Thành ủy Hà Nội lãnh đạo tăng cường đối thoại, tiếp thu, xử lý các ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
TCCS - Phát huy quyền làm chủ, vai trò chủ thể của nhân dân, Thành ủy Hà Nội thường xuyên chỉ đạo tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực xử lý các ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Tạo cơ chế đột phá trong tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Thủ đô
Các lãnh tụ của phong trào cộng sản thế giới đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc lắng nghe ý kiến quần chúng nhân dân. Theo V.I. Lê-nin, một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất đối với Đảng là “mất mọi liên hệ với quần chúng”. Người cho rằng: “Đánh giá người và gạt bỏ những kẻ “chui vào đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hóa”, thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài đảng và trong nhiều trường hợp thì cả những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài đảng nữa, rất là quý báu”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(2), “công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”(3). Đảng ta đã lãnh đạo xây dựng và thực hiện các cơ chế ngày càng hoàn thiện, hiệu quả để nhân dân bày tỏ ý kiến, đóng góp với cấp ủy, chính quyền các cấp và thực hiện quyền làm chủ trong quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia, dân tộc, của địa phương, đơn vị. Trong đó, Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở chính trị, tạo ra cơ chế và định hướng cụ thể để Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) và nhân dân góp ý với cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tạo điều kiện tổ chức thực hiện, tiếp nhận, xử lý, tiếp thu ý kiến góp ý.
Trong những năm qua, bên cạnh thuận lợi cơ bản, thành phố Hà Nội phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa, an ninh truyền thống và phi truyền thống... tác động lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý của chính quyền và hoạt động của MTTQ, các tổ chức CTXH. Thành phố Hà Nội là địa bàn trọng điểm, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá ngày càng tinh vi; những vấn đề phát sinh về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngày càng phức tạp. Do đó, Thành ủy xác định phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội vừa là mục tiêu, yêu cầu, vừa là giải pháp để tập trung trí tuệ của nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân nhằm phát triển Thủ đô và đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn và đáp ứng nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017, về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội” (gọi tắt là Quy chế), trong đó quy định về đối tượng chủ trì (Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp), đối tượng tiếp xúc, đối thoại (MTTQ, các tổ chức CTXH các cấp; cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân của thành phố); về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức và chế độ tiếp xúc, đối thoại; về quy trình tổ chức đối thoại (công tác chuẩn bị, công tác tổ chức hội nghị, trách nhiệm của đối tượng chủ trì và tham gia đối thoại, các nội dung công việc phải thực hiện sau khi kết thúc hội nghị); về phân công cấp ủy, chính quyền, các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Quy chế.
Yêu cầu đầu tiên đặt ra trong tiếp xúc, đối thoại là: Trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến, phản ánh, kiến nghị của MTTQ, các tổ chức CTXH và các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố; tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Quá trình tiếp xúc, đối thoại cũng phải bảo đảm nguyên tắc: bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của chính quyền; tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân địa phương thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý và phối hợp để người đứng đầu cấp trên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại địa phương mình lãnh đạo; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần xây dựng vì lợi ích của nhân dân; đồng thời, nghiêm cấm việc lợi dụng tiếp xúc, đối thoại để làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc đưa ra những thông tin không đúng, không có căn cứ nhằm vu cáo, đả kích, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân.
Điểm nổi bật trong Quy chế của Hà Nội là thực hiện đúng phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”; trong đó, quy định rõ người chịu trách nhiệm về công tác đối thoại (người đứng đầu cấp ủy, chính quyền); cơ quan chủ trì tham mưu (văn phòng cấp ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND), cơ quan phối hợp tham mưu (MTTQ, các tổ chức CTXH và các cơ quan liên quan), cơ quan theo dõi, giám sát thực hiện kết luận sau tiếp xúc, đối thoại (MTTQ, các tổ chức CTXH), cơ quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện Quy chế (cấp thành phố là Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với các ban xây dựng Đảng và Văn phòng Thành ủy); quy định cụ thể thời gian tiến hành các công việc, như: Đối với tiếp xúc, đối thoại định kỳ và thường xuyên, cần xây dựng chương trình, kế hoạch, trong đó xác định thời gian, địa điểm, hình thức, thành phần tham gia, có giấy mời tổ chức, cá nhân tham gia và kết hợp thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trước ngày tổ chức hội nghị 7 ngày. Sau khi kết thúc hội nghị tiếp xúc, đối thoại, chậm nhất là 10 ngày làm việc, văn phòng cấp ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết. Sau khi có thông báo kết luận, chậm nhất là 30 ngày làm việc, các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thông báo bằng văn bản về kết quả xem xét, giải quyết các ý kiến, vấn đề, nội dung chưa được làm rõ tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp đến người có ý kiến và cơ quan, đơn vị có liên quan (nếu có), báo cáo bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cùng cấp để theo dõi, chỉ đạo.
Với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Những vấn đề, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành cần thời gian nghiên cứu, xem xét, giải quyết để bảo đảm khách quan, đúng quy trình, trình tự quy định của pháp luật, phải thông báo bằng văn bản cho người có ý kiến tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại biết về thời gian, trách nhiệm của cơ quan giải quyết.
Ngay từ khi được ban hành, Quyết định số 2200-QĐ/TU đã được sự quan tâm, hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ rất cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là MTTQ, các tổ chức CTXH và nhân dân Thủ đô, nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng nền nếp tại Đảng bộ Thành phố.
Kết quả nổi bật từ việc thực hiện tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết các ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân
Sau 5 năm triển khai, việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU đã đạt kết quả nổi bật, góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố, củng cố niềm tin của nhân dân Thủ đô với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, từ năm 2017 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức 19 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố với MTTQ, các đoàn thể CTXH, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Đồng chí Bí thư Thành ủy đã trực tiếp đối thoại với đại biểu MTTQ, đại biểu nông dân, đại biểu phụ nữ, đại biểu đoàn viên, thanh niên, đại biểu doanh nghiệp. Đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị đều được tiếp thu, giải quyết. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân, các cấp, các ngành tích cực đối thoại với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến góp ý giúp chính quyền thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức nhiều cuộc đối thoại với tinh thần đồng hành, sát cánh cùng người dân, doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng; tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những ý kiến góp ý, kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của thành phố...
Cấp huyện tổ chức 208 hội nghị định kỳ với hơn 46.000 lượt người tham dự và hơn 8.500 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; 801 hội nghị đột xuất với hơn 34.000 lượt người tham dự và hơn 7.700 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị. Cấp xã tổ chức gần 3.000 hội nghị định kỳ với hơn 280.000 lượt người tham dự và hơn 42.000 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; hơn 2.000 hội nghị đột xuất với gần 98.000 lượt người tham dự và hơn 15.000 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị. Các ý kiến đối thoại tập trung vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; việc tạo điều kiện cho hoạt động của MTTQ, các tổ chức CTXH các cấp; công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở; thực hiện cải cách hành chính, nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, quản lý trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, an toàn thực phẩm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi; văn hóa, giáo dục, y tế, chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; những vấn đề liên quan đến tôn giáo... Các ý kiến góp ý, kiến nghị của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân đều được nghiêm túc tiếp thu, tỷ lệ trả lời, giải quyết đạt trên 98% đối với hội nghị định kỳ và trên 96% đối với hội nghị đột xuất ở cấp huyện; cấp xã tỷ lệ lần lượt là 97% và 83,7%. Các ý kiến vượt thẩm quyền được tổng hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc, đối thoại theo Quyết định 2200-QĐ/TU được các cấp ủy, chính quyền thực hiện thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, làm việc, giao ban giữa thường trực cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND các cấp với MTTQ, các tổ chức CTXH cùng cấp, được thể chế hóa trong quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Định kỳ hằng quý, Thường trực Thành ủy đều tổ chức hội nghị giao ban với MTTQ, các tổ chức CTXH thành phố. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố thường xuyên có các buổi làm việc với MTTQ, các tổ chức CTXH theo chuyên đề, kế hoạch công tác năm hoặc thông qua các Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình công tác của Đảng bộ Thành phố nhằm kịp thời lắng nghe, giải quyết kiến nghị, đề xuất của nhân dân thông qua MTTQ, các tổ chức CTXH, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thông suốt trong toàn hệ thống chính trị.
Thứ hai, công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại ngày càng bài bản. Phát huy dân chủ trong ban thường vụ cấp ủy khi bàn bạc, lựa chọn nội dung đối thoại thiết thực, thời điểm, địa bàn phù hợp, đối tượng tham gia đối thoại là những người có quyền lợi, trách nhiệm liên quan đến vấn đề đối thoại. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại được thực hiện đầy đủ từng bước theo Quyết định số 2200-QĐ/TU. Trong những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các địa phương đã đổi mới, sáng tạo trong phương thức tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hội nghị trực tuyến đến từng cơ sở. Công tác điều hành hội nghị tiếp xúc, đối thoại cơ bản đã bảo đảm dân chủ, cởi mở. Người chủ trì hội nghị nắm chắc nội dung, gợi mở, điều hành khoa học, linh hoạt, phù hợp với diễn biến hội nghị, thể hiện năng lực, trình độ và bản lĩnh của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, như sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện nhân dân địa phương trước khi tiếp xúc, đối thoại; giao các đồng chí ủy viên thường vụ, phụ trách địa bàn trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện kết luận hội nghị đối thoại liên quan đến địa bàn phụ trách; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại; huyện về xã, xã về thôn để thực hiện đối thoại với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”; tăng cường đối thoại chuyên đề về những nội dung, lĩnh vực nhân dân quan tâm hoặc còn có khó khăn, vướng mắc; mở rộng đối tượng chủ trì và tham gia đối thoại, mở rộng quy mô đối thoại, không chỉ là bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các cấp, mà người đứng đầu phụ trách ngành, lĩnh vực, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố ở nhiều nơi đã chủ động tổ chức đối thoại với đối tượng quản lý và nhân dân...
Thứ ba, thông qua tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân, Thành ủy đã xác định rõ hơn, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, khơi thông “điểm nghẽn”. Đặc biệt, bên cạnh các chương trình công tác toàn khóa, Thành ủy đã lựa chọn những vấn đề khó, có vướng mắc để ban hành các nghị quyết chuyên đề và các chỉ thị rất trúng và đúng, đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển của thành phố, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao(4).
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh; có sự đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đầu tư trong nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội tăng 3 bậc so với năm 2017 (năm 2021 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố). Đến nay, toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới, hoàn thành vượt mức kế hoạch hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở của người có công với cách mạng. Đến hết năm 2021, Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 14 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm (tăng 15 triệu so với năm 2017). 100% số trạm y tế xã có bác sỹ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 91,5%. 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 75,15% số hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh; 98% các thôn phủ sóng di động 3G/4G hoặc internet băng rộng. Diện mạo Thủ đô thay đổi rõ rệt, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang hơn. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.
Việc tổ chức các hội nghị đối thoại thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, để đối thoại, tháo gỡ, không để phát sinh “điểm nóng”, đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân trước những vấn đề quan trọng tại địa phương. Trước khi có Quyết định số 2200-QĐ/TU, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp (từ năm 2016 đến năm 2017: số đơn, thư tiếp nhận tăng 31,7%, số vụ khiếu nại, tố cáo tăng 12%). Đến nay, số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã giảm rõ rệt (năm 2017, thành phố đã tiếp nhận 7.214 đơn khiếu nại và 5.146 đơn tố cáo; đến năm 2021, còn 446 đơn khiếu nại, 254 đơn tố cáo). Nhiều địa phương không còn tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất an ninh, trật tự. Đồng thời, việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân tại các buổi đối thoại giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh; kết quả thực hiện đối thoại trở thành một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ, đánh giá sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp.
Bài học kinh nghiệm
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức CTXH và nhân dân, một số kinh nghiệm quý cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng, đó là:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, sự vào cuộc chủ động, mang tính nòng cốt của MTTQ, các tổ chức CTXH trong tổ chức đối thoại; bám sát mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, quy trình đối thoại theo quy định của Trung ương và Thành ủy. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo HĐND, UBND, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Đảng, chính quyền trong phối hợp với MTTQ, các tổ chức CTXH tham mưu chuẩn bị, tổ chức và thực hiện kết luận đối thoại theo nguyên tắc 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác tiếp xúc, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức CTXH và nhân dân nhằm tiếp thu những ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Coi kết quả thực hiện tiếp xúc, đối thoại là tiêu chí đánh giá chất lượng cấp ủy, tổ chức đảng và là tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thứ ba, làm tốt công tác nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo tình hình để lựa chọn đúng và trúng vấn đề đối thoại theo nhu cầu chính đáng của nhân dân và tình hình thực tiễn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập ý kiến góp ý của nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát, phản biện và nắm bắt dư luận xã hội của MTTQ, các tổ chức CTXH.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại theo hướng phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu của từng nhóm đối tượng đối thoại; không né tránh những việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, tập trung vào các nội dung tham vấn, đóng góp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý của các cấp chính quyền và lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là công chức, viên chức thường xuyên tiếp công dân. Tăng cường và mở rộng đối thoại trong tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn.
Thứ năm, tập trung xử lý các ý kiến đóng góp của MTTQ, các tổ chức CTXH và nhân dân trực tiếp tại hội nghị đối thoại và sau đối thoại, nhất là lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, triệt để các kiến nghị, đề xuất, các vấn đề dân sinh bức xúc, coi đây là nội dung có ý nghĩa quyết định để khẳng định thành công của đối thoại. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức CTXH trong giám sát thực hiện đối thoại, nhất là giám sát kết quả thực hiện kết luận đối thoại.
Tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực xử lý các ý kiến góp ý chính đáng của nhân dân là giải pháp căn cơ, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của địa phương, ủng hộ và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác: “Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói... Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình”(5), và “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”(6), vận dụng sáng tạo định hướng, chủ trương của Trung ương, phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm thực tiễn, Thành ủy Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền trong toàn Đảng bộ Thành phố đề cao hơn nữa trách nhiệm với nhân dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận; dựa vào nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
-------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, t. 44, tr. 152
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 326
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 668
(4) Như: Nghị quyết số 08-NQ/TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố”; Nghị quyết số 26-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”... Các chỉ thị như: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước...
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 335
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 233
Hà Nội tiếp tục phát huy sức mạnh mềm và tăng cường hội nhập quốc tế  (05/11/2022)
Nguồn lực đất đai trong Chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội  (05/11/2022)
Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong điều kiện mới  (05/11/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên