Hà Nội đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
TCCS - Trong những năm vừa qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Nhờ vậy, thành phố đã trở thành điểm sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả nước.
Hoàn chỉnh định mức, tiêu chuẩn, chế độ
Một trong những điểm sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại thành phố Hà Nội là việc hoàn chỉnh định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cắt giảm 130 quy định và 454 định mức được hoàn chỉnh, 1.571 hạn mức đơn giá được thực hiện. Quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ là xương sống, là khung căn bản để Hà Nội thực hiện công tác tiết kiệm, chống lãng phí, mặc dù vẫn còn một số quy chuẩn, định mức cần tiếp tục được hoàn thiện thêm.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội thời gian qua được cải tiến đáng kể, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhờ vậy mang lại ý nghĩa thiết thực đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, để có được kết quả này Hà Nội đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2021, 6 năm qua UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của Trung ương, nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố trong công tác tài chính, ngân sách nhà nước. Trong đó, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND, ngày 5-12-2016, về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, bảo đảm quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, định mức phân bổ ngân sách đã phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của thành phố; góp phần thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; đổi mới quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Định mức phân bổ dự toán là cơ sở để thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính với các cơ quan nhà nước và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập…
Đối với việc ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá làm cơ sở đấu thầu, đặt hành sản phẩm dịch vụ công, hiện nay thành phố Hà Nội có 156 dịch vụ/nhóm dịch vụ, trong đó dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước 142 dịch vụ/nhóm dịch vụ; sản phẩm, dịch vụ công ích là 14 dịch vụ.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị tại Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc do một số lĩnh vực Trung ương chưa ban hành hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, như lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, công thương… nên một số cơ quan chuyên ngành ở địa phương chưa trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng loại dịch vụ sự nghiệp công, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công. Để giải quyết những vướng mắc, tồn tại này, UBND thành phố Hà Nội đã đôn đốc, rà soát, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước và các cơ chế chính sách làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Đồng thời, có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, trong đó đề xuất các bộ ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo ngành, lĩnh vực; ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của địa phương ban hành để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện.
Cân đối thu, chi ngân sách bảo đảm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội
Giai đoạn vừa qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao tình hình thực hiện thu, chi ngân sách để có các giải pháp điều hành ngân sách linh hoạt, chủ động, thận trọng, an toàn, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ tài chính ngân sách hằnh năm bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định, đạt được những kết quả nổi bật.
Tỷ lệ chi thường xuyên của thành phố Hà Nội từ 58,8% năm 2016 xuống còn 51,2% - tỷ lệ này rất thấp trong bối cảnh chi thường xuyên của cả nước ở mức cao. Để đạt được thành công này do thành phố Hà Nội không chỉ tiết kiệm chi thường xuyên 10% như quy định của Chính phủ (tương đương 6.000 tỷ đồng), mà Hà Nội còn có các quy định tiết kiệm chi thường xuyên thêm 9.000 tỷ - đây là con số rất lớn. Điều này thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của thành phố Hà Nội. Nhờ vậy, dư nợ của thành phố Hà Nội đã giảm từ 11.800 tỷ năm 2016 xuống còn 8.800 tỷ vào năm 2021. Đây là dư địa tốt để Hà Nội huy động nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2021, thành phố đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao để dành nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, thực hiện dự toán chi trả nợ các khoản đã huy động cho đầu tư phát triển, thực hiện dự toán chi trả nợ các khoản đã huy động cho đầu tư phát triển đến kỳ hạn trả nợ của ngân sách thành phố. Trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, thành phố đã tiết kiệm được 41.460.958 triệu đồng. Như vậy trung bình một năm thành phố tiết kiệm được trên 8.000 tỷ, gần bằng số chi của một tỉnh. Với sự quyết tâm, đồng lòng trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022 thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả cơ bản; cân đối thu - chi ngân sách luôn được bảo đảm./.
Hà Nội quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu  (06/11/2022)
Phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tạo sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội  (05/11/2022)
Hà Nội chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân  (05/11/2022)
Hà Nội tiếp tục phát huy sức mạnh mềm và tăng cường hội nhập quốc tế  (05/11/2022)
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay
- Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay