Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực ở tỉnh Quảng Ngãi
TCCS - Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung, các tỉnh, thành phố nói riêng. Tỉnh Quảng Ngãi đang trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, nên vai trò của giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực lại càng quan trọng. Trong nhiều năm qua, công tác này đã được tỉnh quan tâm đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên vẫn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém, cần có các giải pháp toàn diện để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thực trạng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ngãi
Nhận thức được vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều đề án, kế hoạch về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; nhờ đó, công tác này đã có những bước tiến đáng kể, từ giáo dục phổ thông đến đào tạo đại học và giáo dục - đào tạo nghề.
Đối với giáo dục phổ thông, tính đến năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo với kết quả nổi bật: số nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn (so với tổng số giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục) ở bậc mầm non đạt 60%, bậc tiểu học: 55,14%, bậc trung học cơ sở: 40,87%, bậc trung học phổ thông: 35%. Hiện toàn ngành có 2 tiến sĩ, 115 thạc sĩ(1). Sự phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bậc phổ thông góp phần quan trọng nâng cao trình độ học vấn cho nguồn nhân lực.
Đối với bậc đào tạo đại học, cao đẳng, tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 3 trường đại học: Đại học Phạm Văn Đồng, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - Phân hiệu Quảng Ngãi, Đại học Tài chính - Kế Toán; 2 trường cao đẳng chuyên nghiệp: Cao đẳng Quảng Ngãi và Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm. Các trường đại học trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, sư phạm, khoa học - kỹ thuật. Tính từ năm 2010 đến nay, các trường đại học đã và đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh và cấp trường. Nghiên cứu khoa học của các trường từng bước đi vào chiều sâu, có khả năng ứng dụng, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh và khu vực thời gian qua.
Tính đến năm 2020, tổng số cán bộ, viên chức của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 857 người, riêng đội ngũ cán bộ giảng dạy là 676 người, trong đó có 1 phó giáo sư, 96 giảng viên chính, 580 giảng viên, 27 tiến sĩ, 512 thạc sĩ. Hằng năm, các trường cử trên 500 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước. Để giáo dục đại học tiếp tục phát triển, đào tạo ngày càng nhiều nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ngãi xúc tiến mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, mở thêm ngành học mới; tăng cường công tác liên kết với nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước.
Trong giáo dục - đào tạo nghề, bên cạnh chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng nhiều đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với nhiều sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 308/QĐ-UBND, ngày 30-12-2015, phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030". Với việc triển khai thực hiện Đề án trên, trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác đào tạo nguồn nhân lực có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được tăng cường, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề được nâng cao; quy mô, chất lượng đội ngũ lao động lành nghề được nâng lên.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề được chú trọng, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm và nhận thức của cán bộ, công chức về công tác đào tạo nghề. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề tăng từ 863 người năm 2015 lên 1.708 người vào năm 2020; trong đó, cán bộ quản lý: 360 người; giáo viên cơ hữu: 758 người, giáo viên thỉnh giảng: 590 người. Về chất lượng, trình độ tiến sĩ: 9 người (chiếm 0,5%); thạc sĩ: 192 người (11,2%), đại học: 744 người (43,6%); cao đẳng, cao đẳng nghề: 535 người (31,3%); trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, công nhân kỹ thuật và trình độ khác: 228 người (13,4%). Có trên 70% số giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định, trong đó giáo viên dạy nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh cơ bản được chuẩn hóa, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội(2).
Được sự quan tâm và hỗ trợ kinh phí từ Trung ương và địa phương, trong 5 năm (2011 - 2015), Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề kỹ thuật chất lượng cao của tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở dạy nghề. Số lượng và chất lượng tay nghề của người lao động được nâng cao, tỷ trọng lao động được đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề kỹ thuật trình độ cao nói riêng tăng từ 30,5% năm 2015 lên 41% năm 2018 và đạt 55% vào năm 2020. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 75% trở lên. Có thể khẳng định, sự phát triển của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, việc quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề.
Bên cạnh công tác đào tạo đại học, cao đẳng và đào tạo nghề, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ công chức, viên chức. Từ năm (2011 - 2020), tỉnh đã cử đi đào tạo 27 tiến sĩ, 469 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 36 người và bác sĩ chuyên khoa I là 151 người; phối hợp với các cơ sở đào tạo đại học tổ chức mở và đào tạo trình độ đại học cho 1.327 người; trong đó, đào tạo trung cấp chuyên môn và lý luận chính trị cho 714 người. Ngoài ra, tỉnh còn cử 4 sinh viên tốt nghiệp đại học xếp loại khá, giỏi đi học thạc sĩ ở nước ngoài(3).
Trong 5 năm (2015 - 2020), toàn tỉnh đã bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho 51.857 lượt cán bộ, công chức, viên chức ở trong nước và 300 người ở nước ngoài, gồm các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, kiến thức về xây dựng, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, nghiệp vụ văn thư, lưu trữ; bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng,… Đối với cán bộ, công chức xã, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho 6.312 người. Đến năm 2020, có khoảng 90% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn quy định; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc huyện đồng bằng, hải đảo tốt nghiệp cao đẳng chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã thuộc các huyện miền núi tốt nghiệp trung cấp chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị trở lên(4).
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp trong những năm qua được tỉnh quan tâm đúng mức; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực và tăng lên rõ rệt; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt chuẩn về ngạch, chức danh theo quy định chiếm tỷ lệ cao; số người được đào tạo sau đại học tăng đáng kể qua các năm. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học tăng nhanh, đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định ngày càng cao. Thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt, góp phần tham mưu xây dựng và thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ngãi còn không ít hạn chế, yếu kém:
Một là, chất lượng giáo dục phổ thông chưa bền vững, học sinh có học lực yếu chiếm tỷ lệ cao, nhưng ngành giáo dục chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở; chưa phát huy hết chức năng của các thiết bị giáo dục đã được cung ứng; giáo viên chậm đổi mới phương pháp, còn nặng về truyền thụ lý thuyết…
Hai là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế, yếu kém. Phần lớn các trường, kể cả ở bậc phổ thông lẫn bậc đào tạo chuyên nghiệp chỉ chú trọng vào từ vựng và ngữ pháp. Kết quả là, sau khi học xong trung học cơ sở và trung học phổ thông (7 năm), lên bậc chuyên nghiệp (từ 2 - 7 năm tùy theo trình độ đào tạo), nhưng khả năng ngoại ngữ của nhiều học sinh, sinh viên rất yếu, thậm chí không thể giao tiếp, dù là giao tiếp thông thường.
Ba là, mất cân đối giữa đào tạo thợ, đào tạo công nhân kỹ thuật với đào tạo cao đẳng, đại học. Cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp cho một tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; trình độ, năng lực của lực lượng lao động qua đào tạo còn bất cập. Công tác đào tạo nghề phát triển khá nhanh, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Công tác dạy nghề phát triển chưa có quy hoạch cụ thể, quy mô của các cơ sở dạy nghề còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ; phần lớn trang thiết bị dạy nghề, đặc biệt là trang thiết bị của các trường ngoài công lập vừa thiếu, vừa lạc hậu. Đội ngũ giáo viên sư phạm kỹ thuật chưa đồng bộ, tỷ lệ giáo viên dạy nghề có trình độ sau đại học, đặc biệt là trình độ tiến sĩ trở lên còn thấp. Hệ thống đào tạo nghề được đặt dưới sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau nên vừa manh mún, vừa phân tán, lại vừa chồng chéo. Phương thức đào tạo tồn tại nhiều bất cập. Đào tạo lý thuyết nhiều hơn tay nghề nên các doanh nghiệp sau khi tuyển dụng lại phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn để đào tạo lại. Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo nói chung, đào tạo nghề kỹ thuật chất lượng cao của tỉnh nói riêng còn hạn chế.
Bốn là, bậc đào tạo cao đẳng, đại học chủ yếu vẫn tập trung vào giảng dạy lý thuyết, chưa chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Trình độ của đội ngũ giảng viên bậc đại học, cao đẳng còn hạn chế. Cụ thể là, trong số 676 cán bộ giảng dạy chỉ có 1 phó giáo sư, 96 giảng viên chính và 30 tiến sĩ. Các trường đại học ở tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu mới được thành lập hoặc mới được nâng cấp trong những năm gần đây nên vẫn chưa có bộ giáo trình đầy đủ cho sinh viên, dẫn đến việc phải “học chay” hoặc học theo giáo trình của trường khác, trong khi yêu cầu đặc thù của từng trường lại không giống nhau.
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ngãi trong tình hình mới
Thứ nhất, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục - đào tạo.
Nội dung, chương trình cần được đổi mới theo hướng tinh giản, nhưng hiện đại. Việc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục theo hướng hiện đại trong bối cảnh hiện nay trên cơ sở có tỷ lệ hợp lý giữa kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên sâu gắn liền với nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng; phát triển tư duy sáng tạo nhằm hướng người học không chỉ dừng lại ở tiếp thu tri thức mà còn tiến tới sáng tạo tri thức mới; đồng thời, khuyến khích người học cập nhật và mở rộng kiến thức chuyên sâu thông qua các sách tham khảo, chuyên khảo. Đổi mới, hiện đại hóa chương trình đào tạo đại học, đào tạo nghề, chuyển mạnh từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Thực hiện tốt đào tạo theo học chế tín chỉ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Các trường đại học trong tỉnh cần xây dựng hệ thống giáo trình, sách giáo khoa chuẩn có chất lượng cao, biên soạn theo quan điểm mới đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, phù hợp với điều kiện, đặc điểm và trình độ của sinh viên từng trường. Mỗi đối tượng khác nhau phải có chương trình đào tạo khác nhau. Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm khắc phục tình trạng phải “học chay” hoặc mượn giáo trình từ những trường khác trong thời gian qua.
Giáo dục - đào tạo phải chú ý đến việc giảng dạy tin học, công nghệ thông tin và tiếng Anh. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo sẽ tạo ra một bước chuyển cơ bản trong quá trình đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập, quản lý giáo dục. Cùng với tin học, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hoá cần phải chú trọng đến việc giảng dạy tiếng Anh.
Thay đổi về nội dung đòi hỏi phương pháp giáo dục cũng phải thay đổi. Mục tiêu, nội dung, chương trình quy định việc thực hiện phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp giảng dạy tốt, khoa học, thì cũng không thể thực hiện thành công nội dung, chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi, thảo luận, khuyến khích tinh thần tự nghiên cứu và sự sáng tạo của người học.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Mặc dù có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục, nhưng yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất vẫn là con người, đó là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trực tiếp là đội ngũ giáo viên hệ phổ thông và giảng viên đại học. Hiện nay, khi đội ngũ nhà giáo của tỉnh còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng thì việc chuẩn hóa đội ngũ này là rất cần thiết. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cần kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng, tuyển dụng và sàng lọc, chuẩn hóa về chuyên môn, trình độ đào tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sư phạm; chú trọng việc tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt; từng bước thay thế đội ngũ nhà giáo có năng lực chuyên môn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của quá trình đào tạo. Để làm được điều này, một mặt, cần nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho giáo viên; mặt khác, phải nâng cao vị trí, vai trò của người thầy trong xã hội.
Tăng cường số lượng cán bộ giảng dạy có trình độ, học hàm, học vị, bởi đây lực lượng “mũi nhọn”, “đầu tàu”, “tinh hoa” của nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực làm công tác giảng dạy nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư ở tỉnh Quảng Ngãi còn rất thiếu so với yêu cầu phát triển của ngành giáo dục - đào tạo.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo đại học và sau đại học.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, đặc biệt chú trọng hợp tác trong đào tạo đại học và sau đại học là một trong những hướng đi chủ yếu nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Để giáo dục - đào tạo của tỉnh Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cần đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau. Các cấp chính quyền tỉnh cần thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để tìm hiểu các cơ sở đào tạo có chất lượng cao cho những ngành, nghề mà Quảng Ngãi đang có nhu cầu. Tỉnh cần liên kết với các trường đại học ở Quảng Ngãi, như Đại học Tài chính - Kế toán, Đại học Phạm Văn Đồng, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - Phân hiệu Quảng Ngãi để gửi học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập ở các trường đại học, các cơ sở đào tạo có uy tín của khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, để nhanh chóng có nguồn nhân lực thành thạo nghề, cần có sự hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đầu tư vào Quảng Ngãi, để gửi đi đào tạo, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp FDI, đặc biệt ở những lĩnh vực tỉnh còn đang yếu, các lĩnh vực công nghệ cao, như công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo máy, cơ khí, công nghệ lọc hóa dầu... Mặt khác, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng cơ sở đào tạo và có chính sách thu hút các chuyên gia giỏi của nước ngoài, Việt kiều của tỉnh đến tham gia giảng dạy, nghiên cứu./.
----------------
(1) Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 56
(2) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi: Báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi theo Nghị quyết số 22/2015/NQ-HĐND, ngày 27-10-2015, 2020, tr. 10
(3) Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi: Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 22/2015/NQ-HĐND, ngày 27-10-2015, của Hội đồng nhân dân tỉnh về đẩy mạnh và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030, 2020, tr. 10
(4) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi: Báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi theo Nghị quyết số 22/2015/NQ-HĐND, ngày 27-10-2015, 2020, tr. 15
Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ  (24/02/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển