấp cao Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp, Phiên họp Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc về chống HIV/AIDS, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 39, Hội nghị Cấp cao ASEAN 12...

Năm 2006, quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam và các nước cũng đã có những chuyển biến quan trọng. Quan hệ hợp tác song phương, nhất là với các đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu, do đó chúng ta đã tranh thủ mở rộng hơn sự hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, tranh thủ đầu tư, xử lý tốt các vấn đề tồn tại hoặc mới nảy sinh trong quan hệ giữa ta và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ưu tiên hàng đầu của ta là luôn chú trọng củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng ở Đông - Nam Á, đặc biệt là đối với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, nhằm đưa lại những phát triển mới đi vào chiều sâu, có chất lượng hơn và hiệu quả hơn.

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển tốt đẹp với việc tăng cường các cuộc trao đổi đoàn cấp cao qua lại thường xuyên. Nổi bật là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sau Đại hội Đảng lần thứ X và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 15 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thăm chính thức nước ta và dự Hội nghị Cấp cao APEC 14. Nhân các chuyến thăm này, hai bên một lần nữa khẳng định tiếp tục phát triển và đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Trung Quốc mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, quan tâm thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế lớn ở Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu thêm hàng Việt Nam để giúp Việt Nam từng bước giảm nhập siêu hàng Trung Quốc. Hai bên nhất trí đề ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 15 tỉ USD vào năm 2010; thỏa thuận thúc đẩy triển khai chương trình hợp tác "Hai hành lang, một vành đai kinh tế". Trung Quốc hiện đã đầu tư tại 39 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Việt Nam cũng đang triển khai một số dự án đầu tư khá lớn sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, như dự án xây dựng "Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn" với vốn đầu tư là 710 triệu USD, dự án "Hiện đại hóa tín hiệu giao thông đường sắt từ thành phố Vinh đến thành phố Hồ Chí Minh" với số vốn là 62 triệu USD. Hai bên đang xúc tiến thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc và có kế hoạch thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong các lĩnh vực khác liên quan đến lợi ích hai nước; đề xuất các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc trên đất liền để có thể hoàn thành vào năm 2008. Tính đến tháng 9-2006 hai bên đã xác định được vị trí 972/1.532 mốc, trong đó đã xây dựng được 824 mốc, phân giới được 766,8 km/1.406 km đường biên giới. Hai bên cũng đã tiến hành các cuộc tuần tra chung và nghiên cứu nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ và bắt đầu tiến hành đàm phán về việc phân định khu vực ngoài của Vịnh Bắc Bộ và trao đổi về hợp tác cùng phát triển ở khu vực này.

Chuyến thăm chính thức Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn, của Thủ tướng Lào Bua-xỏn Bup-phả-văn đã củng cố, tăng cường thêm tình hữu nghị truyền thống, quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên đã tiến hành cuộc họp thường niên giữa hai Bộ Chính trị, cuộc họp của Ủy ban hợp tác liên Chính phủ, qua đó đã nhất trí nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; đồng thời dành sự ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau phù hợp với tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào. Thời gian qua, quan hệ hai nước đã có bước phát triển mới, hiệu quả hơn, nhất là trong quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, giao thông - vận tải và phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam là nước có lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Lào, chiếm khoảng trên 500 triệu USD số vốn đăng ký. Việt Nam và Lào đang tích cực triển khai dự án về tăng độ dày và tôn tạo hệ thống cột mốc biên giới. Việc Việt Nam, Lào cùng với Trung Quốc ký Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa ba nước là thành công có ý nghĩa quan trọng.

Việt Nam đã cùng Cam-pu-chia tiếp tục tăng cường hữu nghị và hợp tác theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"; thực hiện trao đổi các chuyến thăm hữu nghị của các đoàn cấp cao giữa hai nước. Qua các chuyến thăm này và tại phiên họp thứ 8 của ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Cam-pu-chia, hai bên đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, an ninh, quốc phòng, trồng và chế biến cao su, khai thác tài nguyên môi trường và khí tượng thủy văn, công nghiệp và năng lượng, hàng không, ngân hàng, du lịch, lao động, hải quan v.v.. Hai bên quyết tâm nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 2 tỉ USD vào năm 2010. Việc tổ chức "Cuộc gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Cam-pu-chia" vào đầu tháng 10-2006 tại thành phố Hồ Chí Minh, một hoạt động hữu nghị nhân dân giữa hai nước có quy mô lớn nhất này trong vòng 15 năm qua, đã làm cho quan hệ hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước đạt bước phát triển mới. Cam-pu-chia đã cùng Việt Nam phối hợp tốt trong việc xử lý thỏa đáng vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên chạy sang Cam-pu-chia. Đồng thời trong năm qua hai bên đã tích cực triển khai Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, khẳng định quyết tâm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền vào năm 2008. Hai bên đã tổ chức khánh thành cột mốc biên giới đầu tiên tại cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vẹt.

Mặc dù tình hình một số nước ASEAN có những diễn biến phức tạp nhưng chúng ta luôn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của bạn và vẫn tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ với tất cả các nước trong ASEAN. Thủ tướng Phan Văn Khải đã đi thăm chính thức In-đô-nê-xi-a (3-2006) và Tổng thống In-đô-nê-xi-a đánh giá cao vai trò của Việt Nam và muốn cùng Việt Nam đóng vai trò trụ cột trong hợp tác ASEAN. Nhân dịp đón Thủ tướng mới của Thái Lan sang thăm, chúng ta đã khẳng định chính sách của Việt Nam mong muốn củng cố và phát triển quan hệ hai nước. Phía Thái Lan cũng mong muốn nâng quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược. Việc tòa án sơ thẩm Thái Lan phán quyết dẫn độ Lý Tống về Việt Nam thể hiện thiện chí của bạn và là một thắng lợi bước đầu của ta. Việt Nam và Ma-lai-xi-a đang xây dựng Chương trình hành động giai đoạn 2006 - 2010 nhằm thực hiện Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI. Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long trước khi sang dự Hội nghị Cấp cao APEC 14 cũng đã có chuyến thăm Việt Nam dự kỷ niệm 10 năm thành lập Khu công nghiệp Bình Dương và đã chủ động nêu các kiến nghị mới quan trọng để triển khai sáng kiến kết nối hai nền kinh tế. Chúng ta đã đón tiếp trọng thị Thái tử Bru-nây thăm Việt Nam và Quốc vương Bru-nây tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 14, đã cùng Mi-an-ma tiến hành cuộc tham khảo chính trị thường kỳ cấp thứ trưởng ngoại giao. Ngoài ra, Việt Nam đã cùng Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Bru-nây, Thái Lan tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã đạt được về phân định, hợp tác khai thác, thăm dò và phối hợp tuần tra tại các vùng biên liên quan. Đồng thời chúng ta đã kịp thời có những biện pháp xử lý thỏa đáng các vấn đề phức tạp nảy sinh liên quan tới biên giới, lãnh thổ với các nước ở Đông-Nam Á nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không để các vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước ta và các nước trong khu vực.

Quan hệ giữa nước ta với các nước lớn và các nước công nghiệp phát triển có những bước phát triển tốt.

Sự kiện nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ năm nay là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống G.W.Bu-sơ. Chuyến thăm này diễn ra nhân dịp Tổng thống G.W.Bu-sơ cùng hàng trăm doanh nhân Mỹ đến Việt Nam tham dự Tuần lễ Hội nghị Cấp cao APEC 14, sau khi Mỹ rút Việt Nam khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC) và trước khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bước sang một thời kỳ mới, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn giữa hai nước. Cùng với sự cải thiện trong quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2006, kim ngạch buôn bán giữa hai nước có thể đạt 9 tỉ USD. Điều quan trọng là nhiều tập đoàn công ty lớn của Mỹ tỏ ra rất quan tâm đến việc buôn bán, đầu tư ở Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Microsoft B.Ghết đã thăm Việt Nam, tập đoàn công nghệ viễn thông Intel quyết định đầu tư dự án trị giá 1 tỉ USD tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nối lại đối thoại với Mỹ về vấn đề nhân quyền sau 3 năm gián đoạn, chúng ta tiếp tục giữ vững nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh chống lại các hoạt động của các thế lực núp dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền" hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đồng thời chúng ta có thái độ khôn khéo, mềm mỏng trong việc xét xử bọn phản động Nguyễn Hữu Chánh, không để cho những sự kiện như vậy ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Việt Nam rất chú ý phát triển quan hệ với Nhật Bản. Nhật Bản cũng rất coi trọng vai trò của Việt Nam ở Đông - Nam Á, đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản và Thủ tướng mới của Nhật Bản S.A-be đã quyết định thăm chính thức Việt Nam chỉ một tháng sau chuyến thăm của Thủ tướng nước ta đến Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản đã thỏa thuận nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới hướng tới xây dựng "đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á", trao đổi việc thành lập Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ở cấp bộ trưởng, nhất trí việc bắt đầu các cuộc thảo luận về Hiệp định đối tác kinh tế song phương vào đầu năm 2007, đẩy mạnh sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỉ USD sau năm 2010. Phía Nhật Bản tiếp tục khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, ghi nhận và hứa sẽ xem xét một cách nghiêm túc những đề nghị của Việt Nam về việc hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án xây dựng tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phát triển khu công nghiệp cao Hòa Lạc. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch, lao động, môi trường; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế.

Quan hệ giữa Việt Nam và EU tiếp tục phát triển tốt trên cơ sở thực hiện kế hoạch tổng thể quan hệ Việt Nam - EU. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Ủy ban châu Âu và Bỉ nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEM 6 tại Phần Lan và đã ký được nhiều thỏa thuận quan trọng. EU là một trong những đối tác đạt được thỏa thuận kết thúc đàm phán đa phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Hai bên nhất trí bắt đầu đàm phán về Hiệp định hợp tác mới thay thế Hiệp định khung hợp tác ký năm 1995, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, thiết lập cơ chế trao đổi ý kiến hằng năm giữa Cao ủy phụ trách đối ngoại EU và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Trong năm qua, nhiều đoàn cấp cao các nước EU đã sang thăm Việt Nam và đã cam kết tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam. EU đã cam kết viện trợ 160 triệu ơ-rô/năm trong giai đoạn 2007 - 2013; Pháp hứa cấp 1,4 tỉ ơ-rô cho giai đoạn 2006 - 2010; Anh: 500 triệu USD trong 5 năm tới, Đan Mạch: 67 triệu USD/năm cho đến 2010; Hà Lan: 60 triệu USD/năm trong giai đoạn 2006 - 2008. Trước việc EU áp thuế bán phá giá đối với mặt hàng giày mũi da của Việt Nam, chúng ta đã triển khai các biện pháp vận động nhằm đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ta, đồng thời tiếp tục chủ động trong đấu tranh với EU về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo v.v..

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga năm 2006 có nhiều khởi sắc. Đầu năm 2006, Thủ tướng Nga lần đầu tiên thăm Việt Nam và cuối năm Tổng thống V.Pu-tin thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ 2 của Tổng thống Pu-tin nhân dự Hội nghị Cấp cao APEC 14. Phía Nga cũng đánh giá cao chuyến thăm chính thức Nga của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước qua chuyến thăm nói trên đã đưa quan hệ hai nước lên một bước mới có thực chất và hiệu quả hơn. Năm nay, hai nước cũng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên doanh Việt - Nga về dầu khí.

Quan hệ giữa Việt Nam với Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân tiếp tục được phát triển thành đối tác tin cậy. Sự hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả, quan hệ hữu nghị được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua mong muốn của cả hai bên phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư, hợp tác giáo dục - đào tạo. Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a và Thủ tướng Niu Di-lân đã tham dự Hội nghị APEC 14 và tỏ ý rất hài lòng về sự đón tiếp của ta với tư cách là nước chủ nhà Hội nghị.

Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường với các nước bạn bè truyền thống cũng như tất cả các nước đang phát triển.

Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 14 của Phong trào không liên kết được tổ chức tại Cu-ba, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã gửi lời thăm hỏi sức khỏe Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và đã có cuộc hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cu-ba. Chúng ta khẳng định sự ủng hộ đối với Cu-ba chống chính sách thù địch của Mỹ và tiếp tục sự hợp tác với Cu-ba về các mặt. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2006 có thể đạt 280 triệu USD. Ngoài ra, trong năm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã thăm và trao đổi với lãnh đạo Quốc hội Cu-ba về việc hợp tác giữa hai nước và hai Quốc hội. Ta cũng đã đón tiếp nhiều đoàn của bạn sang thăm nước ta.

Đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chúng ta tiếp tục khẳng định vấn đề này phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua việc nối lại cuộc đàm phán 6 bên. Mặt khác, chúng ta chủ động có các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Năm 2006, chúng ta đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Âu, như đón Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện Séc, Tổng thống Xlô-va-ki-a, Thủ tướng Bun-ga-ri, Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện Bê-la-rút và nhiều đoàn quan trọng khác. Séc đã ký với Việt Nam Hợp đồng tài trợ dự án Nhà máy xi-măng Phú Sơn - Ninh Bình, ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác và phát triển, và, hỗ trợ đầu tư cho 7 dự án khác. Ta cũng đã ký với Xlô-va-ki-a Hiệp định hợp tác kinh tế. Ba Lan dự kiến cung cấp cho chúng ta 290 triệu USD để phát triển ngành đóng tàu, tiếp tục hỗ trợ trùng tu cố đô Huế. Với Bê-la-rút, chúng ta cũng đã ký Tuyên bố chung, một số hiệp định và thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, tiêu chuẩn và đo lường, hàng không, kiểm toán...

Quan hệ giữa nước ta với các nước châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh cũng có nhiều bước phát triển mới. Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã đến Ai-cập dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu, thăm Ai-cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã thăm Tan-da-ni-a, Nam Phi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh đã dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 114 tổ chức tại Kê-ni-a... Năm 2006, chúng ta đã đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo châu Phi sang thăm, như Thủ tướng Tan-da-ni-a, Phó Thủ tướng Li-bi, Tổng thống Bê-nanh... Chúng ta đã mở rộng hoạt động giao tiếp với các nước Nam Mỹ thông qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết. Hai bên đã thỏa thuận xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, thành lập ủy ban hợp tác liên Chính phủ, Vê-nê-xu-ê-la sẵn sàng đóng góp 200 triệu USD thành lập Quỹ thúc đẩy các dự án và tham gia vào dự án nhà máy lọc dầu thứ hai ở Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã thăm chính thức một loạt nước Nam Mỹ như Bra-xin, Ac-hen-ti-na, Vê-nê-xu-ê-la, Cu-ba... Lần đầu tiên Thủ tướng Xri Lan-ca thăm chính thức Việt Nam, ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, bày tỏ mong muốn hai bên sớm mở cơ quan đại diện ngoại giao và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và du lịch.

Hoạt động ngoại giao nhân dân trong năm qua được triển khai tích cực theo phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả" nhằm tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho công cuộc xây dựng đất nước và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh nhằm chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tích cực vận động bạn bè quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và giải quyết các vấn đề gây ra do hậu quả của chiến tranh. Tổng viện trợ của các tổ chức phi chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2006 đạt khoảng 75 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2005.

Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thu được những kết quả tốt. Chúng ta tiếp tục triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị bằng những chính sách và biện pháp cụ thể để tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của bà con Việt kiều hướng về xây dựng đất nước. Chúng ta đã tổ chức thành công "Hội nghị phát huy tiềm năng của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong sự nhiệp xây dựng phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế". Chúng ta cũng đang chuẩn bị hoàn chỉnh nhiều biện pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa về xuất nhập cảnh, cư trú cho bà con Việt kiều. Ngoài ra, chúng ta đã kịp thời triển khai hàng hoạt biện pháp, phối hợp với Tổ chức Di tản quốc tế (IOM) để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài.