Phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tạo sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội
TCCS - Là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa lớn của cả nước với nhiều lợi thế so sánh, Hà Nội đã chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tạo dựng sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.
1- Thời gian qua, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa thông qua phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng, động lực cho sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Đây cũng chính là xu hướng phát triển chung của thế giới và được nhiều quốc gia lựa chọn để đưa vào chiến lược phát triển toàn diện và bền vững đất nước, góp phần gia tăng “sức mạnh mềm”, định vị thương hiệu mỗi quốc gia trên trường quốc tế. Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8-9-2016).
Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, như hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc (Hà Nội dẫn đầu cả nước với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, 1 di sản văn hóa thế giới); nguồn lực con người to lớn và vô cùng quý giá (trên 51,7% dân số trẻ, tập trung 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa). Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành công nghiệp văn hóa.
Trên cơ sở xác định những lợi thế so sánh về bề dày lịch sử, trên nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Qua đó, các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã từng bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại, góp phần củng cố thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bên cạnh những thuận lợi, thành phố Hà Nội cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như nhận thức của một số cấp, ngành, đơn vị về công nghiệp văn hóa còn hạn chế; kết cấu hạ tầng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô còn thiếu đồng bộ; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; thể chế, cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện. Hiện Hà Nội còn thiếu sự phối hợp, liên kết đồng bộ hiệu quả, liên ngành giữa các lĩnh vực khác nhau có liên quan; giáo dục, đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa được quan tâm đúng mức và chưa theo kịp sự tiến bộ, phát triển chung của khu vực và thế giới. Việc triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO về di sản văn hóa thế giới và “Thành phố sáng tạo” chưa được tập trung đẩy mạnh; tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; sản phẩm, dịch vụ và thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; các nguồn lực dành cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp văn hóa phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Việc đầu tư, hợp tác, liên kết, phát triển công nghiệp văn hóa từ khâu tạo sản phẩm, dịch vụ, đến thị trường trong nước và nước ngoài chưa được chú trọng đúng mức, chưa gắn với chuỗi giá trị văn hóa toàn cầu. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng môi trường sáng tạo, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều khó khăn; chưa xây dựng được cơ chế chính sách để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội và các nhà đầu tư lớn mạnh vào phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô...
2- Thời gian tới, để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó chủ trương thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, coi đó là một ngành kinh tế mũi nhọn, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tăng trưởng GRDP, tạo nhiều việc làm, thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển công nghiệp văn hóa theo các quy luật của kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và có chính sách đột phá. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và cộng đồng về vị trí, vai trò phát triển công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo lập thêm các biểu tượng mới cho Thủ đô trong thời kỳ phát triển mới. Góp phần quảng bá văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam ra thế giới; hướng tới sự phát triển bền vững để Hà Nội thực sự trở thành thành phố sáng tạo kết nối toàn cầu.
Hai là, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế - xã hội Thủ đô. Đổi mới cơ chế quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa Hà Nội. Nghiên cứu cơ chế hợp tác công - tư trong quản lý, khai thác, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững. Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục sáng tạo, trong đó chú trọng tạo lập môi trường nuôi dưỡng sáng tạo văn hóa, hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, đào tạo chuyên gia và công dân sáng tạo. Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện nguồn lực của thành phố. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, các chỉ báo, chỉ số, tiêu chí nhằm đánh giá thực trạng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Xây dựng tiêu chuẩn, quy trình quản lý, đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa mới tiệm cận với các tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO và thế giới.
Ba là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa với trình độ chuyên môn cao. Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý tham mưu trong lĩnh vực văn hóa có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh văn nghệ sỹ, nghệ nhân, các nhà khoa học, các nhà sáng tạo có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội; hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết thực hành, một số hoạt động khác có liên quan trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nguồn nhân lực văn hóa, du lịch, công thương, hình thành đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp và liên ngành. Ban hành chương trình giáo dục sáng tạo và triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm gắn kết các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ với nhau và với cộng đồng xã hội.
Bốn là, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong nước và ngoài nước. Tăng cường hợp tác, hội nhập với các thành phố có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh nhằm đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực, như du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, thành phố sáng tạo, kết nối chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.
Năm là, phát triển thị trường công nghiệp văn hóa. Kết nối các hoạt động xây dựng thị trường trong các lĩnh vực khác nhau, lấy thiết kế sáng tạo làm nền tảng cho các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kích cầu dịch vụ văn hóa để gia tăng hình ảnh và phát triển thị trường cho các hoạt động về công nghiệp văn hóa. Chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế, như ở khu vực nông thôn, làng nghề truyền thống, thông qua các chương trình đào tạo, hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế, để nâng cao năng lực sáng tạo cho người sản xuất, marketing hướng đến những thị trường mục tiêu cụ thể và triển lãm hay trưng bày tại các hội chợ thương mại quốc gia và quốc tế. Đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội với cả nước và thế giới.
Sáu là, quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án văn hóa phát triển chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa giành cho cộng đồng khu vực nội thành và ngoại thành. Triển khai hiệu quả một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa du lịch. Thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng. Phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa.
Bảy là, tăng cường giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược văn hóa đối ngoại. Mở rộng các hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa, tập trung nâng cao hiệu quả công tác giao lưu, đối ngoại văn hóa, hợp tác với các cơ quan, các tổ chức quốc tế trên địa bàn Thủ đô và cả nước. Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô lớn, có tầm quốc tế và khu vực đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức định kỳ hằng năm các hoạt động gặp gỡ, giao lưu văn hóa, các sự kiện văn hóa quốc tế lớn tại Thủ đô trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín trong khu vực, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa - nghệ thuật, những người và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa có uy tín, được đông đảo công chúng và các thị trường văn hóa quan tâm.
Xác lập thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa Thủ đô, xây dựng các chương trình quảng bá giới thiệu tại các hội chợ quốc tế, liên hoan du lịch quốc tế và các hoạt động quốc tế khác; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao. Tăng cường đầu tư xây dựng mới các công trình có tính biểu tượng văn hóa mới, hội nhập văn hóa giữa các vùng, miền, lãnh thổ, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Chủ động kết nối, mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia, các thành phố có kinh nghiệm, uy tín trong phát triển công nghiệp văn hóa, hợp tác trong các lĩnh vực có lợi thế, đào tạo các chuyên gia, cán bộ tham mưu thẩm định lĩnh vực văn hóa sáng tạo và ngày càng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị sản phẩm văn hóa làm nên thương hiệu của Thủ đô và Việt Nam.
Tám là, triển khai có hiệu quả các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm tạo môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, kết nối các không gian sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm. Xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo tại Hà Nội, tạo hệ sinh thái phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội, cảm hứng sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển của mỗi người dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
Hà Nội chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân  (05/11/2022)
Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong điều kiện mới  (05/11/2022)
Hà Nội xây dựng nông thôn hiện đại gắn với bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống  (02/11/2022)
Hà Nội tích cực xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong bối cảnh mới  (01/11/2022)
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
- Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
- Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay