Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
TCCS - Là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, giáo dục đại học ở Việt Nam luôn được cả xã hội quan tâm. Trong hơn 35 năm đổi mới, giáo dục đại học đã đạt được những thành tựu không nhỏ, song cũng còn những hạn chế, tồn tại. Do đó, đổi mới hệ thống giáo dục đại học đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tính cấp thiết đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam
Xét về mặt lịch sử, tính từ khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra đời (năm 1070), giáo dục đại học Việt Nam đã có bề dày trên cả ngàn năm. Sự nghiệp giáo dục đại học hình thành sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) cũng đã trải qua hơn 75 năm phát triển. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và giáo dục phải được ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Để đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Từ đó đến nay, công cuộc đổi mới giáo dục đại học được tiến hành ở Việt Nam với mục tiêu là tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, giáo dục đại học Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Sự cần thiết phải đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam được quy định bởi tình hình phát triển của đất nước và xu thế chung của thế giới. Ở trong nước, công cuộc đổi mới đã diễn ra được hơn 35 năm và ngày càng đi vào chiều sâu. Yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu và sự cần thiết tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao đòi hỏi giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và nhanh chóng góp phần đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Nếu không có sự đổi mới thì dẫn đến nguồn nhân lực kém chất lượng và sẽ là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực, chủ động hội nhập quốc tế bởi thấy rõ tính khách quan của tiến trình này trong sự phát triển của nhân loại. Vì thế, sau khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội vào năm 1996, Việt Nam đã từng bước chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trong mọi lĩnh vực. Để có những “công dân toàn cầu”, đủ sức cạnh tranh trong thị trường nhân lực thế giới thì tất yếu phải đổi mới giáo dục đại học theo hướng vừa giữ được những nét đặc thù của giáo dục đại học trong nước, vừa tiệm cận các chuẩn mực chung của giáo dục đại học thế giới. Như vậy, nhu cầu phát triển nội tại của Việt Nam đòi hỏi giáo dục đại học phải có sự “chuyển mình” mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, nhu cầu thay đổi giáo dục đại học còn xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dưới tác động của cuộc cách mạng này, kiến thức chuyên môn bị lạc hậu rất nhanh, tri thức mới và thông tin khoa học sẽ được tạo ra với cấp số nhân và có thể lưu giữ bằng những phương tiện rất gọn nhẹ. Trong môi trường “số hóa”, giáo dục đại học sẽ được thay đổi mạnh mẽ từ triết lý, mục tiêu giáo dục đến vai trò của người thầy, từ phương pháp dạy học đến vị trí “trung tâm” của người học... Do đó, đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục đại học nói riêng là một xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó. Hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia thực chất chính là cuộc cạnh tranh về nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ, cho nên, suy cho cùng, đây chính là sự cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố quyết định cơ hội phát triển.
Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra
Sau hơn 8 năm thực hiện chủ trương đổi mới, giáo dục đại học ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Trước hết, Việt Nam đã từng bước thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới giáo dục thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, trong hai năm 2018 và 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (năm 2018) và Luật Giáo dục (năm 2019) do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo đã được Quốc hội thông qua và từng bước đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học được trải rộng khắp các miền đất nước, tạo điều kiện nâng cao tính công bằng trong việc tiếp cận loại hình giáo dục đại học của người dân.
Về công tác quản trị, điều hành hệ thống giáo dục đại học, Việt Nam đã từng bước tăng cường quyền tự chủ của các trường đại học. Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Năm 2019, giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới (tăng 12 bậc so với năm 2018). Công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng ngày càng đi vào nền nếp. Tính đến ngày 31-12-2020, có 149 cơ sở giáo dục đại học và 9 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (chiếm khoảng 55% tổng số các trường đại học trong cả nước), trong đó có 7 trường đại học đã được công nhận bởi các tổ chức, kiểm định quốc tế. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam có 3 trường đại học được xếp trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội); 8 trường đại học của Việt Nam đã được đưa vào danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á.
Sự thăng tiến về thứ hạng của các trường đại học đi đôi với sự tăng cường về chất lượng của đội ngũ giảng viên theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, việc công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ không bắt buộc phải có bài báo công bố quốc tế thì từ năm 2018, quy chế mới đòi hỏi ứng viên phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục các tạp chí có uy tín như ISI hoặc Scopus... Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam được công bố trên hệ thống ISI/ Scopus là 12.475 bài, đứng thứ 49 trên thế giới (tăng 2,7 lần so với năm 2015)(1). Tính đến năm 2020, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam là 6%, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 22,7%.
Trong các trường đại học, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số từng bước được triển khai phục vụ cho công tác dạy và học. Năm học 2020 - 2021, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tất cả các trường đại học đã tiến hành dạy trực tuyến, nhờ đó, việc dạy và học vẫn được bảo đảm chất lượng và kết thúc đúng thời hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Nhìn chung, giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”(2). Vấn đề đặt ra hiện nay là, những hạn chế, yếu kém phải được nhận thức sâu sắc để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục nhằm đưa giáo dục đại học Việt Nam lên một tầm cao mới.
Thứ nhất, các trường đại học ở Việt Nam thường được tổ chức theo hệ thống đại học chuyên ngành, như Đại học Thủy lợi, Đại học Y, Đại học Dược, Đại học Kinh tế tài chính, Đại học Ngoại thương... Mặc dù đã bắt đầu mở đa ngành, nhưng về cơ bản, đây vẫn là đại học chuyên ngành. Chương trình giáo dục vẫn “nặng” về lý thuyết, “nhẹ” về thực hành và vận dụng kiến thức.
Thứ hai, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thiếu sự gắn kết với thị trường lao động. Hiện nay, nhiều trường đại học mới chỉ cung cấp những gì mình có, chứ chưa phải những gì xã hội cần. Đó là một trong những lý do khiến năm 2020, Việt Nam có 225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc chấp nhận làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo, gây ra một sự lãng phí rất lớn. Theo kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp” (bộ tiêu chí để đánh giá là kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và kỹ năng nghề nghiệp), chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15% ở mức khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở mức độ không đạt(3).
Thứ ba, về phương pháp và hình thức dạy học, nhiều trường đại học chưa tiếp cận phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, người thầy vẫn đóng vai trò chủ đạo, người học vẫn rất thụ động và sự tương tác giữa thầy và trò không nhiều. Tình trạng “quá tải” về kiến thức và thay đổi giáo trình liên tục cũng là hậu quả của cách dạy thiên về cung cấp kiến thức cụ thể, trong khi những kiến thức này không ngừng được bổ sung. Mặc dù trong những năm gần đây, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các trường đại học đã bắt đầu giảng dạy theo chương trình tín chỉ như ở các nước trên thế giới, tuy nhiên, về thực chất vẫn chưa thực sự đổi mới so với phương pháp giảng dạy trước đây, chưa khác nhiều cách dạy ở các cấp giáo dục phổ thông. Cụ thể là, tính chủ động của sinh viên chưa được phát huy; phương pháp giáo dục, kiểm tra và đánh giá còn lạc hậu, thiếu thực chất; việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức... Đây là điểm chưa hợp lý, bởi mục tiêu của giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là khác nhau. Giáo dục phổ thông là trang bị tri thức nền và rèn luyện những phẩm chất cơ bản cho người học. Giáo dục đại học là rèn luyện kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo, là dạy cách học, cách nghiên cứu. Do đó, phải nhanh chóng khắc phục tình trạng “thầy đọc, trò chép” ở bậc đại học hiện nay.
Thứ tư, giáo dục đại học Việt Nam tương đối “khép kín”, chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Ngay cả trong nước, mặc dù được đặt dưới sự quản lý chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trên thực tế khả năng liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn hạn chế. Các trường đại học và các chuyên ngành ít thừa nhận kết quả đào tạo của nhau nên người học gặp nhiều khó khăn khi chuyển trường, chuyển ngành học. Việc liên thông kiến thức giữa cơ sở giáo dục đại học trong nước và nước ngoài lại càng khó khăn hơn do có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo (trừ các chương trình liên kết quốc tế theo thỏa thuận). Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới chưa công nhận văn bằng, chứng chỉ đại học do Việt Nam đào tạo; do đó, người Việt Nam rất khó khăn khi muốn ra nước ngoài tiếp tục học tập hay định cư, công tác.
Thứ năm, dù đã có chuyển biến trong thời gian gần đây nhưng số lượng các công bố quốc tế của các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực. Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, số lượng và chất lượng các công trình công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế đã trở thành thước đo quan trọng về chất lượng giáo dục đại học ở các quốc gia. Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ, nhưng số lượng công bố quốc tế còn khá hạn chế, chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp hơn so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore...
Thứ sáu, tự chủ đại học dù đã trở thành chủ trương lớn nhưng việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các trường đại học còn chưa rõ ràng. Ngày 24-10-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/NQ-CP, “Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017”, nhưng đến nay vẫn thiếu các hành lang pháp lý cụ thể để thực hiện. Vai trò của hội đồng nhà trường trong các trường đại học còn mờ nhạt; vai trò các cơ quan quản lý của Nhà nước vẫn còn rất lớn trong nhiều nội dung, hoạt động của nhà trường, như bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, biên chế, mức lương, định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học...
Hạn chế của giáo dục đại học ở Việt Nam còn thể hiện qua một số vấn đề khác, như xu hướng thương mại hóa giáo dục, thiếu cơ sở vật chất, sự đãi ngộ chưa thỏa đáng đối với những người làm công tác giáo dục đại học...
Giải pháp thúc đẩy tiến trình đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam
Để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, phải thay đổi triết lý giáo dục đại học. Thực tiễn cho thấy, muốn “con tàu” giáo dục tiến lên thì trước hết cần phải có một triết lý giáo dục phù hợp. Đó là những nguyên lý nền tảng chỉ đạo toàn bộ việc xác lập mục tiêu, nội dung, phương pháp thực hiện hoạt động giáo dục được đúc kết bằng những câu nói ngắn gọn. Cần chuyển nền giáo dục lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang một nền giáo dục dạy kỹ năng, dạy cách tự học, cách tư duy làm chủ yếu. Trong quy trình dạy học đó, sinh viên đóng vai trò chủ động; giảng viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho sinh viên cách thu nhận kiến thức và hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc khi cần thiết. Đi theo sự đổi mới này là hàng loạt các thay đổi căn bản, từ chương trình khung đến giáo trình và phương pháp giảng dạy... Nền giáo dục ngày nay là nền giáo dục khai phóng nên giảng viên phải chuyển từ dạy tri thức sang dạy cách học, dạy cách tư duy. Do đó, người thầy không nên “nhồi nhét” kiến thức, mà phải trang bị cho người học thói quen “hoài nghi khoa học”, năng lực phản biện các tri thức có sẵn và sáng tạo ra những tri thức mới. Cũng phải thay đổi một cách căn bản hệ thống đánh giá từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực. Các trường đại học phải cam kết “chuẩn đầu ra” phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của xã hội, chứ không phải “chuẩn đầu ra” do trường, cụ thể hơn nữa là do giáo viên tự xác định. Để giáo dục đại học Việt Nam gắn kết với nhu cầu xã hội thì giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ hơn với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động.
Hai là, tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, bắt đầu từ những trường lớn, trọng điểm. Mặc dù Luật Giáo dục Việt Nam đã quy định trường đại học có quyền tự chủ trong 5 lĩnh vực: (1) Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy; (2) Tổ chức tuyển sinh đào tạo, công nhận tốt nghiệp; (3) Tổ chức bộ máy phục vụ cho quá trình giảng dạy; (4) Hoạt động, quản lý, sử dụng mọi nguồn lực; (5) Hợp tác trong và ngoài nước..., nhưng mức độ tự chủ thì chưa được quy định cụ thể. Để tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, các cơ quan nhà nước, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần đổi mới phương thức quản lý theo hướng chỉ đóng vai trò là cơ quan “tài phán”, định hướng hoạt động của các trường theo đúng luật, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học hoạt động độc lập, tự chủ. Tăng cường quyền tự chủ, đồng thời, đề cao tính tự chịu trách nhiệm để giảm nguy cơ tùy tiện, giảm sút chất lượng, chạy theo lợi ích trước mắt.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục đại học. Chất lượng của hệ thống giáo dục đại học luôn gắn chặt với chất lượng của đội ngũ giảng viên. Để xây dựng, phát triển đội ngũ này, cần có quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, có chính sách thu hút các sinh viên giỏi ở lại trường làm công tác giảng dạy. Tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế tham gia vào việc giảng dạy, nghiên cứu của các trường đại học trong nước. Bên cạnh đó, cần có những người làm công tác quản lý giáo dục đủ tâm, đủ tầm, đủ tài để sử dụng đúng người, giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong giáo dục đại học theo tinh thần dân chủ. Cải thiện chế độ, chính sách đãi ngộ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, vì đến nay, nghề giáo vẫn là nghề có thu nhập thấp trong xã hội. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông để xã hội thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ nhà giáo và giữ gìn truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của văn hóa Việt Nam.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về đào tạo đại học. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các quy định khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam; khuyến khích và tạo điều kiện để các trường đại học quốc tế hàng đầu mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Hiện nay, một số trường đại học nước ngoài đã mở chi nhánh hoặc liên kết với Việt Nam, như Đại học RMIT (Úc), Đại học Việt - Nhật, Đại học Công nghệ Swinburne (Úc) liên kết với tập đoàn FPT Việt Nam, Đại học Staffordshire (Anh) liên kết với British University Việt Nam (BUV)... Bên cạnh đó, tạo cơ hội để sinh viên tham gia các chương trình trao đổi hoặc du học tại chỗ, mở các cuộc hội thảo, tọa đàm quốc tế về chuyên môn và phương pháp giảng dạy đại học để nâng cao tính học thuật, kỹ năng dạy học tiên tiến cho đội ngũ giảng viên. Có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học tích cực công bố kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm khoa học quốc tế có uy tín, coi đó là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công tác nghiên cứu khoa học của các trường đại học và các giảng viên.
Năm là, tiếp tục đẩy nhanh quá trình “chuyển đổi số” trong giáo dục đại học. Triển khai xây dựng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, đẩy mạnh kỹ năng và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống trao đổi văn bản điện tử, chữ ký số liên thông giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với cơ sở giáo dục, cá nhân có liên quan... để giảm bớt các thủ tục phiền hà cho các đối tượng tham gia vào hoạt động giáo dục đại học./.
--------------------
(1) Thùy Linh: “6 thành tựu ngành giáo dục trong năm học 2019 - 2020”, Báo Giáo dục Việt Nam điện tử, https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/6-thanh-tuu-nganh-giao-duc-trong-nam-hoc-2019-2020-post213361.gd, ngày 31-10-2020
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 82 - 83
(3) Hà Bình: “Doanh nghiệp chấm điểm sinh viên: Lý thuyết, thực hành đều yếu”, Báo Tuổi trẻ điện tử, https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-cham-diem-sinh-vien-ly-thuyet-thuc-hanh-deu-yeu-608573.htm, ngày 22-5-2014
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo ở các trường quân đội hiện nay  (04/05/2022)
Thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ đơn vị quản lý học viên ở nhà trường quân đội hiện nay  (19/04/2022)
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực ở tỉnh Quảng Ngãi  (27/02/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay